Lắng nghe và chia sẻ: Viettel góp 260 tỷ đồng chắp cánh ước mơ cho học sinh nghèo

30/11/2014 04:35:00 AM

(Canhsatbien.vn) - 

Bằng những hành động thiết thực của người lính, Viettel dành 26 tỷ đồng mỗi năm cho chương trình “Vì em hiếu học” để tiếp sức những giấc mơ học đường và thắp sáng tương lai cho cả một thế hệ.

Viettel chắp cánh ước mơ hiếu học.

Lắng nghe những ước mơ nhỏ bé

Những ngày tháng 9, trong khi các bạn bè cùng trang lứa háo hức nhập trường thì em Huỳnh Văn Tâm, học sinh trường THCS Diệp Minh Châu, xã Tiên Thủy, huyện Châu Thành (Bến Tre) lại ngậm ngùi gánh lấy gánh nặng mưu sinh vì sự ra đi đột ngột của cha mẹ. Khi được hỏi về ước mơ của mình, Tâm tâm sự: “Em muốn mình học thật giỏi để sau này thi vào trường ĐHSP TPHCM. Nhưng bây giờ … cha mẹ đã không còn, bà con thân thuộc không có ai, năm học mới sắp tới mà hiện tại … có lẽ em phải tạm gác lại ước mơ của mình để lo cho cuộc sống trước, sau này nếu có điều kiện em sẽ theo đuổi ước mơ của mình tiếp.”

Hoàn cảnh khó khăn, cha mẹ ly hôn, em Nguyễn Thị Ngọc Như (cựu học sinh lớp 7C Trường THCS Bình Minh, huyện Bù Đăng, Bình Phước) phải bỏ học giữa chừng để đi làm phụ bà ngoại 70 tuổi mưu sinh. Nửa năm nghỉ học, nhớ trường, nhớ lớp, Như gửi tới thầy cô cũ của mình một lá thư, ước mơ một ngày nào đó lại được cắp sách đến trường: "Vậy là em đã xa trường lớp, xa các thầy cô nửa năm học rồi! …Đối với em, thời gian vừa qua giống như em đang trong dịp nghỉ hè. Nhưng mùa hè của em sẽ kéo dài mãi mãi và không bao giờ kết thúc... Đã có lúc em tự dối rằng hãy cố gắng vượt qua, đây chỉ là một giấc mơ, khi tỉnh giấc mọi thứ sẽ trở lại bình thường và em sẽ được đến trường. Nhưng thật bàng hoàng khi đó không phải là giấc mơ mà là sự thật, một thực tại em phải chấp nhận và không thể nào thay đổi…”

Những em học sinh như Tâm hay Như mỗi người một cảnh, khốn khó đấy, bất hạnh đấy, nhưng đều có chung một ước mơ, thật giản dị, thật nhỏ bé là được tiếp tục đến trường. Nhưng chỉ có điều, sự thiếu thốn lại là rào cản để những ước mơ đó không thể được trọn vẹn hoàn thiện.

Đến với những giấc mơ, bằng tấm chân tình của người lính

Rất nhiều người đã chung tay góp sức, để những ước mơ đó không gián đoạn, không dang dở, và trong số những tấm lòng đó có những người lính Viettel. Họ hành động bằng quyết tâm, và bằng sách lược của người lính, bởi họ hiểu: có vô số cách để biến giấc mơ ấy thành hiện thực, nhưng cần cho các em “cái cần câu” để hiện thực hóa giấc mơ học hành đến nơi đến chốn.

Tháng 10/2014, Viettel đã bắt đầu Chương trình khuyến học mang tên Vì Em Hiếu Học. Chương trình sẽ được triển khai xuống tận cấp xã và kéo dài trong 10 năm, trước mắt ưu tiên 2.331 xã nghèo theo Chương trình 135 và 311 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển. Mỗi xã có 10 em nhỏ gia đình nghèo nhưng có học lực khá sẽ được chọn để trao học bổng hàng năm, mỗi suất trị giá 1 triệu đồng. Điều khác biệt là mỗi suất học bổng đó không được trao bằng tiền mặt, mà được quy đổi ra công cụ, vật dụng cá nhân, nhằm hỗ trợ việc học tập cho các em. Đó có thể là chiếc cặp sách, những bộ đồ dùng học tập, các khoản học phí đóng trực tiếp cho nhà trường khi các em bước vào năm học mới. Nhưng ý nghĩa cao đẹp của nghĩa cử này thật thiết thực, bởi đó chính là công cụ, để các em tiếp cận tri thức, lĩnh hội nhân văn.

Bà Nguyễn Thị Nghĩa, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chia sẻ: “Chương trình Vì Em Hiếu Học của Viettel thực sự thiết thực với các em học sinh nghèo. Nếu trao học bổng bằng tiền, số tiền đó có thể sẽ nhanh chóng hết. Nhưng cuốn tập, cây viết, chiếc cặp, sẽ theo các em hết năm học, mang tới cho các em cái chữ, và những tri thức để vào đời sau này, để thoát ra khỏi cái nghèo cái khổ một cách đầy bản lĩnh.”

Viettel dành một ngân sách khá lớn, khoảng 26 tỷ cho chương trình này mỗi năm, liên tục trong 10 năm. Như vậy, 10 năm sau, 260.000 học sinh nghèo được nhận món quà từ Viettel, các em được tiếp sức để trở thành những con người có ích cho xã hội. Gieo hạt hôm nay, để thấy trái ngọt ngày sau, tinh thần “cho trước nhận sau” của Viettel đã thực sự đem đến một tương lai, cho các em và cho cả xã hội.

Thảo Vy

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục gửi về banbientapcsb@gmail.com