09/09/2013 03:46:00 PM
(Canhsatbien.vn) -
Là một ngư dân ở ở xã An Vĩnh, huyện Lý Sơn, Quảng Ngãi, hiện là Phó Chủ tịch nghiệp đoàn nghề cá xã An Vĩnh, huyện đảo Lý Sơn, từng tham gia khóa học nghề thuyền trưởng tàu cá hạng 4 do Trung tâm dạy nghề - Giáo dục thường xuyên và Hướng nghiệp huyện Bình Xuyên liên kết với Viện Khoa học& Công nghệ khai thác thủy sản- Đại học Nha Trang mở tại Lý Sơn ông Lê Khuân, SN 1956 đã chia sẻ: "Bao đời nay, đánh bắt hải sản là nghề mưu sinh của ngư dân. Song do điều kiện, ngư dân chúng tôi hành nghề chủ yếu theo kinh nghiệm, chưa có kiến thức khoa học về khai thác, đánh bắt hải sản một cách bài bản, chưa biết cách quản lý tàu và nhiên liệu, khai thác, đánh bắt và bảo quản thủy sản chưa đúng cách, không biết sửa chữa máy móc khi hỏng hóc nên đánh bắt kém hiệu quả, tổn thất nhiều chi phí làm giảm thu nhập. Cũng một phần do hiểu biết pháp luật Nhà nước, Quốc tế về Luật biển và các Quy định khi hành nghề trên biển của ngư dân hết sức hạn chế nên chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn, thiệt hại về người và tài sản.
Đội thuyền đánh cá của ngư dân đảo Lý Sơn. (ảnh: TT)
Ông Khuân theo học lớp dạy nghề thuyền trưởng và máy trưởng tàu cá hạng tư do Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ngãi phối hợp với huyện đảo Lý Sơn, Trung tâm Dạy nghề- Giáo dục thường xuyên và Hướng nghiệp huyện Bình Xuyên và Viện Khoa học& Công nghệ khai thác thủy sản- Đại học Nha Trang mở tại đảo Lý Sơn. Ông cùng 210 ngư dân khác trong huyện, đã được học trang bị kiến thức về quản lý, điều hành, khai thác tàu an toàn, đúng luật và hiệu quả; chỉ huy thuyền viên trên tàu trong khai thác hàng hải, quản lý bộ phận máy; bảo quản an toàn sản phẩm sau thu hoạch; quản lý nhiên liệu, bảo dưỡng, sửa chữa máy móc; và kiến thức pháp luật khi hành nghề trên biển….
Đoàn viên Nghiệp đoàn Nghề cá tại xã An Hải, Lý Sơn, chuẩn bị ra khơi. (ảnh: thanhnien)
Chính nhờ được trang bị những kiến thức này đầu năm 2013, ngư dân Lý Sơn với các thuyền máy lớn đã ra được Trường Sa, Hoàng Sa. Các thuyền trưởng, máy trưởng đã có những kiến thức cơ bản, hết sức cần thiết, giúp họ quản lý, tổ chức hoạt động trên tàu một cách ổn định, có nề nếp bài bản, biết đoàn kết giúp đỡ nhau trong khi hành nghề, chủ động khắc phục những sự cố trên biển, hạn chế được rủi ro, thiệt hại, bảo quản tốt sản phẩm, không gây hại cho người tiêu dùng. Qua khảo sát sơ bộ, chi phí đánh bắt từ đầu năm đến nay sau mỗi chuyến đi biển, mỗi tàu tiết kiệm được 15-20% chi phí, trong đó riêng nhiên liệu khoảng 5-8 triệu đồng. Do vậy, thu nhập của những ngư dân như ông Khuân cũng tăng lên đáng kể. Ngư dân thực sự phấn khởi. Những kiến thức được học tập đã thực sự giúp ngư dân tự chủ vươn khơi, tự tin khẳng định vị thế, chủ quyền biển đảo của Việt Nam.
Hiện nay, tại đảo Lý Sơn có khoảng 2.000 ngư dân với hơn 400 tàu công suất từ 350CV trở lên thường xuyên đánh bắt ở Hoàng Sa và Trường Sa. Ngoài việc đem về nguồn lợi thủy sản, lực lượng lao động này còn góp phần bảo vệ chủ quyền an ninh, biên giới biển đảo. Khoảng 5 năm trở lại đây, ngư dân Lý Sơn gặp nhiều khó khăn, thường xuyên phải đối mặt và ứng phó với các hành động ngang ngược của phía nước ngoài. Nhưng ngư dân Lý Sơn, điển hình là tấm gương như ngư dân Lê Khuân vẫn quyết bám biển, bám Trường Sa và Hoàng Sa. Họ coi đây như "một phần máu thịt của bà con, nơi bao thế hệ con em Lý Sơn trong đội hùng binh Bắc Hải năm xưa vĩnh viễn nằm lại", ông Lê Khuân khẳng định.
Mai Anh - Bình Minh