13/10/2015 09:31:00 AM
(Canhsatbien.vn) -
Trước các hành động của Trung Quốc hung hăng phá hoại tàu cá của ngư dân Việt Nam, ngư dân các tỉnh miền Trung vẫn không nao núng, kiên cường vươn khơi bám ngư trường, góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo. Đằng sau tinh thần quả cảm đó, ngoài hiểm nguy, ngư dân đang phải đối mặt với không ít khó khăn đời thường về vốn, đầu ra cho thủy sản. Vì vậy, sự mong mỏi các chính sách thiết thực của Nhà nước để hỗ trợ ngư dân đánh bắt xa bờ càng cấp thiết hơn vào thời điểm này.
Ngư dân đang gặp nhiều khó khăn
Ngư dân miền Trung đang gặp những khó khăn, thách thức lớn về nguồn vốn cũng như kỹ thuật đánh bắt xa bờ và dịch vụ hậu cần nghề cá trên biển. Hiện nay nguồn vốn để phát triển khai thác xa bờ là khá lớn, trong khi đó các cơ chế, chính sách hỗ trợ ngư dân vay vốn ưu đãi của Nhà nước lại hết sức hạn chế. Mặt khác, hầu hết lao động trên các tàu cá đào tạo thiếu bài bản, chủ yếu hành nghề theo kiểu cha truyền con nối cho nên khó tiếp cận phương thức sản xuất tiên tiến. Vì vậy, các cấp, các ngành cần thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ vốn, tạo điều kiện cho ngư dân đầu tư cải hoán nâng cao công suất tàu, đồng thời thường xuyên mở các lớp tập huấn, hỗ trợ trong việc đào tạo, ứng dựng công nghệ mới, tiên tiến vào khai thác hải sản. Trước hết, các địa phương cần có tầm nhìn và nhận thức mới trong việc giúp đỡ ngư dân thực hiện "cuộc cách mạng" cải hoán tàu nhỏ, đóng mới tàu lớn, coi đây là điều kiện tiên quyết để hình thành những "tập đoàn" đánh bắt xa bờ có hiệu quả.
Chỉ ra những khó khăn, hạn chế trong việc hỗ trợ ngư dân làm giàu từ biển và bám biển để đánh bắt nuôi trồng thủy hải sản, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thái Học (Phú Yên) cho rằng: Chính phủ cần hỗ trợ nhiều hơn nữa về vốn, khoa học kỹ thuật, các phương tiện đánh bắt xa bờ... để ngư dân có điều kiện bám trụ được trên ngư trường. Có như vậy mới động viên được ngư dân bám biển, làm giàu từ biển, góp phần bảo vệ chủ quyền đất nước. Đặc biệt, trong những chính sách được ngư dân quan tâm hiện nay là vấn đề vốn. Chính phủ cần có những gói vốn hỗ trợ về thời hạn cho vay dài hoặc mức lãi suất thấp, tạo điều kiện cho ngư dân có điều kiện trang bị tàu thuyền chắc chắn để ra khơi; hỗ trợ ngư dân các phương tiện máy móc hiện đại để ngư dân bám biển ở ngư trường xa.
Thực ra, vấn đề hỗ trợ ngư dân bám biển không phải đến bây giờ mới được đề cập và trên thực tế nhiều địa phương trên toàn quốc đã triển khai các chính sách hỗ trợ vốn cho ngư dân cải hoán, đóng mới tàu công suất lớn, tuy nhiên vẫn chưa có những giải pháp mang tính đồng bộ.
Thời gian qua, tổng kinh phí ngân sách Nhà nước bố trí thực hiện các chính sách phát triển ngành Thủy sản ước khoảng 22.000 tỷ đồng. Trong đó, khoảng 2.600 tỷ đồng hỗ trợ ngư dân mua dầu, đóng mới tàu cá, bảo hiểm thân tàu, bảo hiểm thuyền viên; 5.300 tỷ đồng nâng cấp đê điều, khu neo tránh trú bão… Những con số này được đánh giá là quá ít ỏi so với nhu cầu thực tế.
Đồng bộ các giải pháp
Theo các chuyên gia, chính sách hỗ trợ ngư dân đánh bắt xa bờ hiệu quả còn thấp do chưa sát với nhu cầu và trình độ của ngư dân. Các chính sách khác như giảm tổn thất trong thủy sản, hỗ trợ khắc phục rủi ro thiên tai trên biển chưa đáp ứng được mong muốn của ngư dân. Nhiều chính sách hỗ trợ ngư dân thực hiện theo cơ chế tín dụng thương mại thông thường, không có cơ chế bảo hiểm, thế chấp tài sản, xử lý rủi ro đặc thù nhằm bảo đảm an toàn nguồn vốn tín dụng...Chính vì vậy, để tăng cường hiệu quả, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp.
Đóng tàu sắt, tàu lớn
Đóng tàu lớn là nhu cầu bức thiết, vừa nâng cao năng suất đánh bắt, đảm bảo cân bằng trữ lượng nguồn lợi thuỷ sản khi ven bờ đã cạn kiệt, đồng thời vừa giảm thiểu rủi ro cho ngư dân, nhưng, có tàu lớn mà trình độ, ý thức ngư dân chưa được nâng cao, chưa áp dụng được khoa học công nghệ trong khai thác, bảo quản thì chắc chắn hiệu quả chung vẫn kém. Mặt khác, công suất khai thác có tăng cao mà chuỗi giá trị về bảo quản, chế biến, xuất khẩu... không hoàn thiện thì ngư dân vẫn là người chịu thiệt thòi. Vì vậy, ngoài “nâng cấp” chính sách hỗ trợ ngư dân vươn khơi, thì việc phải hoàn thiện chính sách đầu tư hạ tầng cơ sở, hình thành chuỗi liên kết để nâng cao giá trị sản phẩm, đảm bảo đầu ra ổn định cho ngư dân có ý nghĩa cấp bách.
Tại Hội nghị bàn giải pháp, chính sách phát triển thủy sản, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát cho rằng: Dù đã đầu tư nhiều nhưng chương trình đánh bắt xa bờ vẫn chưa phát triển mạnh, hiện vẫn còn đến 99% tàu cá là tàu gỗ. Vì vậy trong thời gian tới phải nhanh chóng hiện đại hóa đội tàu đánh bắt xa bờ bằng việc đóng mới 3.000 tàu vỏ thép. Đồng thời, kiến nghị sửa đổi chính sách ưu đãi tín dụng đầu tư phát triển để hỗ trợ ngư dân đóng mới, hiện đại hóa tàu cá. Cụ thể là tập trung đóng tàu dịch vụ hậu cần đi kèm với các tổ đội sản xuất trên biển và các tàu khai thác đối tượng giá trị cao. Mức vay được đề xuất là 80% giá trị tàu, thời hạn 10 năm, ân hạn 5 năm, lãi suất 2,5%/năm với tài sản thế chấp chính là con tàu được đóng mới. Dự kiến gói tín dụng này khoảng 48.000 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Bộ NNPTNT đề xuất một số chính sách mới như gói tín dụng 3.000 tỷ đồng cho vay ngắn hạn phục vụ sản xuất đối với 28.000 tàu cá xa bờ; hỗ trợ 50% bảo hiểm thân tàu, 100% bảo hiểm tai nạn thuyền viên...
Tích cực đầu tư tín dụng cho ngư dân
Theo quy hoạch đến năm 2020, cả nước có 131 khu neo đậu với tổng nguồn vốn 11.230 tỷ đồng, có năng lực đáp ứng chỗ cho 84.200 tàu cá. Tuy nhiên, đến nay, chỉ có 1.700 tỷ đồng được giải ngân với 41 khu neo đậu tránh trú bão cho gần 31.000 tàu, đạt 27% so với nhu cầu đến năm 2015.
Ông Nguyễn Văn Bình - Thống đốc NHNN cho biết: “Sẽ ưu tiên và tích cực thực hiện đầu tư tín dụng cho ngư dân để khai thác có hiệu quả nguồn lợi từ biển, đảm bảo an sinh xã hội và an toàn hiệu quả nguồn vốn tín dụng. Trước mắt NHNN sắp xếp được nguồn vốn chừng 10.000 tỉ đồng để đóng mới, hoán đổi tàu đánh bắt xa bờ. Nguồn vốn này triển khai trong 10 năm với lãi suất ổn định dự tính 5%/năm, ngoài ra các địa phương hỗ trợ giảm 2%. Như vậy ngư dân chỉ gánh 3% lãi suất theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng.
Bên cạnh việc triển khai cho vay đóng mới, cải hoán tàu và các chi phí trong các chuyến khai thác hải sản xa bờ như hiện nay, ngành Ngân hàng có chính sách tín dụng khuyến khích các hộ gia đình, hợp tác xã và doanh nghiệp thực hiện liên kết trong quá trình khai thác thủy sản xa bờ.
Tuy nhiên, một chương trình lớn với chính sách rất tốt nhưng nếu không biết quản lý thì không khéo ngân hàng cũng khó khăn theo. Do vậy, UBND các tỉnh, thành phố phối hợp với Bộ NN&PTNT triển khai thực hiện tốt công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch đối với lĩnh vực liên quan đến ngành thủy sản theo hướng phát triển bền vững, nâng cao giá trị xuất khẩu các sản phẩm thủy hải sản của Việt Nam. Vì vậy, ngoài việc “nâng cấp” chính sách hỗ trợ ngư dân vươn khơi, chính quyền cần phải hoàn thiện chính sách đầu tư hạ tầng cơ sở, hình thành chuỗi liên kết để nâng cao giá trị sản phẩm, đảm bảo đầu ra ổn định cho ngư dân.
Với nguồn vốn khoảng 10.000 tỷ đồng hỗ trợ ngư dân hoán đổi, đóng mới tàu công suất lớn, ngành khai thác hải sản VN có thêm cơ hội phát triển đồng bộ và hiện đại, đưa nền kinh tế biển tiếp tục đóng góp từ 50% lên 53-55% GDP vào năm 2020”
Cả cộng đồng góp sức
Nhiều tổ chức xã hội hiện nay đã ra đời như Quỹ hỗ trợ ngư dân, Tổ đoàn kết đánh bắt trên biển, Nghiệp đoàn nghề cá, v.v đã bước đầu tạo chỗ dựa vững chắc cho ngư dân miền trung có điều kiện và niềm tin vươn ra khơi xa đánh bắt hải sản. Những mô hình mới này hình thành ở một số địa phương như: Nghĩa Phú, Nghĩa An, huyện Tư Nghĩa; Bình Châu, huyện Bình Sơn; Phổ Thạnh, Phổ Châu, huyện Ðức Phổ và An Hải, An Vĩnh, huyện Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) đã đi vào hoạt động giúp đỡ lẫn nhau giữa các thành viên trong khai thác hải sản; tiêu thụ sản phẩm, trao đổi kinh nghiệm đánh bắt trên biển. Ðồng thời tương trợ cứu hộ, cứu nạn và đấu tranh với các hành vi vi phạm chủ quyền, an ninh, trật tự, bảo vệ tài nguyên quốc gia trên các vùng biển, đảo của Việt Nam. Chủ tịch Liên đoàn Lao động Quảng Ngãi Ngô Thị Kim Ngọc nhấn mạnh: Việc hình thành những mô hình mới này là chủ trương đúng đắn, bởi đây là tổ chức đại diện cho bà con ngư dân với mục đích hỗ trợ, giúp đỡ ngư dân khi gặp rủi ro, tai nạn trên biển. Ðây còn là mái nhà chung cho ngư dân, tạo điều kiện tốt nhất để hỗ trợ về thiết bị, ngư cụ giúp họ đánh bắt hải sản có hiệu quả hơn.
Không chỉ có Quảng Ngãi, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên Biện Minh Tâm cho biết: Việc thành lập tổ tàu, thuyền an toàn là cách làm đem lại hiệu quả cao cho nghề đi biển. Phú Yên vận động thành lập 102 tổ tàu, thuyền an toàn, với 860 phương tiện và gần 6.000 thuyền viên tham gia. Tổ tàu, thuyền an toàn đánh bắt xa bờ ở Phú Yên hoạt động trên địa bàn khá rộng, từ Bà Rịa - Vũng Tàu ra đến Hải Phòng, Quảng Ninh đã bảo đảm được thông tin liên lạc với nhau giữa biển khơi và đất liền, với Bộ đội Biên phòng và từng hộ gia đình có tàu, thuyền đánh bắt xa bờ. Các hoạt động chính là đánh bắt cá ngừ đại dương xa bờ, hỗ trợ khai thác, bảo vệ môi trường và giải quyết sự cố trên biển. Còn ở TP Ðà Nẵng, hiện các ngư dân đã cùng nhau thành lập những tổ đội khai thác hải sản để hỗ trợ nhau lúc trên bờ cũng như khi đi đánh bắt ngư trường xa. Hiện TP Ðà Nẵng có 92 tổ đội với 658 tàu, trong đó đánh bắt xa bờ có 42 tổ với 164 tàu. Tỉnh Quảng Nam hiện có hai nghiệp đoàn nghề cá Tam Hải và Tam Quang vừa mới thành lập thu hút hơn 331 đoàn viên tham gia, giúp ngư dân yên tâm bám biển. Hoạt động hiệu quả của nghiệp đoàn nghề cá Tam Quang đã có sức lan tỏa, thu hút sự quan tâm không chỉ của ngư dân mà cả cộng đồng xã hội. Hiện nay Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Nam đang phối hợp ngành chức năng tìm cách hỗ trợ để các nghiệp đoàn nghề cá trên địa bàn tỉnh bảo đảm hoạt động ổn định. Nhiều giải pháp sẽ được triển khai như tìm nguồn kinh phí hỗ trợ cho nghiệp đoàn hoạt động; vận động để toàn xã hội cùng quan tâm, sẻ chia với ngư dân; tăng cường cán bộ công đoàn chuyên trách. Ðiều đó sẽ giúp nghiệp đoàn luôn đồng hành trong mỗi chuyến vươn khơi xa của ngư dân.
Hưởng ứng lời kêu gọi ủng hộ cuộc vận động “Tấm lưới nghĩa tình vì ngư dân Hoàng Sa, Trường Sa” của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, nhiều doanh nghiệp cũng sẵn sàng quyên góp, ủng hộ tiền mặt cho ngư dân. Công ty CP Bảo Minh đã tài trợ bảo hiểm cho 20 chủ tàu cá thuộc Nghiệp đoàn Nghề cá An Hải (Lý Sơn, Quảng Ngãi) với tổng số tiền bảo hiểm 10 tỉ đồng để giúp ngư dân yên tâm đánh bắt, giữ gìn biển đảo quê hương.
Nguồn:
1. Giúp ngư dân miền trung vươn khơi, bám biển, Báo Nhân dân.
2. Hỗ trợ ngư dân bám biển:“Nhất cử lưỡng tiện”, Diễn đàn Doanh nghiệp.
3. Ngư dân sẽ được trang bị tàu sắt để bám biển, Vnexpress.
4. Quốc hội kêu gọi thắt lưng buộc bụng để đóng tàu, Người lao động.