Một số quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông hàng hải, đường thủy nội địa

12/08/2015 10:56:00 PM

(Canhsatbien.vn) - 

Ngày 20/8/2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 93/2013/NĐ-CP về việc quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông hàng hải, đường thủy nội địa, Nghị định trên áp dụng cho cá nhân, tổ chức Việt Nam có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông hàng hải, đường thủy nội địa, người có thẩm quyền lập biên bản, thẩm quyền xử phạt vi phạm và cá nhân, tổ chức nước ngoài vi phạm hành chính trong phạm vi lãnh thổ, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

Nghị định gồm các quy định về các hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm hành chính và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông hàng hải, đường thủy nội địa. Cụ thể:

1. Các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông hàng hải

Điều 1 của Nghị định nêu rõ các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông hàng hải gồm:

- Vi phạm quy định về xây dựng và khai thác cảng biển;

- Vi phạm quy định về hoạt động hàng hải của tàu thuyền tại cảng biển;

- Vi phạm quy định về đăng ký, đăng kiểm tàu thuyền và bố trí thuyền viên, sử dụng chứng chỉ chuyên môn, sổ thuyền viên, hộ chiếu thuyền viên;

- Vi phạm quy định về hoa tiêu hàng hải;

- Vi phạm quy định về hoạt động kinh doanh vận tải biển và dịch vụ hàng hải;

- Vi phạm quy định về hoạt động tìm kiếm, cứu nạn hàng hải, trục vớt tài sản chìm đắm và báo hiệu hàng hải;

- Vi phạm quy định về hoạt động đào tạo, huấn luyện thuyền viên;

- Vi phạm quy định về hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu, quản lý tiếp nhận và xử lý chất thải lỏng có dầu từ tàu biển tại cảng biển.

2. Các quy định về hành vi vi phạm, hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả trong lĩnh vực giao thông hàng hải

Chương II của Nghị định nêu cụ thể các hành vi vi phạm và theo đó là các mức xử phạt tương ứng như sau:

- Vi phạm quy định về xây dựng khai thác cảng biển: phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 50 triệu đồng đối với hành vi vi phạm quy định về đặt tên, đổi tên cảng biển, cảng dầu khí ngoài khơi, bến cảng, cầu cảng, bến phao, khu nước, vùng nước và các biện pháp khắc phục hậu quả; phạt tiền từ 60 triệu đồng đến 80 triệu đồng đối với các vi phạm quy định về cho thuê lại kết cấu hạ tầng bến cảng, cầu cảng và các biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật; phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200 nghìn đồng đến 60 triệu đồng đối với các vi phạm quy định về bảo đảm an toàn, an ninh, trật tự trong hoạt động khai thác cảng biển, thêm vào đó có thể đình chỉ việc tiếp nhận tàu thuyền hoạt động tuyến quốc tế vào cảng; phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng đối với vi phạm quy định về ký hiệu, mã hiệu, bốc dỡ, lưu kho hàng hóa và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật; phạt tiền từ 5 triệu đến 80 triệu đối với vi phạm quy định về bảo đảm an toàn hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường khi xây dựng mới hoặc cải tạo, nâng cấp cảng biển hoặc khi xây dựng, lắp đặt các công trình, thiết bị khác ảnh hưởng đến an toàn hàng hải tại vùng nước cảng biển và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật; phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với các vi phạm quy định về phòng, chống cháy, nổ tại cảng biển; các vi phạm quy định về bảo vệ môi trường do hoạt động khai thác cảng biển có thể bị phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 100 triệu đồng và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định; vi phạm các quy định về bảo vệ công trình cảng biển và luồng hàng hải có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đến 80 triệu và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định.

- Vi phạm quy định về hoạt động hàng hải của tàu thuyền tại cảng biển: phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 30 triệu đồng đối với vi phạm quy định về thủ tục đến cảng biển hoặc quá cảnh; phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 100 triệu đồng đối với các vi phạm quy định về thủ tục vào, rời cảng biển hoặc quá cảnh, có thể tước Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn của thuyền trường (từ 1 đến 6 tháng) và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định; phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 1 triệu đến 60 triệu đối với vi phạm quy định về an toàn, an ninh, trật tự, vệ sinh đối với các hoạt động liên quan đến tàu thuyền, áp dụng thêm hình phạt bổ sung như tước Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn của thuyền trưởng (từ 1 đến 12 tháng) và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định; các vi phạm về an toàn, an ninh, trật tự, vệ sinh đối với các hoạt động liên quan đến tàu thuyền có thể bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 1 triệu đến 60 triệu, có thể áp dụng thêm hình phạt bổ sung tước Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn của thuyền trưởng (từ 01 đến 12 tháng) và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định; đối với các vi phạm quy định về phòng, chống cháy, nổ đối với tàu thuyền có thể bị phạt tiền từ 500 nghìn đồng đến 30 triệu đồng; các vi phạm quy định về bảo vệ môi trường do tàu thuyền gây ra có thể bị phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 100 triệu đồng, ngoài ra còn có thể áp dụng hình phạt bổ sung tước Giấy chúng nhận khả năng chuyên môn của thuyền trưởng (từ 3 đến 12 tháng) và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định; phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 80 triệu đồng đối với vi phạm quy định về an toàn sinh mạng trên tàu thuyền, có thể tước Giấy chúng nhận khả năng chuyên môn của thuyền trưởng (từ 3 đến 12 tháng) và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả; phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 60 triệu đồng với vi phạm quy định về neo đậu, cập cầu, cập mạn, lai dắt của tàu thuyền trong vùng nước cảng biển, có thể tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn của thuyền trưởng (từ 1 đến 3 tháng) và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định.

- Vi phạm quy định về đăng ký, đăng kiểm tàu thuyền và bố trí thuyền viên, sử dụng chứng chỉ chuyên môn, sổ thuyền viên, hộ chiếu thuyền viên có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đến 30 triệu tùy vào mức độ vi phạm, có thể áp dụng hình phạt bổ sung như: thu đối với chứng chỉ hành nghề, sổ thuyền viên, hộ chiếu thuyền viên, tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề có thời hạn (từ 6 đến 12 tháng) và một số trường hợp áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định.

- Vi phạm quy định về hoa tiêu hàng hải: tùy vào mức độ vi phạm phạt tiền từ 500 nghìn đến 50 triệu đồng, ngoài ra còn áp dụng hình phạt bổ sung như đình chỉ một phần hoạt động dẫn tàu của tổ chức hoa tiêu có thời hạn (từ 3 đến 12 tháng); tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn hoa tiêu hàng hải (từ 3 đến 6 tháng); tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn hoa tiêu hàng hải của hoa tiêu hàng hải có thời hạn (từ 6 đến 12 tháng).

- Vi phạm quy định về hoạt động kinh doanh vận tải biển và dịch vụ hàng hải: có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 100 triệu đồng, một số vi phạm áp dụng thêm hình phạt bổ sung như: tịch thu giấy phép sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm hành chính; đình chỉ hoạt động kinh doanh có thời hạn và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định.

- Vi phạm các quy định về hoạt đồng tìm kiếm, cứu nạn hàng hải, trục vớt tài sản chìm đắm và báo hiệu hàng hải: các hành vi vi phạm quy định về hoạt động tìm kiếm, cứu nạn hàng hải có thể bị phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 80 triệu đồng và tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn của thuyền trưởng (từ 03 tđến 06 tháng); phạt tiền từ 500 nghìn đồng đến 100 triệu đồng, tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm và buộc bồi hoàn chi phí trục vớt tài sản chìm đắm theo quy định đối với những vi phạm quy định về trục vớt tài sản chìm đắm tại cảng biển; phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 40 triệu đồng với vi phạm quy định về báo hiệu hàng hải, ngoài ra còn buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do các hành vi vi phạm.

- Vi phạm quy định về đào tạo, huấn luyện thuyền viên: phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 40 triệu đồng tùy vào mức độ và hình thức vi phạm và áp dụng biện pháp pháp khắc phục hậu quả như: buộc bổ sung trang thiết bị còn thiếu hoặc buộc sửa chữa trang thiết bị đối với hành vi vi phạm; buộc bổ sung đủ số lượng hướng dẫn viên, huấn luyện viên còn thiếu hoặc cập nhật, bổ sung chứng chỉ hành nghề; buộc sắp xếp lại số lượng học viên, vượt quá quy định.

- Vi phạm quy định về hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu, quản lý tiếp nhận xử lý chất thải lỏng có đầu từ tàu biển tại cảng biển: đối với các vi phạm trên có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng.

Nghị định trên có hiệu lực thi hành từ ngày 15/10/2013.

(theo Cổng thông tin điện tử - Cục Đường thủy nội địa Việt Nam)

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục gửi về banbientapcsb@gmail.com