28/08/2013 11:49:00 AM
(Canhsatbien.vn) -
Để phân biệt lực lượng bán quân sự hoặc dân sự hoạt động trên biển có chức năng và nhiệm vụ khác biệt với hải quân đa số các quốc gia có biển đã thành lập lực lượng bảo vệ biển (Coast Guard), cảnh sát biển (Maritime Police hoặc Marine Police) hay thực thi pháp luật trên biển (Maritime Law Enforcement). Chức năng chính của các lực lượng này là lực lượng chuyên trách của nhà nước thực hiện chức năng quản lý về an ninh, trật tự, an toàn và bảo đảm việc chấp hành pháp luật của quốc gia và điều ước quốc tế có liên quan mà quốc gia đó là thành viên trên các vùng biển và thềm lục địa của mình. Phần lớn các quốc gia có biển nhất là các quốc gia có bề dày về việc thực thi pháp luật trên biển như Hoa Kỳ (1790), Hàn Quốc (1953), Nhật Bản (1948), Ấn Độ (1978), Philippine (1901), Trung Quốc … đều chọn tên giao dịch quốc tế là Coast Guard.
Về tính chất nhiệm vụ, “Coast Guard” cũng có một số nhiệm vụ như cảnh sát “Police” thường làm đó là chống buôn lậu, nhập cư trái phép, chống ô nhiễm môi trường, ngăn chặn và bắt giữ tội phạm. Mặc dù, những nhiệm vụ như tìm kiếm cứu nạn, bảo vệ tài nguyên,… là nhiệm vụ thứ yếu của cảnh sát “Police” nhưng là nhiệm vụ chủ yếu của “Coast Guard”.
Ngoài ra, với tên gọi “Coast Guard” sẽ tránh được sự nhầm lẫn về phạm vi hoạt động. Phạm vi hoạt động của lực lượng Coast Guard thường được hiểu là trên các vùng biển và thềm lục địa của quốc gia. Tuy nhiên, từ “Police” theo thông lệ quốc tế lực lượng này chỉ hoạt động trên lãnh thổ đất liền. Tên gọi “Marine Police hay Maritime Police” có nghĩa là Cảnh sát biển, lực lượng này hoạt động trên biển, tuy nhiên đại đa số các nước chọn tên Cảnh sát biển với tên giao dịch tiếng Anh là “Marine Police hay Maritime Police” phạm vi hoạt động ven biển hoặc chỉ là một bộ phận của Hải quân có nhiệm vụ đảm bảo an ninh, an toàn của của các tàu, phương tiện hay các căn cứ hải quân.
Khi nhắc tới từ Coast Guard thì hầu như mọi người đều hiểu đó là lực lượng chính bảo vệ biển, đảm bảo an ninh và an toàn biển, lực lượng này có chức năng khác hẳn với hải quân (Navy) hay hải quân đánh bộ (Marine) là lực lượng quân sự có chức năng chiến đấu. Chính vì vậy, để tránh hiểu lầm về chức năng, nhiệm vụ của lực lượng làm nhiệm vụ đảm bảo an ninh, an toàn biển đa số các nước chọn tên gọi là Coast Guard. Hơn thế nữa, cụm từ mà hiện nay các phiên bản tiếng Việt thường dịch “Hội nghị người đứng đầu Cảnh sát biển” (HACGAM) được viết tắt từ cụm từ tiếng Anh (Head of Coast Guard Agencies Meeting) cũng dùng từ Coast Guard thay vì dùng từ Marine Police. Thực tiễn trên thế giới cũng có một số quốc gia đã thay đổi tên giao dịch quốc tế nhưng vẫn giữ nguyên tên gọi theo ngôn ngữ quốc gia như “Cục an toàn hàng hải Nhật Bản” được thành lập năm 1948 (Maritime Safety Agency of Japan) thay đổi tên giao dịch quốc tế thành “Japan Coast Guard” vào năm 2000, tương tự, “Cảnh sát biển Hàn Quốc” trước đây có tên giao dịch tiếng Anh là “Korea Maritime Police” nay cũng được đổi tên là “Korea Coast Guard”.
Để thuận lợi trong quan hệ quốc tế với cảnh sát biển các nước trong khu vực và quốc tế; để tránh sự hiểu lầm về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cũng như phạm vi hoạt động của lực lượng, Cảnh sát biển Việt Nam nên có tên giao dịch quốc tế là “Vietnam Coast Guard” (viết tắt là VCG) thay vì tên “Vietnam Marine Police” (viết tắt là VMP) như hiện nay đang sử dụng.
Nguyễn Khắc Vượt