14/10/2022 03:39:00 PM
(Canhsatbien.vn) -
Ngày 14/10/2022, Viettel đã ra mắt hệ sinh thái Viettel Cloud, khẳng định trở thành nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây lớn nhất Việt Nam và phục vụ cho chiến lược chuyển đổi số của Việt Nam.
Ra mắt hệ sinh thái điện toán đám mây Viettel Cloud.
Viettel phải đầu tư xây dựng Cloud cỡ lớn để phục vụ quốc gia
Phát biểu tại sự kiện này, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, cấu phần quan trọng nhất của hạ tầng số Việt Nam là điện toán đám mây. Nó lưu trữ và xử lý dữ liệu Việt Nam tại Việt Nam. Nhưng hiện nay, trong số các doanh nghiệp Việt Nam sử dụng dịch vụ điện toán đám mây thì có tới 80% là của nước ngoài, đặt tại nước ngoài.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại sự kiện ra mắt Viettel Cloud.
“Trong lịch sử nhân loại từ trước đến nay, con người chỉ có tiêu xài tài nguyên và làm cạn kiệt tài nguyên. Nhưng với sự xuất hiện của công nghệ số, dữ liệu đã trở thành tài nguyên. Dữ liệu này do con người sinh ra. Khi hoạt động trên môi trường số con người sinh ra dữ liệu. Khai thác, canh tác, xử lý dữ liệu này thì sinh ra giá trị mới. Dữ liệu trở thành yếu tố đầu vào của sản xuất, giống như đất đai. Dữ liệu chính là đất đai trên không gian mạng. Trong thế giới thực thì đất đai là hữu hạn, nhưng trong thế giới số thì đất đai là vô hạn”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.
Trong bài phát biểu của mình, Bộ trưởng phân tích, mỗi ngày thế giới sinh ra 2,5 triệu terabyte dữ liệu, lớn gấp 100 lần Data Center của Viettel tại Hòa Lạc. Tức là mỗi ngày, thế giới phải xây dựng 100 Data Center như vậy. Cloud lớn nhất của Viettel tại Hoà Lạc cũng chỉ bằng 1/10 một Cloud loại lớn của thế giới. Một Cloud loại lớn là khoảng 100.000 m2 sàn, trên 15.000 rack, nguồn diện 100 MW, dung lượng trên 20 triệu máy tính ảo. Tất cả 13 Data Center của Viettel cộng lại vẫn chưa bằng 1 Data Center cỡ lớn của thế giới.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, Viettel đã từng có tầm nhìn mỗi người dân Việt Nam có một chiếc điện thoại di động, khi mật độ điện thoại di động ở Việt Nam mới có 4%. Vì thế mà Viettel trở thành nhà mạng di động lớn nhất. Viettel từng có tầm nhìn mỗi hộ gia đình có một đường Internet cáp quang, khi mà mọi người nghĩ rằng Internet cố định sẽ chết. Và vì thế mà Viettel trở thành nhà mạng Internet cáp quang lớn nhất. Muốn đứng đầu thì đầu tiên phải có tầm nhìn vượt lên trên người khác, vượt trước người khác.
Người đứng đầu Bộ TT&TT nói tiếp: Việt Nam chọn hướng phát triển công nghệ số là công nghệ mở, mã nguồn mở. "Mở" là con đường đi mới của nhân loại. Để chúng ta đứng trên vai nhau. Để không có độc quyền về công nghệ. Để tạo dựng niềm tin số với nhau, giữa các quốc gia. Và để Việt Nam không chỉ tiêu xài công nghệ mà còn sáng tạo công nghệ và đóng góp cho sự phát triển của nhân loại. Viettel hãy phát triển công nghệ số theo hướng mở, công nghệ mở, mã nguồn mở.
“Chính phủ số Việt Nam đang có nhu cầu về một Data Center rất lớn. Tại sao Viettel không xây dựng và vận hành một Data Center như vậy cho Chính phủ? Các bộ ngành của Chính phủ có thể đầu tư, nhưng sẽ không có nhân lực tốt để vận hành và duy trì. Là một doanh nghiệp công nghệ số của nhà nước 100%, Viettel hoàn toàn có thể nhận với Chính phủ việc này. Và trước khi nhận thì hãy chứng tỏ năng lực của mình thông qua việc đầu tư và vận hành một Data Center cỡ lớn, như được nhắc tới ở trên”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Mỗi người dân Việt Nam sẽ có một kho lưu trữ dữ liệu trên Cloud
Ông Tào Đức Thắng, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Viettel cho biết, Viettel Cloud là hệ sinh thái điện toán đám mây đầu tiên, lớn nhất, hoàn toàn do người Việt Nam làm chủ, được chính thức đi vào hoạt động. Đây là mảnh ghép rất quan trọng trong việc xây dựng đồng bộ, hiện đại một hạ tầng số quốc gia, góp phần thắng lợi trong công cuộc chuyển đổi số của đất nước.
“Viettel đã thực hiện nhiều cuộc cách mạng để hướng đến mục tiêu mỗi người dân có một chiếc điện thoại di động; mỗi người dân có một đường kết nối Internet di động băng thông rộng; mỗi hộ gia đình có một đường cáp quang. Và bây giờ, Viettel xin nhận thêm một sứ mệnh mới, đó là phải hoàn thành mục tiêu mỗi người dân Việt Nam, mỗi hộ gia đình Việt Nam, mỗi tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam sẽ có một kho lưu trữ dữ liệu trên nền tảng điện toán đám mây được đặt tại Việt Nam, do kỹ sư Việt Nam nghiên cứu, triển khai, quản lý vận hành và đảm bảo an toàn thông tin”, ông Tào Đức Thắng nói.
Ông Tào Đức Thắng - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel chia sẻ tại sự kiện.
Chủ tịch Viettel khẳng định, sẵn sàng nhận những việc mới, việc khó mà Chính phủ, Bộ, ngành giao phó trong công cuộc chuyển đổi số của quốc gia, để Viettel có thêm cơ hội phát huy năng lực của hệ sinh thái Viettel Cloud và chứng minh sức mạnh của Việt Nam trên không gian số.
Tại sự kiện này, ông Lê Hồng Hà, Tổng giám đốc Vietnam Airlines cho biết, với mục tiêu trở thành hãng hàng không số năm 2025, Vietnam Airlines tập trung vào trải nghiệm khách hàng. Hiện hãng này sử dụng 200 hệ thống phần mềm đảm bảo khai thác với chuẩn quốc tế. Vietnam Airlines xác định chuyển dịch mạnh mẽ lên điện toán đám mây và chuyển đổi số đáp ứng nhu cầu phát triển nhanh của thị trường vận chuyển hành khách.
“Vietnam Airlines hoạt động trên toàn cầu và tuân thủ chính sách quốc tế về dữ liệu khách hàng. Hệ sinh thái điện toán đám mây do doanh doanh nghiệp Việt Nam làm chủ và dữ liệu đặt tại Việt Nam có bảo mật tốt, giúp cho chúng tôi đảm bảo thông tin của khách hàng và giảm chi phí. Đây cũng là cú hích cho hệ sinh thái cho thị trường điện toán đám mây Việt Nam”, ông Lê Hồng Hà nói.
Chia sẻ về tương lai của điện toán đám mây, ông Luke Treloar, đại diện KPMG khẳng định, điện toán đám mây là trụ cột của ngành ICT. Tại khu vực châu Á Thái Bình Dương, dịch vụ điện toán đám mây sẽ tăng trưởng trên 20%.
Thái An