Các quy định Ngư dân cần phải thực hiện khi tiến hành khai thác thủy, hải sản trong vùng đánh cá chung - Vịnh Bắc bộ

03/11/2015 01:31:00 PM

(Canhsatbien.vn) - 

Theo nghị định thư bổ xung Hiệp định Hợp tác nghề cá ở Vịnh Bắc bộ giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, có hiệu lực từ ngày 30/6/2004 (kèm theo Quy định về bảo tồn và quản lý nguồn lợi thủy sản trong vùng đánh cá chung Vịnh Bắc bộ) thì bà con ngư dân khi khai thác thủy, hải sản trong vùng đánh cá chung - Vịnh Bắc bộ cần chú ý thực hiện tốt các quy định về bảo tồn và quản lý nguồn lợi thủy sản trong vùng đánh cá chung như sau:

Tất cả người và tàu cá nào vào đánh bắt trong vùng đánh cá chung phải có giấy phép đánh bắt thủy sản trong vùng đánh cá chung do Ủy ban liên hiệp nghề cá cấp, có tem dán chống làm giả và phải chịu sự kiểm tra, giám sát của lực lượng chức năng Việt Nam và Trung Quốc.

- Phía Việt Nam: Thanh tra Bảo vệ Nguồn lợi thủy sản, Hải quân, Cảnh sát Biển, Bộ đội Biên phòng.

- Phía Trung Quốc: Cơ quan quản lý giám sát ngư chính ngư cảng, Công an biên phòng, Bộ đội Hải quân.

Giá trị giấy phép: 01 năm kể từ ngày cấp, tuy nhiên căn cứ tình hình cụ thể, Ủy ban liên hiệp nghề cá có thể gia hạn thêm cho phù hợp.

Người và tàu cá được cấp phép khi hoạt động đánh bắt trong vùng đánh cá chung phải mang giấy phép, giấy đăng kí tàu, giấy tờ tùy thân của người trên tàu cá (Danh bạ thuyền viên kèm theo bằng thuyền trưởng, máy trưởng và CMND các thuyền viên ) và hoạt động theo nội dung ghi trong giấy phép (ngành nghề, phạm vi khai thác…).

Tàu cá được cấp phép khi hoạt động đánh bắt trong vùng đánh cá chung phải ghi nhật ký đánh bắt trong vùng đánh cá chung do chi cục khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản cấp và quản lý. Nhật ký hàng năm phải nộp về cơ quan thực thi của nước mình.

Phải thực hiện quy chế tạm ngừng khai thác trong vùng đánh cá chung do Ủy ban liên hiệp nghề cá quy định

Tàu cá phải treo quốc kỳ của nước mình và dấu hiệu nhận biết đặt đúng vị trí quy định. Đó là biển số có kích cỡ 30 x 90 cm, có số đăng ký trùng với số ghi trong giấy phép, biển nhận biết có màu nền, mày chữ số đúng quy định của Ủy ban liên hợp nghề cá.

Trang bị trên tàu khi ra khơi phải đầy đủ phao cứu sinh để đảm bảo an toàn cho người. Mỗi tàu phải được trang bị máy định vị để xác định vị trí tàu cá trên biển, và bộ đàm liên lạc cùng bản đăng ký tần số liên lạc.

Cấm đánh bắt hải sản bằng các phương pháp như: Dùng chất độc, chất nổ và các ngư cụ, phương thức khai thác bị cấm do Ủy ban liên hiệp nghề cá quy định.

Cấm đánh bắt các loài sinh vật hoang dã, quý hiếm, có nguy cơ bị tuyệtchủng dưới nước như cá voi, cá heo, bò biển, rùa biển và san hô (nếu vô tình bắt được phải thả). Phải bảo vệ môi trường sinh thái.

Tàu cá đang đánh bắt hoặc đang di chuyển phải tuân thủ quy tắc tránh va giữa các tàu cá, không được làm ảnh hưởng hoạt động đánh bắt bình thường của các tàu cá khác.

Khi xảy ra tranh chấp hoặc sự cố gây tổn thất trên biển giữa tàu cá của hai bên,thuyền trưởng hai bên phải thương thuyết giải quyết, cấm dùng hành vi đánh, bắt giữ người, đập phá tài sản hoặc phá hại tàu. Trường hợp không giải quyết được tại chỗ, thuyền trưởng hai bên phải điền vào “giấy xác nhận sự cố trong vùng đánh cá chung”.

Khi phát hiện những sai phạm về tàu thuyền nước ngoài vi phạm về chủ quyền vùng biển Việt Nam, hoặc bị các lực lượng khác truy đuổi, bắt giữ, đâm húc, bằng mọi biện pháp thông báo cho Bộ đội Biên phòng biết để hỗ trợ, giúp đỡ.

Thảo Vy
 

File đính kèm :

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục gửi về banbientapcsb@gmail.com