09/06/2017 09:19:00 AM
(Canhsatbien.vn) -
Chính sách pháp luật về hoạt động quân sự trên biển của Trung Quốc
Trong 100 ngày đầu tiên sau khi nhậm chức, Chủ tịch nước Trung Quốc - Tập Cận Bình, rất coi trọng việc phát triển sức mạnh quân đội, với những chuyến thăm cấp cao đến Lực lượng Hải quân quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLAN) và Không quân Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLAA). Người đứng đầu Đảng và Nhà nước Trung Quốc cũng triển khai chiến dịch nhằm nâng cao khả năng chiến đấu và chiến thắngcủa lực lượng vũ trang, thông qua việc tăng mạnh chi phí quốc phòng và các chương trình hiện đại hóa quân đội. Tập Cận Bình đã cải tổ lại quân đội và đứng ở vị trí Chủ tịch Ủy ban Quân sự Trung ương, đồng thời, nhấn mạnh vào việc nhanh chóng xây dựng hệ thống liên hợp chỉ huy tác chiến tuyệt đối trung thành, tháo vát trong chiến đấu, hiệu quả trong chỉ huy, dũng cảm và có thể chiến thắng trong các cuộc chiến tranh.
Sách Trắng quốc phòng năm 2015 Chiến lược quân sự Trung Quốc có viết: Chuẩn bị cho chiến tranh quân sự là một thực tiễn cơ bản và là một sự bảo đảm trọng yếu cho việc duy trì hòa bình, ngăn chặn nguy cơ và đánh thắng trong các cuộc chiến tranh. Để mở rộng và thúc đẩy việc chuẩn bị cho chiến tranh quân sự, cần phải tuân thủ yêu cầu chiến đấu và chiến thắng, kiên trì giải quyết các vấn đề trọng điểm và nan giải như chỉ đạo, không ngừng chuẩn bị thường xuyên, sát thực tế, nâng cao toàn diện năng lực uy hiếp và thực chiến.
Riêng đối với không gian biển, Sách Trắng quốc phòng của Trung Quốc năm 2015 còn nhận định rằng: Biển có mối liên hệ đến sự phát triển lâu dài và bền vững của quốc gia. Cần phải phá vỡ tư duy truyền thống trọng lục kinh hải, hết sức đề cao quản lý biển, bảo vệ các quyền và lợi ích trên biển. Kiến thiết hệ thống lực lượng quân đội trên biển hiện đại tương xứng với an ninh quốc gia và các lợi ích phát triển; bảo vệ chủ quyền quốc gia cũng như các quyền và lợi ích trên biển.Từ đó thấy rằng, Trung Quốc hết sức coi trọng việc nâng cao năng lực chiến đấu cho quân đội: chiến đấu và chiến thắng, nâng cao năng lực uy hiếp và thực chiến. Riêng đối với các vùng biển, Trung Quốc nhấn mạnh việc xây dựng hệ thống lực lượng quân đội trên biển hiện đại và tinh nhuệ. Trên thực tế, Trung Quốc không thừa nhận đang có tranh chấp trên biển với bất kỳ quốc gia nào. Theo đó, có thể nhận ra rằng, đối với những vùng biển đang có tranh chấp mà Trung Quốc không thừa nhận có tranh chấp, nước này sẵn sàng sử dụng vũ lực để bảo vệ cho những quyền và lợi ích mà Trung Quốc cho là mình có. Điều này thể hiện rất rõ khuynh hướng sẵn sàng sử dụng vũ lực, thậm chí sử dụng quân đội chính quy để giải quyết các vấn đề trên biển. Song song với việc sẵn sàng sử dụng quân đội chính quy trên biển, Trung Quốc đã và đang không ngừng tiến hành quân sự hóa các lực lượng trên biển. Biểu hiện của thực trạng quân sự hóa này là việc tăng cường sức mạnh, khả năng đối đầu cho các lực lượng vũ trang mang tính chất bán quân sự hoặc dân sự. Cụ thể là việc Trung Quốc sử dụng các loại chiến hạm cải tiến thành các tàu tuần ngư quy mô lớn, không ngại va chạm để xua đuổi, hăm dọa ngư dân các nước, thậm chí là trang bị vũ khí quân sự cho ngư dân. Lyle Goldsein - một nhà nghiên cứu của trường Chiến tranh Hải quân Hoa Kỳ chỉ ra rằng đó là cách Trung Quốc sử dụng các tàu dân sự để phát huy sức mạnh mềm, nhưng cũng nhằm củng cố các yêu sáchn phi lý về lãnh thổ biển rộng lớn của Trung Quốc. Giáo sư Carlyle A. Thayer - Đại học South Wales, Học viện Quốc phòng Úc thì cho rằng: Việc sử dụng các tàu tuần ngư là một chiến thuật tuyệt vời, bởi chúng không phải là tàu chiến, chúng được sơn màu trắng không phải là màu xám, nhưng chắc chắn, chúng được trang bị tận răng. Tóm lại, chính sách pháp luật của Trung Quốc về hoạt động quân sự trên biển thể hiện rất rõ hai đặc điểm: (1) Sẵn sàng sử dụng vũ lực, thậm chí là quân đội chính quy trước các vấn đề trên biển và (2) Ráo riết quân sự hóa các lực lượng trên biển, bao gồm cả lực lượng vũ trang mang tính chất bán quân sự hoặc lực lượng dân sự.
Thực trạng hoạt động quân sự trên biển của Trung Quốc
Những diễn biến trong thời gian gần đây rất phù hợp và là minh chứng cụ thể cho hai đặc điểm đã được rút ra từ chính sách pháp luật về hoạt động quân sự trên biển của Trung Quốc. Ở cả ba vùng biển quốc tế tiếp giáp với Trung Quốc, bằng nhiều phương thức khác nhau, quốc gia này đều có một số hoạt động quân sự gây mất an ninh, đe dọa hòa bình trong khu vực, có thể đề cập đến một số hoạt động đáng chú ý sau đây:Ở vùng biển Hoàng Hải, ngày 07/10/2016, một nhóm khoảng 40 tàu cá Trung Quốc đang hoạt động trái phép tại vùng biển này. Khi bị Lực lượng Phòng vệ bờ biển Hàn Quốc - South Korean Coast Guard truy đuổi, một tàu cá Trung Quốc đâm va làm chìm tàu của lực lượng chấp pháp Hàn Quốc. Trước đó, năm 2011, một nhân viên của lực lượng phòng vệ bờ biển Hàn Quốc đã thiệt mạng trong một vụ đụng độ với ngư dân Trung Quốc.Ở vùng biển Hoa Đông, vào 23/11/2013, Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã tuyên bố thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) tại Biển Hoa Đông. Một ngày sau tuyên bố, Trung Quốc tiến hành hai cuộc tuần tra trên không trong khu vực bằng máy bay Tu-154 và Y-8, khiến cho Lực lượng Phòng không Nhật Bản phải cử hai máy bay chiến đấu F-15 để ngăn chặn.Còn ở vùng Biển Đông, vùng biển mà sức mạnh quân sự của các nước tiếp giáp khác có sự chênh lệch rất lớn so với Trung Quốc, dựa vào vị thế này, Trung Quốc đã tiến hành hàng loạt hoạt động quân sự và là tác nhân chủ yếu cho những căng thẳng trên Biển Đông hiện nay. Tại quần đảo Hoàng Sa và vùng biển xung quanh, lợi dụng tình trạng đang kiểm soát trên thực tế toàn bộ quần đảo này. Năm 2014, Trung Quốc xây đường băng trên đảo Phú Lâm có chiều dài 2.000m và sau đó là điều máy bay chiến đấu ra đảo Phú Lâm. Năm 2016, nước này xây dựng căn cứ trực thăng quân sự trên đảo Quang Hòa và bố trí tên lửa đất đối không HQ-9 trên đảo Phú Lâm. Đáng chú ý nhất là sự kiện từ ngày 01/5-16/7/2014, Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan HD-981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam; điều động một lực lượng hơn 80 tàu trong đó có 07 tàu hộ vệ tên lửa 534 và tàu tuần tiễu tấn công nhanh số hiệu 753 cùng 33 tàu Hải giám, Hải cảnh, Ngư chính và các tàu vận tải, tàu cá, tàu phục vụ khác, cố ý đâm va và phun vòi rồng vào các tàu CSB, Kiểm ngư của Việt Nam.
Đặc biệt trong thời gian rất ngắn ngay trước và sau phán quyết ngày 12/7/2016 của Tòa Trọng tài thành lập theo Phụ lục VII UNCLOS 1982, Trung Quốc đã tiến hành tập trận với quy mô lớn. Cụ thể, từ ngày 5-11/7/2016 Trung Quốc diễn tập với nhiều khí tài tối tân và tháng 8/2016, Hải quân Trung Quốc đã có cuộc tập trận chung với Nga ở đảo Hải Nam và vùng biển quần đảo Hoàng Sa. Cường độ, quy mô và thời điểm các cuộc tập trận của Trung Quốc hoàn toàn có thể xem như sự đe dọa sử dụng vũ lực. Còn tại quần đảo Trường Sa, hoạt động đáng chú ý nhất là kể từ năm 2014 Trung Quốc đã đẩy nhanh tiến độ xây dựng và cải tạo 07 thực thể địa lý thuộc quần đảo Trường Sa mà nước này đã chiếm đóng gồm: Chữ Thập, Châu Viên, Gạc Ma, Tư Nghĩa, Vành Khăn và Xu Bi với nhiều khả năng là biến các thực thể địa lý này thành khu căn cứ quân sự phục vụ cho sự mở rộng kiểm soát trên biển của Trung Quốc. Riêng đối với Chữ Thập, Trung Quốc đã cải tạo thực thể này có chiều dài hiện tại là 3.000m và rộng 200-300m với mục đích xây dựng đường băng và sân đỗ cho máy bay ném bom H-6, máy bay vận tải quân sự cỡ lớn Y-20 cất hạ cánh và có thể đón được tàu chở dầu, tàu chiến hạng nặng. Để tăng cường khả năng tác chiến, Trung Quốc đã bổ sung 02 tàu hộ vệ tên lửa, hai tàu Hải cảnh cho lực lượng quân sự ở khu vực quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ngày 15/10/2014, Tư lệnh Hải quân Trung Quốc - Ngô Thắng Lợi đã có chuyến thị sát trái phép đến các thực thể trên. Bên cạnh đó, Trung Quốc không ngừng các hoạt động nhằm hiện thực hóa yêu sách Đường chữ U trên Biển Đông. Thậm chí vào năm 2012, chính quyền Trung ương Trung Quốc thành lập thành phố Tam Sa. Thành phố này được điều hành bởi chính phủ TW và Ủy ban Quân sự Trung ương cho phép thành phố hình thành các khu đồn trú quân sự. Qua cách thức tổ chức này, Trung Quốc dễ dàng hơn trong việc tiến hành các hoạt động quân sự ở Biển Đông.
Đánh giá hoạt động quân sự trên biển của Trung Quốc dưới góc độ luật pháp quốc tế
Mặc dù luật pháp quốc tế về hoạt động quân sự trên biển chưa được phát triển thành một chế định hoàn chỉnh trong hệ thống luật pháp quốc tế, tuy vậy, hoạt động quân sự trên biển của các quốc gia vẫn phải nằm trong khuôn khổ chung của luật pháp quốc tế, bao gồm các nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế được pháp điển hóa trong Hiến chương Liên Hợp Quốc 1945 và Tuyên bố về những nguyên tắc của luật quốc tế điều chỉnh quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa các quốc gia phù hợp với Hiến chương LHQ ngày 24/10/1970 (Tuyên bố 1970). Bên cạnh đó, vì diễn ra trên biển, hoạt động quân sự trên biển của các quốc gia còn phải tuân thủ Luật Biển quốc tế, cụ thể là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982) và các nguyên tắc của Luật Biển quốc tế. Việc Trung Quốc sẵn sàng sử dụng vũ lực, thậm chí là quân đội chính quy và quân sự hóa các lực lượng bán quân sự, dân sự đã vi phạm nghiêm trọng các nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế được pháp điển hóa trong Hiến chương Liên Hợp Quốc 1945 và Tuyên bố 1970, cụ thể:
Một là, vi phạm nguyên tắc bình đẳng chủ quyền giữa các quốc gia quy định tại khoản 1 Điều 2 Hiến chương Liên hợp quốc năm 1945. Trung Quốc đã dựa vào vị thế nước lớn nên tự cho mình có nhiều quyền và lợi ích trên biển hơn quốc gia khác, từ đó, tiến hành hàng loạt hoạt động quân sự nhằm bảo vệ cho những quyền và lợi ích đó bất chấp việc xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và các quyền, lợi ích hợp pháp của những quốc gia nhỏ hơn.
Hai là, vi phạm nguyên tắc các quốc gia giải quyết tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hòa bình quy định tại Khoản 3 Điều 2 Hiến chương Liên hợp Quốc năm 1945. Ở cả ba vùng biển mà Trung Quốc tiếp giáp đều có tranh chấp quốc tế, ngược hẳn với tinh thần nguyên tắc này, Trung Quốc càng thúc đẩy hiện đại hóa quân đội, triển khai hoạt động quân sự trên biển ở cường độ cao hơn.
Và nghiêm trọng nhất, ba là, vi phạm nguyên tắc cấm dùng vũ lực và đe dọa dùng vũ lực trong quan hệ quốc tế, quy định tại Khoản 4 Điều 2 Hiến chương Liên Hợp Quốc 1945: Tất cả các quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc từ bỏ đe dọa bằng vũ lực hoặc sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế nhằm chống lại sự bất khả xâm phạm về lãnh thổ hay nền độc lập chính trị của bất kỳ quốc gia nào dưới bất kỳ hình thức nào trái với những mục đích của Liên Hợp Quốc. Trung Quốc đã và đang sử dụng vũ lực trên các vùng biển thông qua hàng loạt hoạt động quân sự, trực tiếp xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và các quyền, lợi ích trên biển của quốc gia khác, đe dọa đến hòa bình và an ninh khu vực cũng như trên thế giới trước nguy cơ chiến tranh quân sự.
Bốn là, nguyên tắc tận tâm thực hiện các cam kết quốc tế (Pacta sunt servanda). Trung Quốc đã tham gia ký kết nhiều điều ước quốc tế cả song phương lẫn đa phương. Việc sử dụng vũ lực, sẵn sàng điều động lực lượng quân đội ngoài vi phạm những quy định chung của luật quốc tế còn vi phạm tất cả các cam kết song phương và đa phương của nước này.Phán quyết ngày 12/7/2016 của Tòa Trọng tài thành lập theo Phụ lục VII UNCLOS 1982 cũng khẳng định rằng: Trung Quốc đã làm trầm trọng và mở rộng thêm các tranh chấp thông qua quá trình nạo vét xây dựng các đảo và công trình nhân tạo. Hành vi làm thay đổi nguyên trạng, làm phức tạp hoặc gia tăng tranh chấp, ảnh hưởng tới hòa bình và ổn định của một số thực thể địa lý ở Trường Sa đã vi phạm Điều 5 của Tuyên bố về Cách ứng xử của các bên ở Biển Đông 2002 (DOC), Quy tắc hướng dẫn thực thi DOC 2011, thỏa thuận song phương Trung Quốc – Philippines với nội dung không cho phép sử dụng sức mạnh quân sự trong giải quyết tranh chấp và kêu gọi đưa ra các biện pháp hòa bình theo các quy định trong UNCLOS 1982, thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ngày 11/10/2011.Bên cạnh đó, hoạt động quân sự trên biển của Trung Quốc cũng vi phạm các nguyên tắc và quy định của Luật Biển quốc tế, cụ thể:vi phạm quyền tự do hàng hải, quyền tự do hàng không. Trước cường độ hoạt động quân sự trên biển của Trung Quốc, an ninh hàng hải và hàng không bị ảnh hưởng rất lớn, quyền tự do hàng hải và quyền đi qua không gây hại của các quốc gia khác cũng như quyền tự do hàng không bị thu hẹp và phải đối mặt với nguy cơ mất an toàn cho sức khỏe, tính mạng con người và rủi ro tổn thất hàng hóa. Đặc biệt, đối với các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng ở Trường Sa và yêu sách vùng nước xung quanh các đảo nhân tạo đó đã làm rối loạn tuyến đường giao thông huyết mạch này. ADIZ ở Biển Hoa Đông và nguy cơ Trung Quốc thiết lập ADIZ ở Biển Đông gây ra sự mất ổn định cũng như an ninh và an toàn của các tuyến bay.
Mặt khác, Trung Quốc vi phạm chủ quyền và quyền chủ quyền của quốc gia khác. Trong Luật Biển quốc tế, chỉ có quốc gia ven biển mới có đặc quyền xây dựng đảo nhân tạo trong nội thủy, lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình căn cứ theo Điều 60 và Điều 80 UNCLOS 1982. Các vị trí mà Trung Quốc đã và đang tiến hành hoạt động quân sự để bồi lấp xây dựng đảo nhân tạo không nằm trong các nội thủy, lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc, mà đều thuộc phạm vi hai vùng đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
Ngoài ra Trung Quốc còn vi phạm nghĩa vụ giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình. UNCLOS 1982 tại Điều 279 quy định nghĩa vụ bắt buộc đối với các quốc gia phải giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình. Trong khi đó, Trung Quốc lại tăng cường hoạt động quân sự trên biển, sử dụng và đe dọa sử dụng vũ lực trong các tranh chấp trên biển. Có thể đi đến kết luận rằng, Trung Quốc đã và đang tiến hành nhiều hoạt động quân sự trên Biển Đông, với việc sẵn sàng đe dọa, sử dụng vũ lực và quân sự hóa, là vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế. Điều này xâm phạm trực tiếp đến quyền và lợi ích của quốc gia khác, đe dọa đến an ninh và hòa bình trong khu vực cũng như trên thế giới./.
GS. TS. Nguyễn Bá Diến - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biển và Hải đảo