Cập nhật tình hình khu vực Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981: Tàu quét mìn và máy bay trinh sát của Trung Quốc hoạt động liên tục

04/11/2016 03:00:39 PM

(Canhsatbien.vn) - 

Với số lượng đông đảo, có sự hỗ trợ của cả tàu quân sự và máy bay, mấy ngày qua, các tàu Trung Quốc vẫn tiếp tục tăng cường uy hiếp đội tàu Cảnh sát biển và Kiểm ngư Việt Nam. Đặc biệt, Trung Quốc gia tăng hoạt động của các tàu quét mìn và máy bay trinh sát trên khu vực hạ đặt giàn khoan trái phép.

Đến ngày 4/6, Trung Quốc vẫn duy trì tổng số 113 tàu tham gia bảo vệ giàn khoan HD 981. Các tàu bảo vệ này được bố trí thành 3 vòng: Vòng trong cách giàn khoan từ 1-1,5 hải lý có 10 tàu; vòng giữa cách giàn khoan từ 4,5-5 hải lý có 45 tàu; vòng ngoài cách giàn khoan từ 9-11 hải lý có 35 tàu. Có 02 tàu chấp pháp cùng với các tàu cá của Trung Quốc ngăn cản các tàu đánh cá của ngư dân ta cách giàn khoan 23-25 hải lý. Tàu HC 3411 của Trung Quốc luôn được phân công theo sát tàu CSB 8001 của Việt Nam.

Đặc biệt, liên tục có 2 tàu quét mìn của Trung Quốc số hiệu 840, 843 được thả trôi ở phía Nam giàn khoan 21 hải lý. Ngày 3/6 xuất hiện thêm 02 tàu quét mìn số hiệu 839, 842 ở phía Tây Nam giàn khoan 17,6 hải lý, cách vị trí tàu CSB 8001 khoảng 4 hải lý. Từ ngày 2/6, Trung Quốc đã tăng cường thêm máy bay để trinh sát. Cụ thể, trong ngày 3/6 liên tục có nhiều lượt máy bay trinh sát điện tử, máy bay cánh bằng và một máy bay quân sự số hiệu KG 2000 của Trung Quốc tiếp cận khu vực có tàu thực thi pháp luật của Việt Nam, bay rất thấp phía trên các tàu của Việt Nam nhằm mục đích quay phim, chụp ảnh và có thể là đe dọa. Ngoài ra, lực lượng tàu cá Trung Quốc vẫn có khoảng 40-45 chiếc chia thành 2 tốp ngăn cản các nhóm tàu đánh cá của ta ở phía Tây giàn khoan 40 hải lý và Tây Nam giàn khoan 35 hải lý, không cho tiếp cận vào gần giàn khoan.    

 

Tàu quét mìn số hiệu 839 của Trung Quốc xuất hiện ngày 3/6 tại khu vực giàn khoan 981.
 

Ảnh chụp ngày 3/6: máy bay trinh sát của Trung Quốc hoạt động liên tục phía trên các đội tàu thực thi pháp luật của Việt Nam.

Thực hiện nhiệm vụ chấp pháp trên biển, trong những ngày qua, các tàu Cảnh sát biển và Kiểm ngư Việt Nam vẫn kiên trì tiếp cận sâu vào khu vực Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 để đấu tranh, tuyên truyền. Tuy nhiên, các tàu Trung Quốc vẫn ngang ngược vây ép, dồn đuổi quyết liệt, hú còi, phun nước, sử dụng tốc độ cao sẵn sàng đâm va ngăn không cho tàu ta vào gần giàn khoan. Vào lúc 13h10 chiều 3/6, tàu CSB 4032 và các tàu Kiểm ngư của Việt Nam tổ chức tiến sâu vào khu vực Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan để tiến hành tuyên truyền, yêu cầu Trung Quốc rút khỏi vùng biển của Việt Nam. Khi cách giàn khoan trái phép này khoảng 7 - 8 hải lý đã có khoảng 10 tàu hải cảnh và tàu kéo của Trung Quốc lao ra ngăn cản với tốc độ cao. Họ dùng tàu 45101, 3383, 21102 đuổi theo và bao vây phía sau hai mạn của tàu CSB 4032 với mục đích xịt vòi rồng. Tàu CBS 4032 đã chủ động cơ động, vòng tránh và linh hoạt rút ra ngoài để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện. Trước đó, vào chiều ngày 1/6, tàu CSB 2016 của ta trong khi cố gắng tiếp cận giàn khoan đã bị tàu Trung Quốc mang số hiệu 46015 lao ra ngăn cản, cố tình đâm va, phun vòi rồng rất mạnh khiến tàu CSB 2016 bị thủng 4 lỗ bên mạn phải, cách mép nước biển chỉ 40 cm, lỗ to nhất dài 50cm và rộng 3cm, nhiều thiết bị khác bị hư hỏng nặng.

 

Tàu Trung Quốc bao vây, kìm kẹp và phun vòi rồng vào các tàu chấp pháp của Việt Nam.

Ngày hôm nay 4/6, lực lượng chức năng của ta ghi nhận sự xuất hiện của hàng trăm tàu cá Trung Quốc trên vùng biển Hoàng Sa và về hướng giàn khoan Hải Dương 981. Các tàu cá này không thực hiện việc đánh bắt mà đồng loạt tiến đến các tàu Việt Nam chừng một hải lý thì vây quanh tạo thành một vòng cung khép kín, khiến việc di chuyển của các tàu Việt Nam có phần khó khăn hơn những ngày trước.

Về dấu hiệu dịch chuyển của giàn khoan Hải Dương 981, ngày 1/6 đã ghi nhận có sự dịch chuyển nhỏ trong phạm vi khoảng 150m. Tuy nhiên, trong ngày 3 và 4/6 không thấy có sự dịch chuyển tiếp theo. Hiện chưa xác định được lý do dịch chuyển cũng như động cơ và mục đích của phía Trung Quốc trong việc dịch chuyển này.

Liên Nhi (Tổng hợp)
Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục gửi về banbientapcsb@gmail.com