Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Định chú trọng đảm bảo thông tin tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn trên biển

12/08/2013 03:44:00 PM

(Canhsatbien.vn) - 

Bình Định có trên 7.500 tàu, thuyền, trong đó có trên 2.100 tàu có công suất lớn chuyên đi đánh bắt thủy sản xa bờ từ vịnh Bắc Bộ đến Tây Nam Bộ, Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng biển tiếp giáp với các nước trong khu vực. Với số lượng tàu thuyền hoạt động đều khắp như vậy thì các thiệt hại về người và tài sản do thiên tai hoặc sự cố, tai nạn gây ra trên biển hàng năm cho ngư dân là khó tránh khỏi. Nhằm góp phần hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của ngư dân hành nghề trên biển, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Bình Định luôn có nhiều biện pháp sáng tạo đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động trên biển.

Nhân viên thông tin liên lạc của BĐBP tỉnh Bình Định trực canh tại Trạm trực canh tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn.

Theo số liệu thông kê của các cơ quan chức năng, hàng năm các tỉnh duyên hải miền Trung phải hứng chịu trên 10 cơn bão và áp thấp nhiệt đới. Điều đó cho thấy cộng đồng cư dân ven biển nói chung, bà con ngư dân hành nghề khai thác đánh bắt thủy sản trên biển nói riêng, đặc biệt là ngư dân đánh bắt xa bờ luôn phải chịu nhiều rủi ro, tổn thất nặng nề về người và tài sản. Cùng với những ảnh hưởng về thiên tai, vấn đề tai nạn trên biển cũng gây thiệt hại không kém. Thời gian qua, BĐBP và các cơ quan chức năng đã có nhiều nỗ lực giúp đỡ ứng cứu các vụ tai nạn của ngư dân trên biển, hạn chế được nhiều thiệt hại cho ngư dân. Tiêu biểu như vụ tàu cá BĐ 95418 TS cùng 12 lao động trên tàu do tài công Trần Xuân Bình điều khiển đi đánh bắt cá ở vùng biển quanh khu vực đảo Trường Sa, ngày về, tàu gãy trục chân vịt và bị trôi dạt. Cùng lúc đó, lương thực, thực phẩm trên tàu cũng đã cạn. Nhận được thông tin từ tàu cá BĐ 95418 TS qua hệ thống thông tin liên lạc ICOM, BĐBP tỉnh Bình Định đã đưa tàu tuần tra BP 320403 thực hiện công tác tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn và đã lai dắt tàu bị nạn vào bờ an toàn.

Bài học kinh nghiệm từ công tác cứu hộ, cứu nạn cho thấy, ngoài việc chuẩn bị tốt về phương tiện, thì công tác đảm bảo thông tin liên lạc có vai trò hết sức quan trọng trong công tác cứu hộ, cứu nạn. Nhận thức được tầm quan trọng đó, những năm qua, BĐBP tỉnh Bình Định đã được đầu tư đáng kể về hệ thống thông tin liên lạc. Hiện tại, BĐBP tỉnh Bình Định đang quản lý 4 trạm thông tin liên lạc tại Sở Chỉ huy và Đồn Biên phòng Tam Quan Nam, Đồn Biên phòng Đề Gi và Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Quy Nhơn. Các trạm thông tin liên lạc này luôn hoạt động 24/24 giờ trong ngày. Bên cạnh đầu tư về trang thiết bị, đội ngũ cán bộ, nhân viên phụ trách cũng được đào tạo bài bản, đảm bảo tiếp nhận thông tin từ ngư dân và hỗ trợ ứng cứu kịp thời, hạn chế đến mức thấp nhất những tổn thất của ngư dân.

Trung tá Huỳnh Kim Chất, Chủ nhiệm Thông tin, BĐBP tỉnh Bình Định cho biết: Bên cạnh sự nỗ lực của các cơ quan chức năng, ngư dân cũng ý thức rằng khi ra khơi, hệ thống thông tin liên lạc có ý nghĩa hết sức quan trọng, nên đã tự trang bị cho tàu cá của mình hệ thống thông tin liên lạc như máy ICOM, thiết bị định vị qua vệ tinh Movimar. Nhờ đó, trong những chuyến đánh bắt dài ngày trên biển, tàu cá của ngư dân đảm bảo được thông tin liên lạc cần thiết với đất liền, kịp thời ứng phó với diễn biến phức tạp của thời tiết. Việc trang bị hệ thống thông tin liên lạc hiện đại cho các tàu đánh bắt xa bờ không chỉ giúp cho cơ quan chức năng quản lý và hỗ trợ ngư dân tốt hơn, mà còn mang lại nhiều lợi ích cho ngư dân, nhất là trong việc cứu hộ, cứu nạn trên biển và thông tin về ngư trường trong quá trình sản xuất trên biển, đồng thời góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Một nhiệm vụ quan trọng nữa, được BĐBP tỉnh Bình Định chú trọng thực hiện là tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai; vận động ngư dân thành lập các tổ đoàn kết sản xuất trên biển và hoạt động sản xuất theo tổ, đội để kịp thời giúp đỡ, hỗ trợ nhau khi gặp rủi ro, thiên tai trên biển. Ngoài ra, để đảm bảo an toàn cho người và tàu cá khi ra khơi, BĐBP còn tổ chức kiểm tra chặt chẽ các thiết bị an toàn, kiên quyết không cho ra khơi những phương tiện thiếu các loại giấy tờ cần thiết như giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá và giấy khai thác thủy sản, hoặc không trang bị đầy đủ các trang thiết bị thông tin liên lạc, cứu sinh, chống đắm, chống thủng theo quy định.

Những hoạt động của BĐBP tỉnh Bình Định đã góp phần giảm thiểu thiệt hại cho ngư dân, làm chỗ dựa vững chắc cho bà con yên tâm bám biển phát triển sản xuất, khẳng định và bảo vệ chủ quyền trên các vùng biển, đảo của Tổ quốc.

Công Cường

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục gửi về banbientapcsb@gmail.com