20/11/2014 08:35:00 PM
(Canhsatbien.vn) -
Hội thảo khoa học quốc tế “Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển trong khu vực” được Học viện Ngoại giao, Hội luật gia Việt Nam và Quỹ hỗ trợ nghiên cứu Biển Đông phối hợp tổ chức hàng năm. Sự kiện học thuật này không chỉ là diễn đàn của các chuyên gia, nhà khoa học về Biển Đông trong nước và quốc tế mà còn ngày càng thu hút sự quan tâm của quan chức, báo giới và lực lượng trực tiếp thực hiện các nhiệm vụ trên biển.
Hội thảo năm nay được tổ chức tại TP. Đà Nẵng. Trong hai ngày làm việc, những vấn đề liên quan đến Biển Đông, đến hợp tác, an ninh và phát triển của các quốc gia trong khu vực đã được đưa ra bàn thảo. Theo đó, 8 phiên thảo luận tập trung vào các chủ đề: Các nhân tố ảnh hưởng đến vấn đề Biển Đông; Các bên tham gia và các lực lượng hoạt động trên biển; Tình hình Biển Đông và Chính sách của các bên liên quan; Quan hệ quốc tế; Luật Quốc tế về các vấn đề lục địa, đại dương, hàng không, các yêu sách và giải pháp; Các biện pháp xây dựng lòng tin trên biển và ngoại giao phòng ngừa.
Hội thảo Khoa học quốc tế “Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển trong khu vực lần thứ VI”.
Tại phiên thảo luận thứ 3 về tình hình Biển Đông và Chính sách của các Bên liên quan, bầu không khí hội thảo đã nóng lên bởi các bài tham luận về quản lý tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông; các giải pháp cân bằng lợi ích quốc gia và khu vực nhằm giảm bớt xung đột trong môi trường an ninh biển phức tạp… Theo đó, tình hình phức tạp của Biển Đông trong thời gian qua được phân tích ở dưới nhiều góc độ đồng thời sáng kiến hợp tác của các quốc gia cũng được sơ bộ đánh giá như các biện pháp xây dựng lòng tin, các đảm bảo về an ninh, khai thác chung các nguồn tài nguyên…qua đó hướng tới việc xác định liệu lợi ích của quốc gia có thể dung hòa với những mục tiêu lớn hơn của khu vực như môi trường an ninh, sự phát triển chung và một trật tự ổn định trên biển hay không.
Đại tá Bùi Trung Dũng - Phó Tham mưu trưởng, Trưởng đoàn đại biểu của Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển tham dự Hội thảo cho rằng, Hội thảo đã cung cấp những thông tin nghiên cứu đa chiều, hết sức hữu ích đối với lực lượng trực tiếp thực hiện nhiệm vụ thực thi pháp luật trên biển. Trên cương vị được giao, đồng chí sẽ tham mưu cho Thủ trưởng Bộ Tư lệnh tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị theo dõi và cử cán bộ tham gia các cuộc Hội thảo tiếp theo.
Có thể nói, qua hai ngày thảo luận, với tinh thần “thẳng thắn, khách quan, khoa học và cầu thị”, các nhà khoa học đã thảo luận, trao đổi sâu về những diễn biến gần đây trên Biển Đông, về những lợi ích và chính sách của các bên liên quan đồng thời đưa ra những kiến nghị thiết thực, góp phần vào việc giữ gìn hòa bình, ổn định ở Biển Đông. Thông qua Hội thảo, các học giả mong muốn góp phần quan trọng làm cho cộng đồng quốc tế, bao gồm cả các chính phủ, các tổ chức và người dân hiểu rõ bản chất của tranh chấp Biển Đông, hiểu rõ những nguyên nhân, những đúng, sai trong các vụ việc diễn ra trên Biển Đông và hiểu rõ lợi ích chính đáng của các bên liên quan trực tiếp và gián tiếp đến tranh chấp trên Biển Đông.
Thanh Hương