Huyện đảo đầu tiên đổi giấy phép lái xe không phải vào đất liền

29/04/2016 04:02:00 AM

(Canhsatbien.vn) - 

Ngày 23-24/04, tại huyện Đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Quảng Ngãi phối hợp với Tổng công Bưu chính Viettel (Viettel Post) triển khai dịch vụ tiếp nhận hồ sơ đổi giấy phép lái xe (GPLX) lưu động và chuyển phát tại các bưu cục của Viettel Post. Lý Sơn là huyện đảo đầu tiên trên toàn quốc thực hiện cấp đổi giấy phép lái xe lưu động và người dân chỉ cần ở tại đảo mà không phải vào đất liền.

Trước đó, người dân tại huyện đảo tiền tiêu phải mất 1 ngày đi lại (30 km đường biển và thêm 20 km đường bộ cho một chiều) để nộp hồ sơ và thêm 1 ngày nữa để nhận giấy phép lái xe mới. Giờ đây, họ chỉ mất 5-10 phút làm thủ tục tại bưu cục của Viettel và yêu cầu khi có kết quả sẽ trả tại nhà.

Ngoài chi phí cấp đổi do Nhà nước quy định, người dân chỉ phải trả 20.000 đồng chi phí chuyển phát kết quả tại địa chỉ cụ thể trên đảo Lý Sơn, giảm 21 lần so với chi phí mà người dân phải chi trả trước đây. Hệ thống tin nhắn của Viettel Post sẽ tự động cập nhập thông tin về tiến độ xử lý hồ sơ đến người dân.

Đi nộp hồ sơ cấp đổi GPLX, ông Nguyễn Thanh Liêm (xã An Vĩnh, huyện Lý Sơn) chia sẻ: “Tôi đã 63 tuổi rồi, cũng không định đi đổi GPLX đâu vì theo thủ tục cũ mất thời gian và xa quá, còn tốn tiền nữa. Nhưng giờ thấy thông báo thủ tục tiện quá, trả tại nhà mà mất có 20.000 đồng nên tôi đến đây đổi”. Ông Liêm cho biết, nếu phải đến Sở Giao thông Vận tải, ông sẽ mất 80.000 đồng tiền tàu một chiều đi (được giảm 15.000 đồng so với giá thông thường) và 25.000 đồng xe đò tới Sở. Tổng số tiền cho việc đi nộp hồ sơ (đi, về) và đến nhận kết quả (đi, về) là 420.000 đồng, với quãng đường 200 km (120 km đường biển).

Ông Hà Hoàng Việt Phương, Bí thư Đảng uỷ, Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Quảng Ngãi cho biết, đến năm 2020, Sở phải cấp đổi mới 300.000 GPLX và nếu không có cách làm mới thì cơ quan này sẽ bị quá tải và không thể hoàn thành nhiệm vụ. “Sau huyện đảo Lý Sơn, chúng tôi sẽ phối hợp với Viettel Post tiếp tục triển khai các điểm cấp đổi GPLX lưu động tại các vùng núi ở Quảng Ngãi, rồi đến các huyện đồng bằng”, ông Phương cho biết.

Vị phó giám đốc Sở GTVT Quảng Ngãi bổ sung: “Việc kết hợp với Viettel Post cấp đổi GPLX lưu động và trả tại nhà giúp chúng tôi bắt đầu luôn dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 ngay trong năm 2016, mà dự kiến trước đó phải tới 2018-2020 mới thực hiện”.

Dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 là người dân chỉ ngồi nhà khai báo thông tin, làm hồ sơ qua mạng và gửi đến Sở. Sau khi tiếp nhận, Sở sẽ xử lý và chuyển kết quả đến người dân tại nhà. “Chúng tôi cần hoàn thiện thêm quy trình cho người dân khai báo thông tin và làm thủ tục qua mạng Internet là cấp độ 4 hoàn chỉnh”, ông Hà Hoàng Việt Phương cho biết.

Ông Nguyễn Đắc Luân, Phó tổng giám đốc Viettel Post cho biết, từ tháng 5/2016, công ty này sẽ phối hợp với 15 tỉnh, thành phố khác trên toàn quốc triển khai dịch vụ cấp đổi GPLX lưu động và trả kết quả tại nhà. Đây là một chương trình Viettel thực hiện cùng với các địa phương nhằm hiện thực hoá chủ trương của Chính phủ tạo điều kiện thuận lợi và đơn giản hoá các thủ tục hành chính công cho người dân.

Trước đó, Viettel Post đã kết hợp với Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố thực hiện thành công dịch vụ cấp lý lịch tư pháp trực tuyến. Để thực hiện được các dịch vụ này, Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) đã đầu tư trước hạ tầng về công nghệ thông tin cho từng dịch vụ trực tuyến của các tỉnh, và sau đó phối hợp với từng Sở chuyên môn lập quy trình, triển khai tới người dân.

Bà Phan Thị Thu Hiền - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, cho biết việc phối hợp triển khai dịch vụ nhận hồ sơ cấp đổi và trả giấy phép lái xe tại bưu điện giúp giảm nguồn chi ngân sách đầu tư trang thiết bị và nhân lực đối với thủ tục đổi giấy phép lái xe tại địa phương, giảm chi phí và thời gian đi lại cho người dân. Đồng thời, dịch vụ này cũng giúp giảm áp lực đáng kể cho bộ phận đổi giấy phép lái xe đặt tại các Sở Giao thông Vận tải.

Trung Kiên
Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục gửi về banbientapcsb@gmail.com