20/04/2017 03:55:00 AM
(Canhsatbien.vn) -
Hội nghị di động thế giới-Mobile World Congress 2017 (MWC 2017) diễn ra từ ngày 27-2 đến 2-3-2017 tại Barcelona (Tây Ban Nha) là lần thứ hai liên tiếp Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) tham dự với tư cách là doanh nghiệp duy nhất của Việt Nam. Sự xuất hiện ngày càng đậm nét của Viettel đã tạo ấn tượng mạnh, xây dựng vị thế của Việt Nam trên bản đồ viễn thông, công nghệ thông tin toàn cầu.
MWC là sự kiện lớn nhất hằng năm của ngành công nghiệp viễn thông di động thế giới, là nơi các doanh nghiệp viễn thông lớn trên thế giới quy tụ và tung ra những sản phẩm thu hút khách hàng, đưa ra những dự báo về các xu thế mới, cũng như các xu thế thoái trào. Bên cạnh các gian hàng triển lãm của các công ty toàn cầu, MWC còn là cơ hội để các doanh nghiệp trong lĩnh vực di động toàn cầu gặp gỡ, kết nối và mở ra các hoạt động hợp tác, đầu tư.
Hội nghị Di động thế giới năm nay thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp từ khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ (trong đó 60% đến từ thị trường châu Âu, 18% đến từ châu Mỹ và 15% đến từ châu Á…), với hơn 2.200 gian hàng triển lãm và 3.800 cơ quan truyền thông quốc tế tham gia đưa tin.
Giới thiệu với đối tác quốc tế các giải pháp công nghệ thông tin thông minh của Viettel.
Năm nay, vị thế của Viettel tại hội nghị đã được nâng lên rõ rệt, bởi Viettel đã vào tốp 30 doanh nghiệp viễn thông có số lượng khách hàng lớn nhất thế giới. Với thông điệp “Technology solutions for smart society” (Giải pháp công nghệ cho xã hội thông minh) tại MWC 2017, Viettel tiếp tục khẳng định tầm nhìn và cách làm khác biệt của mình trong việc tạo ra một xã hội thông minh, đặc biệt là đối với các quốc gia đang phát triển.
Viettel mang đến hội nghị 6 sản phẩm-dịch vụ đều là các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trên nền tảng viễn thông, bao gồm: Thứ nhất, Hệ sinh thái y tế là một hệ thống sản phẩm viễn thông-công nghệ thông tin của Viettel phục vụ ngành y tế nhằm tạo ra cách quản lý bệnh viện thông minh, quản lý thông tin cho bệnh viện, y tế xã phường; các ứng dụng, dịch vụ phục vụ tính năng riêng biệt như: Xét nghiệm, tư vấn, thanh toán viện phí. Thứ hai, Giải pháp một cửa quốc gia là hệ thống đáp ứng yêu cầu kết nối doanh nghiệp và các bộ, ngành tại Việt Nam trong việc cấp phép và các chứng từ thuộc bộ hồ sơ hải quan để thông quan cho hàng hóa xuất khẩu/nhập khẩu; người và phương tiện vận tải xuất cảnh/nhập cảnh/quá cảnh. Thứ ba, DMS.One là giải pháp bán hàng trực tuyến giúp quản lý và điều hành toàn bộ hoạt động bán hàng từ nhà sản xuất đến các nhà phân phối trung gian đến các điểm bán lẻ, từ người giám sát bán hàng tới các nhân viên bán hàng trên thị trường. Thứ tư, Giải pháp an ninh mạng VT Mobile Security và hệ thống phát hiện bất thường mạng viễn thông TAD. Hệ thống giúp các nhà mạng chống lại các mối nguy liên quan gian lận cước, mất dịch vụ; bảo vệ các thuê bao di động (kể cả feature phone) khỏi lộ lọt thông tin cá nhân nhạy cảm, mã độc tấn công, giúp chống giả mạo số lừa đảo, chống lấy trộm mã OTP tấn công các giao dịch tài chính ngân hàng, chiếm email. Ngoài ra còn chống các nguy cơ bị quấy rối bởi tin nhắn rác, thất lạc thiết bị… Thứ năm, Ví điện tử V-Wallet là ứng dụng mô phỏng chiếc ví truyền thống, lưu trữ các tài khoản tiền điện tử, cho phép chuyển tiền, nạp tiền vào ví, rút tiền khỏi ví và thực hiện các thanh toán không dùng tiền mặt (thanh toán dịch vụ viễn thông, điện, nước, truyền hình, bán lẻ…). Thứ sáu, Mocha-Ứng dụng nhắn tin SMS miễn phí-có đầy đủ các tính năng của ứng dụng nhắn tin, đồng thời tích hợp các tiện ích viễn thông, tạo thêm giá trị gia tăng cho người dùng và mang lại lợi ích cho công ty viễn thông.
Các sản phẩm nói trên của Viettel đều là các giải pháp ứng dụng CNTT trên nền tảng viễn thông, tạo ra các tiện ích xây dựng xã hội thông minh, đã và đang được Viettel triển khai thành công tại Việt Nam và các thị trường quốc tế của mình, có thể nhân rộng tại nhiều quốc gia trên thế giới.
Các giải pháp CNTT của Viettel cũng đã thuyết phục được nhiều Chính phủ. Ngay đầu năm 2017, Viettel đã ký kết được nhiều hợp đồng tại các thị trường như "Dự án Đường truyền kết nối quốc gia VI” giữa Chính phủ Timor Leste và Công ty Viettel Timor Leste (Telemor), “Dự án cung cấp gói giải pháp truyền thông nội bộ” cho Bộ Giáo dục và nguồn nhân lực Mô-dăm-bích...
Thượng tá Tào Đức Thắng, Phó tổng giám đốc Viettel cho biết, việc tham dự Hội nghị di động thế giới đã mở thêm nhiều cơ hội hợp tác lớn cho Viettel. Hơn nữa, vị thế của Viettel đã ngày càng cao hơn trên bản đồ viễn thông thế giới. “Trước đây, chúng tôi phải đi tìm kiếm các cơ hội đầu tư quốc tế thì giờ đây có khá nhiều quốc gia chủ động tiếp cận và mời Viettel tham gia vào thị trường viễn thông. Chúng tôi đang có cơ hội vào một thị trường mới với 100 triệu dân tại Châu Phi, nếu tiếp cận thành công thì Viettel sẽ có thêm số lượng lớn khách hàng trên toàn cầu”, đồng chí Tào Đức Thắng nói.
Viettel hiện có mặt tại 11 quốc gia trên thế giới thuộc Châu Á, Châu Phi, Châu Mỹ. Trong đó có 5 thị trường của Viettel đã triển khai 4G tạo điều kiện thuận lợi để Viettel có cơ hội phát triển các ứng dụng thông minh dành cho khách hàng. Tính đến hết năm 2016, sau 10 năm đầu tư nước ngoài, Viettel đã có hơn 100 triệu khách hàng toàn cầu.
Trung Kiên