Hoạt động nghiên cứu khoa học của học viên đào tạo sĩ quan Cảnh sát biển tại Học viện Hải Quân

19/09/2021 03:55:00 AM

(Canhsatbien.vn) - 

Kết quả hoạt động nghiên cứu khoa học (NCKH) của học viên không chỉ thể hiện chất lượng đào tạo và vị thế của một học viện, nhà trường trong hệ thống giáo dục đào tạo mà quá trình NCKH sau khi đã tiếp nhận được kiến thức chuyên ngành còn giúp học viên hình thành phương pháp tư duy, khả năng độc lập nghiên cứu, sáng tạo. Nhận thức sâu sắc về vai trò và tầm quan trọng của hoạt động NCKH của học viên, Đảng ủy và Ban Giám đốc Học viện Hải quân luôn quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo cùng với sự giúp đỡ, hướng dẫn của các cơ quan chức năng, khoa giảng viên, trong những năm gần đây, phong trào NCKH của học viên nói chung, học viên Cảnh sát biển nói riêng tại Học viện Hải quân đã phát triển mạnh cả về số lượng lẫn chất lượng.

Trong những năm qua, khoa Hàng hải và khoa Cảnh sát biển luôn chú trọng trong việc đẩy mạnh hoạt động hướng dẫn học viên chuyên ngành, trong đó có học viên chuyên ngành Cảnh sát biển thực hiện các đề tài NCKH. Số lượng các đề tài mà giảng viên khoa Hàng hải và khoa Cảnh sát biển hướng dẫn học viên Cảnh sát biển NCKH đã tăng lên nhiều so với các năm trước đây. Nhiều đề tài của học viên đã được ứng dụng vào thực tiễn giảng dạy, học tập tại Học viện Hải quân, cũng như ứng dụng vào công tác tại một số đơn vị tàu. Đây là hoạt động được tổ chức thường niên, thu hút sự tham gia của các học viên tiêu biểu, có lòng đam mê NCKH. 

 

 Học viên chuyên ngành Cảnh sát biển tham gia thi “Sáng tạo mô hình tàu chiến đấu” năm 2020.

Các đề tài đã được học viên CSB thực hiện, nghiên cứu thường đa dạng về chủ đề và hướng tiếp cận, tập trung vào các nhóm chủ đề như ứng dụng tin học xây dựng các phần mềm tính toán các bài toán về hàng hải; nghiên cứu, đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng các trang thiết bị hàng hải trên tàu. Nhiệm vụ các đề tài đưa ra sát với nội dung, chương trình giảng dạy, học tập tại Học viện cũng như hoạt động thực tiễn tại các đơn vị tàu. Hoạt động này không chỉ phản ánh quá trình lĩnh hội kiến thức của học viên mà còn giúp học viên củng cố và mở rộng kiến thức chuyên môn đã được học, đồng thời rèn luyện tư duy nghiên cứu độc lập, hình thành cho học viên có những phẩm chất và tác phong của người sĩ quan chỉ huy kỹ thuật trong tương lai.

 Học viên Nguyễn Tiến Hùng lớp Cảnh sát biển 12 báo cáo đề tài trước Hội đồng nghiệm thu.

Trong số các đề tài của học viên chuyên ngành Cảnh sát biển đã được nghiệm thu đạt loại tốt và có tính ứng dụng cao trong hoạt động thực tiễn tại đơn vị tàu, nổi bật là đề tài “Nghiên cứu, ứng dụng hệ thống AIS quản lý khu neo đậu tránh bão cho lực lượng tàu Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2” của học viên Dương Khánh Hòa, lớp Cảnh sát biển 11, Tiểu đoàn 5; đề tài “Xây dựng phần mềm xác định vị trí tâm bão phục vụ công tác bảo đảm an toàn cho tàu thuyền khi hoạt động trên biển” của học viên Nguyễn Đức Mạnh, lớp Cảnh sát biển 12, Tiểu đoàn 1; đề tài “Ứng dụng tin học để tính toán diện tích tìm kiếm tàu bị nạn” của học viên Nguyễn Chí Công, lớp Cảnh sát biển 11, Tiểu đoàn 5. Trong số các đề tài có tính ứng dụng thực tiễn cao tại đơn vị thì học viên Nguyễn Tiến Hùng, lớp Cảnh sát biển 12, Tiểu đoàn 1 có 2 đề tài, đó là: đề tài “Nghiên cứu ứng dụng phần mềm hải đồ điện tử OPEN CPN dẫn tàu Cảnh sát biển tuần tra khu vực biển Vũng Tàu” và đề tài “Ứng dụng radar hàng hải để lập kế hoạch điều khiển tàu trong vùng tầm nhìn hạn chế khu vực vịnh Cam Ranh và vịnh Nha Trang”.

Nhiều đề tài của học viên CSB đã và đang được ứng dụng phục vụ huấn luyện tại Học viện như, đề tài “Xây dựng phần mềm huấn luyện radar hàng hải MDC-2060 trên tàu Cảnh sát biển” của học viên Nguyễn Tuấn Anh, lớp Cảnh sát biển 11, Tiểu đoàn 5; đề tài “Nghiên cứu, ứng dụng ngôn ngữ Visual Studio mô phỏng sự thay đổi hình ảnh trên màn hình radar khi tàu chuyển động” của học viên Vũ Văn Oai, lớp Cảnh sát biển 11; đề tài “Ứng dụng tin học mô phỏng các nút buộc dây sử dụng trên tàu” của học viên Nguyễn Chí Công, lớp Cảnh sát biển 11, Tiểu đoàn 5. Một số đề tài được Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao phục vụ đắc lực cho công tác huấn luyện tại Học viện như đề tài “Nghiên cứu, ứng dụng phần mềm Flash xây dựng cơ sở dữ liệu cho thi trắc nghiệm môn học Quy tắc tránh va Quốc tế trên máy tính” của học viên Nguyễn Đức Mạnh, lớp Cảnh sát biển 12, Tiểu đoàn 1; hay đề tài “Ứng dụng phần mềm MS Excel giải các bài tập hàng hải địa văn” của học viên Hồ Quang Tiến, lớp Cảnh sát biển 11, Tiểu đoàn 5.

Có thể nói, hoạt động NCKH trong thời gian qua của học viên chuyên ngành Cảnh sát biển nói riêng và của học viên Học viện Hải Quân nói chung thực sự là bước tiến mới của tuổi trẻ Học viện Hải Quân trong việc nghiên cứu, phát triển ứng dụng để nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo của Học viện. Để có được những thành tích trên, Khoa Hàng hải và Khoa Cảnh sát biển đã có nhiều giải pháp đồng bộ. Đại tá TS Phạm Trung Hiếu - Trưởng khoa Hàng hải cho biết: “Vào đầu mỗi năm học, chúng tôi đều tổ chức các buổi hội thảo phân hội khoa học của khoa để các giảng viên đưa ra các chủ đề, định hướng nội dung nhằm giới thiệu cho các học viên khá, giỏi thực hiện các đề tài NCKH; khuyến khích các học viên chủ động tham gia, gợi mở cho các học viên những hướng nghiên cứu và cách thức thực hiện một đề tài. Căn cứ các đề tài mà học viên đăng ký, các giảng viên tích cực hướng dẫn hỗ trợ học viên trong quá trình thực hiện. Chúng tôi coi đây là một trong các tiêu chí để các giảng viên đăng ký danh hiệu giảng viên giỏi và bình xét thi đua hàng năm”.

Đồng chí Nguyễn Tiến Hùng - lớp trưởng lớp Cảnh sát biển 12, Tiểu đoàn 1 là một trong những học viên có năng lực học tập tốt, có khả năng lập trình tin học, luôn tích cực học hỏi, nghiên cứu, tìm tòi, sáng tạo. Dưới sự hướng dẫn của giảng viên, trong các năm học qua, học viên Nguyễn Tiến Hùng đã thực hiện một số đề tài NCKH. Kết quả bảo vệ đều đạt loại tốt. Học viên Hùng cho biết: “Tham gia NCKH giúp tôi được rèn luyện, bước đầu làm quen với phương pháp nghiên cứu khoa học. Thực tế qua thực hiện các đề tài đã giúp tôi có tư duy tốt hơn, có khả năng làm việc với cường độ cao, cách xử lý tình huống và nâng cao kỹ năng thuyết trình. Với các đề tài NCKH mà tôi đã thực hiện tuy có giá trị khoa học và thực tiễn ở chừng mực nào đó, nhưng điều quan trọng là giúp tôi viết lên những ý tưởng, mong muốn của mình để độc lập nghiên cứu, đam mê và sáng tạo. Căn cứ vào khả năng và kiến thức chuyên ngành được đào tạo của mình để lựa chọn đề tài phù hợp, đồng thời tôi luôn tranh thủ ý kiến của giảng viên hướng dẫn và các giảng viên khoa chuyên ngành trong quá trình nghiên cứu cũng như để đảm bảo tính mới và tính khả thi của đề tài”.

Trước yêu cầu ngày càng cao của Học viện về công tác giáo dục đào tạo, thì việc nâng cao chất lượng giảng dạy và NCKH cần phải được đặt ra, trong đó có vấn đề NCKH của học viên. Trong xu hướng phát triển nhanh mạnh của Cách mạng công nghiệp 4.0 mở ra nhiều cơ hội, song cũng đặt ra nhiều thách thức đối với các nhà trường Quân đội nói chung và Học viện Hải Quân nói riêng. Học viện đang đứng trước yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng cho sự nghiệp xây dựng Lực lượng Hải quân, Cảnh sát biển cách mạng, chính qui, tinh nhuệ và hiện đại. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội cho Học viện thay đổi cách tiếp cận giáo dục, đào tạo và NCKH, trong đó vấn đề phát triển năng lực sáng tạo, khả năng độc lập nghiên cứu và kỹ năng thực hành của học viên đóng vai trò hết sức quan trọng nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ sau khi tốt nghiệp, cũng như đáp ứng được yêu cầu của Quân chủng Hải quân và Lực lượng Cảnh sát biển trong giai đoạn mới./.

Thanh Điệp

 

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục gửi về banbientapcsb@gmail.com