Đại tướng Nguyễn Chí Thanh góp phần xây dựng quyết tâm “đánh Mỹ, thắng Mỹ”

01/01/2024 02:16:00 PM

(Canhsatbien.vn) - 

Cuối năm 1964 đầu năm 1965, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta ở vào thời điểm có tính quyết định. Bởi, trước thất bại khó tránh khỏi của chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, Mỹ buộc phải thay đổi chiến lược chiến tranh, khởi động quá trình can thiệp trực tiếp bằng việc đưa quân chiến đấu vào chiến trường miền Nam Việt Nam, đồng thời tiến hành đánh phá miền Bắc Việt Nam.

Lúc này, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta đứng trước thử thách hết sức ngặt nghèo. Do đó, xây dựng quyết tâm “đánh Mỹ, thắng Mỹ” là nhiệm vụ trung tâm của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta để đối phó với bước chuyển chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ. Trong bước chủ động đối phó với mưu đồ mới của đế quốc Mỹ, Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định điều động, tăng cường cán bộ cho miền Nam, nhất là cán bộ cao cấp, trong đó Đại tướng Nguyễn Chí Thanh(1) - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương được giao đảm nhiệm Bí thư Trung ương Cục miền Nam, Chính ủy các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam.

Ngay khi vào chiến trường, đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã chú trọng xây dựng “quả đấm” chủ lực, mở các chiến dịch Bình Giã, Ba Gia, Đồng Xoài và hàng loạt các trận tiến công, đánh bại từng chiến đoàn của quân đội Sài Gòn, góp phần đập tan hàng nghìn “ấp chiến lược” và làm phá sản chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ, ngụy.

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Cục miền Nam, Chính ủy quân giải phóng miền Nam nói chuyện với dũng sĩ diệt Mỹ dự Đại hội liên hoan dũng sĩ diệt Mỹ lần thứ nhất năm 1966. Ảnh tư liệu

Cùng với chỉ đạo xây dựng lực lượng và chỉ huy tác chiến, đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã có nhiều hoạt động thực tế, có những bài nói, bài viết đánh giá tình hình địch và ta hết sức sâu sắc; phân tích làm rõ thế và lực của hai bên, đặc biệt là nhìn nhận khả năng và quyết tâm “đánh Mỹ, thắng Mỹ” của quân và dân ta.

Trong phương hướng chỉ đạo thực hiện nhiệm, đồng chí lưu ý và nhấn mạnh: “Mọi sự ảo tưởng, mọi sự chập chờn, mọi tư tưởng đánh giá địch cao ta thấp, mọi xu hướng chủ quan khinh địch trong lúc này không những là sai lầm nghiêm trọng mà còn là tội lỗi. Vì vậy quan điểm chỉ đạo chiến tranh, chiến lược, chiến thuật, chiến đấu, công tác chính trị, quân sự, hậu cần…, phải được xác định một cách vững vàng và dứt khoát như sau: a) Đánh, đánh mạnh, chỉ có đánh (!); b) Quyết chiến với Mỹ và tay sai, chúng đang gặp nhiều khó khăn, chúng có nhiều nhược điểm và khuyết điểm căn bản, chúng chỉ có được ưu thế về kỹ thuật, nhưng trước chiến tranh nhân dân, trước tinh thần dũng cảm của quân đội ta, trước địa hình thuận lợi cho chúng ta, chúng cũng không thể phát huy đầy đủ ưu thế đó. Vì vậy cho dù chúng có tăng thêm 10 vạn quân hay hơn nữa, chúng ta cũng có khả năng thắng Mỹ như thường; c) Đồng thời hiện nay cũng như trước đây chúng ta không bao giờ được chủ quan khinh địch, cần nâng cao tính cảnh giác nhiều hơn nữa, chặt chẽ hơn nữa. Tiến lên! Chỉ có tiến lên, điều kiện khách quan có nhiều thuận lợi cho ta, thời gian ủng hộ chúng ta, chúng ta đã nắm trong tay được cả ba nhân tố: thiên thời, địa lợi, nhân hòa - chúng ta nhất định thắng lợi và phải dốc toàn lực để quyết giành thắng lợi lớn hơn”(2).

Quyết tâm của đồng chí Nguyễn Chí Thanh - người lãnh đạo cao nhất của Đảng trên chiến trường miền Nam không chỉ thể hiện qua những bài nói, bài viết mà còn chuyển hóa vào các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương Cục, Quân ủy Miền. Chính vì thế, cùng với việc quán triệt Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 11 (3-1965)(3), Trung ương Cục kịp thời đề ra Nghị quyết chuyên đề về công tác tư tưởng năm 1965, trong đó xác định: “Cuộc kháng chiến ở miền Nam là một cuộc đấu tranh cách mạng của nhân dân ta chống chủ nghĩa thực dân và tay sai… Đảng bộ và nhân dân miền Nam cần sẵn sàng đối phó với tình huống… đế quốc Mỹ sẽ chuyển sang thi hành chiến lược chiến tranh cục bộ”(4). Trung ương Cục quyết định mở cuộc động viên chính trị sâu rộng trong toàn quân, toàn dân, phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng, xây dựng quyết tâm đánh Mỹ, thắng Mỹ(5).

Ngày 6-4-1965, Trung ương Cục ra chỉ thị chỉ đạo các khu ủy và tỉnh ủy tập trung quán triệt sâu sắc Nghị quyết Trung ương Cục lần thứ ba, xác định: “… Vấn đề tận dụng thời cơ, tập trung lực lượng giành bước thắng lợi quyết định là vấn đề bức thiết trước mắt. Vấn đề cơ bản là nắm chắc quan điểm cách mạng không ngừng, trường kỳ, quan điểm cách mạng bạo lực dựa vào quần chúng, sẵn sàng chủ động đánh địch và thắng địch trong mọi tình huống. Cán bộ, đảng viên và các cấp ủy Đảng phải lấy cái quả quyết thắng cái do dự, lấy vững vàng thắng dao động, lấy thực tế thắng ảo tưởng”(6).

Tại Đại hội Anh hùng chiến sĩ thi đua các lực lượng vũ trang miền Nam lần thứ nhất (từ ngày 2 đến 6-5-1965) ở khu căn cứ Tây Ninh, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã nêu quyết tâm: cứ đánh Mỹ sẽ tìm ra cách đánh thắng Mỹ. Đây là một chủ trương rất thực tế, có căn cứ khoa học theo tuần tự: trước tiên phải có quyết tâm dám đánh, quyết thắng, từ đó, trong quá trình chiến đấu trực tiếp với quân Mỹ, mới phát hiện điểm mạnh, điểm yếu của địch, sở trường, hạn chế của Quân giải phóng miền Nam, mới tìm ra được cách đánh hiệu quả nhất.

Thời điểm này, quân chiến đấu Mỹ được đổ vào chiến trường miền Nam tương đối đông. Tuy nhiên, trong thời gian đầu, quân Mỹ thực hiện nhiệm vụ chủ yếu là đóng giữ và bảo vệ các căn cứ, đường giao thông chiến lược, sân bay, hải cảng chứ chưa thực sự mở những cuộc hành quân càn quét, kể cả các cuộc càn quét quy mô vừa và nhỏ. Với quyết tâm hạ uy thế quân viễn chinh Mỹ ngay từ đầu, ngày 16-5-1965, pháo binh quân giải phóng tập kích sân bay Biên Hòa, phá hủy 15 chiếc máy bay, làm hư hại 25 chiếc khác, làm bị thương hàng chục lính Mỹ. Trận đánh này báo hiệu một giai đoạn quân và dân miền Nam liên tục tiến công quân Mỹ.  

Tại Quân khu 5, vào đêm 25 rạng ngày 26-5-1965, Đại đội 2 bộ đội địa phương Quảng Nam và phân đội đặc công V16, tiến công tiêu diệt Đại đội 2, Tiểu đoàn 2, Lữ đoàn 9, Sư đoàn 3 lính thủy đánh bộ Mỹ tại Núi Thành. Trận Núi Thành tuy quy mô nhỏ nhưng có ý nghĩa chính trị và quân sự rất lớn, là trận phủ đầu quân Mỹ; góp phần củng cố niềm tin, nâng cao quyết tâm, xóa tan tâm lý gờm sợ quân Mỹ trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, chiến sĩ và nhân dân ta. Sau thắng lợi của trận Núi Thành, xuất hiện khẩu hiệu “Tìm Mỹ mà đánh, gặp Mỹ là diệt”, góp phần phát động tinh thần dám đánh, quyết đánh, quyết đánh thắng quân Mỹ. 

Tiếp đó, ngày 18-8-1965, Trung đoàn 1 chủ lực Quân khu 5 và Đại đội 21 bộ đội địa phương Quảng Ngãi tổ chức chiến đấu chống cuộc hành quân Ánh sáng sao (Starlight) của lính thủy đánh bộ Mỹ vào thôn Vạn Tường (xã Bình Thiện, Bình Sơn, Quảng Ngãi). Đây là lần đầu tiên chủ lực quân giải phóng đụng đầu với quân tinh nhuệ Mỹ. Trong trận này, Sư đoàn 3 lính thủy đánh bộ Mỹ hoàn toàn chủ động lựa chọn chiến trường tác chiến phù hợp với sở trường, có điều kiện thuận lợi để sử dụng xe tăng, pháo binh, hải quân, không quân. Tuy nhiên, các mũi tiến công của lính thủy đánh bộ đã bị các đơn vị bộ đội chủ lực, địa phương và dân quân du kích đánh trả quyết liệt. Bằng lối đánh tập kích, phục kích, vận động tiến công, quân ta đã đẩy địch từ thế chủ động sang thế bị động. Trận đánh kết thúc khi màn đêm buông xuống. Và ngay trong đêm 18-8-1965, lực lượng ta đã bí mật rút khỏi Vạn Tường. 

Chiến thắng Vạn Tường (thôn Vạn Tường, xã Bình Hải, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi), ngày 18/8/1965. Ảnh tư liệu

Kết quả trận Vạn Tường chứng minh quân và dân ta hoàn toàn có khả năng đánh bại quân đội Mỹ trong điều kiện chúng có ưu thế về binh, hỏa lực và sức cơ động. Đánh giá về ý nghĩa thắng lợi của trận Vạn Tường, đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng khẳng định: “Nếu trận Ấp Bắc đầu năm 1963 đã chỉ ra khả năng đánh bại việc Mỹ dùng chiến thuật “trực thăng vận”, “thiết xa vận” yểm hộ cho những lực lượng lớn quân ngụy càn quét ở đồng bằng, nếu trận Bình Giã cuối năm 1964 đã đánh dấu bước trưởng thành của quân chủ lực ta trong việc tiêu diệt những đơn vị ứng chiến lớn quân chủ lực ngụy, thì trận Vạn Tường đã chứng tỏ một cách hùng hồn khả năng của ta đánh bại được quân Mỹ trong điều kiện chúng có ưu thế tuyệt đối về binh khí, hỏa lực”(7)

Sau Vạn Tường, quân ta tiến công quân Mỹ ở Thuận Ninh (ngày 18-9), Cát Sơn, Cát Hiệp (ngày 10 và 14-10) thuộc Bình Định, pháo kích sân bay Đà Nẵng, Chu Lai (ngày 24-10)… Đặc biệt, chủ lực Mặt trận Tây Nguyên mở chiến dịch tiến công Pleime (đây là vị trí biên phòng hiểm yếu, cách thị xã Pleiku 30 km về phía Tây Nam). Nhiệm vụ của chiến dịch được xác định là tiêu diệt một bộ phận quan trọng quân chủ lực Sài Gòn, kéo quân Mỹ ra ứng cứu; nếu quân Mỹ ra thì cố gắng diệt một bộ phận để tìm hiểu khả năng tác chiến của quân Mỹ, xây dựng cách đánh quân Mỹ cho chủ lực quân giải phóng tại Tây Nguyên (Mặt trận Tây Nguyên - B3). Theo nhiệm vụ đó, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên quyết tâm “dù một đổi một cũng quyết thắng trận đầu”; chưa biết chiến thuật của quân Mỹ, bộ đội cũng cứ đánh khắc tìm ra cách đánh thắng. Đây không phải là sự “liều lĩnh” mà là quyết tâm dựa trên cơ sở khoa học, cán bộ, chiến sĩ trong quá trình chiến đấu sẽ biết khắc phục khó khăn, phát huy tinh thần dũng cảm, mưu trí, sáng tạo tìm giải pháp phù hợp để chiến thắng địch. 

Chiến dịch diễn ra từ ngày 19-10 đến ngày 20-11-1965. Trải qua hai đợt tiến công, hai trận then chốt chiến dịch (Pleime và Ia Đrăng), bộ đội chủ lực Tây Nguyên với lối đánh vô cùng dũng cảm, vừa công đồn, diệt viện, vừa phục kích, đánh giáp lá cà quyết liệt… đã tiêu diệt một tiểu đoàn quân Mỹ (Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 7 kỵ binh không vận), đánh thiệt hại một tiểu đoàn quân Mỹ khác, bắn rơi phá hủy hàng chục máy bay lên thẳng, tiêu diệt và làm bị thương hơn 800 quân Mỹ… Chiến thắng Pleime có ý nghĩa lớn, một lần nữa khẳng định chủ trương và quyết tâm đánh Mỹ, thắng Mỹ của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta là hoàn toàn đúng đắn; đồng thời giáng một đòn mạnh vào lực lượng Sư đoàn 101 kỵ binh không vận Mỹ, buộc chúng phải rút chạy ở quy mô chiến dịch trên chiến trường Tây Nguyên. Trong bức điện Quân ủy Miền gửi Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên, đồng chí Nguyễn Chí Thanh giải thích: Quân đội ta không có huân chương nào cao hơn huân chương Quân công hạng nhất, nhưng để xứng đáng với chiến thắng Pleime, nên tặng chiến thắng này hai Huân chương Quân công hạng nhất. 

Hòa nhịp với quân và dân Quân khu 5, Tây Nguyên, ở miền Đông Nam Bộ, các lực lượng vũ trang tiến hành một loạt trận phủ đầu quân Mỹ ở Đất Cuốc (ngày 8-11), Bàu Bàng (ngày 12-11), Cẩm Xe (ngày 20-11), Dầu Tiếng, Bến Cát (ngày 5-12)… giành thắng lợi khiến cho những đơn vị nổi danh như Lữ đoàn 173 dù, Sư đoàn 1 bộ binh (Anh cả đỏ) quân Mỹ chịu nhiều thiệt hại. Như vậy, những trận đánh Mỹ nửa cuối năm 1965 đã chứng tỏ các lực lượng vũ trang cách mạng vẫn giữ được thế chủ động trên chiến trường, từng bước xây dựng được thế trận vững chắc của cuộc chiến tranh nhân dân khi phải đương đầu với đối tượng tác chiến mới. 

Với sự nhìn nhận đánh giá nhạy bén, chính xác về đối phương, đồng chí Nguyễn Chí Thanh khẳng định: “Nhiệm vụ kháng chiến cứu nước thần thánh hiện nay của chúng ta tóm tắt lại trong 12 chữ: Giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, thống nhất Tổ quốc! Tinh thần và tư tưởng chỉ đạo của chúng ta là: Quyết chiến, quyết thắng giặc Mỹ và tay sai”(8).

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Cục miền Nam, Chính ủy quân giải phóng miền Nam cùng đại biểu anh hùng Pi Năng Tắc tại Đại hội anh hùng chiến sĩ thi đua Quân giải phóng miền Nam, lần thứ nhất, năm 1966. Ảnh tư liệu

Những thắng lợi mang ý nghĩa chiến lược trong năm 1965 là cơ sở quan trọng để tại Hội nghị lần thứ 12 khóa III (12-1965), Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhận định: Mặc dù Mỹ thay đổi chiến lược chiến tranh, nhưng chuyển động đó không làm thay đổi về tương quan so sánh lực lượng, do đó, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đều có đánh giá, nhận định: Về tính chất và mục đích: vẫn là chiến tranh xâm lược nhằm thực hiện chủ nghĩa thực dân kiểu mới; Về lực lượng: từ chỗ dựa vào lực lượng quân đội Sài Gòn là chủ yếu phát triển thành cuộc chiến tranh của Mỹ, dựa vào hai lực lượng chiến lược là quân viễn chinh Mỹ và quân đội Sài Gòn. 

Nghị quyết Hội nghị xác định rõ quyết tâm: “Toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta cần cố gắng vượt bực, tập trung lực lượng của cả nước, kiên quyết đẩy mạnh đấu tranh quân sự và đấu tranh chính trị, đánh bại đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai trên chiến trường chính là miền Nam”(9). Đồng thời, Hội nghị đề ra phương châm đấu tranh là: “tiếp tục kiên trì phương châm đấu tranh quân sự kết hợp với đấu tranh chính trị, triệt để vận dụng ba mũi giáp công (đấu tranh quân sự, đấu tranh chính trị và binh vận)... Trong giai đoạn hiện nay, đấu tranh quân sự có tác dụng quyết định trực tiếp và giữ một vị trí ngày càng quan trọng”(10)

Bế mạc Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 12 - “một hội nghị lịch sử”(11), Chủ tịch Hồ Chí Minh có lời phát biểu với Hội nghị và với toàn Đảng, toàn dân: “Qua những ý kiến của các đồng chí đã phát biểu ở hội nghị, thấy nổi bật lên hai điểm quan trọng: Ta quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược; Ta nhất định thắng... Đế quốc Mỹ với bản chất xâm lược, hiếu chiến và ngoan cố của một tên trùm đế quốc, nó sẽ không chịu thất bại một cách dễ dàng, cho nên chúng ta phải hết sức cảnh giác với những hành động “chó dại cắn càn” của chúng... Chúng ta phải biến nghị quyết của Trung ương thành sức mạnh của toàn Đảng, toàn dân. Muốn vậy, phải làm cho mọi người tin là ta nhất định thắng, đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai nhất định thua; phải làm cho mọi người phát huy mạnh mẽ tinh thần yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng, không sợ gian khổ, đem hết sức mình để làm tốt nhiệm vụ vừa sản xuất, vừa chiến đấu, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược...”(12)

Những chủ trương, phương lược của Nghị quyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 12 thực sự là cơ sở vững chắc để quân và dân cả nước hạ quyết tâm và hành động đúng, đưa cuộc kháng chiến tiến lên.

Thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, trực tiếp là sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Cục, Quân ủy và Bộ Chỉ huy Miền, lực lượng vũ trang ba thứ quân ở miền Nam vừa xây dựng, vừa chiến đấu đã có bước phát triển vượt bậc so với những năm đầu kháng chiến. Năm 1964, lực lượng vũ trang cách mạng miền Nam (chỉ tính riêng bộ đội chủ lực) có 11 trung đoàn và 15 tiểu đoàn, đến cuối năm 1965 đã phát triển lên 5 sư đoàn(13) và 11 trung đoàn bộ binh, nhiều tiểu đoàn, trung đoàn binh chủng kỹ thuật trang bị tương đối hiện đại. Lực lượng đặc công, biệt động là binh chủng đặc biệt tinh nhuệ, từ những đội, những tổ hoạt động nhỏ lẻ trên các chiến trường, nay phát triển thành nhiều trung đoàn, tiểu đoàn, đội đặc công, biệt động. Bên cạnh khối chủ lực, lực lượng vũ trang địa phương ở mỗi tỉnh có một đến hai tiểu đoàn, mỗi huyện có từ một đến hai đại đội cùng hàng trăm trung đội, tiểu đội du kích. 

Triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 12 về quân sự, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và Bộ Tổng Tham mưu chỉ đạo các chiến trường nắm vững tư tưởng chiến lược tiến công, chủ động bám sát địch, phát huy sức mạnh lực lượng tại chỗ, kết hợp với chủ lực cơ động của bộ, của miền và quân khu, tiến công và phản công tiêu hao, tiêu diệt sinh lực, phương tiện chiến tranh của Mỹ và quân đội Sài Gòn, bẻ gãy các cuộc hành quân tìm diệt của quân Mỹ, hỗ trợ tích cực cho phong trào chống phá bình định của địch. Để đối phó hiệu quả đối với quân Mỹ và quân đội Sài Gòn trong hình thái chiến trường mới, Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh chỉ thị cho các chiến trường chủ động sắp xếp, bố trí các lực lượng thành một thế trận cài xen, vừa có thế chia cắt, vây hãm, đánh địch tại chỗ hỗ trợ cho lực lượng vũ trang địa phương và nhân dân tiến công và nổi dậy, vừa phát huy được đòn tiến công của các binh đoàn chủ lực cơ động đánh tiêu diệt lớn quân địch.

Tại Đông Nam Bộ, Sư đoàn 9 đứng chân hoạt động từ phía Bắc đến Đông Bắc Sài Gòn - Gia Định bao gồm Tây Ninh, Bình Long, Chiến khu Đ. Sư đoàn 5 cơ động tác chiến từ Đông Bắc đến Đông Nam Sài Gòn - Gia Định gồm Long Khánh, Biên Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu. Cách bố trí này hình thành một tuyến tiến công của bộ đội chủ lực xen kẽ với địch chạy dài từ phía Tây Bắc đến Đông Nam Sài Gòn, thường xuyên uy hiếp sào huyệt của Mỹ và quân đội Sài Gòn, khống chế một địa bàn chiến lược cực kỳ quan trọng ở miền Nam Việt Nam. 

Ở miền Trung và Tây Nam Bộ, các trung đoàn chủ lực Quân khu 8, Quân khu 9 được bố trí ở U Minh, Đồng Tháp, vừa giữ căn cứ giải phóng, vừa cùng với lực lượng vũ trang địa phương và nhân dân phá kế hoạch bình định của địch ở Đồng bằng sông Cửu Long, đồng thời có thể cơ động tiến công địch trên đường số 4 (nay là số 1) - con đường sống còn của cả địch và ta nối Sài Gòn với vùng đồng bằng giàu có ở Nam Bộ... 

Tại Quân khu 5, Sư đoàn 2 đứng chân hoạt động ở vùng bắc Quảng Ngãi và nam Quảng Nam - Đà Nẵng. Sư đoàn 3 đứng chân ở nam Quảng Ngãi và bắc Bình Định, uy hiếp và khống chế địch ở khu vực Trung Trung Bộ và đường số 9 từ Quy Nhơn lên Tây Nguyên. Các trung đoàn độc lập 10 và 20 đóng, hoạt động ở Phú Yên, Khánh Hòa. 

Ở Tây Nguyên, Sư đoàn 1 cơ động đánh địch từ bắc tỉnh Kon Tum đến nam tỉnh Đắk Lắk. Các trung đoàn 24A, 95, 33 độc lập bố trí xuống vùng sâu của ba tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk làm chủ lực tại chỗ, trực tiếp xây dựng và hỗ trợ cho lực lượng vũ trang, bán vũ trang địa phương. Ở Trị - Thiên, trước ở khu đệm thường tổ chức hoạt động nhỏ lẻ nay bố trí Trung đoàn bộ binh 26 cùng các tiểu đoàn bộ đội địa phương tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên và bộ đội đặc công, thực hiện các trận đánh tiêu diệt đồn bốt địch, mở vùng, mở mảng, tạo bàn đạp tiến công ở vùng sau lưng địch. 

Ở các vùng ven và nội đô các thành phố, thị xã, bố trí các đơn vị đặc công, biệt động, pháo chuyên trách để đánh vào cơ quan đầu não, căn cứ, cơ sở chỉ huy, sân bay, kho tàng của Mỹ và chính quyền, quân đội Sài Gòn, gây thối động chính trị, làm cho địch thường xuyên mất ổn định, phải lo đối phó bị động, để sơ hở ở các nơi khác. 

Với cách bố trí, sắp xếp như trên, lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam đã tạo được thế trận “cài răng lược” đánh địch tại chỗ ở chính diện, hai bên sườn và sau lưng, buộc chúng phải bị động, phân tán đối phó khắp nơi, khiến chúng đông mà vẫn thiếu, phương tiện kỹ thuật hiện đại ít phát huy được tác dụng. Quân ủy Trung ương xác định lấy chiến trường rừng núi làm chiến trường tiêu diệt địch, trọng điểm là Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, chú trọng đẩy mạnh tác chiến ở chiến trường Quân khu 5; đẩy mạnh chiến tranh du kích và đánh vận động quy mô nhỏ ở chiến trường Quân khu 8, Quân khu 9, đặc biệt phải biến chiến trường Trị - Thiên thành một hướng chiến lược quan trọng để phối hợp đắc lực với các chiến trường khác và bảo vệ tuyến vận chuyển chi viện chiến lược cho cách mạng miền Nam. 

Từ thực tiễn chỉ đạo và tiến hành cuộc đấu tranh ở miền Nam, nhất là từ khi quân Mỹ vào tham chiến, Quân ủy Trung ương tổng kết rút kinh nghiệm và đề ra 6 phương thức tác chiến(14). Trong bối cảnh cuộc chiến đấu diễn ra cam go, quyết liệt, sự chỉ đạo kịp thời của Quân ủy Trung ương, Quân ủy Miền đứng đầu là đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã giúp cho các cấp ủy đảng ở miền Nam và chỉ huy các đơn vị nắm chắc chủ trương của Trung ương Đảng, vận dụng các phương thức tác chiến chiến lược vào điều kiện cụ thể một cách sáng tạo, nâng cao được hiệu suất chiến đấu trên các mặt trận. 

Như vậy, với trọng trách của mình, trong bước đầu tiên đụng đầu với quân Mỹ và quân đồng minh của Mỹ, đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã cùng Trung ương Cục, Quân ủy Miền tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng các lực lượng vũ trang giải phóng, nhất là khối chủ lực; bố trí thế trận chiến tranh nhân dân ngày càng vững chắc; kết hợp tác chiến du kích với tác chiến chính quy, đánh những đòn phủ đầu giành thắng lợi, tạo khí thế, quyết tâm “đánh Mỹ, thắng Mỹ” cho quân dân miền Nam.

Kết quả đấu tranh quân sự, chính trị trên cả hai miền Nam - Bắc Việt Nam trong năm 1965, đặc biệt là những đóng góp về lý luận và thực tiễn của đồng chí Nguyễn Chí Thanh trong lãnh đạo, chỉ đạo cách mạng miền Nam, trở thành một trong những nhân tố quan trọng có ý nghĩa quyết định để Đảng hoạch định, bổ sung, hoàn thiện đường lối kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và chiến lược giành thắng lợi trong cuộc “đụng đầu lịch sử” với đế quốc Mỹ xâm lược. 

Đại tá, TS LÊ QUANG LẠNG -  Trưởng phòng Lịch sử kháng chiến, Viện Lịch sử quân sự - Bộ Tổng Tham mưu.

-----------------

(1) Theo đề nghị của Trung ương Cục và Quân ủy Miền, ngày 12-7-1965, Bộ Chính trị quyết định phân công: phụ trách Quân ủy Miền gồm các đồng chí: Nguyễn Chí Thanh (Xuân, Sáu Di) - Bí thư, Nguyễn Văn Linh (Mười Cúc, Bảy Linh) - Phó bí thư; Phạm Văn Xô, Trần Văn Trà, Trần Độ, Chu Huy Mân, Nguyễn Đôn - Ủy viên. Bộ Chỉ huy Miền gồm: Phạm Hùng - Chính ủy kiêm Tư lệnh; Trần Văn Trà, Trần Độ, Phạm Văn Xô, Nguyễn Thị Định, Lê Trọng Tấn, Nguyễn Hữu Xuyến, Đồng Văn Cống, Nguyễn Đôn, Chu Huy Mân và Nguyễn Văn Mùi (Nguyễn Minh Đường) là Phó Tư lệnh. Lê Đức Anh làm Tham mưu trưởng. Xem Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh - Viện Lịch sử Đảng, Lịch sử biên niên Xứ ủy Nam Bộ và Trung ương Cục miền Nam, Nxb CTQG, Hà Nội, 2002, tr.503-504. 

(2) Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Tổng tập, Sđd, tr.753.

(3) Hội nghị Trung ương lần thứ 11 khóa III diễn ra trong các ngày 25 đến 27-3-1965; Hội nghị nhận định: “...cuộc chiến tranh đặc biệt của chúng ở miền Nam đã được đẩy tới mức độ cao, bao gồm một số yếu tố của chiến tranh cục bộ; và chiến tranh đã vượt khỏi phạm vi miền Nam lan đến miền Bắc, trước mắt dưới hình thức ném bom, bắn phá bằng không quân”. Hội nghị còn dự báo: “rồi đây địch có thể đưa thêm những đơn vị chiến đấu của Mỹ và của một số nước chư hầu vào miền Nam ngày càng nhiều hơn”, do đó “chúng ta phải hết sức cảnh giác và chuẩn bị sẵn sàng đối phó để có thể thắng địch nếu chúng biến chiến tranh ở miền Nam hiện nay thành chiến tranh cục bộ...”. Xem Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 26 (1965), Nxb CTQG, 2003, tr.104, 105.

(4) Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh - Viện Lịch sử Đảng, Lịch sử biên niên Xứ ủy Nam Bộ và Trung ương Cục miền Nam, Nxb CTQG, Hà Nội, 2002, tr.487.

(5) Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh - Viện Lịch sử Đảng, Lịch sử Xứ ủy Nam Bộ và Trung ương Cục miền Nam Nxb CTQG, Hà Nội, 2015, tr.267.

(6) Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh - Viện Lịch sử Đảng, Lịch sử biên niên Xứ ủy Nam Bộ và Trung ương Cục miền Nam, Sđd, tr.490.

(7) Lê Duẩn, Thư vào Nam, Nxb Sự Thật, Hà Nội, 1985, tr.131.

(8) Bài viết “Đập tan âm mưu chiến lược của Giônxơn ở miền Nam Việt Nam” (7-1965) dưới bút danh “Người quan sát”, đăng trong Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Tổng tập, Sđd, tr.761.

(9) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 26 (1965), Sđd, tr.635.

(10) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 26 (1965), Sđd, tr.639.

(11) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 26 (1965), Sđd, tr.621.

(12) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 26 (1965), Sđd, tr.652-653.

(13) Sư đoàn bộ binh 3 thành lập ngày 2-9-1965; Sư đoàn bộ binh 9 thành lập ngày 2-9-1965; Sư đoàn bộ binh 2 thành lập ngày 20-9-1965; Sư đoàn bộ binh 5 thành lập ngày 23-11-1965; Sư đoàn bộ binh 1 thành lập ngày 20-12-1965. 

(14) Đẩy mạnh hoạt động tác chiến của bộ đội tập trung, mở những chiến dịch vừa và lớn, tiến tới đánh những trận có tác động chiến lược nhằm tranh thủ ưu thế quân sự trên một số hướng tiêu diệt tiểu đoàn, lữ đoàn Mỹ, tiêu diệt gọn chiến đoàn ngụy. Những chiến dịch có thể diễn ra dưới hình thức tiến công hoặc chủ động phản công địch; 2) Đẩy mạnh chiến tranh du kích đến trình độ cao, tiêu diệt từng bộ phận nhỏ sinh lực địch, tiêu hao và phân tán địch, đập tan các cuộc càn quét, đánh bại âm mưu “bình định”, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân, uy hiếp các đô thị, các căn cứ quan trọng của địch; 3) Đánh phá các căn cứ hậu cần, kho tàng, sân bay, hải cảng, cơ quan đầu não của địch; 4) Triệt phá các đường giao thông thủy bộ quan trọng của địch, tạo ra thế chia cắt, bao vây địch, buộc chúng phải đi vào phòng ngự trên từng khu vực, từng chiến trường, từng thành phố, làm giảm khả năng chi viện lẫn nhau của chúng; 5) Đẩy mạnh hoạt động quân sự ở các đô thị, từ hình thức tác chiến nhỏ kết hợp với đấu tranh chính trị đến tác chiến lớn kết hợp tiến công và khởi nghĩa; 6)Tác chiến kết hợp với binh biến, triển khai công tác binh vận, ngụy vận, nhất là ngụy vận trên quy mô có tính chất chiến lược, tạo điều kiện làm tan rã, ly khai, gây binh biến”. Dẫn theo Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước - Những sự kiện quân sự, Hà Nội, 1987, tr.162-163.

Theo qdnd.vn

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục gửi về banbientapcsb@gmail.com