Quân đội thực hiện tốt kết hợp kinh tế với quốc phòng, thiết thực góp phần bảo vệ và xây dựng đất nước

07/07/2017 04:01:00 AM

(Canhsatbien.vn) - 

Đó là khẳng định của Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng khi đến thăm và làm việc với Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel), sáng 7-7.

Cùng tham dự buổi làm việc có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Trương Minh Tuấn; Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Chu Ngọc Anh; Trung tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Thượng tướng Bế Xuân Trường, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng và các đồng chí lãnh đạo cơ quan Bộ Quốc phòng.

 

 Lãnh đạo Bộ Quốc phòng tham quan các sản phẩm do Tập đoàn Viettel sản xuất. 

Nhiều bài học quý từ thành tựu của Viettel

Tại buổi làm việc, Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng giám đốc Tập đoàn Viễn thông Quân đội, báo cáo với lãnh đạo Bộ Quốc phòng và đoàn công tác về kết quả sản xuất kinh doanh của Viettel: Năm 2000, nguồn lực ban đầu của Viettel rất khiêm tốn, chỉ vỏn vẹn 2,3 tỷ đồng vốn với nhân lực 100 người. Bằng sự nỗ lực không biết mệt mỏi, coi sáng tạo là sức sống của doanh nghiệp (DN), với lối tư duy hệ thống, kết hợp Đông-Tây, đặc biệt là phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, đến năm 2016, doanh thu của Viettel đã đạt 228.000 tỷ đồng; lợi nhuận hơn 43.200 tỷ đồng, trở thành đơn vị hàng đầu của Việt Nam trong việc đóng góp ngân sách Nhà nước, với 180.000 tỷ đồng, giai đoạn 2000-2016.

 Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng - Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel báo cáo kết quả của tập đoàn.

Là DN viễn thông có mạng cáp quang lớn nhất Việt Nam, với hơn 455.000km, 143.000 trạm phát sóng BTS công nghệ hiện đại bậc nhất thế giới, Viettel đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng để phủ sóng vùng sâu, vùng xa, tới tận xã, phường, phủ sóng toàn bộ hệ thống biên giới, hải đảo của đất nước. Với vị thế mạnh về công nghệ thông tin (CNTT), Viettel đầu tư nhiều cho an ninh mạng, tác chiến mạng, phát triển nhiều công cụ phục vụ bảo đảm an ninh mạng. Đến nay, Viettel đã có lực lượng chuyên gia khá đông đảo để bảo vệ các vị trí trọng yếu trong hệ thống mạng viễn thông; phát triển những công cụ tác chiến trên không gian mạng của riêng Việt Nam, giữ vai trò quan trọng để Việt Nam phát triển lĩnh vực an ninh mạng và CNTT. Ngoài ra, Viettel cũng đã nghiên cứu, chế tạo và sản xuất được các cấu phần quan trọng của hạ tầng mạng viễn thông. Lĩnh vực nghiên cứu, sản xuất công nghệ cao của Viettel có doanh thu hằng năm hơn 10.000 tỷ đồng, giúp cho đất nước tiết kiệm một lượng lớn ngoại tệ nhập khẩu sản phẩm và linh kiện. Viettel cũng đã làm chủ công nghệ sản xuất thiết bị, khí tài quân sự, tạo nền tảng cho việc hình thành một tổ hợp công nghiệp quốc phòng (CNQP) trong tương lai…

Quân đội làm kinh tế là bản chất, chức năng, nhiệm vụ và truyền thống của Bộ đội Cụ Hồ

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn nêu rõ: "Sau 30 năm thành lập, Viettel đã tạo ra “dấu ấn Viettel”, có tính bước ngoặt trong lịch sử phát triển của ngành viễn thông CNTT Việt Nam. Không chỉ dừng lại là một DN đóng góp cho đất nước ở góc độ kinh tế mà Viettel đã tạo dựng những giá trị có tính nền tảng cho sản xuất CNQP, mang dấu ấn Việt Nam, góp phần tích cực vào việc đưa hình ảnh đất nước, con người, văn hóa Việt Nam ra thế giới.

  Bộ trưởng Bộ TTTT Trương Minh Tuấn phát biểu tại buổi làm việc. 

Với cương vị người đứng đầu cơ quan quản lý Nhà nước về TT&TT, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn khẳng định: Viettel đã tiên phong trong xử lý các vấn đề khó của ngành TT&TT mà các DN khác chưa làm được hay không dám làm, như phủ sóng vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Điều này không chỉ có ý nghĩa về kinh tế mà còn có ý nghĩa quan trọng trong bảo đảm quốc phòng-an ninh. Viettel cũng chủ động “bước chân” vào lĩnh vực nghiên cứu, sản xuất những “bộ não” và “trái tim” của hạ tầng mạng viễn thông, tiên phong trong đầu tư ra nước ngoài… góp phần tạo dựng lợi ích, hình ảnh đất nước và con người Việt Nam.

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cũng nhấn mạnh: "Không chỉ có Viettel mà các DN quân đội nói chung những năm qua đã tiên phong trong nhiều lĩnh vực, nhất là những lĩnh vực không thuận lợi như làm đường tuần tra biên giới, rà phá bom, mìn, xây dựng các công trình chiến đấu..., nếu không có các DN quân đội thì rất khó hoàn thành. Càng trong khó khăn, phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ càng tỏa sáng và chính những DN này đã tìm ra được những giải pháp khắc phục những khó khăn chung của nền kinh tế đất nước. Một số DN quân đội sản xuất kinh doanh rất có hiệu quả như: Viettel, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB), Binh đoàn 18, Tân Cảng Sài Gòn... Hiện nay có một số quan điểm cho rằng quân đội làm kinh tế không hiệu quả, "nước sông công lính", rồi có nhiều lợi thế hơn các DN khác... Thế nhưng trong thực tế, các DN quân đội đều bình đẳng với các DN bên ngoài quân đội và hơn thế, DN quân đội còn rất gương mẫu trong việc nộp thuế, đóng góp nghĩa vụ với Nhà nước... Bác Hồ đã dạy phải xây dựng Quân đội ta hùng mạnh, là đội quân chiến đấu giỏi, đội quân công tác tốt và là đội quân lao động sản xuất giỏi. Thực tế 70 năm qua thực hiện chức năng, nhiệm vụ lao động sản xuất của mình, quân đội đã chứng minh hùng hồn tính đúng đắn và sáng tạo từ đường lối, quan điểm của Đảng về kết hợp kinh tế với quốc phòng-an ninh. Vì vậy, quan điểm của Bộ TT&TT là ủng hộ tối đa...".

 Bộ trưởng Bộ KHCN Chu Ngọc Anh phát biểu tại buổi làm việc. 

Theo Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh, thì nhìn một cách tổng thể, hoạt động sản xuất kinh doanh và con đường đi lên của Viettel luôn bám sát chủ trương của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng. Viettel luôn ưu tiên nghiên cứu, phát triển, ứng dụng KH&CN để gia tăng hiệu quả sản xuất kinh tế và các mục tiêu của CNQP. Trong bước đường phát triển, Viettel luôn đặt mục tiêu cao để vượt qua thách thức, với cách tiếp cận cũng khác biệt, đầy sáng tạo trong hoạt động nghiên cứu sản xuất. Hiện nay, Viettel đã và đang thực hiện được vai trò dẫn dắt công nghệ. Đây là việc rất quan trọng nhằm nâng cao năng lực công nghệ không chỉ của quân đội mà còn của cả đất nước.

Những năm qua, Viettel đã có 15 sản phẩm trang bị trong toàn quân và 25 sản phẩm đang nghiên cứu sản xuất. Ngoài ra còn nhiều sản phẩm khác từ quản lý vùng trời, sản phẩm tác chiến không gian mạng đã được đưa vào sử dụng và phát huy hiệu quả. “Có những đề án lớn và khó, nhiều đơn vị tiếp cận nhưng đều khó khăn trong triển khai thực hiện. Thế nhưng khi đặt trên nền tảng của Viettel, các đồng chí khiến chúng tôi khâm phục khi có bước tiến với tốc độ đột phá, cả chuyển giao, tiếp nhận, đổi mới, Viettel đều làm chủ được. Điều đó minh chứng rõ nét về năng lực, trình độ cũng như bản lĩnh, kỷ luật, kỷ cương của những người lính trên mặt trận mới”-Bộ trưởng Chu Ngọc Anh khẳng định.

 Quang cảnh buổi làm việc.

Tại buổi làm việc, Đại tướng Ngô Xuân Lịch ghi nhận và biểu dương những kết quả nổi bật mà Viettel đạt được khi trở thành Tập đoàn Viễn thông và CNTT lớn nhất Việt Nam. Viettel là nhân tố chính tạo ra sự bùng nổ viễn thông tại Việt Nam, giúp đất nước đạt được mục tiêu phổ cập dịch vụ viễn thông trước kế hoạch dự định. Hiện nay, Viettel đã tham gia vào lĩnh vực nghiên cứu, sản xuất và đạt được nhiều kết quả nổi bật. Nhiều trang bị kỹ thuật cao, như: Máy thông tin, ra-đa, hệ thống quản lý vùng trời, hệ thống tự động hóa chỉ huy... được Viettel cung cấp, trong đó có nhiều dòng trang thiết bị đã đáp ứng 50-70%, có loại đáp ứng 100% nhu cầu của quân đội, giúp đất nước và quân đội giảm phụ thuộc vào các nguồn hàng nhập khẩu; tạo thế chủ động khi trang bị; tính bảo mật cao khi sử dụng. Điều đó cho thấy rất rõ vai trò của DN quân đội, đó không chỉ là đóng góp lợi ích cho nền kinh tế mà còn kết hợp chặt chẽ với phục vụ quốc phòng mà các DN dân sinh rất khó, hoặc không thể làm được.

Đổi mới doanh nghiệp quân đội ngày càng hiệu quả

Theo Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng, Viettel đặt mục tiêu đến năm 2020 trở thành một tập đoàn công nghiệp, viễn thông toàn cầu hùng mạnh, tập trung vào 4 thành tố: Viễn thông - lĩnh vực cốt lõi nhất của Viettel; đầu tư nước ngoài - mở rộng thị trường cho viễn thông mà cho cả nghiên cứu, sản xuất; công nghiệp công nghệ cao (CNC), bao gồm công nghiệp quốc phòng CNC, mà trọng tâm là các vũ khí chiến lược; về an ninh mạng sẽ là một bộ phận của tác chiến mạng quân đội, bảo vệ các mạng, các hệ thống CNTT trọng yếu trong quân đội, phát triển các công cụ, vũ khí về tác chiến không gian mạng như một ngành CNQP. Để đạt được mục tiêu đó, Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Viettel sẽ có các chính sách khoa học, hợp lý để thu hút nhân lực chất lượng cao trong và ngoài nước, xây dựng chiến lược làm kinh tế hiệu quả, tạo nguồn lực tài chính để phát triển CNQP, đồng thời kết hợp phát triển công nghệ dân sinh tạo tiền đề phát triển CNQP cũng như mở rộng hợp tác quốc tế sâu rộng để phát triển CNQP, phát triển các loại vũ khí chiến lược, tăng cường tiềm lực quốc phòng cho đất nước.

 Đại tướng Ngô Xuân Lịch phát biểu kết luận buổi làm việc.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Đại tướng Ngô Xuân Lịch khẳng định: Thành tựu của Viettel là niềm tự hào của đất nước, của Quân đội ta, là minh chứng sinh động cho chủ trương xây dựng, phát triển kinh tế gắn với quốc phòng của Đảng, Nhà nước ta. Thực tế đã chứng minh, hơn 70 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, cùng với chức năng là đội quân chiến đấu, đội quân công tác, Quân đội ta còn có chức năng hết sức quan trọng là đội quân lao động sản xuất; chúng ta đã hoàn thành và hoàn thành xuất sắc những chức năng này. Sau kháng chiến chống Pháp có 7 vạn cán bộ, chiến sĩ chuyển sang làm kinh tế, tham gia trực tiếp xây dựng hàng loạt khu công nghiệp như: Khu công nghiệp Việt Trì, Khu gang thép Thái Nguyên, đại thủy nông Bắc Hưng Hải và gần 30 nông trường trên toàn quốc... Đó chính là quân đội đã thực hiện nghiêm chỉ đạo của Bác Hồ là đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân lao động sản xuất.

Gần đây, quân đội đã phát huy tốt vai trò nòng cốt trong tham gia xóa đói, giảm nghèo, triển khai xây dựng các khu kinh tế-quốc phòng. Hiện nay, quân đội tham gia xây dựng 23 khu kinh tế-quốc phòng đứng chân ở các địa bàn chiến lược, trọng điểm mà các DN bên ngoài không thể tới được. Trong đó, hai Binh đoàn 15, 16, các khu kinh tế-quốc phòng thuộc các quân khu 1, 2, 3, 4, 5 đã xây dựng hàng nghìn thôn bản, đưa hàng vạn hộ dân đến các điểm định cư ổn định tại các địa bàn giáp biên, tạo ra thế bố trí chiến lược hết sức trọng yếu về quốc phòng-an ninh.

"Những năm qua, các DN quân đội không ngừng đổi mới phát triển, hội nhập nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, gắn phát triển kinh tế với nhiệm vụ quốc phòng. Các DN đã rất năng động, sáng tạo, chiếm lĩnh thị trường như Viettel chẳng hạn, không những đầu tư trong nước mà còn đầu tư ra cả nước ngoài và trở thành đối tác kinh tế quốc tế có uy tín. Các lĩnh vực viễn thông, dịch vụ cảng biển, đóng tàu, dịch vụ bay, ngân hàng… các DN quân đội đều làm tốt. Nói như vậy để thấy nhiệm vụ tham gia sản xuất, xây dựng kinh tế đã, đang và sẽ là chức năng, nhiệm vụ hết sức quan trọng của quân đội trong mọi thời kỳ..."-Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch nhấn mạnh.

Những năm qua, các thế lực thù địch luôn tìm cách chống phá quân đội. Chúng xuyên tạc, vu cáo, nói xấu quân đội, trong đó có vấn đề quân đội làm kinh tế, với mục đích để tiến tới thực hiện mưu đồ "phi chính trị hóa quân đội". Tất cả những ý đồ đó đều trái với bản chất truyền thống của Quân đội nhân dân Việt Nam, nên cần phải đấu tranh bác bỏ.

 Thủ trưởng Bộ Quốc phòng trao đổi với các đồng chí lãnh đạo Tập đoàn Viettel. 

Đại tướng Ngô Xuân Lịch khẳng định: Trong điều kiện mới hiện nay, việc kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế tiếp tục là nhiệm vụ mang tính cấp thiết. Vì vậy, việc quân đội tham gia lao động sản xuất, phát triển kinh tế là một chức năng đã có tính truyền thống và cần phải được thực hiện ngày càng tốt hơn nữa. Điều này đã được ghi trong Cương lĩnh và các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, được ghi trong Hiến pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Quân đội ta phải quán triệt rõ và thực hiện ngày càng tốt hơn nhiệm vụ chính trị quan trọng này. Trong tương lai, đất nước, quân đội cần phấn đấu có nhiều DN như Viettel. Tuy nhiên, việc đổi mới hoạt động của các DN quân đội cũng cần phải được thực hiện mạnh mẽ hơn nữa. Các DN cần phải đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, những DN hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh thương mại sẽ quyết tâm cổ phần hóa 100%; các DN hoạt động không hiệu quả thì kiên quyết thoái vốn. Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng quyết tâm cơ cấu lại và đổi mới hoạt động của các DN quân đội, bảo đảm cho hoạt động sản xuất của DN quân đội ngày càng hiệu quả, vừa phục vụ đắc lực cho nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, vừa tham gia tích cực vào xây dựng, phát triển nền kinh tế của đất nước.

Đại tướng Ngô Xuân Lịch cũng yêu cầu Tập đoàn Viettel nói riêng, các DN quân đội nói chung cần có chiến lược phát triển khoa học, thiết thực, tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, nắm chắc chủ trương đường lối của Đảng về phát triển kinh tế; hoạt động đúng quy định của pháp luật Nhà nước và các quy định của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng. Các DN phải tích cực xây dựng mối đoàn kết, gắn bó trong cấp ủy, người chỉ huy, quan tâm thiết thực đến người lao động, xây dựng các DN quân đội vững mạnh, lao động sản xuất giỏi, hiệu quả, góp phần hiện đại hóa quân đội và xây dựng đất nước.

TRẦN TUẤN - TIẾN ĐẠT

 

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục gửi về banbientapcsb@gmail.com