Phòng Tác chiến/Bộ Tham mưu- Lá cờ đầu trong phong trào Thi đua Quyết thắng của Bộ Tham mưu Cảnh sát biển

27/11/2019 02:47:00 AM

(Canhsatbien.vn) - 

Trải qua 21 năm xây dựng và trưởng thành, Bộ Tham mưu Cảnh sát biển luôn đạt được những thành tích xuất sắc, tiêu biểu trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền, giữ vững an ninh, an toàn trên các vùng biển, đảo của Tổ quốc. Trong thành tích chung đó có sự đóng góp không nhỏ của Phòng Phòng Tác chiến - Lá cờ đầu trong phong trào Thi đua Quyết thắng của Bộ Tham mưu.

Là một trong 18 đầu mối cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Tham mưu, với nhiệm vụ chính trị trọng tâm là tham mưu cho Đảng ủy, Thủ trưởng Bộ Tư lệnh, Bộ Tham mưu Cảnh sát biển trong lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện công tác sẵn sàng chiến đấu, đấu tranh bảo vệ chủ quyền, thực thi pháp luật trên biển và công tác huấn luyện chiến dịch, công tác sở chỉ huy, quy hoạch đất quốc phòng. Không chỉ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị, Phòng Tác chiến còn là điểm sáng trong xây dựng cơ quan “3 mạnh”: Mạnh về tham mưu đề xuất, mạnh về theo dõi chỉ đạo, mạnh về kiểm tra đôn đốc.  

5 năm qua, mặc dù thực hiện nhiệm vụ trong bối cảnh không ít khó khăn như: biên chế quân số có lúc còn thiếu, nhiều vị trí phải kiêm nhiệm, kinh nghiệm công tác chưa tích lũy được nhiều, cán bộ thường xuyên có sự thay đổi theo yêu cầu nhiệm vụ, song với tinh thần đoàn kết, khắc phục khó khăn, ý chí quyết tâm cao, cấp ủy, chỉ huy Phòng Tác chiến đã lãnh đạo tập thể đội ngũ cán bộ, nhân viên phát huy tốt năng lực chuyên môn, tinh thần trách nhiệm, xây dựng phương pháp, tác phong công tác khoa học, hiệu quả, hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao.

Triển khai theo dõi tình hình trên biển.

Kết quả nổi bật trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của Phòng là: thực hiện tốt vai trò trung tâm hiệp đồng tác chiến, chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị trong toàn lực lượng và các cơ quan liên quan. Luôn chủ động nắm chắc tình hình, phân tích, đánh giá, dự báo, cung cấp thông tin chính xác; kịp thời tham mưu, đề xuất với Đảng ủy, Thủ trưởng Bộ Tư lệnh về sử dụng lực lượng, phương tiện trực sẵn sàng chiến đấu, tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, bảo vệ thăm dò, khai thác dầu khí, đấu tranh với tàu thuyền nước ngoài xâm phạm vùng biển Việt Nam; duy trì thực thi pháp luật; cứu hộ cứu nạn, bảo vệ môi trường biển.

Từ năm 2014 đến nay, Phòng Tác chiến đã tham gia chỉ huy, điều hành trên 1.700 lượt tàu, xuồng thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra, kiểm soát các vùng biển, đi được 817.651 hải lý an toàn, tuyên truyền yêu cầu trên 4.900 lượt/chiếc tàu thuyền vi phạm rời khỏi vùng biển Việt Nam, lập biên bản phóng thích 411 lượt/chiếc. Trong duy trì thực thi pháp luật, đã tham mưu điều động lực lượng đấu tranh trấn áp có hiệu quả các loại tội phạm vi phạm với hàng chục chuyên án, vụ án mỗi năm, bắt giữ hàng trăm đối tượng, thu nhiều tang vật, hàng hóa có giá trị.

Đặc biệt, ngày 02/5/2014, Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 cùng hàng trăm tàu bảo vệ các loại vào hạ đặt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam với hành động hết sức ngang ngược, hung hăng, sử dụng các loại tàu thuyền, tạo nhiều tầng, nhiều lớp bảo vệ giàn khoan, chủ động đâm va, húc ủi, dùng vòi rồng công suất lớn phun nước trực tiếp vào lực lượng thực thi pháp luật của ta... Với chức năng, nhiệm vụ được giao, Phòng Tác chiến đã tham mưu cho Đảng ủy, Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển phối hợp chặt chẽ với các lực lượng, nhất là lực lượng Kiểm Ngư và ngư dân triển khai các phương án đấu tranh theo đúng chủ trương, đối sách của Đảng, Nhà nước. Tổ chức đưa đón 93 lượt phóng viên trong nước, 43 lượt phóng viên quốc tế ra thực địa tác nghiệp, cung cấp tư liệu từ thực địa về đất liền phục vụ đấu tranh chính trị, ngoại giao và pháp lý có hiệu quả. Sau 75 ngày đêm kiên trì đấu tranh, Trung Quốc buộc phải rút giàn khoan Hải Dương 981 và đội tàu bảo vệ ra khỏi vùng biển Việt Nam.

Cùng với các hoạt động đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo, hằng năm, Phòng Tác chiến đã soạn thảo các mẫu biểu, sổ sách, văn kiện tác chiến thống nhất, đúng, đủ nội dung, hình thức, đảm bảo chất lượng theo đúng hướng dẫn của trên; tích cực, hướng dẫn, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị điều chỉnh, bổ sung, luyện tập các kế hoạch chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu. Xây dựng kế hoạch tuần tra, kiểm soát, kế hoạch tuần tra chung vịnh Bắc bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc, kế hoạch xua đuổi tàu cá nước ngoài, kế hoạch chống nước ngoài hạ đặt giàn khoan trong vùng biển Việt Nam, kế hoạch chiến đấu bảo vệ Sở Chỉ huy, kho tàng... Điều chỉnh bổ sung kế hoạch phòng chống cháy nổ, kế hoạch phòng, chống giảm nhẹ thiên tai, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn sát với tình hình nhiệm vụ. Tổ chức duy trì nghiêm kíp trực Sở Chỉ huy, kết hợp chặt chẽ trực ban Sở Chỉ huy với trực ban Trung tâm Chỉ huy; theo dõi, giám sát các hoạt động thường xuyên, đột xuất trên biển, nhận định, đánh giá tình hình và kịp thời tham mưu xử trí các tình huống, không để bị động, bất ngờ. Cùng với đó, Phòng Tác chiến cũng đã tham mưu, triển khai thực hiện nghiêm, hiệu quả Chỉ thị 93/CT-BQP ngày 11/5/2017 của Thứ trưởng Bộ Quốc phòng về việc chấn chỉnh và tăng cường công tác quản lý, sử dụng đất quốc phòng; quản lý chặt chẽ các điểm đất hiện có của Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, đồng thời chủ động liên hệ với các địa phương xin đất đóng quân cho Lực lượng Cảnh sát biển theo quyết định biểu tổ chức biên chế mới đã được Bộ Quốc phòng phê duyệt.  

Ghi nhận những thành tích của Phòng, 5 năm liên tục (từ năm 2014 - 2018), Phòng Tác chiến được Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển tặng danh hiệu "Đơn vị Quyết thắng", Bằng khen về thành tích xuất sắc trong công tác giám sát thực thi hiệp định nghề cá vịnh Bắc bộ Việt Nam - Trung Quốc (2006-2019) cùng nhiều danh hiệu cho tập thể và các cá nhân trong các đợt thi đua cao điểm. Đây là phần thưởng xứng đáng cho những nỗ lực của tập thể cán bộ, nhân viên Phòng Tác chiến, là niềm động viên, khích lệ mỗi cán bộ, nhân viên trong toàn Phòng cần nỗ lực, phấn đấu hơn nữa, đáp ứng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới./.

Phạm Toàn Thắng

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục gửi về banbientapcsb@gmail.com