25/08/2014 04:59:00 PM
(Canhsatbien.vn) -
Cảnh sát biển và Hải quan Việt Nam vừa ký kết Quy chế phối hợp giữa hai lực lượng. Đây là dấu mốc quan trọng nhằm tạo chuyển biến tích cực trong công tác phối hợp thực thi pháp luật trên biển, qua đó nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, tăng cường sức mạnh tổng hợp trong chống buôn lậu, gian lận thương mại, vi phạm, tội phạm trên hướng biển.
Cảnh sát biển và Hải quan là hai lực lượng có những nhóm nhiệm vụ giống nhau. Thời gian qua, trên cơ sở quy định của pháp luật, bên cạnh việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, hai lực lượng đã có những hoạt động phối hợp trên thực tế, góp phần nâng cao hiệu quả giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn trên biển, nhất là trong nhiệm vụ đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.
Tư lệnh Cảnh sát biển và Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan ký kết Quy chế phối hợp.
Trước yêu cầu thực hiện nhiệm vụ, đặc biệt là trong bối cảnh tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển hàng hóa trái phép trên biển ngày càng gia tăng, diễn biến phức tạp, đòi hỏi hai lực lượng Hải quan và Cảnh sát biển cần phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn nữa để chủ động phát hiện, đấu tranh, bắt giữ và răn đe kịp thời các hành vi vi phạm xảy ra. Do đó, việc ký kết Quy chế phối hợp giữa Hải quan và Cảnh sát biển trong điều kiện hiện nay là hết sức cần thiết. Quy chế ra đời đã cụ thể hóa Thông tư Liên tịch số 25/2012/TTLT-BQP-BTC ngày 30/3/2012 hướng dẫn phối hợp thực hiện quản lý nhà nước giữa Bộ Quốc phòng và Bộ Tài chính về hoạt động của Lực lượng Cảnh sát biển và việc phối hợp hoạt động giữa Cảnh sát biển với Hải quan trên các vùng biển, thềm lục địa của nước CHXHCN Việt Nam. Đồng thời, đây cũng là dấu mốc đánh dấu bước phát triển mới trong mối quan hệ giữa hai lực lượng.
Đoàn cán bộ Cục Hải quan Hải Phòng thăm hỏi, động viên tập thể cán bộ, chiến sĩ Vùng Cảnh sát biển 1 trong thực hiện nhiệm vụ đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Quy chế phối hợp gồm 3 Chương và 15 Điều, có tính định hướng trong tổ chức, thực hiện các hoạt động phối hợp giữa các đơn vị của Tổng cục Hải quan và Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển. Trong đó, nguyên tắc phối hợp giữa hai lực lượng phải đảm bảo tuân thủ pháp luật, trên cơ sở thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi bên; tôn trọng, tuân thủ các hiệp ước song phương giữa Việt Nam và các nước có chung đường biên giới trên biển; tuân thủ các điều ước quốc tế có liên quan. Việc phối hợp giữa hai lực lượng phải tạo thuận lợi cho hoạt động quản lý chuyên ngành của mỗi bên, quá trình phối hợp không gây cản trở đến các hoạt động hợp pháp trên biển. Hai bên sẽ phối hợp trao đổi các thông tin định kỳ và đột xuất, đảm bảo có đủ thông tin đầu vào để chủ động phối hợp xử lý. Cả hai lực lượng sẽ tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát trên các vùng biển, thềm lục địa theo chức năng nhiệm vụ được giao, từ đó kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm để đấu tranh, xử lý nhằm chủ động phòng ngừa và răn đe, cảnh báo các hành vi vi phạm xảy ra.
Có thể nói, đây là một trong những Quy chế quy định một cách toàn diện, rõ ràng, cụ thể về cơ chế phối hợp. Ở mỗi nội dung phối hợp đều xác định hình thức, biện pháp thực hiện. Đặc biệt quy chế đã thiết lập một đường dây nóng giữa Tổng cục Hải quan và Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển. Điều đó không chỉ thể hiện ý chí quyết tâm, sự thống nhất cao giữa lãnh đạo hai bên trong việc phối hơp thực hiện các nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao phó mà còn là cơ sở để việc triển khai hoạt động phối hợp trong thực tế được nhanh chóng, hiệu quả.
Phát biểu tại kễ ký kết Quy chế phối hợp, Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam – Thiếu tướng Nguyễn Quang Đạm tin tưởng rằng, dưới sự quan tâm điều hành đúng đắn của lãnh đạo hai Bộ: Bộ Quốc phòng và Bộ Tài chính, cùng với sự đoàn kết, đồng lòng của tập thể lãnh đạo, cán bộ công chức, chiến sĩ hai lực lượng, Hải quan và Cảnh sát biển sẽ sát cánh bên nhau, hiệp đồng tác chiến, hỗ trợ lẫn nhau trong các lĩnh vực hoạt động, phát huy tối đa những ưu thế, sở trường về trang thiết bị, phương tiện, cũng như năng lực, kinh nghiệm của mỗi bên. Qua đó, xử lý tốt các vụ việc vi phạm trên biển, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính trị trọng tâm, góp phần giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, phát triển kinh tế đất nước.
Để quy chế đi vào thực tiễn, thực sự phát huy hiệu quả, Tư lệnh Cảnh sát biển yêu cầu các cơ quan, đơn vị trong lực lượng Cảnh sát biển cũng như trong lực lượng Hải quan cần làm tốt một số nội dung sau:
Thứ nhất: Phát huy vài trò của lãnh đạo, chỉ huy trong việc quản lý, điều hành công tác phối hợp. Đây là nhân tố chủ yếu quyết định đến chất lượng, hiệu quả công tác phối hợp. Theo đó, để triển khai quy chế, lãnh đạo chỉ huy các đơn vị của Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển cũng như Tổng cục Hải quan cần có chương trình kế hoạch phối hợp cụ thể, chặt chẽ, tránh chồng chéo hoặt bỏ sót nhiệm vụ đồng thời phải lồng ghép vào các chương trình công tác để điều hành thường xuyên tại đơn vị. Trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo công tác phối hợp, luôn bám sát thực tiễn, chú trọng phối hợp trong trao đổi thông tin, điều tra xử lý vi phạm và phối hợp trong công tác xây dựng lực lượng; những vấn đề nảy sinh ảnh hưởng đến kết quả phối hợp và thực hiện nhiệm vụ Hải quan, Cảnh sát biển cần được kịp thời phát hiện và giải quyết.
Thứ hai: Bên cạnh việc giữ vững các nguyên tắc phối hợp mà hai bên đã thống nhất trong Quy chế thì các bên cần bám sát thực tiễn, chủ động, tích cực trong việc mở rộng, linh hoạt các hình thức, biện pháp phối hợp nhằm hỗ trợ, giúp đỡ nhau hoặc phát huy sức mạnh tổng hợp của hai lực lượng để hoàn thành tốt các nhiệm vụ.
Một yếu tố quan trọng khác đảm bảo cho công tác phối hợp đó chính là lòng tin và trách nhiệm của lãnh đạo chỉ huy đơn vị, của các cán bộ thuộc hai lực lượng. Do đó, mỗi cán bộ của Lực lượng Cảnh sát biển cũng như Hải quan cần nhận thức rõ trách nhiệm trong quá trình phối hợp thực hiện nhiệm vụ. Đồng thời không ngừng tăng cường các hoạt động phối hợp trên thực tế, từng bước xây dựng lòng tin giữa hai bên, góp phần thực hiện có hiệu quả các nội dung phối hợp mà Tổng cục Hải quan và Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển đã ký kết.