Nghị định 67 - động lực để ngư dân vươn khơi, bám biển

15/07/2017 03:18:00 PM

(Canhsatbien.vn) - 

Trước đòi hỏi của thực tiễn, ngày 07-7-2014, Chính phủ ban hành Nghị định 67/2014/NĐ-CP “Về một số chính sách phát triển thủy sản”. Tại các Điểm: a, b, c, Khoản 1, Điều 4 của Nghị định quy định chính sách tín dụng đóng mới, nâng cấp tàu:

Đôi tàu chụp mực vỏ sắt của hai ngư dân xã Nghĩa Thắng (Nghĩa Hưng, Nam Định) được đóng mới theo Nghị định 67. (Ảnh: baonamdinh.com.vn)

"a) Chủ tàu đặt hàng đóng mới tàu có tổng công suất máy chính từ 400CV trở lên; nâng cấp tàu có tổng công suất máy chính dưới 400CV thành tàu có tổng công suất máy chính từ 400CV trở lên và nâng cấp công suất máy đối với tàu có tổng công suất máy chính từ 400CV trở lên để khai thác hải sản xa bờ và cung cấp dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ.

b) Điều kiện vay: Các đối tượng đang hoạt động nghề cá có hiệu quả, có khả năng tài chính và có phương án sản xuất cụ thể, được Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phê duyệt.

c) Hạn mức vay, lãi suất vay và mức bù chênh lệch lãi suất cụ thể như sau:

- Đối với đóng mới tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ, bao gồm cả máy móc, trang thiết bị hàng hải; máy móc thiết bị bảo quản hải sản; bảo quản hàng hóa; bốc xếp hàng hóa. Trường hợp đóng mới tàu vỏ thép: Chủ tàu được vay vốn ngân hàng thương mại tối đa 95% tổng giá trị đầu tư đóng mới với lãi suất 7%/năm, trong đó chủ tàu trả 1%/năm, ngân sách nhà nước cấp bù 6%/năm. Trường hợp đóng mới tàu vỏ gỗ: Chủ tàu được vay vốn ngân hàng thương mại tối đa 70% tổng giá trị đầu tư đóng mới, với lãi suất 7%/năm, trong đó chủ tàu trả 3%/năm, ngân sách nhà nước cấp bù 4%/năm.

- Đối với đóng mới tàu khai thác hải sản xa bờ, bao gồm cả máy móc, trang thiết bị hàng hải; thiết bị phục vụ khai thác; ngư lưới cụ; trang thiết bị bảo quản hải sản. Trường hợp đóng mới tàu vỏ thép, vỏ vật liệu mới có tổng công suất máy chính từ 400CV đến dưới 800CV: Chủ tàu được vay vốn ngân hàng tối đa 90% tổng giá trị đầu tư đóng mới tàu với lãi suất 7%/năm, trong đó chủ tàu trả 2%/năm, ngân sách nhà nước cấp bù 5%/năm. Trường hợp đóng mới tàu vỏ thép, vỏ vật liệu mới có tổng công suất máy chính từ 800CV trở lên: Chủ tàu được vay vốn ngân hàng thương mại tối đa 95% tổng giá trị đầu tư đóng mới tàu với lãi suất 7%/năm, trong đó chủ tàu trả 1%/năm, ngân sách nhà nước cấp bù 6%/năm. Trường hợp đóng mới tàu vỏ gỗ: Chủ tàu được vay vốn ngân hàng thương mại tối đa 70% tổng giá trị đầu tư đóng mới với lãi suất 7%/năm, trong đó chủ tàu trả 3%/năm, ngân sách nhà nước cấp bù 4%/năm. Trường hợp đóng mới tàu vỏ gỗ đồng thời gia cố bọc vỏ thép, bọc vỏ vật liệu mới cho tàu: Chủ tàu được vay vốn ngân hàng thương mại tối đa 70% tổng giá trị đầu tư đóng mới tàu với lãi suất 7%/năm, trong đó chủ tàu trả 3%/năm, ngân sách nhà nước cấp bù 4%/năm.

- Đối với nâng cấp tàu vỏ gỗ có tổng công suất máy chính dưới 400CV thành tàu có tổng công suất máy chính từ 400CV trở lên và nâng cấp công suất máy đối với tàu có tổng công suất máy chính từ 400CV trở lên (phần máy bổ sung hoặc thay thế phải là máy mới 100%): Chủ tàu được vay vốn ngân hàng thương mại tối đa 70% tổng giá trị nâng cấp tàu,…”.

Đây là nội dung cốt lõi nhất của chính sách tín dụng, nhằm hỗ trợ ngư dân đóng mới, nâng cấp phương tiện tàu thuyền, nâng cao khả năng khai thác hải sản trên biển. Mặc dù trong quá trình thực hiện, các điều khoản này đã được Chính phủ sửa đổi, bổ sung, nhưng những nội dung của Nghị định 67 thực sự là dấu ấn đột phá về phát triển thủy sản trên biển, nhất là đối với các vùng biển xa bờ. Nhờ đó, đến cuối năm 2016, các tỉnh, thành phố ven biển đã phát triển đóng mới, nâng cấp được 1.844 tàu (đạt 80,87% kế hoạch); trong đó có 606 tàu vỏ thép, 94 tàu vỏ vật liệu mới, 777 tàu vỏ gỗ được đóng mới, góp phần quan trọng để ngư dân vươn khơi, bám biển; vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, vừa tham gia bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh các vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Hoàng Minh

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục gửi về banbientapcsb@gmail.com