03/09/2017 03:44:00 PM
(Canhsatbien.vn) -
Phong cách ngoại giao văn hóa Hồ Chí Minh được hình thành trên cơ sở kế thừa truyền thống ngoại giao văn hóa của dân tộc, tinh hoa ngoại giao văn hóa nhân loại cùng với những phẩm chất cá nhân vượt trội và hoạt động thực tiễn sinh động của Người, tạo nên những giá trị ngoại giao văn hóa bền vững. Đây là bài học quý về ngoại giao văn hóa cho nhiều thế hệ người Việt Nam, trong đó có lực lượng vũ trang.
1. Kiên trì giữ vững nguyên tắc, linh hoạt, mềm dẻo trong ứng xử. Với Hồ Chí Minh, mục đích lớn nhất của ngoại giao là nhằm giành độc lập dân tộc, tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Sự kiên định giữ vững nguyên tắc độc lập, tự chủ, nhưng lại hết sức mềm dẻo, linh hoạt trong sách lược, khéo léo và bản lĩnh để đấu tranh ngoại giao trước kẻ thù nhằm giành, giữ và bảo vệ nền độc lập dân tộc, tự do của nhân dân Việt Nam đã tạo thành nét đặc sắc trong phong cách ngoại giao văn hóa Hồ Chí Minh.
Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Nguyên tắc của ta thì phải vững chắc, nhưng sách lược của ta thì linh hoạt”1. Trong công tác đối ngoại, Hồ Chí Minh luôn biết mình, biết người, biết thời thế để đạt được mục tiêu cao nhất. Sau cách mạng tháng Tám năm 1945, chính quyền cách mạng non trẻ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đứng trước tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, cùng lúc phải đối mặt với thù trong và giặc ngoài. Để giữ vững chính quyền, Hồ Chí Minh đã đưa ra một loạt quyết sách khôn khéo để hòa hoãn với Pháp, nhân nhượng với Tưởng, nhằm tạo thuận lợi cho việc chuẩn bị thực lực cách mạng. Năm 1946, trước khi sang Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mời cụ Huỳnh Thúc Kháng ra gánh vác việc nước, thay Người giải quyết công việc. Khi tiễn Người ở sân bay Gia Lâm, Cụ đề nghị Hồ Chủ tịch một lời khuyên. Người nói ngắn gọn: “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Câu nói của Hồ Chí Minh là một triết lý hành động, thể hiện đỉnh cao tư duy, phong cách ngoại giao của Người, với bản chất là giữ vững nguyên tắc, nhưng linh hoạt, mềm dẻo trong ứng xử, lấy mục tiêu độc lập dân tộc, tự do, hạnh phúc của nhân dân làm nguyên tắc không thay đổi, tùy vào điều kiện, hoàn cảnh cụ thể để vận dụng linh hoạt các biện pháp.
Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, nhờ hoạt động ngoại giao văn hóa rất đa dạng, phong phú của Hồ Chí Minh, như: viết thư, ra lời kêu gọi, gặp gỡ, tiếp xúc, tham dự các tổ chức, phong trào quốc tế, trả lời phỏng vấn,… làm cho các nguyên thủ, các vị lãnh đạo nhà nước hay tổ chức quốc tế, cá nhân và nhân dân thế giới biết đến Việt Nam. Không những thế, hoạt động ngoại giao văn hóa của Hồ Chí Minh còn góp phần quan trọng vào việc hình thành nhiều tổ chức, nhiều phong trào của các lực lượng tiến bộ và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới; làm cho họ nhiệt tình ủng hộ cả tinh thần và vật chất để nhân dân Việt Nam đấu tranh, giành và giữ vững nền độc lập, tự do.
Chủ tịch Hồ Chí Minh với các chiến sĩ Hải quân Xô-viết trên chiến hạm Rạng Đông năm 1957. (Ảnh tư liệu)
2. Phát huy các giá trị văn hóa dân tộc và nhân loại trong hoạt động ngoại giao. Trong các hoạt động ngoại giao, Hồ Chí Minh luôn nêu cao tinh thần dân tộc, phát huy truyền thống ngoại giao hòa bình, hữu nghị, nhân văn với các dân tộc, làm cho thế giới biết đến Việt Nam là một dân tộc anh hùng, gan dạ trong chiến đấu, nhưng lại hết sức nhân văn, thân thiện và yêu chuộng hòa bình. Cũng nhờ việc phát huy truyền thống ngoại giao văn hóa của dân tộc mà sức mạnh của ngoại giao Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh được nhân lên, góp phần giải quyết các xung đột bằng con đường hòa bình, với phương châm “làm cho nước mình ít kẻ thù hơn hết và nhiều bạn đồng minh hơn hết”.
Việc tiếp thu và vận dụng các giá trị văn hóa tiến bộ của nhân loại trong hoạt động ngoại giao của Hồ Chí Minh là cơ sở để tăng sự hiểu biết và tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới, đấu tranh vì mục tiêu cao cả là hòa bình, độc lập, dân chủ và tiến bộ. Đi đến đâu, Người cũng sử dụng vốn hiểu biết về văn hóa của các dân tộc đó để giao lưu, thắt chặt thêm tình đoàn kết, hữu nghị giữa các dân tộc. Đáp từ Tổng thống Ấn Độ Pra-xát trong buổi tiệc chiêu đãi (năm 1958), Hồ Chí Minh nói: “Khi đến đất nước Ấn Độ vĩ đại, chúng tôi rất cảm động và vui sướng được đến quê hương của một trong những nền văn minh lâu đời nhất của thế giới. Văn hóa, triết học và nghệ thuật của nước Ấn Độ đã phát triển rực rỡ và có những cống hiến to lớn cho loài người. Nền tảng và truyền thống của triết học Ấn Độ là lý tưởng hòa bình, bác ái. Liên tiếp trong nhiều thế kỷ, tư tưởng Phật giáo, nghệ thuật, khoa học Ấn Độ đã lan khắp thế giới”2. Không chỉ am hiểu sâu sắc các giá trị văn hóa của nhiều dân tộc trên thế giới, Hồ Chí Minh còn có sự đồng cảm rất lớn với nhiều nghệ sĩ nổi tiếng thế giới, khi cảm nhận các tác phẩm nghệ thuật của họ. Trong thư gửi danh họa nổi tiếng Pi-cát-xô (năm 1961), Hồ Chí Minh đã viết: “Đồng chí Pi-cát-xô thuộc vào những con người luôn luôn trẻ, bởi vì những người ấy sôi nổi trong tâm hồn một tình yêu say mê với cái Thiện, cái Mỹ, với Hòa bình và Nhân loại. Tình yêu ấy đã dẫn dắt Pi-cát-xô đến với chủ nghĩa cộng sản và vì thế họa sĩ mãi mãi giữ được tuổi xuân”3. Chính nhờ sử dụng sự hiểu biết sâu sắc về văn hóa vào hoạt động ngoại giao nên trong mọi hoàn cảnh, Hồ Chí Minh luôn chiếm được cảm tình và chinh phục được trái tim của nhiều người, từ chính khách đến trí thức, văn nghệ sĩ,… đặc biệt là nhân dân khắp thế giới.
3. Chủ động, bản lĩnh, trí tuệ và tự tin. Nhờ vốn văn hóa và sự hiểu biết sâu sắc, Hồ Chí Minh đã tạo cho mình một phong cách ứng xử ngoại giao hoàn toàn chủ động, bản lĩnh, trí tuệ và tự tin. Người luôn tìm hiểu kỹ các đối tượng và rất uyển chuyển, linh hoạt trong giao tiếp: khi cần thơ thì Người làm thơ, cần kiến thức văn học thì viết hoặc sử dụng những áng văn thơ điển hình của dân tộc và nhân loại phù hợp với từng hoàn cảnh giao tiếp. Khi đón Tổng thống Ghi-nê, Se-kô-u Tô-ure đến thăm Việt Nam (tháng 9-1960), Người lẩy Kiều để thể hiện tình cảm: “Bây giờ mới gặp nhau đây/ Mà lòng đã chắc những ngày thanh niên”. Năm 1963, khi đón Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Lưu Thiếu Kỳ sang thăm Việt Nam, Hồ Chí Minh cũng đọc thơ và câu thơ đó đã trở thành biểu trưng cho quan hệ hai nước: “Mối tình thắm thiết Việt Hoa/ Vừa là đồng chí vừa là anh em”. Như vậy, việc sử dụng văn hóa vào hoạt động ngoại giao của Hồ Chí Minh đã đem lại hiệu quả tích cực, góp phần gắn kết quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam với các nước; đồng thời, tạo được nhiều thiện cảm và ấn tượng đẹp với bạn bè quốc tế.
Với Hồ Chí Minh, dù người đối thoại là nguyên thủ quốc gia, lãnh tụ đảng, chính khách, trí thức hay chỉ là người dân bình thường, Người cũng luôn chủ động trong ứng xử. Sự chủ động đó vừa tự nhiên, bình dị, chân thành, vừa ân cần, tế nhị, được thể hiện hết sức sinh động và phong phú. Nhờ sự tinh tế, nhanh nhạy cùng với tài phán đoán, nên trong mọi tình huống, Hồ Chí Minh luôn giữ được thế chủ động, có thể xoay chuyển tình thế khi cần thiết để giành được mục tiêu đối ngoại. Mặc dù vốn văn hóa, sự hiểu biết ở bậc vĩ nhân, nhưng Người luôn khiêm nhường, từ việc sử dụng ngôn từ giản dị, ngắn gọn và dễ hiểu đến phong thái thân thiện, cởi mở, luôn tạo thiện cảm mạnh mẽ. Nhiều vị khách quốc tế, sau khi gặp Người, đều có ấn tượng sâu sắc bởi sự uyên bác, trí thông minh, sự giản dị, lạc quan cùng sự tự tin, kết hợp với phong cách lịch thiệp, nho nhã của Người. Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Anh, Giôn Gô-lan đã nhận xét về Người: “Được gặp gỡ và nói chuyện với đồng chí Hồ Chí Minh là một ấn tượng không thể nào quên được. Đây là một con người vĩ đại, nhưng không bao giờ Người tỏ ra mình là một con người vĩ đại”4.
Ở Hồ Chí Minh, có sự hội tụ đầy đủ tinh hoa văn hóa của cả phương Đông và phương Tây, đạt đến đỉnh cao tri thức của văn hóa nhân loại. Người đã làm chủ được nhiều ngôn ngữ khác nhau và sử dụng thành thạo các ngôn ngữ đó để viết báo, viết văn, viết kịch, làm thơ và trong các hoạt động ngoại giao. Hồ Chí Minh là một trong số ít lãnh tụ trên thế giới khi ngoại giao không cần phiên dịch. Người sử dụng thông thạo 06 ngoại ngữ (Trung Quốc, Pháp, Anh, Nga, Đức và Thái Lan). Ngoại ngữ chính là một trong những “công cụ” quan trọng để đạt được mục đích ngoại giao, đồng thời tạo nên phong cách tự tin và bản lĩnh ngoại giao của Hồ Chí Minh. Trong nhiều cuộc phỏng vấn của phóng viên nước ngoài, Người đã trực tiếp trả lời bằng tiếng nước ngoài. Từ đó, mọi ý nghĩa về cuộc đấu tranh chính nghĩa của dân tộc được truyền tải đến nhân dân thế giới mà không cần qua bất cứ một phương tiện chuyển ngữ nào.
Tóm lại, nhờ những phẩm chất nổi trội trong nhân cách văn hóa Hồ Chí Minh kết hợp với tài ngoại giao thiên bẩm đã tạo nên phong cách ngoại giao văn hóa độc đáo, mang đậm dấu ấn riêng của Hồ Chí Minh. Người vừa mang phong cách hiện đại, hào hoa, lịch thiệp của phương Tây, nhưng cũng rất thâm thúy, nho nhã phương Đông; coi trọng việc nghĩa, sẵn sàng hy sinh hạnh phúc của bản thân vì hạnh phúc của nhân dân, dân tộc và nhân loại. Tất cả những hoạt động ngoại giao của Hồ Chí Minh cuối cùng cũng để đạt được mục đích duy nhất là vì nước, vì dân. Phong cách ấy đã góp phần quan trọng tạo nên những thắng lợi to lớn không chỉ cho sự nghiệp ngoại giao, mà còn cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc Việt Nam và của cả nhân loại. Nhờ phong cách ấy, Hồ Chí Minh đã trở thành huyền thoại ngay cả khi còn sống, trở thành người đại diện tiêu biểu nhất của dân tộc Việt Nam được nhân dân thế giới yêu mến, ngợi ca.
Đối với lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam, Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm đặc biệt trong việc rèn luyện tư cách đạo đức, phong cách ứng xử của người quân nhân cách mạng. Đối với Quân đội, Hồ Chí Minh căn dặn: “Cán bộ và chiến sĩ thương yêu nhau như ruột thịt, chia ngọt sẻ bùi,... trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc,... Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”5. Trong thư gửi Giám đốc Sở Công an Khu 12 (đồng chí Hoàng Mai), Người đã nhắc nhở lực lượng Công an: “Anh chị em công an nhận rõ công an của ta là công an nhân dân, vì dân mà phục vụ và dựa vào nhân dân mà làm việc”6. Lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam luôn ghi nhớ những lời dạy của Người, coi đó là chuẩn mực, nguyên tắc và phương châm rèn luyện phẩm chất, ý chí của người quân nhân qua các thời kỳ cách mạng, nhất là trong những giai đoạn cam go, mang tính bước ngoặt.
Hiện nay, việc xây dựng văn hóa ứng xử trong lực lượng vũ trang nhân dân đang là một nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách nhằm đáp ứng yêu cầu của tình hình mới. Đặc biệt, trong bối cảnh đất nước đang chủ động và tích cực hội nhập quốc tế một cách sâu rộng thì việc lực lượng vũ trang nhân dân xây dựng, bồi đắp ngoại giao văn hóa càng trở nên cấp thiết, nhằm đẩy mạnh công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế, bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự, an toàn xã hội; giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển, nhất là kinh tế, nâng cao vị thế của Việt Nam nói chung, lực lượng vũ trang nhân dân nói riêng trên trường quốc tế. Để làm được điều đó, lực lượng vũ trang nhân dân, nhất là Quân đội nhân dân và Công an nhân dân cần tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, trong đó có phong cách ngoại giao văn hóa là một trong những giải pháp quan trọng. Học Bác, trước hết, người quân nhân cách mạng cần phải tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, nâng cao trình độ văn hóa và chuyên môn nghiệp vụ. Đây chính là nền tảng căn bản để tạo nên bản lĩnh, thái độ tự tin trong công việc và trong quan hệ, ứng xử. Trước yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao, mỗi cán bộ, chiến sĩ phải học tập phong cách ứng xử: giữ vững nguyên tắc, nhưng chủ động, khéo léo, linh hoạt về biện pháp, biết “dĩ bất biến, ứng vạn biến” để giải quyết thành công mọi việc theo chức trách đảm nhiệm. Trong mọi tình huống “Phải suy tính kỹ lưỡng. Chớ hấp tấp, chớ làm bừa, chớ làm liều. Chớ gặp sao làm vậy”7. Muốn quyết định đúng mọi vấn đề, cần phải điều tra, nghiên cứu rõ ràng để có thể đề ra chính sách đúng đắn. Mỗi cán bộ, chiến sĩ Quân đội, Công an cũng cần phải học phong cách ngoại giao gần gũi, cởi mở, chu đáo, chân thành của Bác để ứng xử với nhân dân và bạn bè quốc tế.
Trong xu thế hội nhập quốc tế, xây dựng văn hóa ứng xử của lực lượng vũ trang nhân dân còn được thực hiện trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế, các mối quan hệ phối hợp công tác giữa Quân đội, Công an Việt Nam với các tổ chức, lực lượng quân đội, an ninh quốc tế, bảo vệ nền hòa bình thế giới. Do đó, học tập phong cách ngoại giao văn hóa Hồ Chí Minh càng có ý nghĩa quan trọng trong việc khẳng định vị thế của Quân đội, Công an, cũng như tạo dựng hình ảnh đẹp của người cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam trong lòng nhân dân và bạn bè quốc tế.
PGS, TS. PHẠM NGỌC ANH (Theo Tạp chí Quốc phòng toàn dân)