15/07/2021 03:53:00 AM
(Canhsatbien.vn) -
Tình hình dịch bệnh trên thế giới và Việt Nam vẫn diễn biến phức tạp mặc dù nhiều nước đã đạt được những kết quả đáng khích lệ do tỉ lệ tiêm vacxine phòng COVID-19 đạt cao. Để chung sống an toàn với đại dịch COVID-19 chỉ có 2 cách là tiêu diệt hoàn toàn vi-rút và tạo ra miễn dịch cộng đồng.
- Tiêu diệt hoàn toàn vi-rút, nhưng biện pháp này đã thất bại do các nước đã không hành động kịp thời để cho dịch bệnh lây lan rộng ở khắp toàn thế giới.
- Tạo ra miễn dịch cộng đồng bằng hai phương thức: Lây nhiễm tự nhiên và thông qua tiêm chủng (vacxine). Nhưng lây nhiễm tự nhiên đã dẫn đến số ca tử vong tăng cao. Vì vậy tiêm chủng là cách an toàn nhất để chống lại đại dịch.
Tiêm chủng vacxin là cách an toàn nhất để chống lại đại dịch COVID-19. (Ảnh minh họa)
Để thực hiện tốt Chiến lược tiêm vacxin phòng COVID-19 trong tình hình mới của Chính phủ, ngày 14/7/2021 Ban Chỉ đạo COVID-19/ Bộ Quốc phòng đã tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ, giải pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 trong Quân đội và tập huấn tiêm vacxin cho cán bộ, nhân viên quân y toàn quân. Hội nghị đã đánh giá công tác phòng, chống dịch trong quân đội thời gian qua và đề ra phương hướng, nhiệm vụ cấp bách trong thời gian tới, buổi chiều Cục Quân y đã tổ chức tập huấn tiêm vacxin. Hội nghị đã phổ biến 5 loại vacxin để tiêm chủng phòng COVID-19 đã và sắp lưu hành tại Việt Nam, bao gồm: Aztra Zeneca, Pfizer-BioNTech, Modena, Sinopharm, Sputnik V và Nanocovac.
1. Pfizer-BioNTech là vacxin được sản xuất tại Bỉ và Đức. Vacxin được khuyến cáo tiêm cho người từ 12 tuổi trở lên nhưng Bộ Y tế chỉ tiêm cho người đủ 18 tuổi trở lên. Tiêm bắp, 0,3ml/mũi. Tiêm 2 mũi cách nhau 3-4 tuần. Các triệu chứng hay gặp sau tiêm là:
- Đau đầu, đau khớp, đau cơ, đau tại vị trí tiêm, mệt mỏi, ớn lạnh, sốt (tần suất cao hơn đối với liều thứ 2), sưng tại chỗ tiêm.
- Buồn nôn, mẩn đỏ chỗ tiêm. Nổi hạch, mất ngủ, đau tứ chi, khó chịu, ngứa chỗ tiêm. Liệt mặt ngoại biên cấp tính
Thời gian tự theo dõi 28 ngày sau tiêm, đặc biệt chú trọng theo dõi trong vòng 7 ngày đầu.
Đến cơ sở y tế khi có các dấu hiệu nghiêm trọng sau:
+ Phản ứng phản vệ xuất hiện trong ngày đầu sau tiêm ngứa, sưng môi/lưỡi, tê bì tay chân, co quắp tay chân, phát ban/mẩn đỏ toàn thân, phù mặt, buồn nôn, nôn, đau bụng, khó thở....
+ Các dấu hiệu giảm tiểu cầu huyết khối miễn dịch, đông máu xuất hiện từ ngày thứ 4 -28 ngày sau tiêm: Đau đầu dai dẳng, dữ dội, Các triệu chứng thần kinh khu trú: yếu, liệt tay chân, Co giật, hoặc mờ hoặc nhìn đôi ...
+ Các dấu hiệu viêm cơ tim thường từ ngày thứ 2 -4 ngày sau tiêm: đau ngực, khó thở, rối loạn nhịp tim
Lưu ý: trong 3 ngày đầu luôn có người hỗ trợ 24/24, không uống rượu bia.
2. Moderna là vacxin của Mỹ được sản xuất tại Mỹ, Tây Ban Nha và Pháp. Vacxin được khuyến cáo tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên. Tiêm bắp, 0,5ml/mũi. Tiêm 2 mũi cách nhau 28 ngày, nếu mũi 2 được tiêm cách mũi 1 ít hơn 28 ngày, không cần tiêm lại mũi 2 đó. Nếu hoãn tiêm so với lịch tiêm chủng nên tiêm càng sơm càng tốt sau đó. Các triệu chứng hay gặp sau tiêm là:
- Nhức đầu, buồn nôn, nôn, đau cơ, đau khớp và cứng khớp, đau tại chỗ tiêm, mệt mỏi, ớn lạnh, sốt, nổi hạch, sưng đỏ vị trí tiêm.
- Phát ban, mẩn đỏ hoặc sưng tại chỗ tiêm, nôn, tiêu chảy.
- Ngứa chỗ tiêm. Sưng mặt, liệt mặt ngoại biên cấp tính.
- Sốc phản vệ, quá mẫn, tuy nhiên phản ứng phản vệ sau tiêm vắc xin là rất hiếm gặp.
- Viêm cơ tim và viêm màng ngoài tim: Cần thận trọng khi chỉ định tiêm chủng cho các đối tượng có tiền sử viêm cơ tim hoặc viêm màng ngoài tim.
3. Sinopharm là vacxin do Trung Quốc sản xuất. Vacxin được tiêm cho người đủ 18 tuổi trở lên. Tiêm bắp, 0,5 mũi. Tiêm 2 mũi cách nhau 21-28 ngày. Nếu mũi thứ 2 trì hoãn quá 4 tuần thì tiêm sớm nhất có thể.
Phản ứng sau tiêm vắc xin COVID-19 hầu hết là nhẹ đến trung bình và tồn tại trong thời gian ngắn.
- Phản ứng tại chỗ tiêm: đau tại chỗ tiêm Đỏ, sưng, cứng, ngứa
- Phản ứng toàn thân: Đau đầu, Sốt, mệt mỏi, đau cơ, đau khớp, ho, khó thở, buồn nôn, tiêu chảy, ngứa. Chóng mặt, chán ăn, đau hầu họng, khó nuốt, chảy nước mũi, táo bón, quá mẫn cảm. Hôn mê, buồn ngủ, khó ngủ, hắt hơi, viêm mũi họng. Nghẹt mũi, khô họng, cúm, giảm cảm, đau chân tay, đánh trống ngực. Đau bụng, phát ban, niêm mạc da bất thường, mụn trứng cá, bệnh nhãn khoa, tai. Khó chịu, nổi hạch.
Rất hiếm: Ớn lạnh, rối loạn chức năng vị giác, mất vị giác, dị cảm, run, rối loạn chú ý. Chảy máu cam, hen suyễn, kích ứng cổ họng, viêm amidan, khó chịu, cổ đau, đau hàm, u cổ, loét miệng, đau răng, rối loạn thực quản. Viêm dạ dày, đổi màu phân, bệnh nhãn khoa, mờ mắt, kích ứng mắt. Đau tai, căng thẳng, tăng huyết áp, hạ huyết áp, tiểu tiện không tự chủ, chậm kinh nguyệt.
4. Sputnik V là vacxin do Nga sản xuất. Vacxin được khuyến cáo tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên. Tiêm bắp, 0,5ml/mũi. Tiêm 2 mũi cách nhau 3 tuần, đặc biệt là vacxin này có mũi 1 và mũi 2 đóng trong các lọ riêng biệt, vacxin dành cho tiêm mũi 1 không thể tiêm cho người tiêm mũi 2 và ngược lại.
Các vacxin trên do nhiều nước sản xuất nên có quy cách đóng gói, bảo quản khác nhau. Chỉ có 2 loại vacxin có thể tiêm 2 mũi khác loại, đó là vacxin Aztra Zeneca và Pfizer-BioNTech, nhưng không khuyến cáo lạm dụng và khi tiêm khác loại phải có đơn xin được tiêm.
Vacxin có thể bảo vệ mọi người chống lây nhiễm, chống phát bệnh và chống bệnh nặng. Điều đó có nghĩa, khi được tiêm chủng có người không bị nhiễm bệnh, có người bị nhiễm bệnh ở mức độ không có triệu chứng nhưng vẫn là nguồn lây nhiễm ra cộng đồng và có người bị bệnh nhưng ở mức độ nhẹ. Vì vậy ngoài việc tiêm vacxin mọi người vẫn cần phải thực hiện 5K thì mới có thể ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh COVID-19./.
Đại tá Lương Xuân Lợi
Chủ nhiệm Quân y/Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển