Người mang giấc mơ tự phát triển trái tim OCS

09/06/2017 02:39:00 AM

(Canhsatbien.vn) - 

Được mệnh danh là “trái tim” của mạng viễn thông Việt, vOCS (Hệ thống tính cước thời gian thực) là một trong những thành công lớn trong lĩnh vực nghiên cứu sản xuất dân sự tại Viettel,  hiện thực hóa giấc mơ làm chủ công nghệ mạng Viễn thông của người Viettel. Anh Nguyễn Hoàng Long, hiện đang là Phó giám đốc Trung tâm Phần mềm viễn thông, trước đó là chủ nhiệm đề tài vOCS, có thể nói là một trong những người đi đầu của dự án này.

Từ giấc mơ không tưởng

Đối với một công ty viễn thông, hệ thống tính cước được coi như trái tim bởi nó chứa đựng toàn bộ dữ liệu về khách hàng, các sản phẩm, dịch vụ, các chính sách kinh doanh của nhà mạng cung cấp. Hầu hết các nhà mạng trên thế giới đều phải mua từ một vài đối tác lớn như Alcatel, Huawei, ZTE… Trước đây, Viettel cũng từng như vậy.

Trong quá trình vận hành hệ thống OCS mua từ đối tác nước ngoài,  anh Nguyễn Hoàng Long lại khao khát làm chủ trái tim của chính mình. Cũng vì thế, anh say mê tìm hiểu từng cấu phần của hệ thống tính cước, nghiên cứu cấu trúc tổng thể và học hỏi được rất nhiều điều từ các chuyên gia nước ngoài đến hướng dẫn các kỹ sư Viettel vận hành.

Phó Tổng giám đốc Tống Viết Trung nhắc về giai đoạn đầu khi anh Long được giao nghiên cứu về OCS: “Long tìm hiểu OCS với sự say mê mãnh liệt. Trong quá trình vận hành, Long và nhóm OCS ở giai đoạn này liên tục yêu cầu đối tác phát triển các tính năng mới hệ thống tính cước. Nhiều dịch vụ sau này đối tác phải may đo cho Viettel như chặn cuộc gọi, chặn tin nhắn làm phiền – những dịch vụ này đã trở thành dịch vụ bảo vệ khách hàng của nhà mạng ở Việt nam – All Blocking, trước đó mới có trên điện thoại đắt tiền, HomePhone - điện thoại di động nội vùng GSM (trước chỉ có ở CityPhone) hay HappyZone –  gói cước theo vùng Viettel…”. Chính quá trình này đã khiến anh Long tự tin đề xuất với Ban Tổng giám đốc nghiên cứu sản xuất một hệ thống tính cước made in VietNam, made by Viettel.

Phó Tổng giám đốc Tống Viết Trung bổ sung, khát vọng của Long cũng rất hợp với mong muốn của ban lãnh đạo Tập đoàn: Người Việt phải làm chủ công nghệ. Và vì thế, ban lãnh đạo đã đồng ý và quyết định đầu tư cho dự án vOCS. Anh Nguyễn Hoàng Long trở thành Giám đốc đầu tiên của dự án vOCS.

Khi ấy, 100% đối tác của Viettel đều cho rằng, việc phát triển thành công hệ thống vOCS của Viettel chẳng khác nào một giấc mơ viển vông... 

Anh Nguyễn Hoàng Long, hiện đang là Phó giám đốc Trung tâm Phần mềm viễn thông, trước đó là chủ nhiệm đề tài vOCS, có thể nói là một trong những người đi đầu của dự án này.

Quốc tế làm được thì Việt Nam cũng làm được!

Kể từ khi cung cấp dịch vụ thông tin di động, hệ thống tính cước của Viettel đã đổi vài đối tác và gặp trục trặc khá nhiều. Nguyên nhân thì ngoài việc tăng trưởng quá nhanh, những khách hàng của Viettel những năm đầu tiên có tỷ lệ rất lớn người nghèo và dùng điện thoại di động lần đầu tiên. Sau mỗi cuộc gọi, nhắn tin, họ thường nhắn tin để kiểm tra tài khoản và điều này khiến cho tải của hệ thống tính cước luôn ở mức rất cao, gặp trục trặc liên tục.

Cũng chính nhờ những sự cố liên tục đó mà anh Long và đội những người làm OCS đầu tiên với 20 kỹ sư đã học được rất nhiều điều, từ cấu trúc tổng thể của hệ thống đến những chi tiết cụ thể.

Thế nhưng, ý định này có lúc tưởng lung lay khi anh được cử sang Trung Quốc đào tạo ở tổng hành dinh của đối tác cung cấp hệ thống tính cước – Huawei và ZTE. “Tôi hơi ngợp khi đến trung tâm nghiên cứu phát triển của họ. Đó như là một thành phố chứ không phải chỉ là một hai toà nhà. Chưa hết, khi nghe họ giới thiệu là hệ thống tính cước theo thời gian thực thế hệ mới (OCS – thế hệ tiếp theo của IN) cần sự phát triển của 2.000 kỹ sư và ròng rã trong 4 năm, tôi choáng váng”, anh kể lại.

Tuy nhiên, giám đốc sản phẩm đầu tiên của Hệ thống tính cước theo thời gian thực mang thương hiệu Việt vOCS nhanh chóng “tỉnh ngộ”. Dù đoán rằng, sản phẩm OCS sẽ cần nhiều kỹ sư nhưng toà nhà với hơn 2.000 kỹ sư không phải chỉ để phát triển riêng OCS. Kinh nghiệm khi mua và vận hành một số hệ thống phần mềm với FPT (một công ty Việt Nam) cũng đem tới cho anh một suy đoán khác về số kỹ sư cũng như thời gian cần thiết để phát triển một sản phẩm CNTT.

Trong quá trình học tập tại tổng hành dinh của đối tác, sau khi tìm hiểu kỹ về quá trình, cách thiết kế sản phẩm, phát triển tính năng, công nghệ… chàng kỹ sư Viettel vững tin hơn vào khả năng tự sản xuất. Và kiến trúc sư đầu tiên của vOCS tự nói với mình: “Quốc tế làm được thì người Việt Nam cũng làm được!”.

Anh Nguyễn Hoàng Long, hiện đang là Phó giám đốc Trung tâm Phần mềm viễn thông, trước đó là chủ nhiệm đề tài vOCS, có thể nói là một trong những người đi đầu của dự án này.

Bài học từ những… thất bại

Cho tới khi phát triển vOCS tới phiên bản 2.1 với dung lượng hơn 8 triệu số/site (thời điểm anh Long do yêu cầu công việc được điều động nhận nhiệm vụ mới tại Viettel Telecom), anh Long và đội dự án không thể nhớ đã có bao nhiêu lần thử nghiệm bất thành. Trao đổi với chúng tôi, anh cho biết: “Làm một việc khó thì cần giữ được nhiệt huyết của cả đội luôn cháy. Chúng ta có thể thử nghiệm nhiều lần nhưng theo các cách khác nhau, chưa đem lại kết quả nhưng vẫn nhìn thấy đích đến và không dừng lại. Đây cũng là bài học quan trọng bậc nhất của chúng ta khi làm sản phẩm”. Sau này, những bài học này là nền tảng quan trọng tạo nên thành công của phiên bản vOCS 3.0.

Chia sẻ thêm về kết quả của phiên bản vOCS 3.0 với dung lượng hơn 20 triệu số/site – lớn nhất hiện nay, vượt qua cả những nhà cung cấp hàng đầu thế giới (dung lượng lớn nhất của hãng nước ngoài triển khai thực tế được là 12 triệu số/site), anh phân tích: “Ngành viễn thông đòi hỏi sáng tạo liên tục, công nghệ cũng thay đổi rất nhanh. Chúng ta áp dụng công nghệ mới và tìm ra cách giải đúng, trong khi các hãng dùng công nghệ cũ nên công sức bỏ ra nhiều hơn và chi phí cũng cao hơn. Tuy nhiên, khoảng cách mà Viettel mới tạo ra là rất mong manh, có thể bị các hãng khác vượt qua nhanh chóng nếu chúng ta không tiếp tục đổi mới sản phẩm”.

Anh hào hứng khi nói về dự án quan trọng mà mình từng là giám đốc đầu tiên: “Hệ thống của Viettel sẽ vận hành nhanh và đơn giản hơn với vOCS 3.0. Đặc biệt, khi Viettel đã cung cấp 4G, các gói cước với tính năng đặc biệt như chia sẻ tài khoản dữ liệu trong các thành viên gia đình, công ty.., khách hàng tự tạo gói cước cho mình hoặc chính sách cá thể đến từng khách hàng… sẽ là điểm khác biệt quan trọng. Chỉ khi làm chủ được trái tim mạng viễn thông, Viettel mới có thể triển khai sản phẩm với những tính năng như vậy nhanh và tuỳ biến dễ dàng. Đó sẽ là một vũ khí quan trọng trong cạnh tranh thời 4G”.

Hải Bình

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục gửi về banbientapcsb@gmail.com