19/10/2015 10:20:00 AM
(Canhsatbien.vn) -
Với những tàu cá xa bờ, mỗi chuyến ra khơi là chuỗi ngày dài đằng đẵng cách biệt với đất liền, tãi mình với nắng, sóng và gió. Sợi dây liên lạc với đất liền thật mỏng manh, chỉ có chiếc radio và máy Icom luôn chực hoen gỉ vì hơi biển. Nhưng giờ đây, với sự xuất hiện của sóng di động trên biển, nhu cầu liên lạc với đất liền đã được đáp ứng đầy đủ.
Cảng cá Ông Chính (Bà Rịa-Vũng Tàu) những ngày cuối năm. Hàng trăm con tàu đang nằm khoan khoái sau hành trình dài dò bụng biển khơi tìm cá tôm. Bây giờ nguồn lợi thủy sản ở gần bờ đã cạn dần, tàu phải ra khơi xa với những chuyến đi kéo dài 2-3 tháng trời để theo dấu các luồng cá. Do các dịch vụ trên biển như cung cấp dầu, đá làm lạnh… khá phát triển nên tàu yên tâm đi xa dài ngày. “Tàu thì đủ dầu, đủ đá, nhưng người thì thiếu thốn tình cảm lắm anh à. Cứ mỗi khi rảnh rỗi lại chỉ ngồi ngắm biển cả mênh mông, thấy mình nhỏ bé, cô đơn vô cùng” ” - Đoàn Đình Thành, thủy thủ tàu BV 4481 trải lòng. Thông thường trên mỗi tàu cá đều có máy Icom để liên lạc với đất liền thông qua hệ thống sóng từ đài duyên hải. Nhưng máy này chủ yếu dùng để thông báo bão, thời tiết biển, chỉ có thuyền trưởng mới được dùng và không phải lúc nào cũng dùng tốt.
Thế rồi, tin vui đã tới với những người đi biển, khi giờ đây họ đã có thể sử dụng được điện thoại di động ngay cả trong những hải trình nơi khơi xa. Nằm trong tầm nhìn từ chiến lược kinh tế biển, Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) đã đón đầu, tiên phong trong việc xây dựng các trạm phát sóng (BTS) dọc bờ biển nhằm hỗ trợ công tác tuần tra bảo vệ của quân đội, công tác phòng, chống bão lụt, tìm kiếm cứu nạn trên biển và đánh bắt hải sản của ngư dân. Hàng trăm trạm BTS đã được lắp đặt dọc bờ biển từ Quảng Ninh đến Kiên Giang. Chúng cộng hưởng sóng với các trạm BTS của Viettel đã được lắp đặt trước đó ở các đảo thuộc chủ quyền Việt Nam ngoài khơi xa, khiến vùng phủ sóng rất rộng. Các ngư dân tại Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết ra cách bờ cả trăm hải lý, điện thoại di động vẫn bắt được sóng của Viettel.
Niềm vui của ngư dân nơi đảo xa.
Ông Võ Quang Nhơn, chủ tàu BV 9784 hào hứng kể, có những lúc cách bờ gần 200 hải lý vẫn có sóng của Viettel, vẫn nói chuyện được với đất liền, không hiểu là sóng được phát ra từ điểm đảo nào. Ông Nhơn cho biết, bây giờ ông ít dùng máy Icom hơn, vì dùng điện thoại di động rất tiện, ngay cả nhiều lúc trời nổi dông bão vẫn dùng tốt. Cánh thủy thủ thì từ khi xài được điện thoại di động trên biển thì cứ vui như Tết, bất cứ chuyện “sớm nắng, chiều mưa” gì trong đất liền cũng có thể chia sẻ, tâm sự. Biển khơi và đất liền như gần lại với nhau hơn.
Ít người biết được rằng, để có được những cánh sóng vượt trùng khơi ấy, Viettel đã vượt qua rất nhiều khó khăn, sức ép. Thông hiểu tầm nhìn từ Chiến lược biển; vai trò, trách nhiệm của doanh nghiệp quân đội, cũng như nắm bắt được nhu cầu thông tin của ngư dân, lãnh đạo Viettel đã quyết tâm đầu tư các trạm BTS để phủ sóng toàn bộ vùng biển Việt Nam. Về lý thuyết, mỗi trạm BTS trung bình có thể phát sóng được cách xa 35km. Hiện nay, trên toàn thế giới, các mạng điện thoại di động sử dụng công nghệ GSM đều lấy khoảng cách 35km để thiết kế mạng. Tuy nhiên, trong các tài liệu của các nhà cung cấp thiết bị cũng đưa thêm một con số: trạm BTS sử dụng công nghệ GSM có thể phát sóng tối đa tới 121km! Nhưng do tính chất phức tạp giữa yếu tố công nghệ, địa hình và tính hiệu quả nên ở Việt Nam và ngay cả trên thế giới chưa có mạng viễn thông nào nghiên cứu và làm được điều này.
Khi bắt đầu tiến hành dự án, Viettel cũng đã mời các chuyên gia nước ngoài tư vấn nhưng đều nhận được lời khuyên: Đừng phí công sức vào việc làm phi thực tế! Vì con số phát sóng xa 121km chỉ là lý thuyết, hơn nữa còn phải tính đến hiệu quả kinh tế. Quyết không bó tay, nhiều chuyên gia của Viettel đã lênh đênh trên biển hàng tháng trời để khảo sát, thử nghiệm khả năng của từng loại thiết bị. Ý chí, nghị lực của những con người Viettel đã mang lại kết quả như mơ. Tháng 7/2009, Viettel lần đầu tiên thành công khi thực hiện giải pháp phát sóng di động xa 100km từ bờ biển bằng cách thay đổi chiều cao cột phát sóng, sử dụng các thiết bị kích sóng, chọn các điểm đặt cột hợp lý... trở thành nhà khai thác viễn thông đầu tiên trên thế giới áp dụng lý thuyết về khả năng phát sóng của các trạm BTS vào thực tế.
Nhờ có sóng viễn thông, chuyện quản lý, hỗ trợ tàu thuyền ngư dân trên biển trở nên dễ dàng hơn nhiều. Về mặt công nghệ, chỉ cần dò qua sóng di động là định vị được rõ thuê bao đang nằm ở tọa độ nào, từ đó có thể đề ra phương án hỗ trợ kịp thời cho ngư dân. Tính hiệu quả của dự án càng được khẳng định khi ông Võ Quang Nhân, chủ tàu BV 9784 cho chúng tôi biết, tại những nơi trên biển có nhiều tàu, thuyền neo đậu, thả lưới thỉnh thoảng cũng xảy ra tình trạng “nghẽn mạng” y như trong đất liền vì có quá nhiều người gọi! Thế mới biết nhu cầu trao đổi liên lạc giữa đất liền và biển khơi lớn biết chừng nào! Sóng viễn thông cũng sẽ kết nối các tàu cá, nhóm tàu cá đơn lẻ thành một cộng đồng đông đảo, hùng mạnh trên biển.
Mặc dù chi phí để xây dựng một trạm BTS phát sóng biển đảo cao gấp 4 lần chi phí để xây dựng trạm thông thường. Nhưng điều đó, không thể ngăn trở được sự xuất hiện ngày càng dày đặc của các trạm BTS biển đảo. Các chuyên gia của Viettel đang tiếp tục nghiên cứu để mở rộng phạm vi phát sóng của trạm BTS, để từ đất liền ra các đảo xa luôn được “tấm lưới” của sóng điện thoại phủ trùm dày đặc.
Lại một ngày mới vươn mình khỏi mặt biển. Từng đoàn thuyền oai dũng đè sóng, tiến thẳng về phía mặt trời. Nơi ấy là biển bạc, gửi gắm bao khát vọng chinh phục, làm giàu cho Tổ quốc. Nơi ấy sẽ ngày càng gần đất liền hơn, được đất liền bao bọc trong vòng tay ấm áp, yêu thương. Những người con can trường, quả cảm ra khơi sẽ không bao giờ cô đơn, vì bên họ luôn có người thân, bạn bè, đồng đội và cả một dân tộc tiếp sức tiến lên.