12/12/2017 10:55:00 AM
(Canhsatbien.vn) -
Tại Hội nghị Gặp mặt, tuyên dương điển hình tiên tiến trong 3 năm thực hiện Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” của BTL Vùng Cảnh sát biển 4, bài phát biểu tham luận của Đại úy Phạm Văn Huy - Trợ lý Khí tài Điện tử/Phòng Kỹ thuật /BTL Vùng Cảnh sát biển 4 đã được cán bộ, chiến sĩ dự hội nghị chăm chú theo dõi và đánh giá cao bởi đó không phải là một báo cáo thành tích mà là một câu chuyện chứa đầy niềm đam mê nghiên cứu khoa học, giàu cảm xúc và cả sự truyền cảm hứng của một sĩ quan trẻ, một “Cây sáng kiến” của đơn vị.
Phạm Văn Huy (bên phải) đang hướng dẫn nhân viên kỹ thuật khai thác, sử dụng khí tài điện tử trên tàu CSB.
Sinh ra và lớn lên ở vùng quê miền biển Sầm Sơn, Thanh Hóa, ngay từ nhỏ Phạm Văn Huy đã sớm có mơ ước trở thành anh lính Hải quân. Ước mơ đó đã thành hiện thực khi Huy thi đỗ vào Học viện Hải quân năm 2006. Tuy nhiên, mong ước được là một thuyền trưởng chỉ huy các con tàu trên biển của chàng học viên trẻ Phạm Văn Huy đã không được toại nguyện khi anh được phân về chuyên ngành Ra-đa cảnh giới. Đó không phải là chuyên ngành “hot”, hấp dẫn đối với học viên, chưa kể những đồn thổi, nào là tiếp xúc nhiều với sóng ra-đa sẽ hại sức khỏe, không cẩn thận sẽ bị vô sinh, nào là khi ra trường về đơn vị chẳng có nhiều cơ hội phát triển, thăng tiến… Cũng có tâm tư, cũng có hụt hẫng và đôi chút chán nản nhưng rồi được chỉ huy làm công tác tư tưởng và gia đình động viên, sau thời gian ngắn, Huy đã yên tâm học tập, rèn luyện. Trong chuyên ngành ngỡ là khô cứng với hàng loạt máy móc và khí tài đủ các đời, chủng loại; hóc búa với những công thức truyền sóng rối rắm, những cánh sóng trên trời, dưới biển… chàng học viên Phạm Văn Huy đã tìm được cho mình niềm đam mê sáng tạo, nghiên cứu khoa học và ngọn lửa ấy đã bùng lên, cháy đượm cho đến bây giờ. Trong học tập cũng như hoạt động ngoại khóa, Huy là thành viên nhiệt tình, tích cực, trách nhiệm của tổ học phụ, câu lạc bộ tin học của lớp, của khóa hay tham gia các hoạt động nghiên cứu do nhà trường tổ chức. Ngoài học chính khóa trên giảng đường, Huy luôn cầu thị học thầy, hỏi bạn, chịu khó đến thư viện tìm đọc tài liệu và quen hết các chị thủ thư nên nhiều khi quên không mang thẻ mượn đọc vẫn được ưu ái “đặc cách”. Ngày nghỉ, được ra ngoài, trong khi bạn bè thường hay đi họp đồng hương hay giải trí thì Huy thường “la cà” ở các cửa hàng tin học, máy tính để tìm hiểu về thiết bị, công nghệ.
Với nỗ lực, quyết tâm và đam mê sáng tạo, năm 2011, Phạm Văn Huy tốt nghiệp ra trường với bằng Khá, được phong quân hàm Trung úy và điều về Cục Cảnh sát biển (Nay là BTL Cảnh sát biển). Huy tâm sự, trong cuộc đời quân ngũ của mình, tuy chưa dài nhưng có hai lần “thử thách” đã gọi tên, lần thứ nhất là trong Học viện Hải quân được phân về chuyên ngành Ra-đa, lần thứ hai là về Cục Cảnh sát biển và được điều động vào Phú Quốc, cách xa quê nhà hàng nghìn cây số, khi ấy Phú Quốc vẫn còn chưa phát triển, vẫn khá hoang sơ, phương tiện chủ yếu ra đảo là tàu đò, cơ sở vật chất của đơn vị kể cả trong sinh hoạt và phục vụ công việc còn thiếu thốn, khó khăn. Nhờ cái chất vững vàng trước sóng gió của người con vùng biển, quen với khó khăn vất vả, sự động viên của gia đình và đồng đội đã giúp Huy nhanh chóng vượt qua được những thử thách, khó khăn, để niềm đam mê nghiên cứu, tìm tòi, sáng tạo trong khó khăn càng thêm bừng cháy.
Những ngày đầu về đơn vị, nhận thấy cơ sở vật chất cho huấn luyện còn hạn chế, Huy đã mạnh dạn đề xuất với chỉ huy đơn vị và sau này là Thủ trưởng Phòng Kỹ thuật BTL Vùng Cảnh sát biển 4 làm các mô hình, học cụ phục vụ huấn luyện mang tính thực tiễn và đã đạt nhiều giải cao trong các cuộc thi cấp BTL Vùng và BTL Cảnh sát biển từ năm 2013 đến nay như: Mô hình huấn luyện máy thông tin Icom 700TY, Trang bị huấn luyện chuyên ngành đo lường, Mô hình huấn luyện ra-đa hàng hải thế hệ mới trên tàu CSB, mô phỏng hệ thống thông tin chỉ huy CCS-4W10… Đặc biệt, hai mô hình huấn luyện ra-đa hàng hải thế hệ mới trên tàu CSB và mô phỏng hệ thống thông tin chỉ huy CCS-4W10 của Phạm Văn Huy đã được BTL Cảnh sát biển lựa chọn tham gia Hội thi mô hình học cụ cấp toàn quân và đã đạt 02 giải Ba, góp phần quan trọng để đoàn của BTL Cảnh sát biển đạt giải Nhì khối quân, binh chủng.
Sản phẩm của Phạm Văn Huy tham gia Hội thi Mô hình học cụ toàn quân đạt giải Ba.
Bên cạnh đó, Phạm Văn Huy cũng là một trong những cán bộ tiên phong ở BTL Vùng Cảnh sát biển 4 ứng dụng công nghệ thông tin nhất là phần mềm sử dụng đồ họa 3D, 4D như Photoshop, Corel, DesignCAD 3D Max, các phần mềm trình chiếu, lập trình ứng dụng, giả lập, mô phỏng như Powerpoint, Automation studio phục vụ cho công tác huấn luyện kỹ thuật. Qua đó, tăng tính trực quan, hạn chế “giảng chay, học chay”, giúp cho người học nắm chắc lý thuyết, chuẩn bị tốt hơn cho thực hành, trực tiếp nâng cao chất lượng huấn luyện kỹ thuật ở đơn vị. Trong các cuộc thi giáo án điện tử cấp BTL Vùng từ năm 2013 đến nay, anh luôn đạt giải Nhất; tham gia thi cấp BTL Cảnh sát biển đạt 1 giải Nhất, 1 giải Nhì…
Chia sẻ với đồng đội, Phạm Văn Huy không nói nhiều về thành tích, kết quả của mình mà thường trao đổi kinh nghiệm để vượt qua khó khăn trong nghiên cứu, sáng tạo. Theo anh, những kiến thức ở nhà trường là cơ sở nhưng chưa đủ mà để có sự sáng tạo, có sáng kiến mang tính thực tiễn, xuất phát từ yêu cầu công tác kỹ thuật, có tính khả thi đòi hỏi phải học, phải đọc thường xuyên. Bản thân Huy không được đào tạo về lập trình, thiết kế cả phần cứng và phần mềm, về công nghệ thông tin, để khắc phục điểm yếu đó, anh đã phải mày mò, tìm hiểu trên mạng, qua tài liệu, giáo trình và qua Tạp chí Kỹ thuật quân sự cũng như các tạp chí khác. Đơn vị đóng quân trên đảo xa, các thiết bị, linh kiện phần cứng phục vụ cho chế thử, lắp ráp hết sức thiếu thốn, do đó phải chủ động đặt mua trong đất liền, nhờ bạn bè tìm và mua giúp, tranh thủ tìm mua khi đi công tác, nghỉ phép tìm mua, có khi phải mua trên mạng. Đơn cử như việc làm mô hình ra-đa hàng hải thế hệ mới trên tàu CSB để thi cấp BTL Cảnh sát biển và sau đó là thi toàn quân, Phạm Văn Huy đã cùng nhóm của mình vận dụng, tranh thủ mọi nguồn lực, mọi mối quan hệ, có khi phải trực tiếp bắt tàu đò vào Rạch Giá để tìm mua linh kiện, vật tư, khó nhất là tìm mua chip điều khiển và màn hình hiển thị, phải vào tận Thành phố Hồ Chí Minh để mò mẫm, tìm kiếm, dù được đơn vị tạo điều kiện tối đa về kinh phí và công tác phí nhưng hầu như vẫn bị “âm nặng” bởi nhiều linh kiện phải thay, sửa, đổi nhiều lần mới ổn. Để có một sản phẩm cụ thể, từ khi có ý tưởng đến lúc có thành phẩm là cả một quá trình trăn trở, tìm tòi, lắp ráp, chạy thử, kiểm tra, hoàn thiện, chẳng kể đêm hôm và ngày nghỉ, có những lúc như Huy nói vui “CPU cũng bị đơ” và có nhiều khi bế tắc về giải pháp kỹ thuật. Khi đó, chỉ có “pause”, chờ giờ thể thao rủ anh em ra sân bóng chuyền, bóng đá, nếu tối thì đi uống cafe, đêm khuya thì cắm tai nghe vào nghe nhạc, như một cách “reset” lại bản thân để bật ra ý tưởng mới và tìm được giải pháp khắc phục.
Trong nghiên cứu, sáng tạo, Phạm Văn Huy không chỉ làm việc độc lập mà còn coi trọng sự tương tác, hỗ trợ, phương pháp và kỹ năng làm việc nhóm để phát huy trí tuệ tập thể, truyền cảm hứng, kinh nghiệm cho đồng đội đi sau, cho những cán bộ kỹ thuật mới về cơ quan, đơn vị. Đam mê và nhiệt huyết từ Phạm Văn Huy đã lan tỏa, truyền tới nhiều cán bộ kỹ thuật trẻ của đơn vị như Trung úy Nguyễn Đình Hinh của Phòng Kỹ thuật, Trung úy Nguyễn Đình Lưu, Trưởng ngành 5 của Hải đội 402… Hiện nay, nhóm của anh đang cùng nhau nghiên cứu, thử nghiệm và sẽ sớm hoàn thành thiết bị pha dung dịch ắc-quy tự động để giảm thiểu độc hại, rủi ro cho cán bộ, chiến sĩ trong các trạm xưởng, trên tàu CSB khi sử dụng hoặc sửa chữa, bảo dưỡng ắc-quy; một sáng kiến không chỉ có ý nghĩa thực tiễn mà còn chứa đựng cả tính nhân văn, tình đồng đội trong đó.
Tinh thần sáng tạo, mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm của Phạm Văn Huy còn được thể hiện ngay cả trong công việc chuyên môn hàng ngày như mạnh dạn tiếp cận học hỏi các công nghệ bảo dưỡng chuyên sâu cho các trang bị chuyên dụng, la bàn điện, kính nhìn đêm POP 200, hướng dẫn các tàu Cảnh sát biển của đơn vị tổ chức sửa chữa được nhiều hạng mục vượt cấp (như hệ thống máy lái thủy lực, ra-đa, thông tin).
Với sự sáng tạo, đam mê, tâm huyết, trách nhiệm của mình, Phạm Văn Huy đã đạt được nhiều thành tích và được khen thưởng ở nhiều cấp, từ năm 2013 đến nay, 4 năm liền Phạm Văn Huy đều được tặng danh hiệu Chiến sĩ Thi đua cơ sở, Đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; năm 2017, Phạm Văn Huy đã được Bộ Quốc phòng tặng Danh hiệu Chiến sĩ Thi đua cấp toàn quân; được Bộ Quốc phòng tặng 02 Giấy khen, BTL Cảnh sát biển tặng 02 Bằng khen và 04 Giấy khen, BTL Vùng tặng 04 Giấy khen.
Tin tưởng và hy vọng rằng, “Cây sáng kiến” Phạm Văn Huy sẽ luôn giữ cho mình niềm đam mê nghiên cứu và sáng tạo, có thêm nhiều giải pháp thiết thực, sáng kiến khả thi để góp phần xây dựng ngành kỹ thuật của đơn vị vững mạnh, đáp ứng yêu cầu tiến thẳng lên hiện đại trong giai đoạn phát triển mới./.
Hà Quốc Cường