Phát triển bền vững biển, đảo Việt Nam: Khởi sắc quê hương mẹ Suốt anh hùng

06/08/2013 09:53:00 AM

(Canhsatbien.vn) - 

Cách đây khoảng chục năm, Bảo Ninh (Quảng Bình) - quê hương mẹ Suốt anh hùng còn là một bán đảo nhỏ, bốn bề sông nước. Phương tiện duy nhất nối Bảo Ninh với đất liền chính là những con đò ngang, thuyền thúng mong manh. Mảnh đất này hiện là nơi cư ngụ của không ít người di cư vì đói nghèo...

Mặc dù biển Bảo Ninh giàu sản vật, người Bảo Ninh cần cù chăm chỉ, chịu thương, chịu khó nhưng người dân nơi đây vẫn đói nghèo và thiếu thốn quanh năm. Nguyên nhân do trước đây, ngư dân Bảo Ninh chỉ đi biển 6 tháng, những tháng còn lại không thể ra khơi xa do phương tiện đánh bắt thô sơ, lạc hậu.

Từ khi Bảo Ninh được nối liền với Đồng Hới bằng cây cầu Nhật Lệ dài hơn 600 m, vùng đất này đã từng ngày đổi thay. Về quê hương mẹ Suốt hôm nay không còn thấy cảnh người dân nghèo đói, lạc hậu, mong ngóng chờ đến mùa đi biển nữa. Giờ đây, ngư dân Bảo Ninh đi biển quanh năm trên những con tàu công suất lớn với những trang thiết bị hiện đại, vươn tới các ngư trường xa rộng, đưa nghề biển phát triển mạnh mẽ, khai thác có hiệu quả tiềm năng thế mạnh của địa phương.

Làm giàu từ biển

Khi được hỏi về cuộc sống người dân Bảo Ninh hiện nay, ông Phạm Đức Hiền, Phó chủ tịch UBND xã Bảo Ninh phấn khởi cho biết: “Giờ đây, Bảo Ninh không còn là một làng chài nghèo nữa mà đã phát triển năng động, vươn lên trở thành một trong những điểm sáng phát triển kinh tế biển của cả tỉnh”.

Đến nay, toàn xã có 406 tàu cá với tổng công suất 32.000 CV, trong đó có tới hơn 200 tàu có công suất lớn vươn được tới vùng biển xa. Chỉ trong 6 tháng đầu năm nay, trên địa bàn xã đã có 13 tàu được đóng mới có công suất lớn, tổng giá trị tài sản trên 50 tỷ đồng. Sản lượng khai thác trên toàn xã 6 tháng đầu năm 2013 đạt 3.042 tấn, tăng hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước. Thu nhập bình quân từ nghề đánh bắt trên biển đạt từ 3,5 - 4 triệu đồng/ người/tháng.

Bến thuyền Bảo Ninh. (ảnh: Ngọc Lan)

Nhiều hộ đã mạnh dạn chuyển đổi nghề nghiệp, phát triển nghề vây rút chì, nghề rê, nghề câu lưới các loại để phù hợp với những ngư trường lớn, vùng biển xa theo Quyết định số 48/QĐ - Ttg của Thủ tướng Chính phủ về về một số chính sách khuyến khích, hỗ trợ khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa. Đánh bắt trên vùng biển xa kết hợp áp dụng khoa học, kỹ thuật tiên tiến đã nâng cao hiệu quả của nghề biển cho ngư dân Bảo Ninh. Cũng nhờ vậy, với dân số hơn 9.000 người, trong đó có đến 60% theo nghề biển, nhưng tỷ lệ hộ nghèo của Bảo Ninh chỉ còn 1,21%. Đặc biệt, trên địa bàn còn có những cơ sở dịch vụ nghề cá có doanh thu hàng năm lên đến hàng tỷ đồng.

Ngư dân Nguyễn Văn Bình, 42 tuổi ở thôn Hà Thôn, xã Bảo Ninh, người theo nghề biển từ khi còn rất nhỏ cho biết: “Trước đây, khi còn ra khơi trên những con tàu công suất nhỏ, công nghệ lạc hậu, chúng tôi luôn phải để ý đến từng con sóng, luồng lạch, công việc đánh bắt phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện thời tiết. Từ khi chúng tôi đóng tàu mới công suất lớn, công nghệ hiện đại, chúng tôi có thể đi ra những vùng biển xa có nhiều sản vật hơn, sản lượng đánh bắt nhiều hơn”.

Năm 2012, anh Bình cùng 8 gia đình khác đã góp tiền lại đóng mới một chiếc tàu trọng tải 245 CV trị giá 1,1 tỷ đồng để vươn ra những vùng biển xa. Con tàu này đã giúp tạo công ăn việc làm cho 10 lao động với mức thu nhập bình quân 5 triệu đồng/ người/ tháng. Trong đợt ra khơi đánh bắt gần đây nhất, sau khi trừ chi phí đi, tàu của anh thu lợi nhuận gần 100 triệu đồng.

Mạnh lên từ biển

Ông Phạm Đức Hiền cho hay: Hiện toàn xã đã thành lập 47 tổ hợp tác trên biển, 2 tổ hợp tác đánh bắt thủy hải sản và Nghiệp đoàn Nghề cá, gắn phát triển kinh tế với chủ quyền biển đảo. Khi tham gia vào tổ hợp tác khai thác trên biển, ngư dân được hưởng một số quyền lợi chung về vốn sản xuất, ngư lưới cụ, kinh nghiệm đánh bắt… Chính vì vậy, thu nhập sẽ được đảm bảo cao hơn trước đây.

Cũng theo ông Hiền, khi ra khơi cùng các tàu thuộc tổ hợp tác, ngư dân cũng yên tâm hơn nếu gặp những sự cố. Hơn nữa, ngư dân có thể thường xuyên trao đổi thông tin về thời tiết, nguồn hải sản trên ngư trường, chia sẻ những kinh nghiệm đi biển cho nhau. Việc đi cùng các tàu trong tổ hợp tác trên biển còn giúp ngư dân tăng số chuyến đi biển, từ đó nâng sản lượng đánh bắt và thu nhập bình quân của ngư dân lên.

Theo ngư dân Nguyễn Văn Bình: Tổ hợp tác của anh có 7 tàu cá cùng hoạt động trong một ngư trường dưới sự điều hành của một tàu đội trưởng. Thuyền trưởng có trách nhiệm chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cho các tàu luân phiên vào bờ đưa sản phẩm vào đất liền tiêu thụ, cung ứng dầu, tiếp lương thực thực phẩm cho các tàu trong tổ đang đánh bắt ngoài khơi. Khi một trong các tàu thuộc tổ gặp sự cố trên biển, thuyền trưởng cũng là người chịu trách nhiệm sắp xếp công việc cho từng tàu, tìm phương án khắc phục sự cố cho các tàu trong tổ.

Anh Bình tâm sự: “Ra khơi xa cùng anh em các tàu trong tổ, chúng tôi yên tâm lắm vì khi đánh bắt xa bờ gặp phải những sự cố như hỏng máy móc, thiết bị, phương tiện, điều kiện thời tiết bất lợi, cả đội tàu đi cùng nhau sẽ đoàn kết và tương trợ, từ đó kịp thời khai thác luồng cá, yên tâm bám biển vươn ra những ngư trường xa, góp phần giữ vững chủ quyền biển đảo của đất nước”.

Về Bảo Ninh cũng như về những vùng biển của Quảng Bình những ngày này, ngư dân đang phấn khởi khi mùa đánh bắt năm nay có sản lượng cao hơn năm trước. Nhờ vậy, đời sống người dân nơi đây ngày càng chuyển biến khi biển không phụ lòng người. Nơi biển xanh cát trắng đang từng ngày thay da đổi thịt, ở đó cũng có những người dân ngày đêm bám biển làm giàu, giữ gìn biển, đảo Việt Nam.

Thu Phương

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục gửi về banbientapcsb@gmail.com