21/04/2023 04:29:00 PM
(Canhsatbien.vn) -
“Với những bữa ăn phục vụ cho gần 200 người như chuyến công tác này, lượng rác thải xả ra với khối lượng rất lớn, nếu không xử lý tốt thì đây sẽ là một trong những nguyên nhân gây ra ô nhiễm môi trường biển. Ý thực được việc bảo vệ môi trường biển là quan trọng nên trong mỗi chuyến đi làm nhiệm vụ trên biển, các cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển trên tàu luôn tự giác, nêu cao trách nhiệm trong việc xử lý rác thải”- Đại uý Nguyễn Anh Tuấn, Chính trị viên tàu CSB 8004 thuộc Hải đoàn 11/Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1 cho biết.
Tôi có dịp được tham gia chuyến thực hiện nhiệm vụ tuần tra liên hợp trên vùng biển lân cận đường phân định vịnh Bắc bộ lần thứ nhất năm 2023 giữa Cảnh sát biển Việt Nam và Cảnh sát biển Trung Quốc vừa qua. Mỗi vị trí, bộ phận, mỗi ngành trên tàu đã thể hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình để góp phần làm nên thành công của chuyến công tác. Điều để lại ấn tượng đẹp cho tôi đó là bộ phận phục vụ hậu cần trên tàu. Đặc biệt là ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường của anh em ở đây.
Phân loại rác thải sau khi sử dụng.
Trong hải trình đưa đoàn công tác đi thực hiện nhiệm vụ, khu vực bếp của tàu CSB 8004 luôn tấp nập, bận rộn. Đội ngũ phục vụ ở đây hầu như phải liên tục làm việc từ sáng đến đêm để bảo đảm cho toàn tàu mỗi ngày ba bữa ăn chính và một bữa phụ trong điều kiện tàu gần như thường xuyên hành trình. Tôi để ý, trong quá trình sơ chế thực phẩm để chuẩn bị chế biến món ăn cũng như quá trình dọn rửa sau bữa ăn, anh em tổ phục vụ đều thực hiện việc phân loại rác thải. Ngay cả trong khu vực các phòng chức năng trên tàu cũng đều bố trí song song hai thùng rác và ghi rõ trên từng thùng dùng để đựng loại rác nào. Mỗi cán bộ, chiến sĩ luôn cố gắng thực hiện nhiều biện pháp để hạn chế thấp nhất rác thải ra môi trường, đặc biệt là rác thải nhựa.
Trong các phòng trên tàu CSB 8004 đều được bố trí các thùng rác thải hữu cơ và vô cơ.
Đang chọn nhặt những loại rác nhựa, nilon thải ra sau bữa ăn trưa để cho vào túi, Trung uý QNCN Vũ Anh Đức, nhân viên Máy tàu chia sẻ: “Số rác thải ra được chúng tôi phân thành hai loại là rác hữu cơ và rác vô cơ. Đối với rác vô cơ sẽ được chúng tôi thu gom, khi đủ số lượng lớn thì đưa vào máy ép rác để ép gọn lại, khi tàu về cảng sẽ đưa đi tiêu huỷ. Đối với rác hữu cơ sẽ được đưa về két thải, khi về cảng cũng được chuyển lên để xử lý!”.
Theo chân anh em vận chuyển rác vô cơ về phía sau lái tàu, tôi chứng kiến từng túi rác nhựa, nilon được đưa vào máy. Sau quá trình vận hành, những túi rác vô cơ được ép thành từng bánh tròn, để gọn gàng một chỗ. Trung tá Vũ Văn Khanh – thủy thủ trưởng, người trực tiếp vận hành máy ép rác trên tàu cho biết: “Nhờ có chiếc máy ép rác này mà số lượng rác vô cơ thải ra rất nhiều trong cả chuyến công tác tập kết về đây được ép thành từng bánh, vừa tiết kiệm diện tích, không gian chứa rác, vừa đảm bảo vệ sinh trên tàu, rất tiện ích. Với việc được trang bị một chiếc máy ép rác như thế này đã giúp chúng tôi thuận lợi hơn trong việc xử lý rác thải!”.
Rác vô cơ được đưa vào máy để tiến hành ép thành bánh đem về bờ xử lý.
Trên vùng biển vịnh Bắc bộ, mỗi ngày có hàng nghìn chiếc tàu khai thác, hoạt động. Lượng rác thải nếu không được xử lý tốt sẽ làm ảnh hưởng đến hệ sinh thái môi trường biển. Do vậy, ý thức của con người là yếu tố tiên quyết trong việc bảo vệ, giữ gìn môi trường biển, giảm thiểu tác hại đến cuộc sống của cả cộng đồng.
Là con tàu thường xuyên hoạt động dài ngày trên biển, thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng, có nhiệm vụ liên quan đến công tác đối ngoại trên biển. Làm sao để cho con tàu luôn sạch sẽ và mọi hoạt động không làm ảnh hưởng đến môi trường biển là vấn đề mà cấp ủy, chỉ huy tàu thường xuyên quan tâm. Theo Đại uý Nguyễn Anh Tuấn, việc bảo vệ môi trường biển là việc hết sức quan trọng vì nó bảo vệ cho cuộc sống của chúng ta. Do vậy, cấp uỷ, chỉ huy tàu thường xuyên quán triệt đến tất cả cán bộ, chiến sĩ trên tàu luôn nâng cao ý thức, trách nhiệm trong bảo vệ môi trường biển, bảo vệ màu xanh của biển. Trong những chuyến công tác thực hiện nhiệm vụ, toàn tàu thực hiện nghiêm việc phân loại rác thải sinh hoạt, tiêu huỷ đúng quy định. Trong những lần gặp gỡ, tiếp xúc với bà con nhân dân, ngư dân làm ăn trên biển, đảo, cán bộ, chiến sĩ của tàu đã tích cực tuyên truyền cho bà con nâng cao ý thức, trách nhiệm của mình trong việc chung tay bảo vệ môi trường biển.
Về vấn đề này, Thượng tá Hoàng Quang Linh - Hải đoàn trưởng, Hải đoàn 11 cho biết, không chỉ tàu CSB 8004 mà thời gian qua, những con tàu trong toàn Hải đoàn đã làm tốt công tác bảo vệ môi trường biển. Khi thực hiện nhiệm vụ trên các khu vực biển, đảo, bên cạnh việc tuyên truyền pháp luật biển Việt Nam và quốc tế, các quy định của Nhà nước về khai thác thuỷ hải sản thì cán bộ, chiến sĩ trên các tàu còn trực tiếp tuyên truyền cho bà con nhân dân, ngư dân về tác hại của việc xả rác xuống biển, đặc biệt là rác thải nhựa cũng như những khuyến cáo để bà con cùng chung tay bảo vệ môi trường biển, bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản cho hôm nay và mai sau.
Với đặc thù nhiệm vụ được giao nên mỗi cán bộ, chiến sĩ tàu CSB 8004 nói riêng, Hải đoàn 11 nói chung thường xuyên bám biển dài ngày và luôn xác định phương châm “Tàu là nhà, biển cả là quê hương”. Bằng những đóng góp thiết thực từ chính hành động nhỏ nhất, những người lính Cảnh sát biển đã góp phần làm cho môi trường biển và các địa phương ven biển thêm xanh hơn, đẹp hơn. Đó cũng chính là góp phần bảo vệ bình yên cho biển đảo quê hương
Lam Giang