Họp báo Quốc tế về tình hình biển Đông lần thứ 3: Trung Quốc đã cố tình viện dẫn sai lệch và vu cáo trắng trợn

04/11/2016 02:38:04 PM

(Canhsatbien.vn) - 

“Thông tin tàu Việt Nam đâm, va, gây hấn với tàu Trung Quốc là vu cáo”; “Các phóng viên trong nước và quốc tế có mặt trên thực địa đều đã chứng kiến và có thể chứng minh điều này” - Đại tá Ngô Ngọc Thu, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển khẳng định tại cuộc họp báo Quốc tế về tình hình biển Đôngvừa được tổ chức chiều ngày 23/5.

Đây là lần thứ 3 Bộ Ngoại giao tổ chức họp báo Quốc tế kể từ khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam. Tham dự họp báo có hơn 200 phóng viên của các hãng thông tấn trong nước và thế giới. ông Lê Hải Bình - người phát ngôn của Bộ Ngoại giao; ông Đỗ Văn Hậu - Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia; Đại tá Ngô Ngọc Thu - Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Cảnh sát biển Việt Nam; bà Nguyễn Thị Thanh Hà - Hàm Vụ trưởng Vụ Luật pháp và Điều ước quốc tế, Bộ Ngoại giao; ông Trần Duy Hải - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia đồng chủ trì trong buổi họp.

 

Đại diện các cơ quan chức năng của Chính phủ chủ trì cuộc họp báo.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình cho biết, kể từ sau buổi họp báo quốc tế ngày 7/5, Việt Nam luôn thiện chí giải quyết vụ việc bằng các biện pháp hòa bình và đang cố gắng mọi nỗ lực để gìn giữ hòa bình trên biển Đông. Tuy nhiên, Trung Quốc liên tục có những hành động gia tăng căng thẳng, vu khống, đổ lỗi cho Việt Nam về tình hình hiện nay trên biển Đông cũng như tuyên bố về cái gọi là "chủ quyền của Trung Quốc" đối với quần đảo Hoàng Sa.Vì vậy, buổi họp báo lần này tập trung vào công bố những bằng chứng chứng minh Hoàng Sa là của Việt Nam và chứng minh những thông tin từ phía Trung Quốc là vu khống.

 

Cuộc họp báo đã cung cấp những bằng chứng lịch sử chứng minh quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Tại cuộc họp báo, ông Trần Duy Hải đã cung cấp clip giới thiệu các bằng chứng lịch sử chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia cho biết: Năm 1974, Trung Quốc cưỡng chiếm Hoàng Sa. Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã phản đối hành động này. Hành vi cưỡng chiếm là trái phép, không thể đem lại chủ quyền cho Trung Quốc. Bị vong lục của Trung Quốc năm 1958 cũng công nhận xâm lược không đem lại chủ quyền. Thực tế, đến nay không quốc gia nào công nhận chủ quyền của Trung Quốc ở Hoàng Sa. Việc Trung Quốc nói có chủ quyền ở Hoàng Sa là không có cơ sở pháp lý.

Đối với việc Trung Quốc gần đây viện dẫn Công thư của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, cho rằng công thư này là bằng chứng chứng tỏ Việt Nam đã từ bỏ chủ quyền đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, ông Hải khẳng định: Trung Quốc đã cố tình diễn giải sai lệch Công thư của Cố thủ tướng. Đây là một Công thư về ngoại giao, nội dung công thưkhông đề cập đến vấn đề lãnh thổ chủ quyền, không đề cập hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, chỉ ghi nhận Việt Namtôn trọng vùng lãnh hải 12 hải lý của Trung Quốc. Nó hoàn toàn không có giá trị pháp lý về vấn đề chủ quyền đối với vùng biển đảo của Việt Nam.Ngoài ra, ông Hải cònnhấn mạnh, giá trị của Công thư phải đặt trong bối cảnh cụ thể. Khi Công thư này được gửi cho Trung Quốc, bấy giờ Hoàng Sa, Trường Sa đang thuộc quyền quản lý của Việt Nam Cộng hòa. “Bạn không thể cho ai thứ mà bạn chưa có quyền sở hữu. Vậy nên điều đó càng khẳng định Công thư của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng không có giá trị pháp lý” - ông Hải dẫn chứng.

 

Đại tá Ngô Ngọc Thu - Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Cảnh sát biển trả lời câu hỏi của các phóng viên.

Trả lời báo chí về việcBộ Ngoại giao Trung Quốc đưa ra thông tin Việt Nam đã đem tàu quân sự đến khu vực giàn khoan Hải Dương 981, khiêu khích và chủ động đâm húc tàu Trung Quốc, Đại tá Ngô Ngọc Thu thẳng thắn bác bỏ thông tin này. Phó Tư lệnh khẳng định đây là thông tin vu cáo.Ngày cao điểm Trung Quốc điều động đến 137 tàu thuyền bảo vệ giàn khoan trái phép, trong đó có 4 loại tàu chiến, Việt Nam đã ghi được số hiệu và hình ảnh các tàu chiến này và đã thông báo với phía Trung Quốc. Trung Quốc nhiều lầncho tàu phun vòi rồng công suất lớn, chochiếu đèn pha, phát sóng âm tần về phía tàu Việt Nam gây nhiễu loạn, ảnh hưởng đến thính giác, thị giác của cán bộ, chiến sĩ đang thực thi pháp luật trên biển. Đặc biệt tàu Trung Quốc đã chủ động đâm va vào tàu Việt Nam hơn 20 lần, nhiều tàu của ta đã bị hỏng nặng, phải đưa về cảng sửa chữa gấp. Các hình ảnh này đã được cung cấp đầy đủ tới cơ quan truyền thông để làm bằng chứng. Về phía Việt Nam, “đến nay Việt Nam chưa hề sử dụng các tàu quân sự, hoàn toàn không tấn công, khiêu khích tàu Trung Quốc, không đâm va, không dùng vòi rồng phun mà chỉ dùng loa tuyên truyền về chủ quyền và yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan.Các phóng viên trong nước và quốc tế có mặt trên thực địa đều đã được chứng kiến và có thể chứng minh điều này” - Đại tá Ngô Ngọc Thu nhấn mạnh.

Một lần nữa, trong cuộc họp báo, đại diện các cơ quan chức năng của Việt Nam khẳng định lại rõ ràng quan điểm của Việt Nam làkiên định và kiên quyết bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốcbằng mọi biện pháp hòa bình có thể - như lời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phát biểu tại Philippines: Việt Nam không đánh đổi chủ quyền để lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông.

Liên Nhi
Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục gửi về banbientapcsb@gmail.com