23/02/2016 12:05:00 PM
(Canhsatbien.vn) -
Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước cũng đặc biệt quan tâm tới lĩnh vực khai thác hải sản xa bờ và liên tục có những điều chỉnh chính sách để phù hợp với thực tế phát triển của ngành, góp phần đẩy mạnh và phát triển bền vững nghề cá nhất là trong hoạt động khai thác khơi xa.
Trong số đó phải kể đến Quyết định 393/1997/QĐ-TTg do Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 9/6/1997 về vay vốn tín dụng để đóng mới, cải hoán tàu đánh bắt xa bờ, giai đoạn hỗ trợ từ 1997-2000. Thực hiện Quyết định này, Nhà nước đã chi khoảng 1.300 tỷ đồng hỗ trợ ngư dân, hỗ trợ đóng mới 1.365 tàu có công suất từ 90CV trở lên. Ngoài ra, nhờ chương trình này, đã tạo được lực lượng tàu cá lớn đánh bắt xa bờ, góp phần chuyển dịch cơ cấu nghề nghiệp khai thác, giảm áp lực khai thác đối với vùng biển ven bờ; tạo thêm việc làm và cải thiện đời sống ngư dân. Tính đến nay, cả nước đã phát triển được trên 29.000 tàu cá có công suất trên 90CV.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Quyết định, vẫn còn hạn chế, hiệu quả còn thấp. Điều này xuất phát từ việc tổ chức sản xuất thiếu tính đồng bộ, việc cho vay đóng tàu khai thác xa bờ chưa tính đến cho vay để mua sắm ngư lưới cụ và trang thiết bị, chưa chuẩn bị cơ sở hạ tầng phục vụ khai thác, chưa đào tạo đội ngũ thuyền trưởng, máy trưởng và thuyền viên, hệ thông thông tin liên lạc, công tác dự báo ngư trường chưa được triển khai, tổ chức sản xuất chưa hiệu quả chưa tạo thành một chuỗi liên hoàn từ khai thác, dịch vụ, chế biến và tiêu thụ theo quy mô sản xuất mới.
Trước tình hình đó, ngày 18/3/2008, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 289/QĐ-TTg về việc ban hành chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, hộ thuộc diện chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo và ngư dân – trong đó có hỗ trợ ngư dân mua mới, đóng mới tàu đánh bắt hải sản, hỗ trợ kinh phí bảo hiểm thân tàu và bảo hiểm tai nạn cho thuyền viên, hỗ trợ dầu. Thời gian thực hiện từ năm 2008 đến năm 2010. Qua đó, về cơ bản, chính sách đã kịp thời giúp ngư dân khắc phục khó khăn để bám biển sản xuất, duy trì khai thác thuỷ, hải sản, giải quyết việc làm, cải thiện đời sống ngư dân, góp phần vào an ninh quốc phòng trên các vùng biển, đảm bảo ổn định nguồn thực phẩm cũng như nguyên liệu cho các nhà máy chế biến phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu; góp phần ổn định giá tiêu dùng trong nước, kiềm chế lạm phát, ổn định đời sống xã hội. Sau ba năm triển khai thực hiện Quyết định số 289/QĐ-TTg, công tác quản lý tàu cá được tăng cường, đại bộ phận tàu cá đã được đăng ký, đăng kiểm và cấp giấy phép khai thác thủy sản. Trên cơ sở đó, các cơ quan quản lý và chính quyền địa phương đánh giá được thực trạng năng lực đánh bắt, cơ cấu tàu thuyền và loại nghề khai thác hải sản, tạo điều kiện cho công tác quản lý, lập quy hoạch, kế hoạch chuyển đổi, sắp xếp bố trí lại lực lượng sản xuất nghề cá tại địa phương.
Trên cơ sở báo cáo của các tỉnh, Bộ Tài chính đã cấp kinh phí cho 21 tỉnh để thực hiện chính sách hỗ trợ ngư dân theo Quyết định 289/QĐ-TTg năm 2008 - 2010 là 1.881.489,61 triệu đồng, đạt 99,2% tổng số kinh phí ngân sách trung ương hỗ trợ cho địa phương theo chế độ quy định. Tổng kinh phí các tỉnh đã chi hỗ trợ cho ngư dân là 1.927.816,05 triệu đồng, đạt 96% tổng nhu cầu kinh phí hỗ trợ ngư dân theo Quyết định số 289/QĐ-TTg năm 2008 - 2010. Hầu hết các chính sách hỗ trợ ngư dân theo Quyết định 289 đã hỗ trợ được các nhu cầu thiết yếu đối với ngư dân trong quá trình khai thác đánh bắt hải sản.
Tuy nhiên, việc thực hiện Quyết định 289 cũng còn gặp một số vướng mắc, khó khăn dẫn đến việc hỗ trợ ngư dân không được cao, đặc biệt là việc hỗ trợ mua mới, đóng mới tàu cá; hỗ trợ thay máy mới tàu cá tiêu hao ít nhiên liệu hơn đã không khuyến khích được ngư dân tham gia, theo tổng hợp từ các địa phương Quyết định 289 mới hỗ trợ được 23 tàu cá đóng mới có công suất từ 90CV trở lên và thay máy mới cho 130 tàu cá có công suất từ 40CV trở lên. Việc ngư dân chưa mặn mà với chính sách hỗ trợ mua mới, đóng mới và thay máy mới tàu cá theo Quyết định 289 được các cơ quan quản lý thủy sản địa phương và chính các ngư dân đánh giá do mức hỗ trợ chưa đáp ứng được so với nhu cầu của ngư dân và các yêu cầu, điều kiện để được hưởng hỗ trợ theo quy định trong chính sách còn nhiều khó khăn trong khi máy tàu mới trong nước chưa sản xuất được, giá máy mới 100% nhập khẩu lại quá cao nên không khuyến khích được ngư dân.
Song song với các chính sách về vốn, còn phải kế đến các chính sách thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa nghề khai thác xa bờ. Đó là Quyết định số 48/2010/QĐ-TTg ngày 13/7/2010 và Quyết định số 39/2011/QĐ-TTg ngày 11/7/2011 sửa đổi bổ sung Quyết định số 48/2010/QĐ-TTg về một số chính sách khuyến khích, hỗ trợ khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa. Theo quy định tại các Quyết định này, Nhà nước hỗ trợ cho ngư dân đánh bắt, khai thác hải sản trên các vùng biển xa về: (1) Chi phí nhiên liệu; (2) kinh phí mua bảo hiểm thân tàu và bảo hiểm thuyền viên; (3) kinh phí mua máy thông tin liên lạc; (4) cung cấp miễn phí nước ngọt, dịch vụ y tế thông thường và chỗ ngủ khi lưu lại trên các đảo; (5) Hỗ trợ nuôi trồng thủy sản; (6) Hỗ trợ khắc phục hậu quả đối với thuyền viên và tàu bị nước ngoài bắt giữ, tịch thu hoặc bị đâm hư hỏng, chìm mất tàu. Hiện, chính sách này đang được tích cực triển khai tại các địa phương và bước đầu được đánh giá là mang lại hiệu quả, đạt được một phần mục tiêu của Quyết định đề ra.
Hay phải kể tới chính sách hỗ trợ giảm tổn thất sau thu hoạch, với Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 23/9/2009 về cơ chế, chính sách giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản; Quyết định số 63/2010/QĐ-TTg ngày 15/10/2010, Quyết định số 65/2011/QĐ-TTg ngày 02/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản; rồi cả Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg ngày 14/11/2013 về chính sách hỗ trợ giảm tổn thất trong nông nghiệp để thay thế hai Quyết định nói trên, trong đó, có hỗ trợ lãi suất vay cho việc đầu tư các trang biết bị nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch, đóng mới tàu thu mua chế biến hải sản.
Thực hiện các quyết định trên, nhiều mô hình bảo quản sản phẩm tiên tiến đã được ngư dân đẩy mạnh áp dụng tại tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, Kiên Giang … đã nâng cao chất lượng sản phẩm khai thác và góp phần nâng cao giá trị của sản phẩm.
Mới đây nhất là Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản. Đây là chính sách đồng bộ trên cơ sở của 05 nhóm chính sách chính lớn về: đầu tư cơ sở hạ tầng nghề cá trong lĩnh vực khai thác, nuôi trồng thủy sản; tín dụng cho khai thác thủy sản; chính sách thuế được miễn giảm nhiều so với các lính vực sản xuất, kinh doanh khác; chính sách bảo hiểm: hỗ trợ 100% bảo hiểm tai nạn thuyền viên, mức phí bảo hiểm được hỗ trợ cao hơn gấp 3 lần mức phí thông thường; hỗ trợ bảo hiểm thân tàu cùng một số chính sách khác: Hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động sử dụng tàu vỏ thép, vật liệu mới tàu ứng dụng công nghệ khai thác mới vào sản xuất; hỗ trợ kinh phí duy tu bảo dưỡng tàu vỏ thép; hỗ trợ chi phí cho tàu dịch vụ khai thác hải sản xa bờ…
Đây là chính sách được Chính phủ, các Bộ ngành, địa phương liên quan đặc biệt quan tâm. Bằng chứng là trong thời gian chưa đến 2 tháng kể từ khi Nghị định được ban hành đến khi Nghị định có hiệu lực đã có 8 thông tư, hơn 10 quyết định của hai Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính và của Ngân hàng nhà nước được ban hành; trong 8 tháng triển khai Nghị định Thủ tướng Chính phủ đã có hai Hội nghị để chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện.
Đến nay, đã có 25/28 tỉnh phê duyệt danh sách ngư dân đủ điều kiện đóng mới, nâng cấp tàu cá. Số tàu đăng ký đóng mới là 672 tàu, trong đó: tàu vỏ thép 294 chiếc, vật liệu mới 47 chiếc và gỗ là 331 chiếc; tàu có công suất từ 400 đến dưới 800CV là 260 chiếc, tàu từ 800 đến dưới 1000 là 360 chiếc, tàu từ 1000CV trở lên là 52 chiếc; Tàu làm nghề câu 118 tàu, nghề lưới rê là 143 tàu, lưới vây là 211 tàu, nghề chụp là 115 tàu và dịch vụ là 85 tàu.
Đến hết ngày 05/6/2015, các ngân hàng thương mại đã ký hợp đồng đóng mới nâng cấp được 64 tàu, số tiền cam kết giải ngân là 614 tỷ đồng, đã giải ngân được 155 tỷ đồng. Việc vay vốn tín dụng ngắn hạn đã được thực hiện tại 7 tỉnh (Quảng Ngãi, Bình Định, Tiền Giang, Phú Yên, Bến Tre, Kiên Giang, Khánh Hòa) là 27 tỷ đồng. Phí bảo hiểm thân tàu, ngư lưới cụ 63,2 tỷ/6.310 tỷ đồng giá trị/2.555 tàu trên 90CV; thuyền viên được bảo hiểm là 30.428 người.
Chính sách hỗ trợ trang thiết bị thông tin hiện đại phục vụ tàu cá đánh bắt khơi xa: Cùng với chính sách điều hành, quản lý và vốn, việc hỗ trợ trang thiết bị thông tin cho tàu cá nhằm phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa cũng được quan tâm đầu tư.Theo đó, hỗ trợ xây dựng trạm bờ tại các địa phương theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Thống kê đến thời điểm hiện tại, đã có 14/28 tỉnh, thành phố ven biển đã trang bị các trạm bờ và máy thông tin liên lạc trên tàu. Việc trang bị này nhằm mục đích giám sát các hoạt động của tàu cá trên biển và phục vụ cho công tác phòng chống lụt bão giảm nhẹ ảnh hưởng của thiên tai đối với ngư dân. Các tàu cá được trang bị các đài tàu được đồng bộ với các trạm bờ được xây dựng tại các địa phương; các thuyền trưởng có trách nhiệm thường xuyên báo tin về các trạm bờ theo qui định để cơ quan quản lý ở trong bờ biết được vùng biển của tàu đang hoạt động, vị trí của tàu và có thể đàm thoại để nắm tình hình hoạt động trên biển.
Đồng thời, trước những diễn biến thời tiết ngày càng khắc nghiệt, ảnh hưởng xấu tới hoạt động khai thác hải sản trên biển, nhằm giảm thiệt hại đến mức thấp nhất cho ngư dân khi khai thác trên biển, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 459/QĐ-TTg về thực hiện thí điểm hỗ trợ máy thu trực canh cho ngư dân lắp đặt trên tàu cá (SSB). Đây là loại máy thu chuyên dụng, thiết kế đặc biệt để phục vụ phòng chống thiên tai, cứu nạn trên biển. Máy có chức năng chính là thu trực canh tự động 24/24h trên tần số 7906 KHz (băng sóng ngắn HF), tự động ưu tiên thu các thông tin dự báo thời tiết, báo bão, áp thấp nhiệt đới, thời tiết nguy hiểm, hướng dẫn tìm nơi neo đậu an toàn... và các thông tin chuyên ngành khác giúp ngư dân chủ động phòng tránh thiên tai. Các bản tin này được phát đi từ các đài Thông tin Duyên hải dọc theo bờ biển Việt Nam trong hệ thống phát sóng của Công ty Thông tin điện từ hàng hải Việt Nam (Vishipel)...Ngoài ra, Bộ phận trực canh SSB hoạt động hoàn toàn tự động (mở máy - nhận tin - tắt máy) theo điều khiển từ đài bờ, người sử dụng không phải thao tác, điều chỉnh bất cứ nút hoặc công tắc nào. Bất cứ khi nào, bất cứ ở đâu mỗi khi có tín hiệu khẩn cấp từ đài bờ (tín hiệu thoại), phần thu trực canh SSB sẽ lập tức ưu tiên thu được các thông tin này và truyền đạt đến người sử dụng với âm lượng lớn nhất bất kể máy thu đang nghe đài hay tắt máy. Hết bản tin, máy tự động trở về trạng thái trước đó.
Ngoài chức năng chính là thu trực canh đơn biên, máy thu còn có thêm chức năng như một máy thu thanh AM/FM thông thường để ngư dân có thể nghe thông tin dự báo thời tiết và tin tức khác qua sóng phát thanh của Đài tiếng nói Việt Nam và các đài địa phương trong vùng phủ sóng của các đài này. Máy thu sử dụng nguồn điện một chiều từ ác quy 12V rất thông dụng, hiện được trang bị hầu hết các tàu thuyền. Vỏ máy được chế tạo bằng vật liệu nhựa bền chắc, chịu được các chấn động cơ học, rung lắc, chống nước. Rất đơn giản khi lắp đặt vận hành.
Hiện nay, đã hoàn thành giai đoạn thí điểm lắp đặt 7.000 máy thu trực canh cho ngư dân.
Gần đây nhất, hỗ trợ thiết bị giám sát tàu cá theo dự án MOVIMAR. Bộ NN&PTNT đang tiến hành triển khai dự án MOVIMAR để gắn thiết bị (chíp) cho 3.000 tàu cá của ngư dân các thiết bị thu tin hiệu từ vệ tinh. Các tàu cá được trang bị các thiết bị này sẽ nhận được các thông tin dự báo thời tiết; dự báo ngư trường; tự động báo vị trí tàu về bờ 2 giờ/lần; các thông tin hướng dẫn tránh trú bão và các thông tin quan trong khác từ các cơ quan quản lý thủy sản trong bờ… Dự án đang được các đơn vị tích cực triển khai các công đoạn cuối cùng của dự án, dự kiến dự án sẽ chính thức được bàn giao đưa vào sử dụng đầu năm 2013.
Một số chính sách hỗ trợ khác
Song song, Đảng và Nhà nước, đặc biệt là Chính phủ đã có những chỉ đạo rốt ráo nhằm không ngừng phát triển bền vững nghề cá. Đáng chú ý là chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn thông qua Nghị định số 210/2013/NĐ-CP ngày 19/12/2013 về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn để thay thế Nghị định 61/2010/NĐ-CP ban hành ngày 04/6/2010 với cùng nội dung. Với Nghị định 210 này, với nhiều chính sách ưu đãi để tạo động lực cho Doanh nghiệp đầu tư vào Nông nghiệp nông thôn trong đó có lĩnh vực khai thác hải sản xa bờ cụ thể như: Được hỗ trợ một lần bằng 70% kinh phí đào tạo lao động trong nước (thời gian hỗ trợ không quá 6 tháng; hỗ trợ 50% chi phí quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng, hội trợ triển lãm hoặc xúc tiên thương mại; hỗ trợ 70% Kinh phái thực hiện đề tài tạo ra công nghệ mới trong khai thác, bảo quản sản phẩm…
Bên cạnh đó, phải kể đến chính sách tín dụng hỗ trợ phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, thể hiện rõ nét qua Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 9/6/2015 về chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp nông thôn để thay thế Nghị định 41/2010/NĐ-CP ban hành ngày 12/4/2010 với cùng nội dung. Nghị định 55 này có nhiều chính sách ưu đãi để tạo động lực phục vụ cho phát triển nông nghiệp nông thôn. Cụ thể nhà nước tạo các chính sách, biện pháp để tổ chức cá nhân vay vốn phát triển lĩnh vục nông nghiệp, nông thôn đồng thời khuyến khíc các tổ chức tín dụng đẩy mạnh cho vay trong lĩnh vực này nhằm góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp, gắn xây dựng nông thôn mới, từng bước cải thiện đời sống của ngư dân.
Có thể thấy, sự nhất quán và linh hoạt trong chính sách quản lý, điều hành, hỗ trợ vốn và trang thiết bị khoa học kỹ thuật hiện đại mà Chính phủ cùng các bộ, ngành liên quan mà trực tiếp là Bộ NN&PTNT triển khai là minh chứng sống cho quyết tâm hiện đại tàu cá của nước ta. Nhận thức được việc chăm lo, tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân yên tâm gắn bó với nghề truyền thống, “quyết tâm bám biển, vươn khơi” là việc làm thiết thực để góp phần phát triển kinh tế biển và tham gia đấu tranh bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo Tổ quốc., các cấp ngành liên quan cũng xác định đây là việc làm cấp thiết trong bối cảnh hiện nay.