Huấn luyện cho ngư dân như thế nào?

13/10/2015 03:34:00 PM

(Canhsatbien.vn) - 

Đã có nhiều nỗ lực giúp nâng cao trình độ ngư dân Việt Nam song tác dụng chưa đáng là bao. Ta vẫn thiếu những tài liệu sinh động, dễ hiểu và thiết thực, những chương trình hỗ trợ huấn luyện ngư dân tận nơi. Trên hết, một sự chung sức của nhiều phía cho những vấn đề đơn giản nhất.

Để đảm bảo khai thác hải sản có hiệu quả, ngoài việc sở hữu những con tàu được chế tạo, bảo quản tốt còn cần nâng cao trình độ ngư dân. Trong hai điều kiện đó, điều kiện thứ hai nhiều khi còn quan trọng hơn điều kiện đầu vì có hiểu biết đúng, ngư dân mới biết chọn con tàu và ngư cụ thích hợp, mới biết sử dụng có hiệu quả, biết giữ mạng sống của mình trong môi trường khắc nghiệt.

Đó là những khuyến cáo của các tổ chức quốc tế như Lương nông (FAO) hay Hàng hải (IMO) với hàng loạt công ước, khuyến nghị, hướng dẫn... thông qua những điều nghiên về ngư nghiệp tại nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là những nước đang phát triển ở châu Mỹ Latin, châu Phi, Đông Nam Á...

Đó cũng là mong muốn của Tổng cục Thủy sản Việt Nam với hàng vạn cuốn “Sổ tay” và “Ngư dân cần biết”, những tờ rơi về chống bão, các danh sách những nơi cần gọi khi gặp hiểm nguy... phát không cho ngư dân để đọc, để dán trên khoang thuyền bằng những tấm giấy đã có sẵn keo dán. Đó là quyết tâm của ông Trần Cao Mưu, tổng thư ký Hội Nghề cá Việt Nam, với những tuyên bố tăng cường đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng cho ngư dân.

Những cố gắng đó rất đáng khích lệ, nhưng tác dụng chẳng đáng là bao. Tại sao vậy?

Làm mọi thứ trở thành dễ dàng hơn!

Đó là khẩu hiệu của một sê-ri sách phổ biến kiến thức và thực hành về nhiều lĩnh vực trong đời sống, một loại best-seller, nhiều cuốn đã được dịch ra tiếng Việt. Ví dụ cuốn dạy các ông bà già dùng iPad để có thể đọc tin, nói chuyện với con cháu. Với 200 triệu bản in về 1.800 chủ đề, xuất bản bằng nhiều thứ tiếng, sách cho Dummy - tức là cho người chưa biết gì - đã đi vào mọi ngõ ngách cuộc sống, giải quyết những yêu cầu thực tế, với cách trình bày vui, sát thực tiễn, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm theo.

Biến các vấn đề khó khăn trở nên dễ hiểu là những việc chúng ta cũng thường thấy như những mục khoa học Tin-tin của truyền hình Pháp mà VTV đưa lại, các mục hướng dẫn trồng cây gì, nuôi con gì của kỹ sư Nguyễn Lân Hùng, những cuốn sách dạy tin học và tạp chí e-Chip thiết thực mà ngay cả một số tiến sĩ, giáo sư nhờ đọc nó đã biết dùng máy tính tốt hơn là nghe các giáo sư tin học cùng trường giảng bài.

Điều đáng tiếc là những người chủ trương bộ sách “Sổ tay” cho ngư dân hình như không biết tới những bộ sách dễ hiểu đó và những nguyên tắc làm những vấn đề khó hiểu trở thành dễ dàng và hấp dẫn - vốn là những nguyên lý của khoa học giáo dục cộng đồng đang được nghiên cứu và thực hành ở nhiều nước.

Chúng ta thử lật mục lục cuốn “Sổ tay” và nhận thấy nội dung được đề cập từ Công ước Luật biển của Liên Hiệp Quốc, Hoàng Sa - Trường Sa, tới các phương pháp đảm bảo an toàn, cách chống bão, cách chăm sóc y tế trong hàng loạt sự cố, những nội dung đủ cho một bộ bách khoa toàn thư.

Những vấn đề quá to tát lại chỉ gói gọn trong hơn 100 trang sách nên cách tốt nhất, khỏi sợ sai khi giải thích bằng ngôn ngữ dân gian dễ hiểu là cứ... chép nguyên xi các văn bản công ước như mục lục tham khảo cuối cuốn Sổ tay đã ghi rõ. Nhưng người đọc khó có thể đồng cảm với người biên soạn khi đưa câu hỏi số 11 “DOC là gì?” và dành cho nó gần một trang để trình bày về một vấn đề liệu có phải thật cần thiết với ngư dân?

Hay những bản đồ thu nhỏ hầu như không thấy được gì của cả bảy trang giấy để trình bày đường biên giới trên biển với các nước lân bang - những bản đồ chép y nguyên từ các văn bản nhà nước. Đọc những bản đồ khó hiểu này, ngư dân có lẽ càng hoang mang hơn, trong khi lẽ ra đó phải là những hướng dẫn cụ thể, dễ hiểu mà các anh biên phòng thường nhắc nhở tàu cá tránh gây ra những vi phạm đáng tiếc trong các vùng ranh giới.

Đành rằng không phải người soạn sách y tế nào cũng có thể giải thích rành mạch và dễ hiểu như giáo sư Nguyễn Chấn Hùng về các vấn đề ung bướu hay hài hước như bác sĩ Lê Thúy Tươi, nhưng nếu ban biên soạn “Sổ tay” tự đặt ra câu hỏi như Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhở “viết cho ai xem, viết để làm gì”, viết thế nào cho phổ thông, thì chắc chắn cuốn sách nhỏ được in hàng loạt lớn này sẽ có tác dụng hơn nhiều.

Có phải ta là trường hợp đặc thù?

Trong những năm qua, các tổ chức quốc tế đã có nhiều nghiên cứu, nghị quyết về các vấn đề ngư nghiệp của các nước đang phát triển. Chẳng hạn, FAO đã có những khuyến cáo rất cụ thể.

Ví dụ, việc tổ chức một chuỗi liên kết giữa đánh bắt, thu mua chế biến, xuất khẩu mà chủ tịch Ngân hàng BIDV kêu gọi trong thời gian vận động đóng tàu vỏ thép gần đây đã được trình bày chi tiết trong cuốn (1) “Hướng dẫn thiết lập và vận hành Trung tâm cộng đồng nghề cá”, một nghiên cứu được thử nghiệm tại nhiều nước rồi mới rút ra một quy trình hành động.

Hay việc huấn luyện cho ngư dân về an toàn đã được nghiên cứu tại một số nước châu Phi như Gambia, Senegal, Guinea, Mauritania... để rút ra cuốn “Tài liệu huấn luyện” (2) tạo nên một cái khung cho huấn luyện ngư dân cùng với nhiều cuốn sách thiết thực khác như: “Sổ tay làm việc của ngư dân” (3) nêu ra những việc rất cụ thể từ đo lưới, đo hầm cá tới những công thức tính nhẩm sản lượng hay cuốn “Tài liệu huấn luyện ngư dân ngay trên biển” (4).

Là quốc gia thành viên của FAO, có văn phòng FAO tại Hà Nội, tin chắc rằng chúng ta có những tài liệu nói trên và đặc biệt là các trường đào tạo ngành thủy sản trong thời gian qua đã có nhiều cuộc tiếp xúc quốc tế để học tập. Nhưng hình như chúng ta chưa có thay đổi gì nhiều trong cách thức truyền thụ và huấn luyện hoặc vẫn coi các tài liệu đó là của nước ngoài, không thích hợp với vùng biển đánh bắt, với văn hóa của ta.

Có dịp cùng chị Nguyễn Thị Hồng đi học để lấy bằng thuyền trưởng tàu cá tại Trường trung cấp Thủy sản TP.HCM sau khi chị đã có hành động anh hùng cứu hơn 30 sinh mạng trong cơn bão Linda, tôi mới thấy nhiều khó khăn của ngư dân khi đi tìm kiến thức. Mặc dù đã học qua trung học, từng dạy mẫu giáo, chị Hồng thật khó tiếp thu với cách giảng mang đậm tính hàn lâm, nói chi những ngư dân khác.

Và quy định thuyền trưởng, máy trưởng tàu cá với các ngạch bậc như được thu nhỏ từ các con tàu lớn, tàu viễn dương có sát thực tế không trong khi trên thực tế họ là những tài công (tiếng Anh là skipper). Cũng thật khó giải thích cho khách nước ngoài biết chị Hồng chỉ là thuyền trưởng tàu nhỏ, trong khi cũng mang mũ áo như những thuyền trưởng viễn dương, trong các cuộc đón tiếp ngoại giao với hải quân nước ngoài năm ấy!

Những việc có thể làm được ngay

Rõ ràng là ngư dân trước biển khơi phải đối mặt với vô vàn thách thức, cần có cả một biển kiến thức của nhân loại và cha ông đã truyền nghề cho. Đó cũng là một lĩnh vực rộng lớn mà toàn xã hội có thể cùng chung sức hỗ trợ, ngoài việc quyên góp tiền bạc, giúp đỡ khi bão lụt, khi đóng tàu vỏ thép... Hội KHKT biển TP.HCM mà chủ tịch là tiến sĩ - chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm rõ trách nhiệm, vị trí của mình trong việc hỗ trợ huấn luyện cho ngư dân.

Trong chiến tranh vừa qua, thuyền trưởng Lâm từng đào tạo những chiến sĩ xuất thân ngư dân chỉ quen dùng cách đi biển dân gian biết cách dùng la bàn, kính phần sáu sextant nhằm điều khiển các con “tàu không số” trên “Đường mòn Hồ Chí Minh trên biển” nên hơn ai hết, anh biết cách phải tổ chức huấn luyện ra sao phổ thông, dễ hiểu, làm được...

Một số anh em thuyền trưởng khác như Cao Trọng Tùng, Nguyễn Công Hệ, Lê Văn Tải đã có nhiều năm kinh nghiệm từ tàu dân gian tới tàu viễn dương, thuyền trưởng Tiếu Văn Kinh với bộ sách dạy đi biển nổi tiếng trong giới hàng hải, các chuyên gia thông tin của Vishipel sẵn sàng giới thiệu chi tiết máy Icom thông dụng, các anh em Hội Nghề cá TP với những chỉ dẫn dùng ngư cụ, ướp đông...

Để có được một bộ nhiều cuốn sách nhỏ phổ cập là một công việc mất nhiều thời gian cần khởi động ngay từ hôm nay, nhưng có những việc có thể làm ngay, đó là các lớp dạy theo từng chủ đề như hải đồ, cấp cứu, máy Icom... Các bài giảng đó có thể đến được với một vài tình nguyện viên theo học nhưng để nó vươn xa, phổ biến rộng rãi, đề nghị của anh Lê Xuân Thuyên (Đại học Quốc gia TP.HCM) về việc nên xây dựng một trang web để mọi người có thể vào tải các bài giảng, các video clip... là rất xác đáng.

Phương pháp này càng thuận lợi khi hiện nay, giá các máy điện thoại thông minh, máy tính bảng, tivi, đầu máy... khá rẻ, có thể đưa tới từng làng chài. Người học có thể là những tình nguyện viên để huấn luyện lại cho ngư dân, những người yêu thích biển, những sinh viên tình nguyện trong “Mùa hè xanh”, những trí thức trẻ ở các xóm làng đang muốn tìm cơ hội khởi nghiệp.

Hiện nay, chương trình giảng dạy cho tình nguyện viên nghề cá đang được khẩn trương chuẩn bị. Hi vọng đó là một đóng góp nhỏ nhoi của Hội KHKT biển TP.HCM trong mong muốn nhận được sự hưởng ứng của các hội bạn và của toàn xã hội.

(1): FAO - Technical Paper 264 - Community Fishery Centres: guidelines for establishement and operation

(2): FAO - Training Manual on Safety of Life at Sea - December 2008

(3): FAO - Fisherman’Workbook by Prado - Oxford 1990

(4): FAO - Training fisherman at Sea

Đỗ Thái Bình (Kỹ sư đóng tàu - Ủy viên Thường vụ Hội KHKT biển Tp.HCM)
Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục gửi về banbientapcsb@gmail.com