17/07/2015 05:46:00 PM
(Canhsatbien.vn) -
Đó là ý kiến chỉ đạo của Tư lệnh Cảnh sát biển - Thiếu tướng Nguyễn Quang Đạm đối với ngành tài chính của lực lượng tại Hội nghị sơ kết công tác tài chính 6 tháng đầu năm 2015, được tổ chức ngày 15/7 vừa qua.
Thiếu tướng Nguyễn Quang Đạm phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Anh Tuấn)
Báo cáo về tình hình thực hiện công tác tài chính 6 tháng đầu năm 2015, Thượng tá Nguyễn Đình Đức - Trưởng phòng Tài chính BTL Cảnh sát biển khẳng định: công tác tài chính luôn nhận được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Thủ trưởng BTL cũng như sự chỉ đạo, hướng dẫnkịp thời của các cơ quan chức năng Cục Tài chính, BQP. Song, trong bối cảnh tổ chức biên chế của lực lượng liên tục có sự biến động đã ảnh hưởng nhất định tới công tác tài chính của các cơ quan, đơn vị do có sự thay dổi về chỉ huy các đầu mối chi tiêu sử dụng ngân sách.
Mặc dù vậy, cơ quan tài chính các cấp đã làm tốt chức năng tham mưu giúp việc cho Đảng ủy, chỉ huy cấp mình về công tác tài chính; chấp hành nghiêm quy chế lãnh đạo và thực hiện tốt chế độ báo cáo với đảng ủy, chỉ huy về công tác tài chính. Trên cơ sở dự toán ngân sách 2015 được Bộ Quốc phòng giao, Phòng Tài chính đã phối hợp với các ban ngành lập phương án phân bổ ngân sách kịp thời, sát đúng với nhu cầu cho các đơn vị trực thuộc đồng thời tổng hợp báo cáo Cục Tài chính phương án phân bổ ngân sách và tiến hành giao chỉ tiêu ngân sách cho các đơn vị trực thuộc đúng thời gian quy định.
Cơ quan tài chính đã tăng cường kiểm soát chi tiêu qua các bước: trước - trong và sau khi chi tiêu bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định. Thực hiện nghiêm túc công tác bảo đảm tài chính cho các nhiệm vụ thường xuyên cũng như đột xuất. Bên cạnh đó, cơ quan tài chính cũng đã thực hiện tương đối tốt chế độ thanh quyết toán tài chính, chế độ kế toán thống kê, quản lý tiền mặt; các hoạt động có thu được quản lý chặt chẽ, đúng mục đích, đáp ứng tốt cho nhiệm vụ chính trị; thực hiện chế độ thanh tra - kiểm tra theo đúng quy định…
Ghi nhận những kết quả đạt được của ngành tài chính, Thiếu tướng Nguyễn Quang Đạm - Tư lệnh Cảnh sát biển khẳng định: Công tác tài chính thời gian quacơ bản có nhiều tiến bộ; công tác dự toán đã bám sát yêu cầu, nhiệm vụ và sự phát triển tổ chức lực lượng; việc thực hiện chi tiêu ngân sách đã có nhiều đổi mới và hiệu quả, nhất là cơ chế điều hành, quy định, nguyên tắc sử dụng. Những kết quả này đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ và xây dựng đơn vị VMTD.
Tuy nhiên, đồng chí Tư lệnh cũng đã thẳng thắn chỉ ra những khó khăn và các mặt còn tồn tại trong công tác tài chính như: tổ chức lực lượng phát triển nhanh, đầu tư lớn, điều kiện hoạt động công tác rộng, phức tạp ảnh hưởng đến công tác tài chính; công tác lập dự toán ngân sách chưa sát, việc sử dụng ngân sách còn chậm, thực hành tiết kiệm chưa hiệu quả. Việc quản lý nhập xuất vật tư hàng hóa, vật tư thay thế, thu hồi sau sửa chữa chưa chặt chẽ, còn nhiều bất cập. Công tác phối hợp giữa các ngành nghiệp vụ với cơ quan tài chính cùng cấp trong việc chi tiêu sử dụng kinh phí chưa nhịp nhàng, Thực hiện hướng dẫn về thủ tục hồ sơ trong thanh quyết toán tài chính còn áp dụng dập khuôn, máy móc… Nguyên nhân chính là nhận thức trách nhiệm và biện pháp tổ chức thực hiện.
Để thực hiện tốt công tác quản lý tài chính, hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra trongthời gian tới, Tư lệnh Cảnh sát biển yêu cầu:
1. Cơ quan tài chính các cấp cần phải nhận thức đầy đủ về vị trí, yêu cầu, trách nhiệm của mình trong công tác giám sát quá trình sử dụng ngân sách của các ngành nghiệp vụ và quản lý vật tư tài sản của đơn vị. Không chi cũng là trách nhiệm, chi sai cũng là trách nhiệm, chi chậm cũng là trách nhiệm. Vì vậy, phải nâng cao tinh thần trách nhiệm, chủ động phối hợp và hướng dẫn các ngành nghiệp vụ trong quá trình chi tiêu sử dụng ngân sách bảo đảm đúng nguyên tắc chế độ tài chính, hồ sơ chứng từ bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định.
2. Phải đẩy nhanh tiến độ chi tiêu. Quá trình thực hiện ngân sách phải đúng quy trình quy định, nhất là quy định mua sắm trong đấu thầu theo Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 ngày 26/11/2013 và Nghị định 63/2014/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đấu thầu; đăng ký xuất nhập vật tư, quản lý vật tư tài sản sau mua sắm; có biện pháp khắc phục kịp thời những tồn tại mà báo cáo sơ kết công tác tài chính 6 tháng đầu năm đã chỉ ra, nhất là các nguyên nhân chủ quan.
3. Kiên quyết xuất toán những nội dung chi tiêu không đủ hồ sơ hoặc hồ sơ sai nguyên tắc, vi phạm luật; xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu cơ quan tài chính. Không cấp ứng các khoản chi tiếp theo khi chưa quyết toán chi tiêu các khoản ứng trước. Trước khi chi tiêu phải lập kế hoạch tháng, quý.
4. Nhanh chóng quyết toán các dự án hoàn thành, mở mới các dự án và giaocho các tiểu ban. Người được giao phụ trách phải thường xuyên cập nhật tiến độ, có biện pháp sát thực, hiệu quả trên tinh thần thực hiện Cuộc vận động 50, đảm bảo an toàn, tiết kiệm.
5. Có biện pháp quản lý chặt chẽ tài sản: từ khâu lập kế hoạch chi tiêu mua sắm: mua gì, làm gì, cấp cho ai, chỉ ký thanh lý khi có hóa đơn nhập kho, quyết định trang bị.
6. Cơ quan tài chính các cấp phải tham mưu cho người chỉ huy và thực hiện tốt quy định, điều lệ công tác tài chính theo hướng chủ động, hiệu quả từ khâu: lập dự toán, lập kế hoạch hướng dẫn chi tiêu, thực hiện chi tiêu, quyết toán ngân sách, quản lý vật tư tài sản và chế độ kiểm tra; áp dụng công nghệ thông tin vào quản lý tài chính, vật tư tài sản và có biện pháp quản lý toàn diện các nguồn ngân sách trong đơn vị.Khi cấp ngân sách, các ngành phải có hướng dẫn chi tiêu cụ thể.
7. Giao Cục Hậu cần, Cục Kỹ thuật xây dựng các định mức chưa có, chưa đủ và tham mưu, đề xuất, báo cáo, quyết định theo thẩm quyền, nhất là định mức điện mới cho cơ sở mới, trang bị mới, định mức sửa chữa, đóng mới, quy định quy trình sửa chữa phương tiện phù hợp với tổ chức mới, bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm, kịp thời. Giao Bộ Tham mưu chủ trì nghiên cứu xây dựng đề án tiêu chuẩn và định mức hóa trang bị cho lực lượng. Phòng Tài chính hướng dẫn cập nhật phần mềm quản lý tài chính cho các đơn vị.
8. Làm tốt công tác kiểm kê 0h ngày 1/7, 0 h ngày 31/12: khi có các quyết định về tổ chức, thuyên chuyển cán bộ, người chỉ huy phải coi trọng biên bản bàn giao tài sản trang bị; cơ quan tài chính các cấp phải có hướng dẫn giao nhận cụ thể. Cơ quan tài chính các cấp phải đẩy mạnh xây dựng chính quy ngành vững mạnh toàn diện, chi bộ trong sạch vững mạnh.
Công tác tài chính, quản lý tài sản là một mặt công tác của cơ quan, đơn vị và người chỉ huy điều hành theo luật, quy chế, quy định dưới sự lãnh đạo của cấp ủy cùng cấp. Để đưa công tác tài chính ngày một hoàn thiện hơn, đi vào nền nếp thì trước tiên cán bộ chủ trì các cấp cần quan tâm, lãnh đạo chỉ đạo sâu sát, toàn diện đối với các ngành nghiệp vụ do mình phụ trách trong việc chi tiêu sử dụng ngân sách. Chỉ đạo các cơ quan nghiệp vụ phải phối hợp với cơ quan tài chính và giúp cơ quan tài chính phát huy tối đa vai trò giám sát “trước, trong, và sau khi chi tiêu” sử dụng ngân sách. Có như vậy mới nâng cao chất lượng về công tác tài chính, góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao.