Nâng cao bản lĩnh chính trị trong đấu tranh chống tội phạm, vi phạm của Lực lượng Cảnh sát biển

08/09/2017 02:30:00 AM

(Canhsatbien.vn) - 

Bản lĩnh chính trị không phải là một phẩm chất đạo đức riêng lẻ mà là tổng hợp biện chứng của nhiều mối quan hệ, nhiều thuộc tính của con người từ phẩm chất, năng lực chính trị, tinh thần, tâm lý, đạo đức, tư cách... tạo thành một trạng thái tinh thần chính trị bền vững, ổn định, đảm bảo cho cán bộ, chiến sĩ làm chủ bản thân trong mọi tình huống phức tạp của đời sống chính trị xã hội và nhất là trong đấu tranh chống tội phạm, vi phạm trên biển.

Tổ công tác Cụm Trinh sát số 1 kiểm tra tàu vận chuyển than trái phép.

Những năm qua, trước những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới, khu vực và đặc biệt là diễn biến mới của tình hình Biển Đông, cùng với đó là tình hình tội phạm, vi phạm, thời tiết cực đoan...đã ảnh hưởng đến kết quả thực hiện nhiệm vụ của Lực lượng Cảnh sát biển nói chung và lực lượng đấu tranh chống tội phạm, vi phạm nói riêng. Song, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sắc, quyết liệt của Đảng ủy, Thủ trưởng BTL Cảnh sát biển, lực lượng đấu tranh chống tội phạm, vi phạm đã đạt được những kết quả quan trọng góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển kinh tế biển và bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia, trật tự an toàn trên các vùng biển, đảo của Tổ quốc.
Thời gian tới, tình hình an ninh, chính trị thế giới và khu vực tiếp tục có diễn biến phức tạp, khó lường. Trên hướng biển, tình hình vi phạm pháp luật vẫn tiếp tục diễn ra với tính chất, mức độ vi phạm ngày càng phức tạp hơn, phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm, vi phạm ngày một tinh vi, manh động hơn. Các đối tượng vi phạm pháp luật trong và ngoài nước triệt để lợi dụng điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế, điều kiện tự nhiên trên các vùng biển của Việt Nam để tiến hành các hoạt động tội phạm, vi phạm trên biển. Đáng chú ý là các tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia, buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, tội phạm ma túy, môi trường,...
Trước tình hình trên, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, quản lý, duy trì thực thi pháp luật trên các vùng biển đảo của Tổ quốc đang đặt ra rất nặng nề, với yêu cầu cao hơn và nhiều khó khăn thách thức hơn, đòi hỏi Lực lượng Cảnh sát biển nói chung và lực lượng đấu tranh chống tội phạm, vi phạm nói riêng cần tập trung nâng cao hơn nữa bản lĩnh chính trị cho cán bộ, chiến sĩ thực hiện nhiệm vụ đấu tranh chống tội phạm, vi phạm trên biển.
Trước hết cần tập trung làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, chiến sĩ lực lượng đấu tranh chống tội phạm, vi phạm.
Đây là mặt công tác quan trọng hàng đầu và là yêu cầu thường xuyên của quá trình xây dựng lực lượng. Bởi, trong thực hiện nhiệm vụ, lực lượng đấu tranh chống tội phạm, vi phạm phải đấu tranh với các đối tượng vi phạm chủ quyền, an ninh, trật tự, an toàn trên biển; nhiều tình huống nhạy cảm, phức tạp khó lường. Trong đấu tranh phòng, chống tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại, tội phạm ma túy,... cán bộ, chiến sĩ lực lượng đấu tranh thường xuyên phải tiếp xúc với các đối tượng có nhiều âm mưu, thủ đoạn nham hiểm, thậm chí sử dụng cả vũ khí đe dọa, hoặc dùng tiền bạc dụ dỗ, lôi kéo, mua chuộc. Nếu họ không được chuẩn bị tốt về tư tưởng, chính trị, phẩm chất đạo đức thì dễ bị sa ngã trước những cám dỗ vật chất, không hoàn thành chức trách, nhiệm vụ. Vì thế, yêu cầu đặt ra đối với cán bộ, chiến sĩ lực lượng đấu tranh chống tội phạm, vi phạm phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và Nhân dân; nhạy bén về chính trị, đề cao cảnh giác, không sa ngã trước âm mưu, thủ đoạn mua chuộc của các thế lực thù địch và bọn tội phạm. Bên cạnh việc thực hiện chương trình giáo dục chính trị cơ bản cho các đối tượng cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, định hướng tư tưởng sát với đặc điểm, nhiệm vụ để tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động, xây dựng niềm tin, trách nhiệm cho cán bộ, chiến sĩ. Cần đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục theo hướng thiết thực, hiệu quả, chú trọng giáo dục, quán triệt làm rõ tính chất đặc thù, khó khăn, gian khổ, nguy hiểm cùng những tấm gương dũng cảm kiên cường trong quá trình thực thi pháp luật trên biển. Qua đó, xây dựng động cơ nghề nghiệp đúng đắn, nâng cao ý thức trách nhiệm, tính trung thực, tự giác của cán bộ, chiến sĩ, giữ vững phẩm chất tốt đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ - Người chiến sĩ Cảnh sát biển”. Chủ động nắm, giải quyết định hướng tư tưởng một cách kịp thời, không để bị động, bất ngờ; xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định, đoàn kết, khắc phục khó khăn, sẵn sàng nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.
Hai là, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, chiến sĩ lực lượng đấu tranh chống tội phạm, vi phạm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Để đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao trong thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, an ninh, an toàn, duy trì thực thi pháp luật trên các vùng biển, đảo của Tổ quốc đòi hỏi phải tiếp tục đào tạo xây dựng đội ngũ cán bộ, chiến sĩ Lực lượng Cảnh sát biển nói chung và cán bộ, chiến sĩ lực lượng đấu tranh chống tội phạm, vi phạm nói riêng. Đặc biệt là cán bộ chủ trì, cán bộ pháp luật và nghiệp vụ đủ về số lượng, bảo đảm chất lượng, giỏi nghiệp vụ chuyên môn, nắm chắc pháp luật Nhà nước, luật pháp quốc tế và các điều ước quốc tế có liên quan; có phẩm chất, đạo đức tốt, thực sự trung thực và ý chí quyết tâm cao khi thực hiện nhiệm vụ đặc biệt trong điều kiện khó khăn, nhạy cảm; khả năng xử trí linh hoạt các tình huống, đúng đối sách, đúng pháp luật, giữ vững an ninh, chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán trên các vùng biển, đảo Việt Nam. Trong đó, cần nâng cao chất lượng công tác đào tạo cán bộ, tập trung đào tạo tại các học viện, nhà trường như: Học viện An ninh, Học viện Cảnh sát, Đại học Luật, Học viện Biên phòng,... Kết hợp với gửi cán bộ đi đào tạo ở nước ngoài để nâng cao khả năng sử dụng những trang thiết bị, phương tiện hiện đại. Đồng thời, tập trung đào tạo, nâng cao trình độ ngoại ngữ cho cán bộ, chiến sĩ lực lượng đấu tranh chống tội phạm, vi phạm. Đây là vấn đề có ý nghĩa rất quan trọng nhằm nâng cao khả năng giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm, hợp tác với các lực lượng thực thi pháp luật trên biển của nước ngoài trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Ba là, nâng cao chất lượng công tác huấn luyện cho cán bộ, chiến sĩ lực lượng đấu tranh chống tội phạm, vi phạm trên biển.
Tập trung quán triệt, giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ nhận thức sâu sắc, đầy đủ về nhiệm vụ huấn luyện, tích cực đổi mới chương trình, nội dung, tổ chức và phương pháp huấn luyện. Tập trung huấn luyện nâng cao kiến thức nghiệp vụ, pháp luật và giỏi về ngoại ngữ cho cán bộ, chiến sĩ. Đặc biệt, huấn luyện cho cán bộ, chiến sĩ nhận thức rõ âm mưu, phương thức, thủ đoạn của các đối tượng có hành vi tội phạm, vi phạm trên biển; huấn luyện thực hiện tốt công tác điều tra, xử lý các tình huống xảy ra trên biển, đảm bảo đúng quy định, pháp luật, không để xảy ra mất an toàn, khiếu kiện. Gắn thực hiện nhiệm vụ huấn luyện với nhiệm vụ thường xuyên bảo vệ an ninh chủ quyền, đấu tranh phòng chống tội phạm, vi phạm; đẩy mạnh duy trì chấp hành điều lệnh, xây dựng nền nếp chính quy, quản lý kỷ luật. Tăng tỷ lệ thời gian huấn luyện thực hành trên biển, huấn luyện đêm, huấn luyện trong các điều kiện sóng gió, sương mù và cường độ cao, kết hợp với huấn luyện công tác đảm bảo an toàn. Để góp phần nâng cao hiệu quả công tác thực thi pháp luật trên biển, cần rèn luyện cho cán bộ, chiến sĩ lực lượng đấu tranh chống tội phạm, vi phạm sức bền bỉ dẻo dai, khả năng chịu đựng gian khổ trong những điều kiện khó khăn phức tạp, luôn có bản lĩnh chính trị vững vàng, ý chí quyết tâm cao, bình tĩnh, tự tin, chủ động, sáng tạo, quyết đoán chính xác; tính kỷ luật cao, trung thực, dũng cảm, sẵn sàng hy sinh để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Bốn là, đẩy mạnh công tác chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ thực hiện nhiệm vụ thực thi pháp luật trên biển.
Thực hiện tốt việc bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần cho bộ đội, nhất là lực lượng trực tiếp thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia, đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm trên biển để mọi cán bộ, chiến sĩ yên tâm công tác, nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Kết hợp chặt chẽ công tác tư tưởng, tổ chức và chính sách, phát huy sức mạnh tổng hợp của cơ quan, đơn vị, địa phương, gia đình để thực hiện tốt công tác bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần cho bộ đội. Hỗ trợ kịp thời gia đình các đồng chí làm nhiệm vụ ở những địa bàn khó khăn, vùng sâu, vùng xa, hải đảo, gia đình quân nhân có thân nhân mắc bệnh nan y, bệnh hiểm nghèo...
Xây dựng bản lĩnh chính trị là xây dựng “cái gốc” để cán bộ, chiến sĩ phát huy mọi khả năng, hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao. Trong tình hình phức tạp hiện nay, nhất là trước sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch và những diễn biến khó lường ở Biển Đông, đòi hỏi Lực lượng Cảnh sát biển nói chung và lực lượng đấu tranh chống tội phạm, vi phạm nói riêng càng phải chú trọng giáo dục, rèn luyện bản lĩnh chính trị vững vàng, đảm bảo luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, quản lý và bảo vệ vững chắc chủ quyền, giữ gìn sự bình yên trên các vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc./.

Thượng tá Trần Văn Lượng

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục gửi về banbientapcsb@gmail.com