Bàn tay vàng của ngành Kỹ thuật Cảnh sát biển

07/06/2018 10:14:00 AM

(Canhsatbien.vn) - 

Nhìn dáng người nhỏ nhắn, mảnh khảnh của thiếu tá QNCN Phạm Ngọc Minh - Nhân viên Ban Khí tài- Điện tử/Phòng Kỹ thuật/Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1 ít ai nghĩ chàng trai quê vải Thanh Hà - Hải Dương này lại có nhiều thành tích xuất sắc trong công tác và được anh em cán bộ, chiến sĩ trong toàn đơn vị dành cho tình cảm tin yêu, mến phục đến vậy.

Thiếu tá QNCN Phạm Ngọc Minh xử lý sự cố của thiết bị điện tử trên tàu Cảnh sát biển.

Có lẽ với Phạm Ngọc Minh, cái tố chất đam mê nghiên cứu, sửa chữa kỹ thuật đã ngấm vào máu khi anh còn là một cậu bé đang ngồi trên ghế nhà trường phổ thông. Trải qua 25 năm công tác trong môi trường quân ngũ, với những kiến thức được đào tạo cộng với sự say mê, nhiệt tình trong công việc được giao, Thiếu tá QNCN Phạm Ngọc Minh được coi là “bàn tay vàng” của ngành Kỹ thuật BTL Vùng Cảnh sát biển 1 nói riêng cũng như Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam nói chung.
Với cương vị là nhân viên sửa chữa khí tài - điện tử, Phạm Ngọc Minh luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, tính tự giác, chủ động trong các mặt công tác và thực hiện tốt nhiệm vụ theo chức trách được giao. Anh thường xuyên nghiên cứu, tìm hiểu chuyên môn kỹ thuật thông qua các tài liệu chuyên ngành và các loại máy móc mà mình tiếp xúc hằng ngày để hiểu sâu hơn nữa về tính năng, nguyên lý hoạt động của trang thiết bị khí tài, điện tử hiện có của đơn vị. Bằng những kiến thức điện tử học được kết hợp ứng dụng công nghệ thông tin vào việc sửa chữa trang thiết bị, những năm qua, Phạm Ngọc Minh đã cùng với tập thể Ban Khí tài - Điện tử trực tiếp sửa chữa, khắc phục được hàng trăm hạng mục hư hỏng, hạng mục vượt cấp. Nhiều hạng mục được anh sửa chữa ngay trên biển, bảo đảm sự hoạt động kịp thời của các loại máy móc trang bị thuộc ngành, góp phần hoàn thành nhiệm vụ trong các chuyến công tác của các tàu.

Chừng ấy năm gắn bó với công việc, Phạm Ngọc Minh không thể nhớ hết được số lần anh trực tiếp sửa chữa những hỏng hóc xảy ra với các tàu làm nhiệm vụ trên biển. Nhưng có những chuyến công tác anh không thể nào quên như trường hợp tàu CSB 8003 trong chuyến thực hiện nhiệm vụ trên vùng biển Hoàng Sa năm 2014 bị hỏng mạch điện khởi động và bảo vệ động cơ diesel của máy phát điện. Ròng rã hai ngày trời tỉ mẩn kiểm tra, dò từng mạch điện, từng con trở tại khoang máy trong điều kiện tàu đang hành trình, sóng gió to, con tàu tròng trành cộng với tiếng máy nổ đinh tai, cuối cùng anh đã khắc phục xong sự cố trong niềm vui của anh em toàn tàu.
Hay như tàu CSB 3004 trong một chuyến công tác trên vùng biển Quảng Ninh bỗng xảy ra sự cố hỏng màn hình của ra-đa hàng hải. Nhận được lệnh điều động của chỉ huy đơn vị, Phạm Ngọc Minh tức tốc lên đường đi đường bộ ra Quảng Ninh rồi đi xuồng ra vị trí tàu neo đậu. Bằng kinh nghiệm của mình, qua kiểm tra anh phát hiện, hệ thống màn hình ra-đa hàng hải của tàu bị hỏng mạch nguồn. Minh đã khẩn trương khắc phục, sửa chữa hư hỏng, bảo đảm cho thiết bị hoạt động tốt. Sự có mặt kịp thời của anh đã làm cho anh em trên tàu an tâm hơn trong mỗi chuyến làm nhiệm vụ tiêu biểu.

Là người gắn bó nhiều năm, Minh hiểu được đặc điểm tình hình của đơn vị có nhiều tàu, xuồng với nhiều trang thiết bị hiện đại, luôn hoạt động trong môi trường nước biển dài ngày, thời tiết khắc nghiệt nên không tránh khỏi được những sự cố, hỏng hóc xảy ra. Trong khi đó, các trang thiết bị điện tử tàu thuyền trên thị trường không có sẵn, phải đặt mua ở nước ngoài, giá rất đắt. Làm sao để tiết kiệm được kinh phí khi thay thế, sửa chữa những thiết bị nhập ngoại đây? Đó là câu hỏi thường xuất hiện trong đầu mỗi khi anh nhận được thông báo về tình trạng trang thiết bị điện tử của các phương tiện bị sự cố, hư hỏng, cần phải thay thế, sửa chữa. Điều đó chính là động lực thôi thúc con người say mê kỹ thuật như Phạm Ngọc Minh luôn tìm tòi, nghiên cứu để cho ra đời những sản phẩm có giá trị thực tiễn cao và giúp anh xua bớt những trăn trở, nghĩ suy thường trực. Các sáng kiến, cải tiến kỹ thuật của anh cứ thế lần lượt ra đời và phát huy tốt hiệu quả trong thực tiễn, được cơ quan chức năng và anh em trực tiếp sử dụng đánh giá cao, góp phần làm lợi cho đơn vị hàng trăm triệu đồng.

Có thể kể một vài sáng kiến tiêu biểu của Phạm Ngọc Minh như đề tài “Cải tiến chuyển đổi mạch cảm biến máy đo gió VETUS”, ở đề tài này, Minh đã nghiên cứu và thay thế mạch cảm biến đo tốc độ gió từ kiểu điện từ sang kiểu quang điện. Với đề tài “Cải tiến mạch xung phương vị radar JRC JMA- 2254”, Phạm Ngọc Minh đã cải tiến mạch tạo xung gốc của radar, gọi là xung BEARING nhằm mục đích thay thế linh kiện chính hãng rất đắt tiền và khó tìm mua trên thị trường hiện nay để chuyển sang sử dụng linh kiện thông thường, sẵn có với giá thành thấp và có tính năng, chất lượng tương đương. Trong số đó, đề tài “Cải tiến mạch cấp nguồn tạo xung của bộ nguồn máy thông tin SEICOM” là đề tài anh dành nhiều thời gian, công sức để nghiên cứu nhất. Chỉ cho tôi xem sản phẩm của mình, Minh giải thích một cách cặn kẽ, ở thiết bị này, anh sử dụng các mạch điện phụ với nguyên lý thiết kế đơn giản để thay đổi chế độ hoạt động của mạch cấp nguồn cho bộ tạo xung điều khiển chuyển mạch công suất từ chế độ hoạt động liên tục, hiệu suất thấp, tỏa nhiệt mạnh, dễ hư hỏng sang chế độ hoạt động “xung khởi động”. Tức là mạch cấp nguồn chỉ hoạt động một thời gian rất ngắn để khởi động bộ nguồn sau đó được nghỉ. Việc cấp nguồn cho bộ tạo xung sau đó sẽ do bộ nguồn tự đảm nhiệm từ điện áp được lấy từ đầu ra của bộ nguồn kết hợp với cầu nắn điện phụ và vi mạch ổn áp. Vì vậy, đã khắc phục triệt để tình trạng hư hỏng bộ phân áp bằng điện trở và mạch dao động cách ly do phải làm việc liên tục suốt quá trình bộ nguồn hoạt động. Mặt khác, bộ tạo xung được cấp nguồn từ chính điện áp ra thông qua vi mạch ổn áp do đó có độ ổn định rất cao giúp nâng cao rõ rệt các tham số cơ bản, tính ổn định, bền vững của bộ nguồn, góp phần giảm tỷ lệ hư hỏng của bộ nguồn và của các trang bị khí tài điện tử trong quá trình hoạt động. Minh hào hứng nói: “Chỉ với một lượng chi phí rất nhỏ (khoảng vài chục ngàn đồng) và một khoảng thời gian thực hiện ngắn, bộ nguồn SEICOM đã được khắc phục hoàn toàn các nhược điểm trước đó. Sản phẩm mới giúp cho bộ nguồn hoạt động ổn định, bền vững, giảm tỷ lệ hư hỏng từ 80-85%, góp phần nâng cao khả năng hoạt động của trang thiết bị!”.

Sự khích lệ, động viên của chỉ huy đơn vị như đã tiếp thêm nghị lực để anh tích cực phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, xây dựng và phát triển các mô hình học cụ, trang thiết bị huấn luyện của đơn vị. Trong hai năm 2015 và 2016, Phạm Ngọc Minh đều có sản phẩm tham gia hội thi “Sáng kiến, cải tiến mô hình học cụ, trang thiết bị huấn luyện” từ cấp BTL Vùng đến cấp toàn quân, đã có hai sản phẩm được áp dụng vào thực tế sửa chữa, khai thác của đơn vị.

Ngoài ra, Phạm Ngọc Minh còn thường xuyên hỗ trợ sửa chữa trang bị và hướng dẫn bảo đảm kỹ thuật cho các đơn vị trong Lực lượng Cảnh sát biển theo sự chỉ đạo và phối hợp của Phòng Khí tài - Điện tử/ Cục Kỹ thuật Cảnh sát biển, góp phần vào công tác bảo đảm kỹ thuật cho toàn Lực lượng. Trong các năm từ 2014 - 2017, anh đã có 30 lần chuyến công tác đến các địa phương, đơn vị, các vùng biển, đảo để thực hiện nhiệm vụ bảo đảm kỹ thuật và sửa chữa các trang thiết bị hư hỏng trên các tàu đang làm nhiệm vụ trực tại đây. Ngoài ra anh còn có nhiều chuyến đi làm nhiệm vụ theo dõi, khảo sát, nghiệm thu và thử nghiệm các trang thiết bị khí tài điện tử trên các tàu thuộc biên chế của BTL Vùng.

Với sự cố gắng, nỗ lực vượt mọi khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ, chức trách của mình, những năm qua, Thiếu tá QNCN Phạm Ngọc Minh luôn được Thủ trưởng các cấp ghi nhận và biểu dương, khen thưởng. Ba năm liền, anh vinh dự được bầu là Chiến sĩ Thi đua cấp cơ sở và là một trong 10 gương mặt tiêu biểu trong Hội nghị Tôn vinh, biểu dương, khen thưởng cá nhân điển hình tiên tiến 3 năm thực hiện Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” giai đoạn 2014 - 2017 được Đảng ủy Vùng tổ chức vừa qua.

Đại tá Ngô Bình Minh - Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1 nhận xét về Thiếu tá QNCN Phạm Ngọc Minh cho biết: Những năm qua, đồng chí Phạm Ngọc Minh luôn là một cá nhân tiêu biểu của ngành Kỹ thuật BTL Vùng Cảnh sát biển 1. Bản thân đồng chí luôn nỗ lực, cố gắng trong thực hiện nhiệm vụ được giao; tích cực thực hiện Cuộc vận động 50 của Bộ Quốc phòng về “Quản lý, khai thác VKTBKT tốt, bền, an toàn tiết kiệm và an toàn giao thông” và hai khâu đột phá của ngành Kỹ thuật “Xây dựng nền nếp chính quy kỹ thuật và làm chủ VKTBKT”, góp phần cùng BTL Vùng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao./.

Mạnh Thường

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục gửi về banbientapcsb@gmail.com