Viettel dẫn đầu các doanh nghiệp quân đội trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, tăng cường quốc phòng, tiến sâu hội nhập

08/07/2017 08:19:00 AM

(Canhsatbien.vn) - 

Thực tế những năm qua cho thấy, mặc dù phải chịu tác động của sự cạnh tranh gay gắt của kinh tế thị trường, sự diễn biến phức tạp của khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế toàn cầu và tình hình an ninh chính trị bất ổn tại nhiều quốc gia khác song các doanh nghiệp quân đội (DNQĐ) vẫn đứng vững, vừa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ kết hợp phát triển kinh tế với củng cố quốc phòng, an ninh và hội nhập kinh tế quốc tế. Có được kết quả ấy, một mặt, các DNQĐ được Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, các đơn vị và các cơ quan chức năng quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện mọi mặt cho DNQĐ có thể được chủ động trong hoạt động sản xuất kinh doanh; mặt khác, bản thân các DNQĐ đã tự chủ động xây dựng được chiến lược sản xuất kinh doanh, nguồn nhân lực, vốn, công nghệ, thị trường, uy tín, văn hóa doanh nghiệp đặc thù. Trong danh sách các DNQĐ, tiêu biểu nhất là Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel. Hòa mình trong khó khăn chung của đất nước, gần 30 năm qua, Viettel dã nỗ lực không mệt mỏi và đã có được nhiều thành tựu Viettel đáng tự hào.

* Những kết quả nổi bật của Viettel thời gian qua

Đóng góp lớn vào nền kinh tế quốc dân:

Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel vẫn là doanh nghiệp đứng đầu cả nước về lĩnh vực viễn thông, vẫn duy trì được nhịp độ phát triển ổn định, hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh, đảm bảo việc làm cho người lao động, thực hiện tốt nghĩa vụ đối với ngân sách Nhà nước, đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế quốc dân và an sinh xã hội. 

Tổng giám đốc Tập đoàn Viễn thông Quân đội - Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng nhìn lại chặng đường từ năm 2000 đến hết năm 2016: “Năm 2000, nguồn lực ban đầu của Viettel rất khiêm tốn, chỉ vỏn vẹn 2,3 tỷ đồng vốn với nhân lực 100 người. Bằng sự nỗ lực không biết mệt mỏi, coi sáng tạo là sức sống của doanh nghiệp, với lối tư duy hệ thống, kết hợp Đông - Tây, đặc biệt là phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, đến năm 2016, doanh thu của Viettel đã đạt 228.000 tỷ đồng; lợi nhuận hơn 43.200 tỷ đồng, trở thành đơn vị hàng đầu của Việt Nam trong việc đóng góp ngân sách Nhà nước với 180.000 tỷ đồng giai đoạn 2000 - 2016”.  Theo báo cáo 6 tháng đầu năm 2017 của Phó Tổng giám đốc - Hoàng Sơn, Viettel đạt mức tăng trưởng cao trong doanh thu và lợi nhuận: doanh thu đạt 117.714 tỷ đồng, bằng 48,7% kế hoạch năm, lợi nhuận trước thuế toàn tập đoàn đạt 21.470 tỷ đồng, nộp ngân sách 19.956 tỷ đồng bằng 48,7% kế hoạch năm. Tổng số thuê bao di động trên toàn cầu của Viettel đạt gần 100 triệu thuê bao, thuê bao trong nước đạt hơn 61 triệu, thuê bao nước ngoài hơn 30 triệu. Viettel đến thời điểm hiện tại đã có một hệ thống cơ sở hạng tầng mạng lưới đồng bộ, hiện đại, hoàn chỉnh với 350.000 km cáp quang trên toàn quốc, 5 mạng đường trục quốc gia, 6 đường trục quốc tế. Viettel hiện có trên toàn mạng 25.000 trạm BTS 2G, 35.000 trạm 3G, trạm 4G là 36.000. Lợi nhuận 6 tháng đầu năm của Viettel đã gấp 4,3 lần so với lợi nhuận của VNPT và MobiFone cộng lại. Trong khi đó, doanh thu của Tập đoàn Viễn thông Quân đội cũng lớn gấp 3 lần tổng doanh thu của cả VNPT và MobiFone cộng lại (VNPT đạt doanh thu toàn tập đoàn đạt 68.000 tỷ đồng bằng 47,3 kế hoạch năm và 106% so với cùng kỳ, lợi nhuận 2.390 tỷ đồng, bằng 50,4% kế hoạch năm, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước. MobiFone đạt doanh thu đạt 21.300 tỷ đồng, đạt 48,1% kế hoạch năm, tăng 18,7% so với cùng kỳ, lợi nhuận đạt 2.600 tỷ đồng, bằng 46% kế hoạch năm, nộp ngân sách đạt 2.700 tỷ đồng). Tại Việt Nam cũng như các thị trường nước ngoài, mục tiêu của Viettel luôn là giữ vị trí số 1 về thị phần, nếu chưa dẫn đầu thì ít nhất cũng phải đứng thứ 2 chứ không chấp nhận đứng thứ 3.

 Doanh thu và lợi nhuận của “3 ông lớn” viễn thông, 6 tháng đầu năm 2017 (tỷ đồng).

Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông - Trương Minh Tuấn đánh giá: “Đóng góp cho sự phát triển của ngành thông tin và truyền thông của Viettel cũng rất lớn. Đến cuối năm 2016, nếu doanh thu 5 doanh nghiệp hàng đầu của ngành thông tin và truyền thông (gồm Viettel, VNPT, Mobifone, VTC, VNPost) là 417.335 tỷ thì riêng Viettel có doanh thu 256.558 tỷ. Và khoản nộp ngân sách của 5 doanh nghiệp này là 49.469 tỷ thì Viettel đã nộp 40.396 tỷ. 

Doanh thu và khoản nộp ngân sách của 5 doanh nghiệp hàng đầu của ngành thông tin và truyền thông, năm 2016 (tỷ đồng).

Không chỉ đóng góp về doanh thu, Viettel đã tiên phong trong xử lý các vấn đề khó của ngành thông tin và truyền thông mà các doanh nghiệp khác chưa làm được hay không dám làm như phủ sóng vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Viettel còn là doanh nghiệp viễn thông đầu tiên tự đưa ra giải pháp chặn tin nhắn rác. Từ kinh nghiệm, giải pháp của Viettel, hiện nay ngành thông tin và truyền thông đã yêu cầu tất cả các nhà mạng phải thực hiện điều này để bảo vệ khách hàng…”. Trong bối cảnh đang diễn ra cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 hay cuộc cách mạng 4.0, viễn thông, công nghệ thông tin, tiếp tục đóng vai trò quyết định sự thành công, là nền tảng của cuộc cách mạng này. Sau gần 30 năm thành lập, Viettel đã đặt một dấu ấn rất quan trọng, tạo ra chuyển biến bước ngoặt trong lịch sử phát triển của ngành viễn thông, công nghệ thông tin của Việt Nam; trở thành Tập đoàn Viễn thông và công nghệ thông tin lớn nhất Việt Nam. Đại tướng Ngô Xuân Lịch - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ghi nhận: “Viettel là nhân tố chính tạo ra sự bùng nổ viễn thông tại Việt Nam, giúp đất nước đạt được mục tiêu phổ cập dịch vụ viễn thông trước kế hoạch dự định”. Không chỉ đóng góp cho đất nước ở góc độ kinh tế mà Viettel còn có những nghiên cứu giá trị, làm nền tảng cho sản xuất công nghiệp quốc phòng, mang dấu ấn Việt Nam. Viettel dẫn đầu công nghệ 4G trong nước.

Viettel dẫn đầu công nghệ 4G trong nước.

Tăng cường, củng cố quốc phòng, an ninh:

Trên bước đường phát triển, Viettel luôn đặt mục tiêu cao để vượt qua thách thức, với cách tiếp cận cũng khác biệt, đầy sáng tạo trong hoạt động triển khai, khai thác viễn thông và nghiên cứu, sản xuất công nghệ cao. Trong lĩnh vực triển khai, khai thác viễn thông, là doanh nghiệp viễn thông có mạng cáp quang lớn nhất Việt Nam với hơn 455.000 km, 143.000 trạm phát sóng BTS công nghệ hiện đại bậc nhất thế giới, Viettel đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng để phủ sóng vùng sâu, vùng xa, tới tận xã, phường, phủ sóng toàn bộ hệ thống biên giới, hải đảo của đất nước. Với vị thế mạnh về công nghệ thông tin, Viettel đầu tư nhiều cho an ninh mạng, tác chiến mạng, phát triển nhiều công cụ phục vụ bảo đảm an ninh mạng. Đến nay, Viettel đã có lực lượng chuyên gia khá đông đảo để bảo vệ các vị trí trọng yếu trong hệ thống mạng viễn thông; phát triển những công cụ tác chiến trên không gian mạng của riêng Việt Nam, giữ vai trò quan trọng để Việt Nam phát triển lĩnh vực an ninh mạng và công nghệ thông tin. Hiện nay, Viettel đã và đang thực hiện được vai trò dẫn dắt công nghệ. Đây là việc rất quan trọng nhằm nâng cao năng lực công nghệ không chỉ của Quân đội mà còn của cả đất nước.

Trong lĩnh vực nghiên cứu, sản xuất công nghệ cao (thiết bị quân sự), chỉ có những tổ hợp công nghệ quân sự khổng lồ ở các nước phát triển mới thực hiện nhưng nếu cứ nhập khẩu 100% từ nước ngoài thì cũng có những vấn đề cần phải cân nhắc. Thứ nhất, về góc độ quốc phòng: Khi mua một thiết bị của nước ngoài thì suốt đời phải phụ thuộc vào họ. Khi hỏng, hay muốn nâng cấp cái gì cũng phải nhờ cậy vào đối tác nước ngoài và họ yêu cầu giá nào mình cũng buộc phải nghe. Những nhà cung cấp này thậm chí còn không cần đi chào hàng, dựa trên các thông tin thu thập được họ biết và phán đoán ra một quốc gia sẽ buộc phải trang bị vũ khí, thiết bị gì để đối phó với tình hình và họ ngồi chờ người đến mua. Hệ quả tiếp theo là làm ảnh hưởng đến bí mật quân sự, vì thông qua chủng loại và số lượng mua, họ có thể suy ra được chiến thuật và biên chế của quân đội một quốc gia. Thứ hai, là về mặt kinh tế: Khi đã phụ thuộc hoàn toàn vào nước ngoài thì giá thiết bị rất đắt, thậm chí “giá cả không đúng với giá trị”  vì trên thế giới ít người làm được. Nếu như chúng ta tự sản xuất thành công thì câu chuyện đầu tiên có thể thấy ngay là tiết kiệm rất nhiều tiền. Những sản phẩm mình làm được, tiết kiệm so với phải mua không phải là 5 - 10 lần, mà có cái tới cả trăm lần. Mục tiêu của Viettel là tất cả các sản phẩm của Viettel sản xuất phải làm chủ hoàn toàn, đạt tiêu chuẩn, có sức cạnh tranh và phải rẻ. Những sản phẩm trước đây nước ngoài bán cho mình thì so với người ta đã lạc hậu rồi, người ta làm chủ công nghệ cao hơn và họ bán cái cũ đi, Viettel phải nghiên cứu để rút ngắn khoảng cách. Kế đến, khi giải được bài toán về làm chủ công nghệ thì việc xây dựng các tình huống tác chiến của người Việt Nam rất nhanh. Ví dụ như, trước đây, đối với một thiết bị của Nga trong lĩnh vực phòng không không quân, muốn thay đổi, nâng cấp một tính năng gì phải mất 6 tháng đến 1 năm. Còn giờ đây, Viettel có thể thực hiện trong một tuần. Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận rõ, đây là một lĩnh vực rất khó.

Trước sự đòi hỏi như vậy, Viettel cũng đã và đang từng bước làm chủ công nghệ sản xuất thiết bị, khí tài quân sự, tạo nền tảng cho việc hình thành một tổ hợp công nghiệp quốc phòng trong tương lai… Trong lĩnh vực nghiên cứu, sản xuất công nghệ cao, Viettel có doanh thu hằng năm hơn 10.000 tỷ đồng, giúp cho đất nước tiết kiệm một lượng lớn ngoại tệ nhập khẩu sản phẩm và linh kiện. Hiện nay, Viettel đã tham gia vào lĩnh vực nghiên cứu, sản xuất và đạt được nhiều kết quả nổi bật. Những năm qua, Viettel đã có 15 sản phẩm trang bị trong toàn quân và 25 sản phẩm đang nghiên cứu sản xuất. Nhiều trang bị kỹ thuật cao như: Máy thông tin, ra đa, hệ thống quản lý vùng trời, sản phẩm tác chiến không gian mạng, hệ thống tự động hóa chỉ huy, máy bay không người lái UAV, tên lửa... đã được Viettel cung cấp và đang nghiên cứu, trong đó, có nhiều dòng trang thiết bị đã đáp ứng 50 - 70%, có loại đáp ứng 100% nhu cầu của Quân đội, giúp đất nước và Quân đội giảm phụ thuộc vào các nguồn hàng nhập khẩu; tạo thế chủ động khi trang bị; tính bảo mật cao khi sử dụng. Bộ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ Chu Ngọc Anh ghi nhận: “Có những đề án lớn và khó, nhiều đơn vị tiếp cận nhưng đều khó khăn trong triển khai thực hiện. Thế nhưng khi đặt trên nền tảng của Viettel, các đồng chí khiến chúng tôi khâm phục khi có bước tiến với tốc độ đột phá, cả chuyển giao, tiếp nhận, đổi mới, Viettel đều làm chủ được. Ngoài ra, Viettel cũng đã nghiên cứu, chế tạo và sản xuất được các cấu phần quan trọng của hạ tầng mạng viễn thông. Điều đó minh chứng rõ nét về năng lực, trình độ cũng như bản lĩnh, kỷ luật, kỷ cương của những người lính trên mặt trận mới”.

Trong xu thế của chiến tranh hiện đại, chúng ta phấn đấu xây dựng mô hình tác chiến là tất cả các phương tiện phục vụ cuộc chiến phải được kết nối với nhau và có thể điều khiển từ xa. Quân đội ta đang được xây dựng theo phương châm “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”, trong đó, một số lực lượng tiến thẳng lên hiện đại. Bên cạnh sức mạnh chính trị, tinh thần vốn có, nếu có đủ khả năng, trình độ tiếp cận sản xuất vũ khí, trang thiết bị hiện đại, tin tưởng rằng, Quân đội ta sẽ vững tin để xông pha trên mặt trận tác chiến điện tử, sẵn sàng ngăn chặn chiến tranh công nghệ cao trong thời đại công nghệ 4.0 hiện nay… Trong quá trình hiện đại hóa Quân đội, Viettel là đơn vị có đóng góp rất lớn. Điều đó cho thấy rất rõ vai trò của DNQĐ, đó không chỉ là đóng góp lợi ích cho nền kinh tế mà còn kết hợp chặt chẽ với phục vụ quốc phòng mà các doanh nghiệp dân sinh rất khó hoặc không thể làm được. Điều đó đã chứng minh hùng hồn và khẳng định sự đúng đắn, sáng tạo của Đảng ta về quan điểm chủ trương kết hợp kinh tế quốc phòng, an ninh.

  Viettel đặt được nhiều thành tựu trong sản xuất thiết bị quân sự.

Tích cực, mở rộng hội nhập kinh tế quốc tế:

Trong những thập niên gần đây, hội nhập và toàn cầu hóa đã diễn ra nhanh chóng, trở thành xu thế khó có thể đảo ngược của nền kinh tế thế giới. Đây là sự vận động tất yếu khách quan, bắt nguồn từ sự phát triển mạnh mẽ của lực lượng sản xuất, phân công lao động, kinh tế thị trường và cách mạng khoa học công nghệ hiện đại. Theo xu thế đó, các quốc gia đã và đang tiến hành các hoạt động mở cửa để thu hút vốn đầu tư nước ngoài cũng như để vươn mình ra thế giới. Không ai phủ nhận lợi ích của quá trình hội nhập vào nền kinh tế quốc tế với các nước đang phát triển như Việt Nam ta về góc độ: thu hút được nguồn vốn, công nghệ, kinh nghiệm quản lý… Những nhân tố này góp phần to lớn vào sự phát triển của nền kinh tế đất nước. Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận một cách khách quan rằng, sự hội nhập kinh tế đồng nghĩa với việc dỡ bỏ dần các hàng rào bảo hộ, các công ty nước ngoài có điều kiện thuận lợi để thâm nhập vào thị trường nội địa, đặc biệt là các công ty đa quốc gia. Họ có tiềm lực mạnh về vốn, kinh nghiệm quản lý, công nghệ. Điều này sẽ tạo ra một sự cạnh tranh gay gắt đối với các công ty trong nước trên chính thị trường nội địa. Một môi trường cạnh tranh gay gắt vừa là động lực buộc các các công ty trong nước phải tự mình đổi mới để nâng cao năng lực cạnh tranh, đồng thời cũng là nguyên nhân chính gây ra hiện tượng các công ty trong nước bị “thua ngay trên sân nhà”, gây nên những ảnh hưởng không nhỏ cho nền kinh tế.

Là một DNQĐ hoạt động trong lĩnh vực viễn thông, lĩnh vực hạ tầng, lĩnh vực kinh tế mũi nhọn của đất nnớc, Viettel không nằm ngoài vòng xoáy hội nhập này. Để xây dựng và định vị thương hiệu Viettel trên thị trường cũng như thực hiện vai trò chủ đạo của mình trong nền kinh tế quốc gia, cánh sóng Viettel đã vươn ra khỏi phạm vi Việt Nam. Viettel cũng đã chủ động “bước chân” vào lĩnh vực nghiên cứu, sản xuất những “bộ não” và “trái tim” của hạ tầng mạng viễn thông, tiên phong trong đầu tư ra nước ngoài… góp phần tạo dựng lợi ích, hình ảnh đất nước và con người Việt Nam. Sau 10 năm tham gia hoạt động đầu tư quốc tế, Viettel nay đã xuất hiện tại 11 quốc gia với quy mô dân số 320 triệu dân, gấp 3 lần dân số Việt Nam. Trong đó, 9/10 thị trường nước ngoài đã đi vào kinh doanh ổn định, còn dự án Myanmar đang trong giai đoạn chuẩn bị. Đến nay, tại 5/9 nước Viettel đã giữ vị trí số 1; tất cả các nước đã kinh doanh trên 3 năm đều có lãi và đều nằm trong Top 2 công ty lớn nhất. Cá biệt có những nước như Peru, Burundi thì sau 2 năm kinh doanh đã có lãi. Năm 2016, dự kiến chỉ riêng doanh thu từ viễn thông nước ngoài của Viettel đã đem về gần 1,4 tỉ USD, lũy kế đến nay đạt 6,5 tỉ USD, tốc độ tăng trưởng trung bình 25%/năm, cao gấp 10 lần so với tốc độ tăng trưởng ngành viễn thông thế giới. Viettel phục vụ 100 triệu khách hàng, trong đó, số khách hàng quốc tế là hơn 35 triệu, tăng 12 lần kể từ khi khai trương thị trường nước ngoài đầu tiên. Nhờ vậy, Viettel lọt Top 30 tập đoàn viễn thông có số lượng khách hàng lớn nhất trên thế giới. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Viettel đã đi đầu và phải là nòng cốt trong bước chuyển về sức cạnh tranh và hội nhập của các doanh nghiệp Việt Nam. Chúng ta rất cần và mong muốn có nhiều doanh nghiệp, tập đoàn như Viettel”.

 

Viettel mở rộng thị trường quốc tế.

* Mục tiêu, phương hướng, giải pháp cơ bản cho Viettel trong thời gian tới

Mục tiêu:

“Tiếp tục đầu tư xây dựng hạ tầng viễn thông băng rộng với trọng tâm là 4G, phủ sóng toàn quốc để mỗi người dân Việt Nam có thể sở hữu một chiếc điện thoại thông minh, sử dụng các dịch vụ công qua mạng, tạo nền tảng kết nối cho cách mạng 4.0”; “Đẩy mạnh nghiên cứu sản xuất thiết bị điện tử viễn thông mà trọng tâm là thiết bị mạng viễn thông. Đến năm 2018, phải thay thế được toàn bộ thiết bị mạng lõi bằng thiết bị Viettel. Viettel cần tập trung nghiên cứu sản xuất trong lĩnh vực công nghệ cao, góp phần quan trọng vào công cuộc hiện đại hóa quân đội và bảo vệ Tổ quốc”.

“Nghiên cứu, sản xuất thiết bị được coi là trụ cột thứ 3 trong chiến lược phát triển của Viettel, bên cạnh 2 trụ cột khác là viễn thông trong nước và viễn thông nước ngoài. Viettel đang muốn đổi tên thành Tập đoàn Công nghiệp - viễn thông Quân đội” (Điều này có nghĩa là mảng công nghiệp sẽ được đặt mục tiêu như mảng viễn thông của doanh nghiệp); “Mục tiêu đến năm 2020, Viettel trở thành một tập đoàn công nghiệp, viễn thông toàn cầu hùng mạnh, tập trung vào 4 thành tố: 1. Viễn thông - lĩnh vực cốt lõi nhất của Viettel; 2. Đầu tư nước ngoài - mở rộng thị trường cho viễn thông mà cho cả nghiên cứu, sản xuất; 3. Công nghiệp công nghệ cao, bao gồm công nghiệp quốc phòng công nghệ cao, mà trọng tâm là các vũ khí chiến lược; 4. Về an ninh mạng sẽ là một bộ phận của tác chiến mạng Quân đội, bảo vệ các mạng, các hệ thống công nghệ trọng yếu trong Quân đội, phát triển các công cụ, vũ khí về tác chiến không gian mạng như một ngành công nghiệp quốc phòng”.

Phương hướng:

Viettel sẽ có các chính sách khoa học, hợp lý để thu hút nhân lực chất lượng cao trong và ngoài nước;

Xây dựng chiến lược làm kinh tế hiệu quả, tạo nguồn lực tài chính để phát triển công nghiệp quốc phòng, kết hợp phát triển công nghệ dân sinh tạo tiền đề phát triển công nghiệp quốc phòng;

Mở rộng hợp tác quốc tế sâu rộng để phát triển công nghiệp quốc phòng, phát triển các loại vũ khí chiến lược, tăng cường tiềm lực quốc phòng cho đất nước.

Giải pháp cơ bản:

Tăng cường sự lãnh đạo của tổ chức đảng trong Tập đoàn khi tiến hành tái cấu trúc doanh nghiệp;

Đẩy mạnh đổi mới, sắp xếp toàn diện nhằm bảo đảm tinh, gọn, mạnh, nâng cao hiệu quả hoạt động và sức cạnh tranh cao cho Tập đoàn trong HNKTQT;

Hoàn thiện hành lang pháp lý tạo điều kiện thuận lợi cho Tập đoàn tham gia sâu rộng vào quá trình HNKTQT;

Mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư.

Với những đóng góp to lớn của mình cho đất nước, Viettel vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng nhiều phần thưởng cao quý, trong đó có: Danh hiệu Anh hùng Lao động giai đoạn 1996 - 2005 (2007); Giải thưởng Sao Khuê (2007); Huân chương Lao động hạng Ba (2008); Huân chương Độc lập hạng Ba (2009); Thương hiệu Quốc gia (2010); Danh hiệu Anh hùng Lao động (2011); Danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân (2014)… Tin tưởng rằng, với sự lãnh đạo, quản lý đúng đắn, chặt chẽ của Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng, cùng với sự chủ động, tích cực của cán bộ, nhân viên, chiến sĩ, người lao động trong Tập đoàn, Viettel đã, đang và sẽ luôn là hình mẫu thành công của Việt Nam về đầu tư nước ngoài, là DNQĐ điển hình trong việc hiện thực hóa chủ trương gắn kết “kinh tế - quốc phòng - hội nhập” của Đảng.

Đại úy Lê Duy Dũng - Học viện Chính trị/ BQP

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục gửi về banbientapcsb@gmail.com