14/06/2018 08:46:00 AM
(Canhsatbien.vn) -
Sau gần 2 tháng, bằng nhiều chủ trương, biện pháp cụ thể, phù hợp, cùng với sự lãnh đạo, chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt, toàn diện, hiệu quả các mặt công tác của Đảng ủy, Thủ trưởng BTL Cảnh sát biển, việc điều tra, xác minh, xử lý vụ việc tàu Pacific Ocean và tàu vỏ sắt không số hiệu đã hoàn tất. BTL Cảnh sát biển đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 2 thuyền trưởng trên tàu Pacific Ocean và tàu không số. Tổng số tiền xử phạt là 137.500.000 đồng, tịch thu 4.979.926 lít nhiên liệu Diezen vận chuyển trên 2 tàu là tang vật vụ vi phạm để xử lý theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Lực lượng Cảnh sát biển dẫn giải tàu Pacific Ocean.
Trước đó, vào hồi 16 giờ 15 phút ngày 11/4/2018, tại khu vực biển cách Đông bắc Đèo Ngang 45 hải lý, thuộc vùng biển Việt Nam, Cảnh sát biển Việt Nam phát hiện, kiểm tra bắt quả tang tàu chở dầu Pacific Ocean cập mạn và sang mạn dầu cho 1 tàu không số hiệu có nguy cơ cao tràn dầu, ảnh hưởng môi trường. Cả 2 tàu không treo cờ quốc tịch; 2 tàu vận chuyển khoảng gần 5.000 tấn dầu, không có giấy tờ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa. Lực lượng chức năng BTL Cảnh sát biển đã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính và ra quyết định tạm giữ 2 tàu vi phạm để tiến hành điều tra, xác minh làm rõ vụ việc.
Đối với tàu không số hiệu: Đây là loại tàu vỏ sắt dùng để chở dầu, không có tên, không có số hiệu, trọng tải khoảng 250 tấn. Trên tàu có 3 thuyền viên (đều quốc tịch Trung Quốc), do ông Đặng Nhạc Dân (sinh năm 1989, trú tại Thị trấn Xa Bản, Thành phố Liêm Giang, Quảng Đông) phụ trách tàu. Các thuyền viên không có bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn theo quy định; không xuất trình được bất cứ giấy tờ để chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa (dầu DO) và phương tiện.
Đối với tàu Pacific Ocean: Tàu có sô IMO 9311268, quốc tịch Singapore, là tàu vận chuyển dầu chuyên dụng (chiều dài 105,32 m, chiều rộng 19 m, trọng tải 5.443 GT); trên tàu có 17 thuyền viên (14 người quốc tịch Indonexia, 2 người quốc tịch Myanma, 1 người quốc tịch Trung Quốc), do ông DARWIS BIN ASKIN (sinh năm 1980, quốc tịch Indonesia) làm thuyền trưởng. Tàu có đầy đủ hồ sơ tàu, có các giấy chứng nhận chứng minh tính hợp pháp của tàu theo quy định. Tất cả các thuyền viên đều có đầy đủ hộ chiếu, bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn thuyền viên theo quy định.
Ngay sau khi Cảnh sát biển Việt Nam tiến hành kiểm tra, bắt giữ, các thuyền viên tàu không số hiệu hợp tác rất tốt trong quá trình điều tra làm rõ vụ việc. Nhưng các thuyền viên tàu Pacific Ocean đã tỏ thái độ chống đối, không hợp tác và không chấp hành mệnh lệnh của Cảnh sát biển Việt Nam.
Nhận thấy vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp, liên quan đến yếu tố nước ngoài, giá trị hàng hóa đặc biệt lớn, nên từ thời điểm đầu bắt giữ và trong quá trình bắt giữ, xử lý vụ việc, Đảng ủy, Thủ trưởng BTL Cảnh sát biển đã lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, sâu sát diễn biến của vụ việc. BTL Cảnh sát biển đã tăng cường các đồng chí cán bộ dày dặn kinh nghiệm của Cục Nghiệp vụ và pháp luật, Phòng Quan hệ quốc tế tham gia trực tiếp, phối hợp với BTL Vùng Cảnh sát biển 2 nhanh chóng điều tra, xác minh làm rõ vụ việc. Mặt khác, BTL Cảnh sát biển đã chỉ đạo Cục Nghiệp vụ và pháp luật chủ động phối hợp chặt chẽ, xin ý kiến các cơ quan trong Bộ Quốc phòng và các cơ quan thuộc các bộ, ngành có liên quan để xử lý vụ việc.
Quá trình xử lý vụ việc, các đối tượng vi phạm liên tục cung cấp các tài liệu khác nhau nhằm chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa. Thuyền trưởng và thuyền viên luôn tỏ ra bất hợp tác với Cảnh sát biển. Họ dùng nhiều biện pháp, tài liệu thậm chí cả thủ đoạn như đưa ra các vấn đề liên quan đến thời tiết, vấn đề tự do đi lại trên vùng đặc quyền kinh tế, tự do vận chuyển hàng hóa trên biển… để che giấu hành vi vi phạm của mình. Mặt khác, khó khăn nhất của vụ việc là liên quan đến vấn đề đối ngoại, đặc biệt là công tác lãnh sự… Nên quá trình điều tra, xác minh, thu thập tài liệu chứng cứ diễn ra hết sức khó khăn, phức tạp, vừa phải đảm bảo chặt chẽ đúng quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế vừa phải đảm bảo được yếu tố chính trị ngoại giao giữa Việt Nam với các nước có liên quan như Singapore, Indonesia, Mianma và Trung Quốc.
Thông qua các biện pháp nghiệp vụ, mối quan hệ với Cảnh sát biển các nước để thu thập thêm thông tin về các đối tượng và xác minh các nội dung liên quan đến vụ việc cùng với sự phối hợp giúp đỡ của các cơ quan có liên quan trong quá trình điều tra, BTL Cảnh sát biển đã chỉ đạo BTL Vùng Cảnh sát biển 2 và tổ công tác triển khai nhiều biện pháp nghiệp vụ sắc bén, linh hoạt đấu tranh không khoan nhượng với các đối tượng vi phạm, buộc các đối tượng phải thừa nhận sai phạm và ký vào biên bản vi phạm.
Thuyền trưởng tàu Pacific Ocean ký vào biên bản vi phạm.
Ngày 3/6/2018, Thiếu tướng Nguyễn Văn Sơn - Phụ trách Tư lệnh Cảnh sát biển đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 2 thuyền trưởng trên 2 tàu Pacific Ocean và tàu không số. Tổng số tiền xử phạt là 137.500.000 đồng; tịch thu 4.979.926 lít nhiên liệu Diezen vận chuyển trên 2 tàu là tang vật vụ vi phạm để xử lý theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Tống đạt các quyết định xử phạt đối với tàu Pacific Ocean.
Sau khi thực hiện xong các quyết định xử phạt, ngày 10/6/2018, Cảnh sát biển Việt Nam đã tổ chức dẫn giải, bàn giao tàu không số hiệu và thuyền viên trên tàu cho Cảnh sát biển Trung Quốc tại đường phân định Vịnh Bắc Bộ Việt Nam – Trung Quốc để tiếp tục xử lý theo pháp luật Trung Quốc. Đối với tàu Pacific Ocean, ngày 13/6/2018, Cảnh sát biển Việt Nam đã tổ chức dẫn giải tàu Pacific Ocean và các thuyền viên trên tàu ra khỏi lãnh hải Việt Nam.
Đặc biệt, đây là lần thứ hai tàu Pacific Ocean bị BTL Cảnh sát biển biển xử lý vi phạm pháp luật trên vùng biển Việt Nam.
Như vậy, trong thời gian 6 tháng đầu năm 2018, các đơn vị của BTL Cảnh sát biển đã tiến hành bắt giữ nhiều vụ vận chuyển, buôn bán dầu trái phép trên vùng biển, với số lượng lớn phương tiện và số dầu lên tới hơn 16 triệu lít dầu DO. Đó là kết quả của công tác lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, kịp thời; bám, nắm chắc địa bàn, phát huy tốt thế trận an ninh nhân dân trên biển; tinh thần khắc phục khó khăn, nguy hiểm, kiên quyết đấu tranh chống vi phạm, tội phạm của BTL Cảnh sát biển Việt Nam. Những thành tích đó đã góp phần giữ vững chủ quyền, an ninh, trật tự, an toàn trên các vùng biển, đồng thời còn góp phần bảo đảm an ninh kinh tế, tạo môi trường phát triển kinh tế lành mạnh và tránh thất thu thuế lớn cho Nhà nước.
Giang Đông – Nam Trung