Phạt tới 2 tỷ đồng nếu xâm phạm các vùng biển của Việt Nam

08/01/2016 05:51:00 AM

(Canhsatbien.vn) - 

Tiếp theo nghị định về việc công bố tuyến hàng hải và phân luồng giao thông trong lãnh hải Việt Nam ngày 30/10/2013(Nghị định số 146/2013/NĐ-CP), Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 162/2003/NĐ-CP ngày 12/11/2013 về xử phạt vi phạm hành chính trên các vùng biển, đảo và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Nghị định gồm 4 chương với 36 điều, trong đó có 23 điều quy định chi tiết về nhóm hành vi chế tài xử phạt tương ứng với 23 nhóm hành vi vi phạm quy định bảo vệ vùng biển của Việt Nam.

Tàu cá của ngư dân Sa Huỳnh (Quảng Ngãi) nối đuôi nhau vươn ra khơi.

Nghị định nói trên quy định rõ về các hành vi vi phạm hành chính; hình thức xử phạt, mức xử phạt; các biện pháp khắc phục hậu quả; thẩm quyền lập biên bản và thẩm quyền phạt vi phạm hành chính trên các vùng biển, đảo và thềm lục địa của Việt Nam.

Trong đó các nhóm hành vi vi phạm hành chính được quy định gồm: các hành vi vi phạm các quy định về quản lý vùng biển, đảo và thềm lục địa của Việt Nam; các hành vi vi phạm quy định về hàng hải ngoài vùng nước cảng biển và các vi phạm về các quy định bảo vệ môi trường biển.

Xâm phạm vùng biển, đảo và thềm lục địa của Việt Nam là hành vi của cá nhân, tổ chức nước ngoài sử dụng, điều khiển tàu thuyền hoặc phương tiện khác hoạt động trong vùng biển, đảo và thềm lục địa của Việt Nam nhưng thực hiện hành vi vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên biển theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Tại Nghị định này nhiều hành vi vi phạm vùng biển của Việt Nam được quy định chế tài chi tiết, theo đó cá nhân có thể bị phạt tới 1 tỷ và 2 tỷ đối với tổ chức nếu vi phạm về quản lý các vùng biển, đảo và thềm lục địa của Việt Nam, như vậy mức phạt tiền đối với tổ chức cao gấp 2 lần so với mức phạt tiền của cá nhân. Ngoài ra Nghị định cũng nêu rõ ràng, cụ thể thầm quyền phạt tiền đối với cá nhân và thẩm quyền phạt tiền đối với tổ chức.

Bên cạnh các chế tài xử phạt Nghị định cũng quy định các biện pháp khắc phục hậu quả như: buộc người, tàu thuyền vi phạm rời khỏi vùng biển, đảo và thềm lục địa của Việt Nam; buộc tàu ngầm và phương tiện đi ngầm phải hoạt động nổi trên mặt nước; buộc treo Quốc kỳ Việt Nam hoặc cờ quốc tịch theo quy định; buộc di rời về vùng hoạt động cho phù hợp với cấp tàu...

Các quy định cụ thể về mức độ xử phạt như sau:

1. Đối với các vi phạm về quản lý vùng biển, đảo và thềm lục địa

Theo quy định của luật quốc tế, các tàu thuyền nước ngoài được quyền đi qua không gây hại trong nội thủy, lãnh hải Việt Nam, được phép thực hiện các hoạt động như điều tra, thăm dò, nghiên cứu khoa học, đặt dây cáp, ống dẫn ngầm, thiết lập và sử dụng đảo nhân tạo, các công trình trên các vùng biển, đảo, thềm lục địa. Tuy nhiên, nếu các tàu thuyền hoạt động trái phép trong các vùng biển, đảo, thềm lục địa của Việt Nam, gây hại cho an ninh quốc phòng của Việt Nam thì có thể bị phạt từ 5 triệu đồng đến 1 tỷ đồng, tùy từng mức độ. Các hành vi vi phạm nói trên bao gồm:

- Vi phạm quy định về quyền đi qua không gây hại trong nội thủy, lãnh hải;

- Tàu ngầm và các phương tiện đi ngầm không ở trạng thái nổi trên mặt nước khi hoạt động trong nội thủy, lãnh hải;

- Không treo Quốc kỳ Việt Nam và cờ quốc tịch hoặc treo không đúng quy định;

- Xâm phạm vùng biển, đảo và thềm lục địa Việt Nam nhằm thực hiện các hoạt động điều tra, thăm dò, nghiên cứu khoa học, hoạt động du lịch, khai thác, mua bán thủy sản trái quy định;

- Tàu thuyền nước ngoài vi phạm quy định về thu cất lưới và trạng thái bảo quản máy thăm dò cá khi hoạt động trong lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam;

- Vi phạm quy định về đảo nhân tạo, thiết bị, công trình trên các vùng biển, đảo, thềm lục địa của Việt Nam;

- Gây cản trở các hoạt động hợp pháp trên các vùng biển, đảo và thềm lục địa của Việt Nam.

Các tàu thuyền vi phạm nói trên đều bị tịch thu tang vật và buộc rời khỏi các vùng biển của Việt Nam.

2. Đối với việc vi phạm các quy định về hàng hải, ngoài vùng nước cảng biển

Nghị định quy định mức xử phạt hành chính tối đa là 10 triệu đồng đối với các hành vi vi phạm các quy định về hàng hải như:

- Vi phạm quy định về đăng ký, đăng kiểm và giấy phép vận tải nội địa của tàu biển: phạt tiền từ 5 triệu đến 100 triệu đồng, tịch thu tang vật vi phạm đối với trường hợp mua bán, thuê/cho thuê, mượn/cho mượn giấy chứng nhận, tài liệu của tàu thuyền;

- Vi phạm quy định về chứng chỉ chuyên môn của thuyền viên, sổ thuyền viên và hộ chiếu thuyền viên: phạt từ 5 – 30 triệu đồng, tước hoặc tịch thu chứng chỉ chuyên môn;

- Vi phạm quy định về an toàn sinh mạng trên tàu biển: phạt tối đa 80 triệu đồng và tước quyền sử dụng giấy chứng nhận chuyên môn của thuyền trưởng;

- Vi phạm quy định về an toàn phòng, chống cháy, nổ đối với tàu biển: mức phạt từ 2 – 10 triệu đồng, tùy mức độ vi phạm;

- Vi phạm quy định bảo đảm an toàn hàng hải: tàu thuyền và người điều khiển các phương tiện vi phạm sẽ bị phạt từ 8 triệu đến 50 triệu đồng, đồng thời phải khôi phục tình trạng ban đầu nếu làm dịch chuyển hoặc mất tác dụng của báo hiệu hàng hải;

- Các hành vi vi phạm khác về an ninh, an toàn trên các vùng biển, đảo và thềm lục địa của Việt Nam: phạt hành chính từ 1 triệu đến 40 triệu đồng và tước quyền sử dụng chứng chỉ chuyên môn của thuyền trưởng trong trường hợp cần thiết.

- Vi phạm quy định về tìm kiếm, cứu nạn: thuyền trưởng tàu thuyền vi phạm bị tước quyền sử dụng chứng chỉ chuyên môn và tùy từng hành vi, mức độ, số tiền phạt có thể từ 3 triệu đến 80 triệu đồng.

- Vi phạm quy định về trục vớt tài sản chìm đắm: mức phạt được quy định là từ 500.000 đồng đến 100.000 đồng, kết hợp với tịch thu tang vật.

3. Đối với hành vi vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường biển

Các tàu thuyền khi hoạt động trong các vùng biển, đảo và thềm lục địa của Việt Nam có thể bị phạt từ 10 triệu đồng đến 1 tỷ đồng nếu vi phạm một trong các quy định về bảo vệ môi trường biển. Các hình thức vi phạm bao gồm:

- Tàu thuyền nước ngoài chạy bằng năng lượng hạt nhân hoặc tàu thuyền chuyên chở chất phóng xạ, chất độc hại hoặc nguy hiểm gây ô nhiễm môi trường khi đi qua lãnh hải Việt Nam;

- Vi phạm quy định về bảo vệ môi trường biển do tàu thuyền gây ra;

- Vi phạm các quy định về hoạt động vận chuyển chất thải nguy hại;

- Các hình thức vi phạm khác.

Nghị định trên có hiệu lực vào ngày 01/01/2014 sẽ là công cụ pháp lý giúp Việt Nam bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của mình đối với vùng biển của Việt Nam theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và các nguyên tắc quốc tế về quyền thụ đắc lãnh thổ với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Thái An
Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục gửi về banbientapcsb@gmail.com