Con ong thợ của ngành Kỹ thuật

02/01/2014 04:16:00 AM

(Canhsatbien.vn) - 

 Nhằm đẩy mạnh các phong trào thực hiện Cuộc vận động 50 về “Quản lý, khai thác vũ khí trang bị kỹ thuật tốt, bền, an toàn tiết kiệm và An toàn giao thông” và thực hiện tốt hai khâu đột phá của nghành kỹ thuật “Xây dựng chính qui và làm chủ vũ khí trang bị kỹ thuật” ở các đơn vị tàu, thuyền, trong những năm qua, Đảng ủy, Chỉ huy Vùng Cảnh sát biển 4 luôn quan tâm, chú trọng đến vũ khí trang bị kỹ thuật và công tác kỹ thuật, đặc biệt là ngành khí tài điện tử, đây được coi là một trong những yếu tố quan trọng tạo nên sức mạnh chiến đấu của Quân đội, tiềm lực quốc phòng nói chung và là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của đơn vị nói riêng.

Để những con tàu luôn duy trì hệ số kỹ thuật, hệ số sử dụng được cao nhất, sẵn sàng cơ động thực hiện những nhiệm vụ thường xuyên và đột xuất, các phong trào trong toàn Vùng đã có sức lan tỏa rộng rãi, tiêu biểu nhất là phong trào “ Ngày thanh niên tự quản” của đoàn viên thanh niên trong toàn Vùng, lôi cuốn được đông đảo đoàn viên thanh nhiên tham gia và đã xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu, trong đó có Trung úy Phạm Văn Huy, trợ lý khí tài điện tử, Phòng Kỹ thuật, Vùng Cảnh sát biển 4.

Gặp anh sau giờ bảo quản kiểm sửa với trang phục thao tác còn thấm đẫm mồ hôi, trên tay với chiếc đồng hồ đo điện từ, anh nở một nụ cười tươi rói, vừa lau những giọt mồ hôi trên trán, anh vừa nói: “ Đồng chí thấy đấy, chúng tôi vừa chăm sóc cho hệ thống khí tài điện tử trên các con tàu tuần tiễu, từ hệ thống hàng hải, hệ thống ra đa và các thiết bị thông tin liên lạc, tất cả các bộ phận tưởng như tách rời nhưng lại hoạt động trên nguyên lý chung. Chúng tôi phải đảm bảo cho hệ thống hoạt động thông suốt, sẵn sàng đưa vào hoạt động, thế nên các hệ số phải luôn chính xác, tỉ mỉ đến từng chi tiết, chỉ cần sai sót nhỏ cũng có thể gây mất an toàn cho cả hành trình”.

Phạm Văn Huy đang cần mẫn bên công trình của mình.

Nói đến ngành khí tài điện tử, thì chắc hẳn mỗi người lính tàu đều biết đó là một ngành kỹ thuật đặc biệt, vì nó gắn liền với điều kiện làm việc trong môi trường công tác có đặc điểm, tính chất hết sức phức tạp và khó khăn, họ phải thường xuyên làm việc với cường độ cao, tác nghiệp trên các hệ thống điện tử. Từ hệ thống hàng hải phải phải luôn xác định hướng đi, vận tốc, vị trí của tàu trong mọi điều kiện thời tiết, hệ thống ra đa quan sát phát hiện mục tiêu khả nghi, phân luồng cho tàu để tránh va chạm, hệ thống thông tin liên lạc phải luôn thông suốt với đài chỉ huy để đảm bảo truyền đạt kịp thời các tín hiệu và mệnh lệnh chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu, hiệp đồng chặt chẽ cho các đơn vị phối hợp chiến đấu. Mỗi hệ thống hoạt động riêng biệt, chặt chẽ, đòi hỏi độ chính xác cao nhất, vì thế mà mỗi cán bộ, chiến sĩ phải luôn tự học tập, nghiên cứu khai thác, nắm vững tính năng kỹ thuật của từng loại trang bị kỹ thuật, từ đó xác định và xây dựng cho mình một động cơ làm việc đúng đắn, hăng say.

Tuổi thơ gắn liền với dòng sông Mã oai hùng, từ những buổi chăn trâu đốt lửa với đám bạn cùng trang lứa, Phạm Văn Huy đã ước mơ được trở thành “chú bộ đội” với ngôi sao sáng trên mũ, thế rồi ước mơ ấy cứ lớn dần cho tới khi anh thi đậu vào Học viện Hải quân, chuyên ngành Rada. Ra trường với cấp hàm Trung úy, anh được cấp trên tin tưởng giao nhiệm vụ về công tác tại Phòng Kỹ thuật – Vùng Cảnh sát biển 4. Mới về đơn vị công tác, được thao tác trực tiếp trên các trang thiết bị máy móc hiện đại, anh không khỏi bỡ ngỡ bởi hầu hết các trang bị khí tài điện tử thường xuyên được cải biến, thay thế mới, hiện đại và phức tạp hơn, đòi hỏi phải có năng lực chuyên môn cao. Nhưng với ý chí quyết tâm cao, với sức trẻ của bản thân và vốn liếng vừa được học tập trên ghế nhà trường, anh đã cùng anh em trong ngành trao đổi về chuyên môn, tích cực nghiên cứu các tài liệu, áp dụng linh hoạt giữa lý thuyết và thực nghiệm để nắm bắt được tính năng kỹ thuật, chế độ khai thác sử dụng vận hành từng chi tiết máy móc trang thiết bị điện tử.

Đặc biệt, anh cho biết mình vừa xây dựng xong phần mềm “ Mô hình huấn luyện tổng hợp máy thông tin ICOM M700TY”. Đây là dạng phần mềm được viết trên ngôn ngữ lập trình VB6.0. Mô tả thực hành mô hình của máy thông tin 700TY, máy thông tin sóng ngắn trên các tàu Cảnh sát biển Việt Nam hiện nay. Mô hình huấn luyện tổng hợp máy thông tin ICOM M700TY giúp người học nắm chắc, hiểu sâu được các tính năng kỹ chiến thuật, cơ sở lý thuyết, nguyên lý hoạt động theo sơ đồ khối, sơ đồ chức năng, các dạng tín hiệu đầu ra các khối, quy trình sử dụng máy ICOM M700TY, xử lý các hỏng hóc thông thường, là cơ sở bảo đảm tính vững chắc của thông tin liên lạc, hơn nữa nó giúp cho người học nắm bắt trực quan thao tác thực hành và tiến hành thực hành trên trang bị thật trong thời gian nhanh nhất.

Huy còn cho biết “Trong chiến lược bảo vệ chủ quyền biển đảo của chúng ta hiện nay, việc bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt giữa sở chỉ huy với các tàu và biên đội tàu hoạt động trên biển là yếu tố quyết định đến thành công nhiệm vụ. Việc học tập, huấn luyện khai thác sử dụng thiết bị thông tin liên lạc là cấp thiết song hiện tại đơn vị hiện nay cơ bản sử dụng phương pháp truyền thống bao gồm hai phần huấn luyện lý thuyết và huấn luyện thực hành gây tốn kém thời gian và cũng do đơn vị đóng quân trên địa bàn đảo xa, còn thiếu thốn nhiều về vật chất đảm bảo, phòng huấn luyện chuyên ngành để thực hiện huấn luyện lý thuyết kết hợp với thực hành còn chưa được bố trí, sắp xếp. Nắm bắt được những khó khăn trên, tôi đã xây dựng mô hình trên giúp cho việc huấn luyện kết hợp giữa lý thuyết và thực hành luôn đi song song với nhau, vừa giúp người học tiếp cận máy móc bằng trực quan sinh động một cách nhanh nhất lại vừa tiết kiệm thời gian huấn luyện trên các trang bị thực tế”.

Được biết phần mềm Mô hình huấn luyện tổng hợp máy thông tin ICOM M700TY” của Trung úy Phạm Văn Huy đã được Đảng ủy, Chỉ huy Vùng đánh giá rất cao vì là một mô hình mô phỏng sát với thực tế, mang tính thực thi, hơn nữa nó đảm bảo hệ số kỹ thuật cao, nâng cao khả năng chiến đấu, tác chiến điện tử trong mọi tình huống, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, huấn luyện chiến đấu, tuần tra thực thi pháp luật trên biển và các nhiệm vụ đột xuất khác nhằm thực hiện tốt Nghị quyết 382 của Quân ủy Trung ương về Lãnh đạo công tác Kỹ thuật trong tình hình mới và đây cũng là một công trình kỹ thuật tiêu biểu của Vùng tham dự cuộc thi “Mô hình học cụ kỹ thuật chất lượng cao” của Cục Cảnh sát biển phát động trong toàn lực lượng nhân kỷ niệm 15 năm ngày thành lập Cục Cảnh sát biển Việt Nam trong thời gian tới.

 Dòng sông Mã đã nuôi dưỡng Huy, tuổi thơ với bao hoài bão đã chắp cánh cho Huy thực hiện được ước vọng của mình, giờ đây anh lại ngồi cặm cụi bên chiếc máy tính với mấy chiếc đồng hồ đo điện từ, tiếp cận với các phần mền điện tử tác nghiệp mới, tỉ mỉ, mày mò từng chi tiết kỹ thuật hiệu chỉnh lại những chỉ số cho hệ thống máy móc trên hình sơ đồ khối.

Chia tay anh, chia tay với những con tàu đang ngày đêm cùng với những người lính kỹ thuật, dường như trong anh luôn còn bao hoài bão, nuôi dưỡng nhiều ước mơ khát khao cháy bỏng. Quả đúng như anh em đã gọi anh với cái tên trìu mến, một “con ong thợ ” trong ngành kỹ thuật, bằng sức trẻ và hăng say đang ngày đêm miệt mài kiếm mật để rồi đưa những ý tưởng, những công trình của mình vào phục vụ đơn vị, để máy móc trang bị khí tài luôn có hiệu số kỹ thuật cao, để những con tàu luôn sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ duy trì và thực thi pháp luật trên vùng biển Tây Nam của Tổ quốc, để vùng biển nơi đây hiền hòa tơi đẹp, để mỗi sớm mai những chiếc ghe lại mang về đầy ắp những món quà từ biển cả, để bến cát lại tràn ngập tiếng cười vui và đó cũng là niềm vui của anh, “con ong thợ” của ngành kỹ thuật.

Phạm Minh Tuấn

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục gửi về banbientapcsb@gmail.com