Để ngư dân ra khơi an toàn

01/11/2016 02:15:00 PM

(Canhsatbien.vn) - 

Nghề khai thác hải sản là nghề vất vả, khó khăn và luôn phải đối mặt với những thách thức, nguy cơ rủi ro rất cao, bởi việc ứng cứu mỗi khi có tại nạn xảy ra trên biển khó khăn hơn nhiều lần so với đất liền. Chính vì vậy, mỗi khi không may gặp phải tai nạn trên biển thì ngư dân thường bị thiệt hại lớn về người và tài sản. Do đó, việc nâng cao kiến thức, trang bị đầy đủ phương tiện an toàn hàng hải cho ngư dân, cũng như việc kiểm tra chặt chẽ an toàn kỹ thuật tàu cá là vô cùng quan trọng để hạn chế thiệt hại do tai nạn tàu cá trên biển.

Nhiều tai nạn do chủ quan, liều lĩnh

Trong những năm gần đây, số vụ tai nạn tàu cá trên biển nằm ở mức khá cao, gây ra những cái chết thương tâm và làm tổn thất hàng chục tỷ đồng của ngư dân, hơn nửa còn ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất của ngành thủy sản. Những vụ tai nạn này ngoài những nguyên nhân khách quan như sóng to, gió lớn, máy móc hư hỏng bất ngờ thì có nhiều vụ tai nạn tàu cá trên biển có thể phòng tránh được nếu ngư dân có đầy đủ kiến thức và trang bị đầy đủ trang thiết bị, phương tiện an toàn hàng hải.

Một tàu cá bị nạn trên biển.

Theo Tổng cục Thủy sản, trong năm 2014 và 6 tháng đầu năm 2015, chỉ tính riêng 6 tỉnh Bắc Trung bộ đã có hơn 100 vụ tai nạn tàu cá trên biển làm chìm hơn 30 chiếc tàu cá và hàng trăm ngư dân gặp nạn. Điển hình là vụ tai nạn đối với ngư dân Trần Văn Đồng, xã Diễn Bích (huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An) chỉ trong vòng 10 ngày đã bị sóng biển đánh chìm cướp mất 5 tàu cá, giá trị thiệt hại lên đến gần 3 tỷ đồng. Gần đây nhất ngày 18/4/2015, tàu cá mang biển kiểm soát BTh- 87257 đã va chạm với tàu khách Bình Thuận 18, cú va chạm khiến tàu cá chìm ngay cửa biển Phan Thiết. Những vụ tai nạn trên cho thấy vấn đề an toàn lao động nghề biển đang đứng trước một thực trạng đáng báo động.

Một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến các vụ tai nạn lao động nghề biển vẫn là do ý thức người dân còn thấp, chủ quan cho thuyền ra biển khi sóng to, gió lớn. Sau các đợt bão, áp thấp nhiệt đới, hay gió mạnh trên biển thì lượng hải sản thường nhiều nên một số ngư dân liều lĩnh cho thuyền ra khơi đánh bắt. Vào thời điểm này vẫn còn hoàn lưu của bão, áp thấp nhiệt đới nên thời tiết phức tạp, tàu thuyền dễ bị nhấn chìm. Điều đáng nói là hầu hết các vụ chìm tàu đều ngay tại cửa biển, hoặc vừa ra khỏi cửa thì bị nạn, do dòng hải lưu, sóng gió còn mạnh nên luồng lạch tại các cửa biển thay đổi bất thường...

Trong số những nguyên nhân phải kể đến là công tác tuyên truyền giáo dục cộng đồng cho ngư dân những năm qua vẫn còn hạn chế, trong khi ý thức của một bộ phận ngư dân còn thấp. Công tác dự báo, cảnh báo tuy có tiến bộ nhưng hệ thống cảnh báo, dự báo thời tiết nguy hiểm trên biển phục vụ ngư dân chưa đáp ứng yêu cầu. Với bờ biển trải dài 128 km, đến nay vẫn chưa có trạm quan trắc hải văn nào. Các bản tin cảnh báo, dự báo thời tiết nguy hiểm trên biển sai số còn cao, nhất là sai số lớn tại vùng ven bờ. Các phương tiện, vật tư, năng lực cứu hộ cứu nạn trên biển chưa đáp ứng yêu cầu. Luồng lạch tại các cửa biển, khu neo đậu ngày càng bồi lấp cũng là nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn tàu thuyền...

Ngư dân cần nâng cao ý thức trong việc ứng phó thiên tai

Trong điều kiện biến đổi khí hậu, diễn biến thời tiết khó lường, hơn ai hết chính ngư dân là người cần nâng cao ý thức trong việc ứng phó thiên tai. Các tàu thuyền phải được đăng ký, đăng kiểm, chấp hành mua bảo hiểm cho phương tiện và thuyền viên theo đúng quy định. Trước khi cho tàu thuyền ra khơi phải nắm bắt tình hình, thông tin về dự báo thời tiết trên biển, trang bị đầy đủ các phương tiện, thiết bị cứu hộ cứu nạn. Làm tốt điều này, ngư dân cũng cần trang bị đầy đủ hệ thống thông tin liên lạc, thường xuyên theo dõi dự báo thời tiết, thực hiện đúng các quy định của cơ quan chức năng trong quá trình hoạt động trên biển.

Các địa phương lâu nay đã hình thành các tổ, đội đánh bắt trên biển nên cần phát huy việc tổ chức sản xuất tập thể để hỗ trợ, ứng cứu lẫn nhau khi gặp hoạn nạn. Ngư dân phải khai báo đúng, đầy đủ việc đăng ký số hiệu, tần số, số hiệu liên lạc của tàu, ngư trường, tọa độ vị trí hoạt động trên biển... với chính quyền địa phương, đồn biên phòng nơi cư trú để có biện pháp kêu gọi vào bờ khi có tình huống, thời tiết xấu. Trước khi vươn khơi phải kiểm tra khả năng thu nhận thông tin liên lạc của tàu thuyền với các đài thông tin liên lạc và chính quyền địa phương. Quá trình hoạt động trên biển, người dân cần luôn mang theo radio, danh bạ điện thoại, tần số thông tin cứu nạn, cấp cứu cần thiết, trang bị phao tự nổi... Khi có bão, áp thấp nhiệt đới phải chủ động báo cho các cơ quan chức năng biết vị trí, tọa độ tàu đang khai thác, đồng thời chấp hành mọi sự điều hành, hướng dẫn phòng tránh, neo đậu an toàn.

Ngoài ý thức chấp hành của người dân, các ban ngành hữu quan, các cấp chính quyền địa phương cần nâng cao tinh thần trách nhiệm, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động ngư dân đầu tư mua sắm đầy đủ các trang thiết bị cứu hộ cứu nạn. Các trạm quan trắc hải văn, các trang thiết bị cứu hộ cứu nạn... cũng cần được đầu tư một cách thỏa đáng... Điều quan trọng hơn cả là ngư dân không nên chủ quan, cho tàu thuyền ra biển khi vẫn còn sóng to, gió lớn. Cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cũng cần kiểm tra, giám sát chặt chẽ, ngăn chặn và có biện pháp xử lý kịp thời những trường hợp vi phạm.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, năm 2015, do ảnh hưởng biến đổi khí hậu nên tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, khó lường. Cả năm có khoảng 9-10 cơn bão, áp thấp nhiệt đới hoạt động trên biển; trong đó 4-5 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền... Bà con ngư dân cần thường xuyên theo dõi dự báo, chủ động ứng phó với thiên tai.

Liên Nhi
Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục gửi về banbientapcsb@gmail.com