Đội hỗ trợ của Viettel được chia làm 3 nhóm, tham gia hỗ trợ từ cấp Thành phố đến từng địa điểm tiêm tại các phường. Nhóm thứ nhất gồm 20 nhân sự phối hợp Ban chỉ đạo tiêm vaccine của TP. Hồ Chí Minh, chịu trách nhiệm điều hành kế hoạch chung, đảm bảo việc vận hành chung của toàn hệ thống, xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình vận hành.
Nhóm thứ 2 gồm 30 nhân sự được phân bổ về 22 quận, huyện có nhiệm vụ đào tạo lực lượng của địa phương trong việc sử dụng phần mềm tiêm chủng, hỗ trợ xử lý dữ liệu, và các công việc phát sinh.
Nhóm thứ 3 gồm 100 nhân sự trực tiếp đi về các điểm tiêm cố định và lưu động để hướng dẫn, hỗ trợ người dân, nhập dữ liệu khám sàng lọc, kết quả tiêm và theo dõi phản ứng sau tiêm vào hệ thống.
Ông Ngô Vĩnh Quý, Phó TGĐ Tổng Công ty Giải pháp doanh nghiệp Viettel, đại diện Viettel trực tiếp chỉ đạo tại thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Là Tập đoàn công nghệ chủ lực của quốc gia, Viettel nhận thức việc hỗ trợ đất nước, nhân dân chống dịch COVID-19 là nhiệm vụ quan trọng của chúng tôi. Viettel sẽ nỗ lực để đảm bảo nền tảng vận hành ổn định, đóng góp vào thành công của chiến dịch. Đây là cơ sở để mở rộng chiến dịch tiêm chủng toàn quốc, trong diễn biến dịch bệnh phức tạp hiện nay”.
Nền tảng quản lý tiêm chủng COVID-19 Quốc gia do Tập đoàn Viettel xây dựng và phát triển, bao gồm 4 hệ thống: Ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử, Cổng thông tin tiêm chủng COVID-19, Hệ thống hỗ trợ công tác Tiêm chủng Quốc gia, Trung tâm đáp ứng (MCC). Cơ sở dữ liệu của nền tảng được quản lý tập trung, đáp ứng tiêu chuẩn đồng bộ, minh bạch về thông tin từ người dân đến các cơ quan quản lý.
Nền tảng này đã đi vào vận hành tại 63/63 tỉnh thành phố trong cả nước và tiếp tục triển khai trên toàn quốc vào thời gian tới. Đây là nền tảng giúp người dân tham gia tiêm chủng một cách chủ động, thuận tiện. Toàn bộ quy trình, từ đăng ký tiêm chủng với tra cứu lịch sử, kết quả tiêm chủng đều có thể thao tác qua ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử hoặc Cổng thông tin tiêm chủng COVID-19.
Tạ Phong