Một số thông tin cần thiết khi tàu hoạt động trên vùng biển Quần đảo Trường Sa

31/07/2014 04:48:00 PM

(Canhsatbien.vn) - 

Vùng biển quần đảo Trường Sa thường xuất hiện nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan như giông, bão, áp thấp nhiệt đới... Ngoài ra, đặc điểm luồng lạch, địa hình, chất đáy vùng biển này có nhiều đặc thù và khác hẳn với khu vực ven bờ. Chính vì vậy, khi tàu thuyền hoạt động ở khu vực này thì công tác bảo đảm an toàn hàng hải luôn được đặt ra.

Cách liên lạc đến các đài duyên hải trong khu vực

Để nắm thông tin về thời tiết khi các tàu thuyền hoạt động trên vùng biển quần đảo Trường Sa có thể mở đài bán dẫn hoặc máy thu Navtex vào các đầu giờ. Ngoài ra, có thể thu các bản tin về thời tiết, tình hình hàng hải vùng biển và thông tin cứu nạn của các đài duyên hải TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Khánh Hoà, Vũng Tàu. Tần số các đài được phát như sau:

Tín hiệu báo bão và áp thấp nhiệt đới

Thực hiện Pháp lệnh của Quốc hội và Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 21/3/1998 của Thủ tướng chính phủ về phòng chống lụt bão và giảm nhẹ thiên tai, Quân chủng Hải quân đã thiết lập các điểm bắn pháo hiệu báo bão và áp thấp nhiệt đới tại các điểm bãi Đá Tây và bãi đá Tốc Tan thuộc quần đảo Trường Sa. Việc bắn pháo hiệu báo bão được thực hiện khi xuất hiện khả năng bão hoặc áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực đảo hoặc vùng có hoạt động an ninh, kinh tế trên Biển Đông trong khoảng từ 12 đến 24 giờ tới.

Sơ đồ khu vực theo dõi và dự báo áp thấp nhiệt đới, bão trên biển Đông. (Ảnh minh họa - nguồn: VTV)

Tín hiệu bắn pháo hiệu gồm: 9 phát pháo hiệu màu đỏ, chia làm 3 lần, mỗi lần bắn 3 phát, lần bắn trước cách lần bắn sau 3 phút, vào các giờ: Từ 19h30 đến 20h00; từ 22h30 đến 23h00, từ 00h30 đến 01h00 và từ 04h30 đến 05h00 sáng.

Các tàu đang hoạt động trong khu vực nếu phát hiện thấy 9 phát đạn tín hiệu màu đỏ vào các giờ trên, có nghĩa là 12 đến 24 giờ tới sẽ có bão hoặc áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực mình hoạt động. Vì vậy, các tàu phải báo động toàn tàu tăng cường trực canh, quan sát; chọn vị trí phòng tránh bão thích hợp và áp dụng các biện pháp phòng tránh bão kịp thời để bảo đảm an toàn cho người và phương tiện. Liên lạc trực tiếp với các điểm đảo trên kênh quy định để nắm thông tin về bão, áp thấp nhiệt đới và yêu cầu giúp đỡ khi cần thiết.

Nguyễn Thanh Điệp (Khoa Hàng hải - Học viện Hải quân)

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục gửi về banbientapcsb@gmail.com