21/10/2014 06:28:00 AM
(Canhsatbien.vn) -
Khai trương dịch vụ vào ngày 15/10/2014 tại Pêru - một quốc gia có tỷ lệ người dùng di động lên đến gần 100% dân số, liệu Viettel còn cơ hội?
Trước Pêru, Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel) chưa từng đầu tư tại một quốc gia mà tỷ lệ người dân sử dụng điện thoại di động đã qua thời bùng nổ và tiến vào ngưỡng bão hoà, trên 100% dân số. Pêru còn là thị trường nước ngoài đầu tiên của Viettel mà các quy trình kinh doanh ở mức chuyên nghiệp hơn hẳn so với mặt bằng chung ở Việt Nam.
Cũng vì những lý do trên, khi Bitel (tên thương hiệu của Viettel tại Pêru) khai trương dịch vụ, câu hỏi về cơ hội thành công như ở Campuchia, Lào, Mozambique, Đông Timor… đang được đặt ra.
Thực tế, nếu chỉ nhìn vào mật độ sử dụng điện thoại di động tại Pêru cũng như nghĩ đến việc đầu tư ở một quốc gia có tính cạnh tranh cao, với thu nhập GDP trên đầu người cao gấp 3 lần Việt Nam để đánh giá thì cơ hội thành công không cao. Tuy nhiên, nhà mạng đến từ Việt Nam lại có những góc nhìn khác về cơ hội tại quốc gia có thu nhập đầu người năm 2013 là 6.600 USD/người/năm.
GDP trên đầu người của Peru cao hơn Việt Nam đang được Viettel coi là một cơ hội. Vì với một doanh nghiệp viễn thông đã chinh chiến trên 10 thị trường đang phát triển, tại các khu vực đang phát triển mạnh mẽ như châu Á và châu Phi, Viettel cho rằng GDP đầu người cao thì tức là tiêu dùng cao, doanh thu cao. Các kinh nghiệm của Viettel tại các thị trường khó khăn cùng cách làm tự lập cánh sinh sẽ giúp Viettel tối ưu hoá chi phí, tạo thành lợi thế về giá thành.
Ngoài ra, ông Hoàng Quốc Quyền, Tổng giám đốc Bitel cho biết, tại Pêru, mặc dù mật độ người dân dùng di động đang tiến tới ngưỡng bão hoà nhưng đó là với dịch vụ 2G. Mạng 3G mới chỉ phủ sóng ở thành phố và trung tâm các tỉnh trong khi nhu cầu về internet di động tốc độ cao đang tăng rất mạnh tại Pêru. “Người dùng tại đây thực sự đang ‘đói’ internet di động nên cơ hội cho Bitel là rất lớn”, ông Quyền nhận xét.
Khi khai trương, Bitel là nhà mạng duy nhất chỉ đầu tư cho mạng 3G và đã phủ sóng toàn quốc, cả ở khu vực nông thôn. So sánh về chi phí, Bitel sẽ tối ưu hơn so với các đối thủ vì chỉ phải vận hành một mạng (3G, thay vì cả 2G và 3G, hay thậm chí cả 4G) trong khi chất lượng lại tốt hơn nhờ công nghệ mới và hạ tầng mạng lưới xây dựng hoàn toàn phục vụ cho việc cung cấp internet di động.
Bên cạnh đó, nhờ có hạ tầng 3G thuần nhất, công ty con của tập đoàn Việt Nam sẽ có cơ hội triển khai nhiều dịch vụ gia tăng đặc sắc hơn những “người cũ” vốn vận hành phần lớn trên 2G. Trước đây, toàn thị trường thông tin di động Pêru chỉ có 25 dịch vụ giá trị gia tăng, một con số quá nghèo nàn nếu so sánh với con số cả trăm dịch vụ mà Viettel (công ty mẹ của Bitel) đã triển khai tại Việt Nam và các nước khác trên thế giới. Đây là chưa kể đến việc giá các dịch vụ này cũng khá cao và gói cước 3G nếu tính bình quân cũng cao hơn 3 lần so với Việt Nam.
“Với 80% dân số nằm trong độ tuổi dùng di động, trong đó 13,5 triệu người (45% dân số) trong độ tuổi từ 10-35, cơ hội cho Bitel còn nhiều. Nhóm khách hàng trẻ chiếm tới 45% dân số tại đây có tiềm năng lớn cho các dịch vụ công nghệ như data, giá trị gia tăng và thích thay đổi theo cái mới, lại nhạy cảm về giá. Internet di động là tương lai của viễn thông Pêru và Bitel đang đi đúng xu hướng đó nên tôi tin là khách hàng sẽ ủng hộ”, ông Quyền phân tích.
Công Duy