Học tập phong cách làm việc Hồ Chí Minh

12/07/2017 08:06:00 AM

(Canhsatbien.vn) - 

Hiện nay, toàn Đảng, toàn dân ta đang đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với trách nhiệm cao và tình cảm sâu sắc; trong đó, sửa đổi lối làm việc theo phong cách Bác là vấn đề cơ bản, cấp thiết.

Phong cách làm việc của Hồ Chí Minh rất toàn diện, song có thể thấy trên những đặc trưng chủ yếu sau:

Phong cách làm việc từ quần chúng, vì quần chúng. Theo Người: “Bao nhiêu cách tổ chức và cách làm việc, đều vì lợi ích của quần chúng, vì cần cho quần chúng. Vì vậy, cách tổ chức và cách làm việc nào không hợp với quần chúng thì ta phải có gan đề nghị lên cấp trên để bỏ đi hoặc sửa lại. Cách nào hợp với quần chúng, quần chúng cần, thì dù chưa có sẵn, ta phải đề nghị lên cấp trên mà đặt ra. Nếu cần làm thì cứ đặt ra, rồi báo cáo sau, miễn là được việc”1; “Cách làm việc, cách tổ chức,... của chúng ta đều phải lấy câu này làm khuôn phép: Từ trong quần chúng ra. Về sâu trong quần chúng”2. Theo đó, Bác luôn nhắc nhở cán bộ cần học hỏi quần chúng nhưng không theo đuôi quần chúng, tránh việc quần chúng nói gì ta cũng nghe, cũng quyết định và nhắm mắt làm theo. Vì thế, học tập phong cách làm việc của Bác là người cán bộ phải thực sự hòa mình với quần chúng, lắng nghe, thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng chính đáng của quần chúng; đồng thời, phải nắm chắc đặc điểm, tình hình, điều kiện của cơ quan, đơn vị mình để giải quyết cho thấu tình, đạt lý và có biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức quần chúng sát, đúng, tránh sa vào quan liêu, mệnh lệnh, áp đặt, hành chính.

 Phong cách dân chủ, tuân thủ quyết định của tập thể là một điểm nổi bật trong phong cách làm việc Hồ Chí Minh. Người cho rằng, thực hành dân chủ là luôn tuân thủ nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, phân công cá nhân phụ trách; tôn trọng quyết định của tập thể và biết lắng nghe, tiếp thu những ý kiến hợp lý của cá nhân. Đó là phong cách làm việc thống nhất, khoa học của người cán bộ để quy tụ sức mạnh tổng hợp, sự đoàn kết, thống nhất trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ; nếu không làm được như vậy thì tất nhiên sẽ có kết quả ngược lại. Tuân thủ quyết định của tập thể, nhưng đòi hỏi người cán bộ phải năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, tức là phải có dũng khí, quyết đoán thì mới tổ chức thực hiện tốt công việc được giao. Phong cách làm việc dân chủ đối lập hoàn toàn với kiểu làm việc áp đặt, mệnh lệnh hành chính, độc đoán, chuyên quyền, chủ quan duy ý chí hoặc dân chủ hình thức, cực đoan, tùy tiện, tự do vô tổ chức. Hồ Chí Minh đã cảnh báo rõ hiện tượng mất dân chủ, không tôn trọng tập thể của cán bộ, nhất là người đảm nhiệm chức vụ, quyền hạn cao trong hệ thống chính trị: “Lãnh đạo không tập thể, thì sẽ đi đến cái tệ bao biện, độc đoán, chủ quan. Kết quả là hỏng việc. Phụ trách không do cá nhân, thì sẽ dẫn đến cái tệ bừa bãi lộn xộn, vô chính phủ. Kết quả là cũng hỏng việc”3.

Phong cách làm việc khoa học. Hồ Chí Minh căn dặn: “Gặp mỗi vấn đề, ta phải đặt câu hỏi: Vì sao có vấn đề này? Xử trí như thế này, kết quả sẽ ra sao? Phải suy tính kỹ lưỡng. Chớ hấp tấp, chớ làm bừa, chớ làm liều, chớ gặp sao làm vậy”4 và “việc gì cũng phải điều tra rõ ràng, cẩn thận và phải làm đến nơi đến chốn”5. Đồng thời, yêu cầu cán bộ mỗi khi xong một việc, dù thành công hay thất bại đều phải có tổng kết rút kinh nghiệm, để đề ra những giải pháp thích hợp tiếp tục tổ chức thực hiện việc khác tốt hơn. Người còn nhắc nhở: “con mắt ta nhìn xã hội cũng phải khoa học”6; cần sử dụng phương pháp so sánh sự việc, hiện tượng theo thời gian, không gian, tính chất để làm rõ bản chất, có như vậy mới xây dựng được giải pháp thực hiện phù hợp. Trong bài Ý kiến về việc làm và xuất bản loại sách “người tốt, việc tốt” (năm 1968), Bác viết: “Các chú sẽ xem bản kê này, Bác đã ghi rõ mỗi ngành, mỗi giới, mỗi địa phương, già, trẻ, gái, trai, miền ngược, miền xuôi, Việt kiều mới về nước,... có bao nhiêu người được khen thưởng. Những con số ghi trong này không có ý nghĩa là ngành này, giới này, tỉnh này anh hùng hơn ngành, giới, tỉnh kia. Nơi nào có ít người được khen là do khuyết điểm của cấp lãnh đạo ở đó”7, v.v. Phong cách làm việc này, đối lập hoàn toàn với lối làm việc chủ quan, cảm tính, tự do, tùy tiện, mắc “bệnh cận thị”, không thấy xa trông rộng; những vấn đề to tát thì không nghĩ đến mà chỉ chăm chú những việc cụ thể, dẫn đến giải quyết công việc kém hiệu quả. Những người như vậy, theo Bác, chỉ trông thấy sự lợi hại nhỏ mà không thấy sự lợi hại lớn; chỉ thấy nhiệm vụ trước mắt mà không thấy tính lâu dài của công việc.

Phong cách làm việc thống nhất giữa lý luận với thực tiễn, nói đi đôi với làm, nêu gương trước cấp dưới. Về điều này, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã viết: “Mọi lời nói, việc làm của Hồ Chí Minh đều thiết thực và cụ thể. Nói là làm, thường là làm nhiều hơn nói, có khi làm mà không cần nói, tư tưởng hiện ra trong hành động”8. Trong xử lý công việc, Người thường phê phán những cán bộ chỉ biết nói là nói, nói “tràng giang đại hải”, nhưng một việc gì thiết thực cũng không làm được. Vì vậy, Người yêu cầu cán bộ “nói ít, bắt đầu bằng hành động”9, “tốt nhất là miệng nói, tay làm, làm gương cho người khác bắt chước”10. Đồng thời, luôn tự kiểm điểm, tự phê bình, những lời đã nói, việc đã làm, để phát triển điều hay, sửa đổi khuyết điểm; phải hoan nghênh người khác phê bình mình, kiên quyết loại trừ bệnh “hữu danh, vô thực” và chính Người là hiện thân “nói đi đôi với làm”, nêu gương trước quần chúng.

Là người sáng lập, lãnh đạo, rèn luyện Đảng ta, phong cách làm việc Hồ Chí Minh ảnh hưởng rất lớn, mang tính quyết định đến năng lực, phong cách, uy tín của Đảng và của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ cách mạng giải phóng dân tộc trước đây cũng như trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế hiện nay. Bởi vậy, sau hơn 30 năm đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng, “… đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử11. Thành tựu đó chứng tỏ: Đảng ta xứng đáng là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội; đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng luôn nỗ lực học tập, rèn luyện, phấn đấu không ngừng, gương mẫu trước quần chúng.

Tuy nhiên, qua thực tiễn công tác lãnh đạo, chỉ đạo cho thấy, một bộ phận không nhỏ cán bộ, trong đó có cả cán bộ chủ trì, chủ chốt còn chưa tích cực học tập, nghiên cứu, rèn luyện tính đảng, tính khoa học, tính quần chúng và tính thực tiễn theo phong cách Hồ Chí Minh. Trong công việc còn có biểu hiện quan liêu, chuyên quyền, độc đoán, xa dân, thiếu sâu sát cơ sở; tham nhũng, lãng phí; nói nhiều, nói hay, làm ít, làm dở, thậm chí nói một đằng làm một nẻo, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ thấp, gây thiệt hại cho tổ chức, đất nước, v.v. Phong cách làm việc như vậy, phản ánh những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; hạn chế về năng lực trí tuệ, năng lực hành động và phong cách lãnh đạo. Nếu không được sửa chữa kịp thời, những biểu hiện đó sẽ trượt dài đến “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, gây hại cho Đảng, cho nước, cho dân và cho chính mình. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, nhưng chủ yếu vẫn là do bản thân cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, nghiệp vụ chuyên môn, lề lối làm việc.

Sớm nhận ra những khuyết điểm đó của một bộ phận cán bộ, đảng viên, ngay từ năm 1947, Hồ Chí Minh đã viết tác phẩm: “Sửa đổi lối làm việc” để cảnh báo và khắc phục tệ nạn này. Người cho rằng, khi đã trở thành đảng cầm quyền, thì Đảng và đội ngũ cán bộ của Đảng phải thường xuyên sửa đổi lề lối làm việc. Đến nay, Tác phẩm ấy vẫn giữ nguyên giá trị, làm cơ sở để Đảng ta ban hành các chỉ thị, nghị quyết về xây dựng Đảng, nhất là Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Mục đích của việc làm này là nhằm khắc phục tình trạng: “Nhiều cán bộ, đảng viên, trong đó có người đứng đầu chưa thể hiện tính tiên phong, gương mẫu; còn biểu hiện quan liêu, cửa quyền, chưa thực sự sâu sát thực tế, cơ sở”12, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên “vừa hồng, vừa chuyên”, tổ chức đảng vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, ngang tầm với nhiệm vụ cách mạng trong thời kỳ mới. 

Để thực hiện được điều đó, về phương diện tổ chức, các cấp cần nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, giáo dục về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; trong đó, có phong cách làm việc cho đội ngũ cán bộ. Đồng thời, cụ thể hóa, xác định rõ tiêu chí về phong cách làm việc của từng loại cán bộ theo hướng đủ, ngắn gọn, dễ nhớ, dễ thực hiện, phù hợp với chức trách mỗi người; tiếp tục đổi mới, hoàn thiện phương thức lãnh đạo, quản lý của Đảng, Nhà nước và cấp ủy, chính quyền các cấp. Chú trọng phân định rõ chức năng, tăng cường phối hợp, giải quyết đúng đắn các mối quan hệ giữa các tổ chức; kiên quyết khắc phục tình trạng khép kín, cục bộ, bảo thủ; phân công, phân nhiệm không rõ ràng, chồng chéo, thủ tục rườm rà, đùn đẩy trách nhiệm. Khi đánh giá phong cách làm việc cán bộ cần phải khách quan, khoa học, thực tế, làm cơ sở để đề bạt, luân chuyển, bồi dưỡng, sử dụng. Hằng năm, các cấp thống nhất đánh giá thực trạng, xây dựng kế hoạch giáo dục, bồi dưỡng phong cách làm việc cho cán bộ phù hợp với đặc điểm, chức năng của đơn vị và khả năng, chức trách của mỗi người. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát; sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm, phát hiện hạn chế, yếu kém, lệch lạc về phương pháp làm việc của cán bộ để có biện pháp uốn nắn, khắc phục kịp thời.

Đối với mỗi cán bộ, đảng viên thì cần phải thấy rằng, sửa đổi lề lối làm việc là một đòi hỏi khách quan, được làm thường xuyên, liên tục, suốt đời và là nội dung quan trọng trong thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị. Trên cơ sở chức trách, nhiệm vụ, căn cứ vào các tiêu chí đã xác định, mỗi người phải “tự soi”, “tự sửa”, phấn đấu học tập, làm theo phong cách làm việc Hồ Chí Minh. Bản đăng ký của mỗi cá nhân cần được tập thể, trước hết là cấp ủy, chi bộ góp ý, thông qua, nếu cần thiết, công khai trước đơn vị để quần chúng giám sát, giúp đỡ. Cán bộ phải thực sự cầu thị, lắng nghe ý kiến đóng góp, dư luận của quần chúng để nhìn lại và suy ngẫm về phong cách làm việc của mình, thấy điều gì hợp lý thì phát huy, điều gì chưa phù hợp thì kiên quyết sửa. Hiện nay, đối tượng chịu sự lãnh đạo, quản lý của cán bộ có sự phát triển mới, trình độ ngày càng cao, quan hệ ngày càng rộng; xu thế công khai, dân chủ, minh bạch được mở rộng; các thành tựu về khoa học - công nghệ, nhất là về công nghệ số, công nghệ thông tin, truyền thông được ứng dụng rộng rãi vào các mặt đời sống xã hội và cá nhân. Điều đó, đòi hỏi cán bộ, nhất là cán bộ chủ trì phải không ngừng nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn nghiệp vụ, có phong cách làm việc khoa học, dân chủ, văn hóa. Người cán bộ phải biết đấu tranh và chiến thắng chính mình. Đó là một trong những điểm mấu chốt của phong cách làm việc Hồ Chí Minh.

Học tập, rèn luyện, sửa đổi lề lối làm việc theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là yêu cầu khách quan, nhiệm vụ chính trị, mệnh lệnh từ trái tim của mỗi cán bộ, đảng viên. Thực hiện tốt điều đó, sẽ là điều kiện để hoàn thiện chính mình và góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng trong sự nghiệp cách mạng mới./.

MINH SƠN

(Nguồn Tạp chí Quốc phòng toàn dân)
_________

1 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 5, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 246.

2, 3, 4, 5 - Sđd, tr. 248, 505, 239, 266.

6 - Sđd, Tập 8, tr. 298.

7 - Sđd, Tập 12, tr. 548.

8 - Phạm Văn Đồng - Hồ Chí Minh - Một con người, một dân tộc, một thời đại, một sự nghiệp, Nxb. Sự thật, H. 1990, tr. 64-65.

9 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 3, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 430.

10 - Sđd, Tập 5, tr. 108.

11 - ĐCSVN - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb CTQG, H. 2016, tr. 16.

12 - ĐCSVN - Văn kiện Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ tư, khóa XII, Văn phòng Trung ương Đảng, H. 2016, tr. 22.

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục gửi về banbientapcsb@gmail.com