12/08/2015 10:54:00 PM
(Canhsatbien.vn) -
Ngày 21/6/2012, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật Biển với với 99,2% số đại biểu tán thành. Luật Biển Việt Nam gồm 7 chương, 55 Điều và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2013. Luật Biển Việt Nam ra đời trong bối cảnh hiện nay có ý nghĩa và vai trò quan trọng.
Trước đây, chúng ta đã có một số văn bản pháp luật quy định về một số khía cạnh liên quan đến biển như: Tuyên bố ngày 12/5/1977 của Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam; Tuyên bố ngày 12/11/1982 của Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam; Nghị định 30/CP ngày 29/1/1980 về quy chế cho tàu thuyền nước ngoài hoạt động trên các vùng biển của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Nghị định 55/CP ngày 1/10/1996 về hoạt động của tàu quân sự nước ngoài vào thăm nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Nghị định số 161/2003/NĐ-CP ngày 18/12/2003 của Chính phủ về Quy chế khu vực biên giới biển; Thông tư số 60/TTg ngày 19/2/1980 của Thủ tướng Chính phủ hướng dẫn việc thực hiện Nghị định ban hành quy chế cho tàu thuyền nước ngoài hoạt động trên các vùng biển của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Luật biên giới quốc gia năm 2003; Luật thủy sản năm 2003; Bộ luật Hàng hải năm 2005... Tất cả các văn bản pháp lý này, cùng với Luật Biển Việt Nam đều khẳng định: Việt Nam có chủ quyền đầy đủ và toàn vẹn trong vùng nội thủy, lãnh hải; có quyền chủ quyền tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa; hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là lãnh thổ không thể tách rời của Việt Nam...
Tuy nhiên, so với các văn bản pháp luật có nội dung liên quan đến biển nêu trên, Luật Biển Việt Nam có một số điểm mới quan trọng cần phải nghiên cứu, chỉ rõ là:
Thứ nhất: Luật biển Việt Nam quy định một cách đầy đủ hơn về phạm vi, chế độ pháp lý của các vùng biển, thềm lục địa Việt Nam, phù hợp với quy định tương ứng trong Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.
Việt Nam gia nhập UNCLOS 1982 và tham gia ký kết DOC 2002 đã thể hiện được vai trò, tiếng nói của Việt Nam trong đời sống chính trị - pháp lý quốc tế. Việc Quốc hội thông qua Luật Biển phù hợp với các quy định của UNCLOS 1982 và DOC 2002, một lần nữa đã khẳng định Việt Nam là một trong những thành viên tích cực của UNCLOS 1982 và DOC 2002. Điều này sẽ giúp cho Việt Nam nhận được sự ủng hộ của bạn bè quốc tế khi giải quyết các tranh chấp liên quan đến biển. Sức mạnh của dư luận quốc tế được coi là “vũ khí mềm” vô cùng quan trọng mà một nước nhỏ như Việt Nam cần phải tranh thủ.
Thứ hai: Luật biển Việt Nam quy định rõ về quyền tự do hàng hải, hàng không trên vùng nội thủy, lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam.
Luật Biển Việt Nam năm 2012 ngay tại Điều 1 đã quy định: “Luật này quy định về đường cơ sở, nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa, các đảo, quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa và quần đảo khác thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam”. Mặc dù nội dung khẳng định này không phải là mới, nó đã được nhắc đến nhiều lần trong các văn kiện pháp lý trước đó và trong các Tuyên bố ngoại giao của Việt Nam. Tuy nhiên, khẳng định này vẫn thật sự có ý nghĩa và không thể thiếu trong một văn bản có giá trị pháp lý cao như luật; đồng thời nó củng cố thêm chứng cứ pháp lý cho Việt Nam khi xây dựng một bộ hồ sơ pháp lý đấu tranh bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa. Tính đến thời điểm hiện nay, một số vùng biển Việt Nam chưa được xác định rõ, cụ thể:
- Nội thủy, lãnh hải, đặc quyền kinh tế, thềm lục địa trong Vịnh Bắc Bộ chưa được xác định do hệ thống đường cơ sở của Việt Nam mới chỉ xác định đến cửa Vịnh. Theo Hiệp định phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa trong Vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam và CHND Trung Hoa ngày 25/12/2000, đường phân định trong Vịnh Bắc Bộ và đường cửa vịnh đã được xác lập. Tuy nhiên, đường phân định trong Vịnh Bắc Bộ chỉ là đường phân định lãnh hải (các điểm từ 1-9) hoặc đường phân định vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa (các điểm từ 9-21) giữa hai nước. Do vậy, trong thời gian tới, chúng ta sẽ phải xác lập hệ thống đường cơ sở trong Vịnh để xác lập các vùng biển khác. Nhiều ý kiến cho rằng điều này là không cần thiết vì giữa Việt Nam và Trung Quốc đã có hiệp định phân định biển. Tuy nhiên, nhận định này không chính xác, mặc dù trong Vịnh Bắc Bộ đã có hiệp định phân định, song vẫn rất cần xác định các ranh giới các vùng biển trong Vịnh, bởi mỗi vùng biển có quy chế pháp lý khác nhau và cần áp dụng một quy chế quản lý phù hợp. Sự ra đời của Luật Biển với một chương riêng quy định về các vùng biển sẽ là cơ sở pháp lý để xác định các vùng biển trong Vịnh thời gian tới.
- Vùng thềm lục địa chồng lấn giữa Việt Nam và Malaysia rộng gần 3.000km2. Giữa hai nước chưa giải quyết phân định vùng chồng lấn này mà sau cuộc đàm phán cấp Thứ trưởng ngoại giao, ngày 5/6/1992, hai bên đã ký được Bản thỏa thuận hợp tác thăm dò, khai thác tài nguyên chung ở vùng chồng lấn - đây được xem là giải pháp khai thác chung mang tính dàn xếp tạm thời để xoa dịu những bất đồng, tranh chấp trước mắt. Với việc thông qua Luật Biển, trong tương lai, Việt Nam sẽ có thêm cơ sở pháp lý để tiến hành phân định dứt điểm phần thềm lục địa chồng lấn giữa hai nước. Việc phân định này cần dựa trên nguyên tắc công bằng đã được ghi nhận tại UNCLOS 1982 và Luật Biển Việt Nam năm 2012.
Thứ ba: Luật biển Việt Nam quy định chi tiết về việc đi qua không gây hại của tàu thuyền nước ngoài trong lãnh hải Việt Nam.
Với quy định này của Luật biển Việt Nam, ta đã bỏ quy định trước đây yêu cầu tàu quân sự nước ngoài phải xin phép trước khi vào vùng tiếp giáp lãnh hải của Việt Nam.
Thứ tư: Luật Biển Việt Nam quy định các nguyên tắc lớn về giải quyết tranh chấp liên quan đến biển, đảo với các nước, hợp tác quốc tế về biển, quản lý và bảo vệ biển, phát triển kinh tế biển, tuần tra kiểm soát trên biển.
Các quy định này một mặt khẳng định lại chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta trong giải quyết tranh chấp về biển, đảo, đồng thời tạo khung pháp lý quan trọng để triển khai các công tác quản lý, bảo vệ biển và phát triển kinh tế biển, góp phần thực hiện nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn hiện nay.
Thứ năm: Luật Biển nước ta đưa ra chiến lược thúc đẩy sự phát triển kinh tế biển, đảo Việt Nam. Luật Biển Việt Nam được thông qua với các quy định tại Chương IV thật sự đã tạo ra bước ngoặt cho nền kinh tế biển Việt Nam.
Luật đã đề ra các nguyên tắc phát triển kinh tế biển; định hướng các ngành kinh tế biển được Nhà nước ưu tiên; nguyên tắc xây dựng quy hoạch phát triển kinh tế biển; khuyến khích, ưu đãi đầu tư phát triển kinh tế trên các đảo và hoạt động trên biển. Những quy định mang tính chất định hướng vừa nêu của Luật Biển, cùng với Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 là động lực để Việt Nam phấn đấu trở thành quốc gia “giàu từ biển, mạnh lên từ biển”.
Thứ sáu: Thông qua Luật Biển ở thời điểm hiện tại góp phần nâng cao hiệu quả quản lý biển, đảm bảo an toàn, an ninh trên biển.
Luật Biển Việt Nam với một chương riêng quy định về tuần tra, kiểm soát trên biển, nêu rõ lực lượng tuần tra, kiểm soát trên biển bao gồm: các lực lượng có thẩm quyền thuộc Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, các lực lượng tuần tra, kiểm sát chuyên ngành khác. Bên cạnh đó, Luật còn quy định cụ thể nhiệm vụ của lực lượng này. Đây là cơ sở quan trọng góp phần ngăn chặn mọi hành vi của lực lượng thù địch, bảo vệ toàn vẹn chủ quyền, an ninh quốc gia trên biển.
Như vậy, có thể khẳng định, Luật Biển Việt Nam ra đời trong bối cảnh hiện nay là một căn cứ pháp lí quan trọng, tiếp tục góp phần cũng cố, thể hiện sự tuyên bố mạnh mẽ trong bảo vệ chủ quyền ANQG trên biển Việt Nam. Đồng thời, đây cũng là một bước đi đúng đắn, phù hợp với Luật pháp quốc tế giúp giải quyết vấn đề Biển Đông đang nóng bỏng trở nên hài hòa, cân đối dựa trên cơ sở pháp luật, không chỉ đảm bảo lợi ích quốc gia của Việt Nam mà còn là căn cứ xác định chi tiết, cụ thể về quyền, nghĩa vụ pháp lí trên Biển Đông của các dân tộc trong khu vực và thế giới.
Trung Kiên