Muốn hoàn thiện, vững chắc, phải đồng bộ

15/01/2018 08:54:00 AM

(Canhsatbien.vn) - 

Việc huy động nguồn lực để xây dựng khu vực phòng thủ (KVPT) là một nhiệm vụ nằm trong chiến lược xây dựng nền quốc phòng toàn dân (QPTD), thế trận QPTD, phục vụ mục tiêu giữ nước từ sớm, từ xa của Đảng ta. Năm 2017, nhiệm vụ xây dựng KVPT có thêm bước tiến rõ nét, bảo đảm cho thế trận phòng thủ trên từng khu vực, địa phương ngày càng hoàn thiện.

Sự chuyển động về nhận thức ở đơn vị, địa phương

Thế trận phòng thủ chung của cả nước dựa trên sự hoàn thiện của KVPT trong từng tỉnh, thành phố (gọi chung là cấp tỉnh). Vì vậy, việc xây dựng KVPT cấp tỉnh vững chắc cần được đặc biệt coi trọng. KVPT cấp tỉnh vững chắc mới không tạo ra “lỗ hổng” của cả thế trận ở tầm chiến lược. Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế-xã hội (KT-XH) của từng địa phương khác nhau, nên việc xây dựng KVPT tất sẽ có sự không đồng đều cả về quy mô và hình thức. Nhưng nhìn chung trong năm 2017, việc xây dựng KVPT cấp tỉnh đã có sự tiến bộ rõ nét.

Lực lượng dự bị động viên thực hành tiến công địch trong Diễn tập KVPT huyện Sóc Sơn (Hà Nội) năm 2017. (Ảnh: Duy Hồng)

Về nhận thức: Cho đến nay, cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, ban, ngành, địa phương đều đã nhận thức được việc xây dựng KVPT là nhiệm vụ của chính mình mà không phải của riêng cơ quan quân sự hay LLVT. Chuyển biến được nhận thức này là do từ nhiều năm qua, chúng ta đã làm tốt công tác bồi dưỡng, giáo dục kiến thức quốc phòng, an ninh (QPAN) ở các cấp. Mọi đối tượng cán bộ từ cấp thôn trở lên đều được bồi dưỡng kiến thức QPAN. Nhiều địa phương, như: Thái Nguyên, Quảng Ninh, Nam Định, Điện Biên, Phú Thọ, Hà Nội, Nghệ An, Sóc Trăng, TP Hồ Chí Minh... đã mở rộng đối tượng bồi dưỡng kiến thức QPAN tới đảng viên, đoàn viên, chức sắc, chức việc tôn giáo, cán bộ hưu trí... Việc nâng cao nhận thức về thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng cho các tầng lớp nhân dân cũng được chú trọng với nhiều hình thức, như: Xây dựng và phổ biến tủ sách pháp luật ở cấp xã, cấp thôn; tăng cường thời lượng tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là đối với hệ thống truyền thanh ở cơ sở; mở các cuộc thi tìm hiểu truyền thống LLVT ở địa phương; thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội... Tất cả những việc làm đó tạo nên ý thức, trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc cho các tầng lớp nhân dân-cơ sở để xây dựng tiềm lực chính trị, tinh thần trong KVPT.

Đánh giá của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng tại Hội nghị quân chính toàn quân năm 2017 cho thấy, từ ý thức, trách nhiệm của cán bộ và toàn dân trong thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng đã trở thành những kết quả cụ thể, đó là: Năm qua, các địa phương trong cả nước đều hoàn thành tốt chỉ tiêu tuyển quân, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng và huấn luyện dân quân, tự vệ (DQTV), dự bị động viên (DBĐV). Trong nhân dân đã hình thành nhiều mô hình xóm làng tự quản về QPAN; phong trào tự quản đường biên, mốc giới, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị được thực hiện tốt, các mô hình tổ tàu, thuyền tự quản trên biển có những tiến bộ mới... góp phần tích cực vào củng cố thế trận QPTD của Đảng. Nhiều tỉnh, thành phố đã triển khai và hoàn thiện các đề án, dự án, quy hoạch về nhiệm vụ QPAN. Nhiều khu căn cứ hậu cần, căn cứ địa phương trong KVPT đã hình thành và được xác định ổn định nguồn đầu tư xây dựng các công trình quốc phòng từ ngân sách địa phương.

Tăng cường diễn tập rà soát các phương án

Việc diễn tập để kiểm nghiệm, rà soát các phương án tác chiến, phương án phòng thủ là nhiệm vụ được tiến hành thường xuyên, liên tục ở khắp các địa phương. Năm qua, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương tiếp tục thực hiện các cuộc diễn tập KVPT với mục tiêu vừa kiểm nghiệm khả năng vận hành cơ chế, năng lực chỉ huy hiệp đồng, vừa kiểm nghiệm thực lực huy động lực lượng, phương tiện, cơ sở vật chất trong KVPT phục vụ nhiệm vụ quốc phòng. Yêu cầu về kịch bản, vấn đề diễn tập... được Bộ Tổng Tham mưu đặt ra đối với mỗi địa phương theo những tiêu chí khác nhau, mục đích là để kiểm nghiệm toàn bộ năng lực của KVPT dựa trên thực tiễn cơ sở KT-XH của địa phương. Từ sự chỉ đạo ấy, trong năm 2017, toàn quốc đã thực hiện hàng trăm cuộc diễn tập phòng thủ từ cấp xã trở lên, bảo đảm đạt yêu cầu đề ra. Các địa phương cũng đã huy động hàng triệu ngày công vừa phục vụ diễn tập, vừa tổ chức tuần tra, canh gác giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Nổi bật là các cuộc diễn tập phòng thủ tại các tỉnh, như: Lào Cai, Quảng Ninh, Hưng Yên, Thanh Hóa, Kon Tum, Vĩnh Long... đã vừa huy động được hệ thống chính trị và nhân dân vào cuộc, vừa gắn kết chặt chẽ nhiệm vụ diễn tập với xây dựng kết cấu hạ tầng cơ sở, phục vụ phát triển KT-XH ở địa phương. Chẳng hạn ở tỉnh Quảng Ninh, địa phương đã kết hợp tốt diễn tập KVPT với xây dựng hệ thống đường dân sinh và các công trình quốc phòng trị giá hàng chục tỷ đồng. Các cuộc diễn tập cũng gắn kết chặt chẽ giữa thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng với giữ gìn an ninh chính trị ở cơ sở, nhất là trên những địa bàn chiến lược. Đây cũng là kết quả từ sự phối hợp thực hiện nhiệm vụ giữa Bộ Quốc phòng và Bộ Công an theo Nghị định số 77/2010/NĐ-CP của Chính phủ.

Lực lượng dân quân phối thuộc bắn chiến đấu trong Diễn tập KVPT tỉnh Yên Bái năm 2017. (Ảnh: Thanh Năm)

Mặc dù đã đạt được những kết quả rõ rệt, nhưng so với yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, thông qua các cuộc diễn tập cũng cho thấy những hạn chế cần tiếp tục khắc phục trong năm 2018, đó là: Từng địa phương cần tiếp tục củng cố, rà soát lại các phương án tác chiến, nhất là cấp huyện. Bởi trong năm qua, với sự phát triển KT-XH trong cả nước, đã có nhiều công trình mới hoàn thành khiến mục tiêu bảo vệ, địa hình cơ động... đều có sự thay đổi, do đó những vấn đề này cần phải được cập nhật, bổ sung vào phương án phòng thủ. Việc quản lý, huy động lực lượng, nhất là lực lượng DQTV, DBĐV cũng cần phải tiến hành chặt chẽ, bởi trong điều kiện kinh tế thị trường hiện nay, lực lượng thường xuyên có sự biến động lớn, nếu không có cơ chế quản lý phù hợp thì sẽ rất khó huy động lực lượng khi tình huống xảy ra. Công tác quy hoạch phát triển KT-XH cần phải gắn kết chặt chẽ với thực hiện nhiệm vụ QPAN và phải coi việc phòng thủ địa phương là một điều kiện để xác định quy hoạch KT-XH. Tuyệt đối không được coi nhẹ nhiệm vụ quân sự, quốc phòng khi phát triển KT-XH như một số địa phương vừa qua đã mắc phải.

Trần Tuấn (Nguồn: qdnd.vn)

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục gửi về banbientapcsb@gmail.com