Phổ biến pháp luật » Thông tin trợ giúp ngư dân Print E-mail Một số quy định đối với người, tàu thuyền hoạt động trong khu vực biên giới biển

15/04/2016 01:51:00 PM

(Canhsatbien.vn) - 

Khu vực biên giới biển tính từ biên giới quốc gia trên biển vào hết địa giới hành chính các xã, phường, thị trấn giáp biển và đảo, quần đảo. Quy định hoạt động của người, tàu thuyền của Việt Nam, nước ngoài trong khu vực biên giới biển nhằm quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia trên biển; duy trì an ninh, trật tự an toàn xã hội trong khu vực biên giới biển.

Tàu cá Việt Nam đánh bắt trên biển.

1. Quy định đối với người, tàu thuyền của Việt Nam hoạt động trong khu vực biên giới biển:

- Đối với người: cần mang đầy đủ các giấy tờ tùy thân như chứng minh nhân dân hoặc một số giấy tờ khác do công an nơi cư trú cấp; các chứng chỉ chuyên môn cần thiết của thuyền viên, sổ thuyền viên; giấy phép sử dụng vũ khí (nếu có) và các giấy tờ khác liên quan đến lĩnh vực hoạt động của mình.

- Đối với tàu thuyền: cần có đầy đủ các giấy tờ như: giấy chứng nhận đăng ký tàu thuyền; giấy chứng nhận về an toàn kỹ thuật; biển số đăng ký; sổ danh bạ thuyền viên; giấy phép sử dụng tần số và thiết bị phát sóng vô tuyến điện; giấy tờ liên quan đến hàng hóa trên tàu và một số giấy tờ khác liên quan đến lĩnh vực hoạt động của tàu thuyền.

- Các hoạt động như: diễn tập quân sự, diễn tập tìm kiếm, cứu nạn, tổ chức bắn đạn thật hoặc sử dụng vật liệu nổ trong khu vực biên giới biển được thực hiện theo kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và thông báo cho đối tượng liên quan biết. Khi tiến hành phải thông báo trước ít nhất 05 ngày cho Ủy ban nhân dân, Bộ đội Biên phòng cấp tỉnh sở tại và Cục Hàng hải Việt Nam.

- Đối với người, tàu thuyền làm nhiệm vụ hoạt thăm dò, nghiên cứu khoa học, khảo sát về địa chất, khoáng sản trong khu vực biên giới biển yêu cầu có đủ các giấy tờ nêu trên và giấy phép của cơ quan có thẩm quyền. Khi thực hiện nhiệm vụ phải thông báo trước ít nhất 02 ngày cho Ủy ban nhân dân và Bộ đội biên phòng cấp tỉnh nơi có biên giới biển.

Một tàu chờ hàng hoạt động trên biển.

2. Quy định đối với người, tàu thuyền của nước ngoài hoạt động trong khu vực biên giới biển:

- Đối với người nước ngoài: cần có hộ chiếu hợp lệ hoặc giấy tờ có giá trị tương đương thay hộ chiếu; các giấy tờ khác theo quy định của pháp luật Việt Nam. Người nước ngoài thường trú, tạm trú ở Việt Nam khi đến xã, phường, thị trấn giáp biển hoặc ra, vào các đảo, quần đảo phải có giấy phép của công an từ cấp tỉnh trở lên cấp và chịu sự kiểm tra, kiểm soát của cơ quan có thẩm quyền Việt Nam (trừ khu du lịch, dịch vụ, khu kinh tế cửa khẩu, có quy chế riêng).

- Đối với tàu thuyền nước ngoài: cần có giấy chứng nhận đăng ký tàu thuyền; giấy chứng nhận về an toàn kỹ thuật theo quy định; danh sách thuyền viên, nhân viên phục vụ và hành khách trên tàu; giấy phép sử dụng tần số và thiết bị phát sóng vô tuyến điện và các giấy tờ liên quan đến hàng hóa vận chuyển trên tàu. Khi hoạt động trong khu vực biên giới biển của Việt Nam tàu thuyền nước ngoài phải treo cờ quốc tịch và treo quốc kỳ của Việt Nam ở đỉnh cột tàu cao nhất. Tàu thuyền của nước ngoài khi neo đậu thường xuyên hoặc tạm thời ở những cảng, bến đậu của Việt Nam phải tuân theo quy định của pháp luật Việt Nam và chịu sự giám sát, kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm của các cơ quan có thẩm quyền Việt Nam. Trong trường hợp tàu thuyền của nước ngoài khi neo đậu tại cảng, bến đậu mà thuyền viên, nhân viên nước ngoài đi bờ phải có giấy phép của Đồn biên phòng cảng Việt Nam nơi tàu thuyền neo đậu cấp.

- Tàu thuyền nước ngoài khi thực hiện quyền đi qua không gây hại trong lãnh hải Việt Nam phải tuân thủ các quy định trong Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 và các quy định có liên quan đến việc phòng ngừa đâm va trên biển, các luật và quy định của Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập như: không làm phương hại đến hoà bình, an ninh, trật tự môi trường sinh thái của Việt Nam; đảm bảo an toàn hàng hải và điều phối giao thông đường biển; bảo vệ các thiết bị và các hệ thống bảo đảm hàng hải và các thiết bị hay công trình khác; bảo vệ các đường dây cáp và ống dẫn; bảo tồn tài nguyên sinh vật biển; ngăn ngừa những vi phạm các luật và quy định của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam liên quan đến việc đánh bắt hải sản; gìn giữ môi trường của Việt Nam và ngăn ngừa, hạn chế, chế ngự ô nhiễm môi trường; đảm bảo nghiên cứu khoa học biển và đo đạc thủy văn của Việt Nam; ngăn ngừa những vi phạm các luật và quy định về hải quan, thuế, y tế hay nhập cư của Việt Nam.

- Trong trường hợp để đảm bảo quốc phòng, an ninh của Việt Nam, việc đi qua không gây hại của tàu thuyền nước ngoài có thể bị tạm thời đình chỉ tại các khu vực nhất định trong lãnh hải Việt Nam.

- Tàu ngầm và các phương tiện đi ngầm khác phải trong tư thế đi nổi và treo cờ quốc tịch.

- Đối với tàu thuyền nước ngoài có động cơ chạy bằng năng lượng hạt nhân, tàu thuyền chuyên chở chất phóng xạ, chất nguy hiểm độc hại khác khi thực hiện quyền đi qua không gây hại trong lãnh hải Việt Nam phải mang đầy đủ các tài liệu và áp dụng các biện pháp phòng ngừa đặc biệt theo quy định của pháp luật Việt Nam và các quy định của điều ước quốc tế đối với loại tàu thuyền đó mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập. Các loại tàu thuyền trên phải được Chính phủ Việt Nam cho phép mới được hoạt động tại nội thủy, lãnh hải của Việt Nam và phải áp dụng các biện pháp phòng ngừa đặc biệt theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập.

- Khi tiến hành hoạt động điều tra thăm dò, khảo sát, nghiên cứu, đánh bắt, khai thác tài nguyên, hải sản người, tàu thuyền nước ngoài phải được phép của cơ quan có thẩm quyền Việt Nam, phải thông báo trước ít nhất 02 ngày cho Ủy ban nhân dân và Bộ đội Biên phòng cấp tỉnh nơi có biên giới biển. Khi hoạt động phải tuân theo pháp luật Việt Nam.

- Trong trường hợp xẩy ra tai nạn, sự cố hoặc vì lý do khách quan khác buộc tàu thuyền phải dừng lại hoặc thả neo trong lãnh hải Việt Nam mà không thể tuân theo quy định của pháp luật Việt Nam thì người điều khiển tàu thuyền phải thông báo ngay với 1 trong các cơ quan sau: cảng vụ; cơ quan cứu hộ và cứu nạn quốc gia; chính quyền địa phương; các cơ quan có thẩm quyền khác của Việt Nam nơi gần nhất. Khi nhận được thông báo các cơ quan đó phải tổ chức cứu nạn hoặc báo cho cơ quan có trách nhiệm tổ chức cứu nạn. Người, tàu thuyền bị nạn phải tuân theo mọi hướng dẫn của cơ quan đến cứu nạn.

Thái An
Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục gửi về banbientapcsb@gmail.com