13/06/2016 06:53:00 PM
(Canhsatbien.vn) -
Để đáp ứng yêu cầu quản lý, khai thác, làm chủ vũ khí trang bị kỹ thuật (VKTBKT), nhất là VKTBKT có ứng dụng công nghệ cao cho thực hiện nhiệm vụ và đáp ứng yêu cầu tiến lên hiện đại của Lực lượng CSB thì việc xây dựng đội ngũ nhân viên kỹ thuật vừa hồng vừa chuyên là vấn đề quan trọng, cấp bách hiện nay; trong đó, công tác bồi dưỡng, thi nâng bậc thợ kỹ thuật là một nội dung chính.
công tác bồi dưỡng, thi nâng bậc thợ kỹ thuật được tổ chức thực hiện dưới sự lãnh đạo, chỉ huy của Đảng ủy, thủ trưởng các đơn vị và sự chỉ đạo của cơ quan kỹ thuật cấp trên. Thi nâng bậc thợ kỹ thuật nhằm đánh giá đúng trình độ lý thuyết và tay nghề bậc thợ kỹ thuật của đội ngũ nhân viên kỹ thuật (NVKT), làm cơ sở xét nâng bậc thợ, nâng bậc lương theo quy định hiện hành của Nhà nước và Quân đội; đồng thời nhằm khuyến khích đội ngũ NVKT tích cực học tập, rèn luyện tay nghề không ngừng nâng cao trình độ nghề nghiệp, đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của nhiệm vụ công tác kỹ thuật.
Những năm qua, yêu cầu nhiệm vụ của Lực lượng ngày càng nặng nề (nhất là các nhiệm vụ đột xuất như CH, HĐ, cứu hộ cứu nạn,...), rất nhiều nhiệm vụ trùng với thời gian thi nâng bậc thợ kỹ thuật. Đồng thời, các năm gần đây, Lực lượng CSB có sự phát triển mạnh mẽ về tàu, xuồng, VKTBKT mới, hiện đại; trong khi tổ chức, biên chế ngành kỹ thuật ở các đơn vị còn thiếu nhiều, chưa theo kịp sự phát triển của Lực lượng; điều kiện đảm bảo về cơ sở vật chất cho ôn luyện, nhất là về thực hành còn rất nhiều khó khăn. Song các cơ quan, đơn vị đã chủ động khắc phục khó khăn, với phương châm “Cơ bản, thiết thực, vững chắc”, đã hướng dẫn ôn luyện cho các thí sinh theo đúng hướng dẫn của các chuyên ngành, cơ bản sát với VKTBKT của Lực lượng. Các thí sinh đã có nhiều cố gắng, nỗ lực bố trí thời gian ôn luyện, học tập với quyết tâm giành kết quả cao trong kỳ thi, cơ bản đã nắm được kiến thức và đạt trình độ theo tiêu chí từng bậc thợ của các chuyên ngành.
Đặc biệt, từ năm 2013, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển (BTL CSB) giao nhiệm vụ cho các BTL Vùng CSB chủ trì tổ chức thi nâng bậc thợ kỹ thuật bậc thấp theo các khu vực, đồng thời tăng cường công tác hướng dẫn, chỉ đạo, chuẩn bị ngân hàng đề thi, đáp án và cử cán bộ theo dõi giám sát tại các khu vực. Các BTL Vùng CSB đã quán triệt, triển khai nghiêm túc các nội dung theo quy chế, từ công tác chuẩn bị (hướng dẫn, rà soát, tổ chức ôn luyện,...), đến công tác tổ chức (thành lập Hội đồng, Ban Tổ chức, Ban Giám khảo, tiếp nhận thí sinh các đơn vị, chuẩn bị cơ sở vật chất, tổ chức coi thi chấm thi, cáo cáo, rút kinh nghiệm,...), bảo đảm an toàn tuyệt đối. Càng những năm về sau thì công tác phối hợp giữa các cơ quan đơn vị cũng như công tác chuẩn bị, tổ chức ngày càng tốt lên.
Kiểm tra tay nghề thợ sửa chữa kỹ thuật tại trạm sửa chữa của BTL Vùng CSB 1. (Ảnh: Liên Nhâm)
Tuy nhiên, cũng còn một số tồn tại hạn chế cần thẳng thắn nhìn nhận và rút kinh nghiệm, đó là: Việc nghiên cứu nắm quy chế và các văn bản liên quan của một số cán bộ ở đơn vị chưa chắc, kinh nghiệm còn hạn chế trong hướng dẫn, rà soát, phối hợp, tổ chức thực hiện công tác thi bậc thợ. Công tác theo dõi, đăng ký thống kê về bậc thợ của đội ngũ nhân viên kỹ thuật (NVKT) có đơn vị, chuyên ngành còn chưa chặt chẽ (nhất là bậc thợ đang giữ, bậc lương đang hưởng, năm nhận,...), do đó khó khăn trong công tác rà soát, tổng hợp đề nghị danh sách thi hàng năm. Công tác thống kê, theo dõi việc thi trả bậc của các đối tượng hàng năm có đơn vị chưa sát thực (còn nhiều trường hợp đến niên hạn trả bậc, song đơn vị vẫn cử đi biển, đi công tác theo yêu cầu nhiệm vụ). Các trang thiết bị phục vụ thi thực hành cơ bản là ở tàu (do chủ yếu là thợ vận hành), trong khi tàu đang trong thạng thái SSCĐ, nên không thể bảo đảm cho thực hành chuyên sâu và chỉ thực hiện trong thời gian ngắn; việc khai thác trang bị công nghệ trạm xưởng phục vụ cho thực hành còn hạn chế. Kết quả thi chuyên ngành đạt loại Giỏi còn thấp, chứng tỏ đội ngũ NVKT có trình độ chuyên sâu, làm mũi nhọn, nòng cốt tại đơn vị chưa mạnh.
Để công tác thi nâng bậc thợ kỹ thuật ngày càng đi vào nền nếp, thiết thực, hiệu quả, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:
Một là, Lãnh đạo, chỉ huy các cấp phải thực sự coi trọng, quan tâm hơn nữa đến công tác thi nâng bậc thợ hàng năm. Lực lượng CSB đã, đang và tiếp tục được trang bị nhiều VKTBKT hiện đại; việc khai thác, sử dụng hiệu quả, phát huy tính năng kỹ chiến thuật, làm chủ VKTBKT có vai trò quan trọng góp phần hoàn thành chức năng, nhiệm vụ của toàn lực lượng nói chung, các đơn vị nói riêng; trong khi đội ngũ NVKT là những người trực tiếp khai thác sử dụng VKTBKT; do đó công tác huấn luyện kỹ thuật có vị trí hết sức quan trọng và thi nâng bậc thợ kỹ thuật là một nội dung chính trong công tác huấn luyện kỹ thuật hàng năm. Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo đối với thi bậc thợ kỹ thuật chính là xây dựng đội ngũ NVKT vừa hồng, vừa chuyên theo đúng quan điểm “con người là yếu tố quyết định”.
Hai là, Thường xuyên làm tốt công tác quản lý, thống kê, rà soát, đề nghị thi nâng bậc thợ hàng năm. Việc quản lý, thống kê bậc thợ chặt chẽ không những thuận lợi cho rà soát đề nghị của đơn vị, mà còn để nắm chắc bậc thợ của từng NVKT, đối chiếu so sánh tiêu chuẩn bậc thợ làm cơ sở để huấn luyện, bồi dưỡng, sử dụng đội ngũ NVKT đúng khả năng, đúng người, đúng việc nhằm phát huy hiệu quả công tác. Việc quản lý phải bằng cả hồ sơ sổ sách, văn bản (cơ sở pháp lý), bằng cả phần mềm quản lý (thuận tiện cho tìm kiếm, truy xuất thông tin). Đồng thời, ngoài việc quản lý chung ở đơn vị, các chuyên ngành cũng phải quản lý về bậc thợ đối với NVKT chuyên ngành mình và tham gia rà soát, đề nghị.
Ba là, Tăng cường công tác nghiên cứu các văn bản quy định làm cơ sở hướng dẫn, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác thi bậc thợ. Hiện nay, trong toàn Quân đang áp dụng Quy chế 181 (ban hành kèm theo Quyết định số 181/2008/ QĐ-BQP ngày 25/12/2008 của Bộ Quốc phòng); ngoài ra còn có Nghị định số 204/2004/NĐ- CP về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang; Thông tư số 65/2014/TT-BQP ngày 13/6/2014 về hướng dẫn thực hiện chế độ nâng bậc lương thường xuyên và nâng lương trước thời hạn đối với QNCN và công nhân viên chức quốc phòng hưởng lương từ ngân sách Nhà nước; các văn bản hướng dẫn của BTL CSB;.... Việc nâng bậc thợ kỹ thuật gắn bó chặt chẽ với nâng bậc lương, do đó nắm chắc các văn bản quy định mới giúp rà soát chính xác bậc thợ, bậc lương theo đúng tiêu chuẩn chế độ và bảo đảm quyền lợi cho đội ngũ NVKT.
Bốn là, Làm tốt công tác phối hợp, hiệp đồng trong tổ chức thi nâng bậc thợ kỹ thuật. Đối tượng thi nâng bậc thợ kỹ thuật hàng năm rất đa dạng về ngành nghề và phân bố ở tất cả các đơn vị; đặc biệt về thợ bậc cao do các chuyên ngành kỹ thuật toàn quân (hoặc ủy quyền cho một số đơn vị) chủ trì tổ chức theo khu vực. Hiện nay, CSB chưa được ủy quyền tổ chức thi thợ bậc cao; mặt khác, bậc thợ (do cơ quan kỹ thuật, các chuyên ngành, các đơn vị chủ trì) và bậc lương (do cơ quan quân lực chủ trì) gắn bó chặt chẽ với nhau. Vì vậy, chỉ khi phối hợp tốt giữa các cơ quan đơn vị với Hội đồng thi các khu vực mới làm tốt công tác rà soát, đề nghị, hướng dẫn ôn luyện, tổ chức thi bậc thợ hàng năm. Ngoài ra, với các chuyên ngành đặc thù như: Cơ yếu, CNTT, Thông tin bờ, Trinh sát kỹ thuật, Xe - máy,... rất cần bám nắm cơ quan nghiệp vụ cấp trên để tổ chức thi bậc thợ chặt chẽ, đúng quy định của chuyên ngành.
Năm là, Cần thiết phải xây dựng Tiêu chuẩn bậc thợ riêng cho LL CSB, đề xuất trên ủy quyền cho BTL CSB tổ chức thi thợ bậc cao. Hiện nay, ngoài một số chuyên ngành, thì về cơ bản tiêu chuẩn bậc thợ kỹ thuật của CSB đang vận dụng linh hoạt tiêu chuẩn bậc thợ kỹ thuật Hải quân. Việc vận dụng này chưa sát với đặc thù VKTBKT của CSB và thợ kỹ thuật CSB cơ bản là thợ khai thác vận hành. Nhất là đối với thợ bậc cao (phải ôn tập, thi theo nội dung hướng dẫn của Hội đồng thi thợ bậc cao các khu vực) thì các nội dung về chuyên môn càng không sát. Do đó việc xây dựng, ban hành tiêu chuẩn bậc thợ riêng cho CSB và tiếp tục đề nghị được trên ủy quyền cho BTL CSB tự tổ chức thi thợ bậc cao là rất cần thiết; đồng thời bảo đảm tính chủ động, hiệu quả của công tác thi nâng bậc thợ kỹ thuật.
Sáu là, Phải xây dựng ngân hàng đề thi, đáp án cho từng khung bậc thợ của từng chuyên ngành và ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong công tác thi bậc thợ. Làm tốt việc này không những thuận lợi cho công tác ra đề, chấm thi hàng năm theo tiêu chuẩn; giúp đội ngũ NVKT có cơ sở để ôn luyện, tích lũy kiến thức chuyên môn thường xuyên; đội ngũ cán bộ kỹ thuật củng cố kiến thức chuyên môn, thuận lợi cho quản lý, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các mặt công tác kỹ thuật góp phần hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị.
Bảy là, Gắn chặt công tác thi bậc thợ kỹ thuật với công tác huấn luyện kỹ thuật thường xuyên; các hội thi, hội thao; các hoạt động khoa học công nghệ, đề tài nghiên cứu, sáng kiến cải tiến kỹ thuật và phát huy công năng trạm xưởng. Việc kết hợp này nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng hiệu quả công tác huấn luyện thường xuyên, sát với trình độ chuyên môn từng nhân viên kỹ thuật; đồng thời xây dựng đội ngũ NVKT có trình độ chuyên môn cơ bản, toàn diện; tạo ra nhiều sản phẩm thiết thực, ứng dụng hiệu quả trong công tác bảo đảm kỹ thuật trong toàn lực lượng.
Tóm lại, công tác huấn luyện nói chung, công tác thi nâng bậc thợ nói riêng có vai trò rất quan trọng và cần thiết; là đòi hỏi khách quan và cần sự vào cuộc đồng bộ của tất cả các cấp các ngành, để xây dựng được đội ngũ NVKT - một lực lượng đông đảo, trực tiếp khai thác, sử dụng, làm chủ VKTBKT có năng lực toàn diện, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và yêu cầu phát triển, tiến lên hiện đại của Lực lượng CSB và góp phần hoàn thành chức năng, nhiệm vụ được giao trong mọi tình huống./.
Nguyễn Ngọc Khuê