Xử lý như thế nào đối với tài sản bị chìm đắm trên biển?

04/09/2015 05:47:00 PM

(Canhsatbien.vn) - 

Ông Lê Lương Tấn ở xã Triệu An, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị hỏi: thuyền đánh cá của tôi khi đang hành nghề trên biển, cách khu vực cảng Cửa Việt khoảng 5 hải lý thì bị gãy bánh lái và bị sóng to đánh chìm. Tôi và 4 thuyền viên may mắn được lực lượng cứu hộ Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Cửa Việt cứu thoát. Xin hỏi, với thuyền đánh cá bị chìm của tôi thì phải xử lý thế nào theo quy định?

Khi có tài sản bị chìm đắm, chủ tài sản có nghĩa vụ tổ chức thăm dò, trục vớt tài sản bị chìm đắm.

Trả lời:

Ngày 15/10/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 128/2013/NĐ-CP về xử lý tài sản chìm đắm trên tuyến đường thủy nội địa, vùng nước cảng biển và vùng biển Việt Nam. Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 12/12/2013 và thay thế Nghị định số 18/2006/NĐ-CP ngày 10/02/2006 của Chính phủ về xử lý tài sản chìm đắm ở biển.

Theo đó, khi có tài sản chìm đắm, chủ tài sản chìm đắm có nghĩa vụ tổ chức thăm dò, trục vớt tài sản chìm đắm theo phương án được phê duyệt; đồng thời phải chịu mọi chi phí liên quan đến việc trục vớt, trừ trường hợp tài sản chìm đắm là tàu thuyền, hàng hóa hoặc các vật thể khác từ tàu thuyền thì chủ tàu có nghĩa vụ lập phương án thăm dò, trục vớt tài sản chìm đắm và tổ chức thăm dò, trục vớt tài sản chìm đắm theo đúng phương án được duyệt; đồng thời phải chịu mọi chi phí liên quan. Người quản lý tàu, người khai thác tàu chịu trách nhiệm liên đới trong việc trục vớt tài sản chìm đắm và thanh toán các chi phí có liên quan đến việc xử lý tài sản.

Trường hợp chủ tài sản chìm đắm không thực hiện việc lập phương án thăm dò, trục vớt và tổ chức trục vớt hoặc trục vớt không đúng thời hạn yêu cầu thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định việc trục vớt tài sản chìm đắm. Trong trường hợp này, chủ tài sản chìm đắm vẫn phải chịu mọi chi phí liên quan đến xử lý tài sản chìm đắm và bị xử phạt theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực có liên quan.

Đối với tài sản chìm đắm gây nguy hiểm, chủ tài sản chìm đắm phải lập phương án thăm dò, trục vớt tài sản chìm đắm và tổ chức trục vớt tài sản đúng thời hạn quy định; trường hợp chủ tài sản không thực hiện đúng thì Cảng vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức trục vớt tài sản chìm đắm và báo cáo Cục Hàng hải Việt Nam hoặc Cục Đường thủy nội địa Việt Nam hoặc Sở Giao thông vận tải.

Chủ tài sản chìm đắm ngoài việc lập phương án thăm dò, trục vớt tài sản chìm đắm, còn phải áp dụng mọi biện pháp phòng ngừa, hạn chế thiệt hại xảy ra và phải bồi thường mọi thiệt hại theo quy định có liên quan của pháp luật. Trường hợp tài sản chìm đắm gây ô nhiễm môi trường, chủ tài sản chìm đắm phải áp dụng ngay mọi biện pháp nhằm hạn chế, xử lý ô nhiêm môi trường và phải bồi thường thiệt hại ô nhiễm môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

Thái An
 

File đính kèm :

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục gửi về banbientapcsb@gmail.com