Sáng mãi tên anh - người lính trinh sát quên mình vì nhiệm vụ

02/08/2015 10:39:00 AM

(Canhsatbien.vn) - 

 Trong tình huống vô cùng nguy hiểm, sóng to, gió lớn, tàu sắp chìm, nhưng người lính trinh sát Cảnh sát biển - Thượng úy QNCN Phạm Văn Huy vẫn kiên quyết yêu cầu đồng đội và các nghi phạm phải rời tàu trước để bảo đảm an toàn và nhận sự hy sinh về mình. Tinh thần dũng cảm, quên mình vì nhiệm vụ của anh đã để lại niềm xúc động lớn đối với đồng đội và nhân dân.

Đại úy QNCN Phạm Văn Huy sinh năm 1979 tại xã Tiên Thanh, huyện Tiên Lãng, TP. Hải Phòng. Anh nhập ngũ năm 1999. Tốt nghiệp Trường Trung cấp Trinh sát năm 2002, trải qua thời gian công tác tại BTL Vùng CSB 4 và được cấp trên điều động về BTL Vùng CSB 1 từ tháng 8/2013 đến khi hi sinh.

 Đã hơn một tuần trôi qua kể từ khi sự việc xảy ra, nhưng Thượng tá Đỗ Văn Trình - Trưởng phòng Trinh sát thuộc BTL Vùng Cảnh sát biển 1 vẫn chưa hết bàng hoàng khi tường thuật lại sự hi sinh của Thượng úy QNCN Phạm Văn Huy. Anh ngậm ngùi kể: Thực hiện kế hoạch hoạt động nghiệp vụ, ngày 10/6, tôi phân công tổ công tác gồm 3 đồng chí: Thượng úy Nguyễn Văn Sơn - Trợ lý Trinh sát làm tổ trưởng và 2 tổ viên là Thượng úy QNCN Bùi Văn Đan, Thượng úy QNCN Phạm Văn Huy, cùng là nhân viên Phòng Trinh sát, lên đường thực hiện nhiệm vụ trên tàu QN-90072 TS nhằm chủ động nắm tình hình, phát hiện các phương tiện nghi vấn hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới theo tuyến Cát Hải - Vịnh Bái Tử Long - Cửa Mô - Cửa Vạn Hoa và ngược lại.

Vào lúc 15 giờ ngày 20/6, Phòng Trinh sát BTL Vùng CSB 1 nhận được tin báo từ cơ sở về một phương tiện thủy nội địa nghi vấn mua bán, vận chuyển trái phép dầu diezen từ khu vực biển Hoàng Châu (Cát Hải) về TP. Hải Phòng tiêu thụ. Chúng tôi đã lệnh cho tổ trinh sát di chuyển từ Vịnh Bái Tử Long (Quảng Ninh) về khu vực vụng Hoàng Châu để đón lõng tàu vi phạm. Đến 23 giờ 45 phút ngày 20/6, tổ trinh sát phát hiện tàu nghi vấn, liền cơ động áp sát để đồng chí Sơn và đồng chí Huy nhảy sang khống chế, yêu cầu dừng phương tiện để kiểm tra. Lúc này, bất chợt trời nổi cơn giông lớn, tàu chở dầu lại đang chở nặng, nếu dừng lại có nguy cơ bị chìm nên tổ công tác đã đề nghị tiếp tục cho tàu di chuyển về vị trí an toàn hơn để kiểm tra với sự áp tải của đồng chí Sơn và đồng chí Huy, phía sau là sự hộ tống của tàu QN-90072 TS ở cự ly 30-40m.

Khi tàu chở dầu chạy được khoảng 25 phút thì gặp cơn giông kèm theo sóng lớn, nhận thấy tàu có nguy cơ bị chìm, đồng chí Sơn nói với đồng chí Huy và 2 thuyền viên trên tàu: “Phải nhảy khỏi tàu!”. Đồng chí Huy trả lời: “Anh cứ nhảy ra, bơi về tàu trước, tôi bơi tốt hơn nên nếu có vấn đề gì sẽ rời tàu sau. Dù thế nào cũng phải đưa bằng được tàu vi phạm về để xử lý…”. Thế rồi chỉ 5 phút sau, một cơn gió giật kèm theo sóng lớn cao chừng hơn 2m bất ngờ ập tới khiến tàu chở dầu bị nghiêng hẳn về một bên, sau khi điện yêu cầu tàu QN-90072 TS hỗ trợ, Thượng úy Nguyễn Văn Sơn đã rời tàu. Còn lại một mình và 2 thuyền viên của tàu vi phạm, Thượng úy QNCN Phạm Văn Huy đã lệnh cho 2 thuyền viên trên tàu: “Tàu đang chìm, để bảo đảm tính mạng, tôi yêu cầu các anh phải rời tàu ngay…”. Chờ cho 2 thuyền viên nhảy khỏi tàu chở dầu, Thượng úy QNCN Nguyễn Văn Huy là người rời tàu cuối cùng. Khi Huy vừa nhảy khỏi tàu thì bất ngờ một cơn sóng lớn trùm đến, nhấn chìm tàu chở dầu và kéo theo cả anh xuống biển. Tàu QN-90072 TS nhận được thông báo về việc tàu chở dầu có nguy cơ bị chìm đã tăng tốc độ bám sát nhưng do trời tối, sóng to, gió lớn nên chỉ phát hiện và vớt được Thượng úy Nguyễn Văn Sơn.

Nhận được tin báo, BTL Vùng CSB 1 đã khẩn trương điều động các lực lượng, phương tiện ra hiện trường phối hợp với Bộ chỉ huy BĐBP TP. Hải Phòng và các phương tiện đang hoạt động xung quanh khu vực tổ chức tìm kiếm đồng chí Huy và hai nghi phạm chở dầu. Đến 6 giờ ngày 22/6, nhân dân và các lực lượng tìm kiếm đã phát hiện và vớt được thi thể đồng chí Phạm Văn Huy tại khu vực đầm nhà Mạc thuộc xã Liên Vị (thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh).

Đến 21 giờ 30 phút ngày 22/6, bằng các biện pháp nghiệp vụ, BTL Vùng CSB 1 đã bắt giữ được 2 đối tượng điều khiển tàu chở dầu vi phạm là Nguyễn Tài Tân, sinh năm 1969 và Đào Ngọc Tùng, sinh năm 1983, cùng trú tại xã Tân Phong (Kiến Thụy, Hải Phòng). BTL Vùng CSB 1 cũng đã thuê phương tiện trục vớt, lai dắt tàu chở dầu về cảng của đơn vị để điều tra, xử lý. Qua đấu tranh khai thác ban đầu, các đối tượng đã khai nhận đang chở 13.000 lít dầu FO không có hóa đơn chứng từ hợp pháp, được mua lại từ một tàu lớn khác trên vùng biển thuộc tỉnh Quảng Ninh để vận chuyển về Hải Phòng tiêu thụ.

Ngày 23/6, BTL Vùng CSB 1 phối hợp cùng địa phương và gia đình tổ chức lễ viếng, lễ truy điệu và an táng Thượng úy QNCN Phạm Văn Huy theo nghi thức quân đội. Được tin anh hi sinh, Đại tướng Phùng Quang Thanh - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Thượng tướng Nguyễn Thành Cung - Ủy viên TW Đảng, Ủy viên Thường vụ QUTW, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đã gửi vòng hoa viếng và chia buồn. Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam đã về quê hương của anh để đặt vòng hoa và thắp nén hương tiễn biệt một quân nhân ưu tú quên mình vì nhiệm vụ. Đảng ủy, Thủ trưởng BTL CSB đã đề nghị Thủ trưởng Bộ Quốc phòng tăng 1 bậc lương và phiên quân hàm Đại úy cho đồng chí Phạm Văn Huy.

Ngay sau lễ an táng Thượng úy QNCN Phạm Văn Huy, đồng loạt các cơ quan, đơn vị trong toàn Lực lượng Cảnh sát biển đã tổ chức phát động phong trào học tập gương dũng cảm hi sinh của anh. Đồng thời phát động đợt tự nguyện quyên góp, ủng hộ, giúp đỡ và chia sẻ những khó khăn, vất vả cùng gia đình anh. Phát biểu trong lễ phát động phong trào học tập gương dũng cảm hi sinh của Thượng úy Phạm Văn Huy, Đại tá Trần Văn Rồng - Phó Chính ủy BTL Vùng CSB 1 đã nói: “Đây là dịp để mỗi cán bộ, chiến sĩ BTL Vùng được bày tỏ tình cảm, lòng tiếc thương vô hạn và cảm phục trước tấm gương hi sinh dũng cảm, quên mình quyết tâm đấu tranh trấn áp tội phạm buôn lậu và gian lận thương mại trên biển của Đại úy Phạm Văn Huy vừa qua. Đồng thời khơi dậy cho cán bộ, chiến sĩ toàn lực lượng lòng quyết tâm, tinh thần trách nhiệm, sẵn sàng chịu đựng gian khổ hi sinh. Phấn đấu nỗ lực vươn lên hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao!”.

 Được biết hiện tại gia đình anh Huy gặp nhiều khó khăn. Anh là con trai duy nhất trong gia đình có bốn người con, bố anh mới mất cách đây hơn một năm, mẹ hiện đã già yếu và không có lương. Vợ anh là chị Trần Thị Bích Thủy, giáo viên cấp II, con gái lớn mới được 6 tuổi, con gái thứ 2 chưa đầy 6 tháng tuổi. Anh ra đi khi ước mơ, khát vọng cống hiến cho lực lượng, cho đơn vị còn dang dở nhưng gia đình, đơn vị và quê hương anh sẽ mãi luôn tự hào vì sự hi sinh dũng cảm ấy đã góp phần giữ gìn cuộc sống bình yên của biển đảo, của nhân dân. Sự hi sinh cao đẹp của anh như ngọn đuốc thắp lên trong tim mỗi cán bộ, chiến sĩ CSB về tình yêu thương con người, về trách nhiệm và lòng dũng cảm khi phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, gian khổ mà những người lính Cảnh sát biển Việt Nam luôn phải trải qua.

Mai Anh

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục gửi về banbientapcsb@gmail.com