01/07/2024 04:36:00 PM
(Canhsatbien.vn) -
Khi nói về cuộc sống của những người lính Cảnh sát biển, có người gọi đó là một hành trình đầy gian lao và vất vả, bởi họ thực hiện nhiệm vụ trong những điều kiện sóng gió khắc nghiệt, mặn mòi của biển khơi, gắn bó với những con tàu, đối mặt với giông bão, nguy hiểm và căng thẳng hàng ngày,... Nhưng bên cạnh những gian lao và vất vả đó, cuộc sống của những người lính biển cũng có những câu chuyện, những khoảnh khắc đáng nhớ và những cảm xúc sâu lắng. Cuộc sống gắn liền với biển rất mộc mạc và bình dị nhưng nổi bật lên trên đó là sự đoàn kết, tình yêu thương và đùm bọc lẫn nhau, giữa đồng chí, đồng đội, giữa bộ đội và ngư dân, tất cả đều kiên cường và quyết tâm cùng nhau vượt qua mọi trở ngại trong hành trình vươn khơi, bảo vệ an ninh, chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
... Sau chuyến đưa Đoàn công tác Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển do Trung tướng Bùi Quốc Oai - Chính ủy Cảnh sát biển Việt Nam làm trưởng đoàn đi kiểm tra thực địa đợt cao điểm chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) khu vực biển giáp ranh Việt Nam - Malaysia - Indonesia, con tàu CSB 8001 cập cảng Hải đội 301/Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 trong sự chào đón nồng nhiệt của thủ trưởng, cán bộ, chiến sĩ Bộ Tư lệnh Vùng. Đứng trên cầu cảng, tôi nhìn rõ nét mặt phấn khởi của từng thành viên trong Đoàn, không còn chút mệt mỏi của sóng gió, chuyến đi đã chở về nhiều thành công và niềm vui như báo hiệu cho sự khởi đầu cho một năm mới Giáp Thìn đầy thắng lợi.
Nhanh chóng, tôi nhận ra Trung tá QNCN Nguyễn Trọng Thuật - người mà tôi vẫn hay gọi với cái tên thân mật là “Trung tá Thuật”. Sau hơn 20 năm gắn bó với công việc sửa chữa những con tàu Cảnh sát biển, khuôn mặt anh giờ đây in hằn những vết rám nắng và đôi tay đã chai sạn, hiện anh đang công tác trên cương vị Trạm trưởng Trạm Sửa chữa/Phòng Hậu cần - Kỹ thuật/Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3.
Rảo bước nhanh hơn, tôi bắt kịp bước chân thoăn thoắt của anh để kịp hỏi thăm về chuyến công tác xa bờ vừa rồi. Vẫn mái tóc pha sương và ánh mắt ân cần, người lính Cảnh sát biển đã ngoài 50 tuổi nhẹ nhàng khoác vai tôi, hỏi thăm tình hình sức khỏe, công việc và gia đình trước thềm xuân mới. Bước chân của chúng tôi dần chậm lại trên cầu cảng Hải đội 301 khi anh hào hứng kể lại cho tôi nghe câu chuyện giúp đỡ tàu cá ngư dân bị nạn trong chuyến biển vừa rồi.
Hôm đó là ngày 18/1/2024, như những ngày trước đó, tàu CSB 8001 tiếp tục hải trình đưa Đoàn công tác thực hiện nhiệm vụ kiểm tra trên thực địa, bất ngờ phát hiện tàu cá của ngư dân đang gặp sự cố và vẫy cờ ra tín hiệu yêu cầu hỗ trợ tại tọa độ 8°13,4’N - 102°55,8’E. Tàu cá lúc đó đang neo tại chỗ và có dấu hiệu bất thường, được lệnh của trên, tàu CSB 8001 đã tiến hành tiếp cận tàu cá bị nạn trong điều kiện sóng cấp 3, cấp 4.
Anh Thuật nhún vai chỉnh lại chiếc ba lô đang trễ xuống trên lưng rồi kể tiếp: “Anh còn nhớ chiếc tàu cá bị nạn mang số hiệu CM - 01332 TS, Đài chỉ huy khi đó đã liên lạc với tàu cá bằng hệ thống sóng vô tuyến và được biết tàu cá bị hỏng máy khiến tàu không thể hoạt động. Sau khi đánh giá tình hình, đồng chí Chính ủy Cảnh sát biển đã trực tiếp cắt cử tổ công tác gồm hai đồng chí có chuyên môn về sửa chữa máy tàu để hỗ trợ ngư dân khắc phục sự cố”.
Không chỉ riêng với những con tàu Cảnh sát biển, tôi từng nhớ trước đây anh Thuật cũng đã nhiều lần hỗ trợ ngư dân khắc phục hỏng hóc hệ thống máy ngay tại khu vực neo đậu tàu cá bên kia sông. Với năng lực và trình độ đã được chứng minh qua nhiều năm kinh nghiệm của anh Thuật, tôi không bất ngờ khi anh được điều động tham gia tổ công tác hỗ trợ ngư dân lần này.
Trung tá QNCN Nguyễn Trọng Thuật trong giờ tự học tập, nghiên cứu tài liệu.
“Do sóng lớn nên tổ công tác phải sử dụng xuồng để tiếp cận phương tiện gặp nạn, mất hơn 10 phút tổ công tác mới lên được tàu cá vì sóng cao 2 - 3 mét liên tục dập dềnh, xuồng sau đó cũng phải cơ động ra xa, giữ khoảng cách đủ để không bị va đập với phương tiện của ngư dân. Ngay khi lên tàu cá, Thượng tá Bùi Văn Thoáng - Trưởng phòng Quản lý kỹ thuật Tàu/Cục Kỹ thuật/Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, tổ trưởng tổ công tác đã hỏi thăm tình hình sức khỏe của các ngư dân”, anh Thuật nhớ lại và nói tiếp: “Lúc đó trên tàu CM - 01332 TS có 7 thuyền viên, theo như lời kể của thuyền trưởng thì máy chính của tàu đã bị hỏng từ 4 ngày trước và hiện đang neo tại vị trí để chờ thợ sửa chữa từ Cà Mau ra khắc phục. May mắn thay sức khỏe của các ngư dân đều ổn định, mặc dù chịu sóng lớn trong nhiều ngày nhưng tàu không gặp vấn đề về thân vỏ. Tuy nhiên do chờ đã lâu nên lượng điện dự trữ bằng acquy không còn nhiều; trong khi nước ngọt và thực phẩm đang cạn kiệt dần; hải sản đánh bắt được trong khoang cũng không đủ điều kiện để bảo quản lạnh nếu máy chính không hoạt động để cung cấp điện”.
Sau ít phút trò chuyện và động viên tinh thần bà con ngư dân, tổ công tác xuống khoang máy và bắt đầu kiểm tra tình trạng máy chính của tàu. Nhiều năm tiếp xúc với anh Thuật, tôi biết phong cách làm việc của anh nổi bật với sự tỉ mỉ, tinh thần trách nhiệm và luôn quyết tâm thực hiện các nhiệm vụ được giao với kết quả tốt nhất, do đó anh luôn được cấp trên tin tưởng, tín nhiệm.
Chúng tôi tiếp tục rảo bước trên cầu cảng, tay anh vẫn trên vai tôi mà say sưa với câu chuyện của mình: “Do máy của tàu đã cũ, nhiều chi tiết thay thế tạm bợ và hỏng trong thời gian dài nên việc xác định lỗi của máy có thể mất nhiều thời gian. Từ việc thuyền viên mô tả hiện tượng máy dừng đột ngột sau đó không thể khởi động, sau hơn hai mươi phút bóc tách cấu trúc hệ thống máy và nhóm các chi tiết có thể là nguyên nhân gây hư hỏng thì tổ công tác đã xác định được chi tiết gặp sự cố là bơm nhiên liệu cao áp của máy chính. Bơm nhiên liệu cao áp là chi tiết rất quan trọng trong hệ thống máy tàu, có chức năng phân bổ nhiên liệu đầy đủ và liên tục cho hệ thống máy hoạt động. Nếu bơm cao áp bị hỏng thì hệ thống máy bị vô hiệu hóa hoàn toàn do không có nhiên liệu để hoạt động, do đó không tạo ra lực đẩy quay cánh quạt (chân vịt) và tàu không thể di chuyển. Trong điều kiện thiếu thốn vật tư thay thế, đồng thời dựa vào mức độ hỏng của bơm nhiên liệu cao áp và nguyên lý hoạt động của hệ thống máy tàu, tổ công tác đã bàn bạc, thống nhất biện pháp khắc phục bằng cách tháo rời, sửa chữa riêng biệt chi tiết bị hỏng”.
Tôi được biết bơm cao áp sau khi tháo ra gồm rất nhiều chi tiết nhỏ bên trong, ngay cả khi ở trên bờ nếu không đủ phụ tùng thay thế cũng khó có thể khiến bơm hoạt động như ban đầu. Trong khi đó, ở trên tàu cá điều kiện sóng gió dập dềnh, không có phụ tùng thay thế, thậm chí nếu không cẩn thận bị rơi một chi tiết nhỏ thì bơm cũng không thể hoạt động được nữa. Do đó ngoài kiến thức chuyên môn lành nghề thì nhiệm vụ lần này đòi hỏi các anh phải tỉ mỉ, cẩn thận từ khâu tháo ra, sửa chữa, cho đến khâu lắp lại bơm hoàn chỉnh.
“Sau gần một giờ đồng hồ, bằng kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm lâu năm, các thành viên trong tổ công tác đã sửa xong chi tiết bơm cao áp bị hỏng, những đôi bàn tay lem luốc dầu máy dường như không còn là điểm nhấn mà thay vào đó là những tấm áo ướt sũng mồ hôi từ bao giờ. Lúc này mọi người trên tàu cá đều chăm chú theo dõi tổ công tác lắp ráp máy lại như ban đầu, với hy vọng rằng hệ thống bơm nhiên liệu sẽ hoạt động trở lại bình thường và ngư dân có thể tiếp tục đánh bắt. Khi tất cả mọi thứ đã được lắp vào đúng vị trí cũ, mọi ánh mắt đều hướng nhìn bàn tay của thuyền trưởng đã đặt sẵn trên công tắc khởi động máy. Kết quả hệ thống máy đã hoạt động tốt trở lại trong sự vui mừng vỡ òa của các thuyền viên và tổ công tác”, anh Thuật vừa kể vừa nở nụ cười xô nhăn đôi gò má.
Giữa mênh mông biển cả, tình quân - dân thêm thắm thiết sau những cái bắt tay nồng ấm và lời cảm ơn sâu sắc. Tổ công tác không quên hướng dẫn các thuyền viên một số giải pháp đề phòng và khắc phục sự cố khi xảy ra hỏng hóc kỹ thuật trong điều kiện tàu đánh bắt xa bờ và không có vật tư thay thế.
Sau khi kết thúc nhiệm vụ hỗ trợ tàu CM - 01332 TS, tổ công tác trở về tàu CSB 8001 trong sự chào đón, khen ngợi và thăm hỏi ân cần của đồng chí Chính ủy Cảnh sát biển, xen lẫn những tràng pháo tay chúc mừng của các thành viên trong Đoàn.
Đồng hành với ngư dân giữa biển trời Tổ quốc.
“Trong chuyến công tác lần này, anh được phân công nhiệm vụ là thành viên Đội sửa chữa cơ động, cùng với đội ngũ nhân viên ngành Cơ điện của tàu CSB 8001 bảo đảm tình trạng kỹ thuật của hệ thống xuồng máy trên tàu. Giúp bà con khắc phục sự cố kỹ thuật lần này là nhiệm vụ phát sinh đột xuất nhưng khiến anh cảm thấy rất vui, một mặt vì đã góp phần cùng Đoàn thực hiện thắng lợi nhiệm vụ trong chuyến công tác; mặt khác cùng với đồng chí, đồng đội hỗ trợ bà con ngư dân, để ngư dân tiếp tục yên tâm vươn khơi bám biển, phát triển kinh tế; tin tưởng vào sự đồng hành, sát cánh mọi lúc, mọi nơi của Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam kiên cường”, đồng chí Trạm trưởng xúc động chia sẻ.
Đoạn đường cầu cảng ngày càng ngắn, tôi chào tạm biệt anh và kết thúc câu chuyện về chuyến công tác anh vừa trải qua. Đẩy tầm mắt xa xa về phía biển, từng làn gió trên cầu cảng vẫn vi vu thổi, tôi chợt thấy lòng mình ấm áp hơn vì đang cùng với những người như Trung tá QNCN Nguyễn Trọng Thuật cống hiến hết sức mình cho Tổ quốc, cho nhân dân. Những người lính Cảnh sát biển đang thực hiện nhiệm vụ ngoài khơi có thể phải xa gia đình, xa người thân trong thời gian dài, đối mặt với nỗi nhớ nhà và muôn vàn khó khăn, sóng gió, nhưng đối với họ, cuộc sống của người lính biển không chỉ là những gian lao vất vả, họ còn có những niềm vui, niềm tự hào bình dị trong cuộc sống và trong chính nhiệm vụ của mình.
Minh Đăng