23/02/2016 12:10:00 PM
(Canhsatbien.vn) -
Với vị trí địa lý thuận lợi, Việt Nam có bờ biển dài hơn 3.260 km và là một thềm lục địa rộng lớn ước tính khoảng 1 triệu km2, cùng với trên 3.000 đảo và quần đảo trong đó quần đảo lớn nhất phải kể đến là Hoàng Sa và Trường Sa. Ngoài hai vịnh lớn là vịnh Bắc Bộ và vịnh Thái Lan, dọc theo bờ có rất nhiều vịnh lớn nhỏ khác nhau như: Hạ Long, Bái Tử Long, Văn Phong, Phan Thiết... nơi được đánh giá rất cao về nguồn lợi sinh vật biển.
Biển Việt Nam thuộc vùng nhiệt đới gió mùa kề với trung tâm phát sinh và phát tán của hệ thống động thực vật Ấn Độ- Tây Thái Bình Dương nên có tính đa dạng rất cao. Tài nguyên biển Việt Nam có đóng góp hết sức to lớn đối với đời sống chính trị, kinh tế và văn hóa của đất nước. Tuy nhiên, trước áp lực dân số cũng như thương mại thủy hải sản, du lịch,.. môi trường biển Việt Nam đang bị đe dọa bởi các nguy cơ ô nhiễm, khai thác hủy diệt, phá hoại sinh cảnh và khai thác quá mức. Trong các nguy cơ đó, ô nhiễm môi trường biển đang hàng ngày, hàng giờ đe dọa cuộc sống của người dân ven biển, ảnh hưởng xấu tới cảnh quan, môi trường và sinh thái biển.
Khu bảo tồn biển Côn Đảo.
Trong bối cảnh đó, khu bảo tồn biển được chứng minh là một công cụ hữu hiệu để bảo vệ nguồn tài nguyên biển. Các Khu bảo tồn biển được thành lập sẽ mang lại các lợi ích: Tạo ra những lợi ích ngay trong khu bảo tồn- vùng lõi: bảo tồn các hệ sinh thái, sinh cảnh quan trọng đối với các loài, tăng tính đa dạng, mật độ, kích cỡ các cá thể và quần thể, thành phần loài tự nhiên, cấu trúc tuổi, tiềm năng sinh sản lớn hơn, tạo hiệu ứng tự phục hồi, tái tạo nguồn giống; Tạo ra những lợi ích bên ngoài khu bảo tồn, vùng đệm: phát tán ấu trùng, con non, con trưởng thành ra vùng biển bên ngoài khu bảo tồn (hiệu ứng tràn) qua đó tác động khôi phục, duy trì và tăng năng suất nghề cá; Tạo ra các lợi ích khác: là hiện trường nghiên cứu về biển, góp phần tăng hiểu biết về khoa học, quan trắc, bảo vệ, tôn tạo và phát triển các tài nguyên thiên nhiên, nhân văn khác... Nhờ vào các lợi ích đó, các khu bảo tồn được ví như “túi dự trữ” phục vụ cho lợi ích lâu dài.
Ngoài ra, khu bảo tồn biển cũng là công cụ quản lý tài nguyên được sử dụng để làm chậm lại và cuối cùng đảo ngược quá trình suy giảm hệ sinh thái ven biển. Các chuyên gia đã nhận ra giá trị của khu bảo tồn, đặc biệt là phân khu bảo vệ nghiêm ngặt trong việc cải thiện sức khỏe hệ sinh thái, bao gồm sự tồn tại và phát triển của ngành thủy sản. Hơn nữa, khu bảo tồn giúp hỗ trợ các nguồn sinh kế thay thế bằng cách thúc đẩy việc sử dụng bền vững tài nguyên văn biển như du lịch sinh thái.
Khu bảo tồn biển Hòn Mun.
Ở Việt Nam, dự án thí điểm khu bảo tồn Hòn Mun được Bộ Thủy sản, UBND tỉnh Khánh Hòa và Tổ chức bảo tồn thiên nhiên thế giới (IUCN) thực hiện từ năm 2001-2005 và được Quỹ môi trường toàn cầu (GEF) tài trợ thông qua Ngân hàng thế giới, Cơ quan phát triển quốc tế Đan Mạch (DANIDA), IUCN và Chính phủ Việt Nam. Khu bảo tồn biển vịnh Nha Trang là khu bảo tồn biển đầu tiên của Việt Nam được thành lập. Từ năm 2003-2007, với sự hỗ trợ của Chính phủ và DANIDA thông qua dự án Hỗ trợ mạng lưới các khu bảo tồn biển Việt Nam, mạng lưới đã được tăng cường đồng thời khu bảo tồn biển thứ 2 và 3 là Cù Lao Chàm và Phú Quốc đã ra đời.
Hợp phần sinh kế bền vững bên trong và xung quanh các khu bảo tồn thuộc Chương trình hợp tác Việt Nam- Đan Mạch về Môi trường (DCE) là dự án nối tiếp của hai dự án trên. Mục tiêu chính của Hợp phần LMPA là phát triển mạnh hơn nữa mạng lưới các khu bảo tồn dựa trên khung pháp lý vững chắc và hệ thống quản lý hiệu quả của địa phương.
Với sự hỗ trợ của LMPA, UBND tỉnh Quảng Trị quyết định thành lập Khu bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ. Sau khi 4 khu bảo tồn biển đã thành lập và mang lại những kết quả nhất định trong công tác bảo tồn biển, nhận thức được tầm quan trọng của hệ thống các khu bảo tồn biển Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch hệ thống khu bảo tồn biển đến năm 2020 theo Quyết định số 742/QĐ-TTG ngày 26/5/2010 với mạng lưới các khu bảo tồn biển gồm 16 khu bảo tồn biển sẽ được thành lập và đưa vào hoạt động.