Phụ nữ quân đội nỗ lực vươn lên

20/10/2017 02:21:00 PM

(Canhsatbien.vn) - 

QĐND - Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị khóa X về “Công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước”, công tác quy hoạch, sắp xếp, bổ nhiệm cán bộ nữ đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo trong các cơ quan, đơn vị quân đội được cấp ủy, chỉ huy các đơn vị trong toàn quân quan tâm, tạo những chuyển biến tích cực. Tỷ lệ cán bộ nữ đảm nhiệm cương vị chủ chốt tại cơ quan, đơn vị ngày một tăng...

Nỗ lực phấn đấu, vượt lên chính mình

“Hiện nay, chị em công tác ở lĩnh vực nghiên cứu khoa học, ở môi trường đặc thù trong các cơ quan, đơn vị quân đội chiếm tỷ lệ đáng kể. Nhiều chị em có kiến thức, khẳng định trình độ, năng lực, sự tự tin và bản lĩnh của mình không thua kém nam giới”-Đại tá Bùi Thị Lan Phương, Trưởng ban Phụ nữ Quân đội khẳng định với chúng tôi như vậy.

Những năm qua, hưởng ứng Phong trào thi đua “Phụ nữ quân đội tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” gắn với Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”, tại các cơ quan, đơn vị toàn quân, chị em phụ nữ đã không ngừng nỗ lực, phấn đấu, tự tin khẳng định mình.

 

Kiểm định chất lượng thuốc phóng ở Trung tâm T263, Cục Quân khí, Tổng cục Kỹ thuật.

(Ảnh: Hồng Phúc)

Kể về những ngày đầu nhận nhiệm vụ tại nhà máy, Thượng tá Bùi Thị Lộc, Trưởng phòng Kiểm tra chất lượng sản phẩm (KCS), Nhà máy Z113 (Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng) chia sẻ: “Là phụ nữ, công tác ở môi trường đặc thù hầu hết là nam giới, mới đầu tôi cũng chịu nhiều áp lực. Tuy nhiên, qua đó mình càng thêm quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”. Không chỉ kiên trì, cố gắng, chị Lộc còn chủ động, tích cực trong nghiên cứu các đề tài, sản phẩm mới. Với vốn kiến thức và kinh nghiệm tích lũy của bản thân, chị mạnh dạn tham mưu, đề xuất với lãnh đạo nhà máy những giải pháp, cách thức phù hợp để quản lý tốt nhất chất lượng sản phẩm, đồng thời giám sát, cải tiến về quy trình, mẫu biểu, nâng cao chất lượng công tác quản lý. Nhiều công trình, đề tài nghiên cứu khoa học có giá trị được ứng dụng vào sản xuất đạt hiệu quả cao gắn với “thương hiệu” của chị đã ra đời. Đặc biệt, cùng với thực hiện Đề tài “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo đạn 7,62-K56 lõi hợp kim cứng xuyên áo giáp” theo Chương trình KC-NQ-06 của Bộ Quốc phòng, chị còn được cấp trên tin tưởng giao trực tiếp chỉ huy bắn thử nghiệm đạt kết quả tốt, được thủ trưởng Bộ Quốc phòng biểu dương, khen thưởng và thăng quân hàm trước niên hạn.

Đại tá, TS, bác sĩ Vũ Hà Nga Sơn - Phó giám đốc Bệnh viện 354 (Tổng cục Hậu cần) được đồng nghiệp tin tưởng, nể phục cả về trình độ chuyên môn và trong cuộc sống thường ngày. Nhiều người biết đến chị với các công trình, đề tài nghiên cứu khoa học kỹ thuật mới và khó, được áp dụng vào việc cứu chữa, chăm sóc người bệnh, nhất là đối với các bệnh nhân trong tình trạng hôn mê, đột quỵ do nhồi máu não... Trò chuyện với chúng tôi, chị chia sẻ: “Phụ nữ làm công tác khoa học đã vất vả, làm công tác quản lý càng khó khăn, vất vả gấp nhiều lần. Bản thân tôi không chỉ nỗ lực, cố gắng, học hỏi nhiều hơn để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và học hỏi cả trong cách ứng xử, đồng thời phải sâu sát, tìm hiểu, lắng nghe cấp dưới… Chỉ có làm được như vậy thì mệnh lệnh của người chỉ huy mới được sự đồng thuận cao”.

Đó là hai trong số nhiều tấm gương phụ nữ tiêu biểu trong toàn quân đã không ngừng nỗ lực, bản lĩnh, tự tin khẳng định mình trong nghiên cứu khoa học và trên lĩnh vực công tác quản lý. 10 năm trở lại đây, toàn quân có hơn 13 nghìn sáng kiến, đề tài, công trình, sản phẩm của phụ nữ có hàm lượng tri thức cao, được ứng dụng rộng rãi, mang lại hiệu quả thiết thực trong sản xuất, huấn luyện, SSCĐ. Tỷ lệ nữ đảm nhiệm công tác quản lý, giữ vai trò chủ chốt tại các cơ quan, đơn vị cũng ngày một tăng. Theo số liệu của Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ Bộ Quốc phòng, đến nay, tỷ lệ cán bộ nữ trong toàn quân đạt 2,6% tổng số cán bộ đang công tác (tăng 0,8% so với năm 2007). Tỷ lệ cán bộ nữ được bổ nhiệm chức vụ mới bình quân hằng năm đạt 4,5%; riêng năm 2016 đạt 6,5%, tăng 1,5% so với năm 2007. Đặc biệt, sau đại hội Đảng bộ các cấp trong quân đội nhiệm kỳ 2016-2021, tỷ lệ nữ đảng viên tham gia cấp ủy Đảng các cấp trong toàn quân đạt 3,64% (tăng 1,37% so với nhiệm kỳ 2010-2015); trong đó, tỷ lệ nữ là đảng ủy viên cấp trực thuộc Quân ủy Trung ương đạt 2,12%. Công tác bồi dưỡng, tạo nguồn phát triển đảng viên cho nữ đoàn viên thanh niên được chú trọng. Năm 2016, số nữ đảng viên kết nạp mới đạt 10,1% trong tổng số đảng viên mới kết nạp, tăng 2,33% so với năm 2007.

Cấp ủy, chỉ huy cần thực sự quan tâm

Tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Luật Bình đẳng giới và Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước” trong quân đội, do Bộ Quốc phòng tổ chức mới đây, nhiều ý kiến thống nhất cho rằng: Sự nỗ lực, cố gắng của chị em là điều kiện tiên quyết để phụ nữ vươn lên khẳng định mình. Tuy nhiên, hiện nay, ở một số cơ quan, đơn vị, sự nhìn nhận của cấp ủy, lãnh đạo, chỉ huy chưa thực sự được thấu suốt; định kiến về nữ chưa được gỡ bỏ. Trong quá trình bổ nhiệm vị trí quản lý, lãnh đạo, nữ giới chưa được đánh giá đúng khả năng và chưa ngang tầm với nam giới.

Đề cập về những hạn chế này, Thiếu tướng Nguyễn Viết Xuân - Phó Chính ủy Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng, Trưởng ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng cho rằng, vướng mắc lớn nhất tại các cơ quan, đơn vị là chưa có quy hoạch dài hạn phát triển đội ngũ cán bộ quản lý, lãnh đạo là nữ; chưa có chính sách cụ thể hỗ trợ phụ nữ tham gia các khóa đào tạo bồi dưỡng, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ kỹ thuật mang tính đặc thù ngành; một số cấp ủy, chỉ huy chưa chủ động chỉ đạo sự phối hợp của các cơ quan, tổ chức trong việc thúc đẩy thực hiện các mục tiêu của Nghị quyết số 11…

Niềm vui của các nữ quân nhân tại Hội thi Giáo viên dạy giỏi và thi đồ dùng, đồ chơi bậc mầm non trong quân đội lần thứ V.

(Ảnh: Nguyễn Tuấn Huy) 

Thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của Quân ủy Trung ương, theo đó “các cơ quan, đơn vị có tỷ lệ nữ từ 30% trở lên cần có cơ cấu cán bộ lãnh đạo chủ chốt là nữ”, những năm gần đây, cấp ủy, chỉ huy các đơn vị trong toàn quân chú trọng đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ nữ nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực quản lý. Đến nay, phong trào hoạt động của phụ nữ quân đội có bước phát triển mạnh cả về số lượng, chất lượng và cơ cấu. Tuy nhiên, nhìn tổng thể, mặt công tác này vẫn còn bộc lộ những hạn chế, nhất là đối với một số đơn vị mang tính đặc thù.

Đại hội XII của Đảng khẳng định: “Nâng cao trình độ mọi mặt và đời sống vật chất, tinh thần của phụ nữ; thực hiện tốt bình đẳng giới, tạo điều kiện cho phụ nữ phát triển tài năng. Nghiên cứu, bổ sung và hoàn thiện luật pháp và chính sách đối với lao động nữ, tạo điều kiện và cơ hội để chị em thực hiện tốt vai trò và trách nhiệm của mình trong gia đình và xã hội”. Quán triệt tinh thần đó, tại Đại hội đại biểu Phụ nữ Quân đội lần thứ VI, Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nhấn mạnh: Cấp ủy, chính ủy, người chỉ huy và cơ quan chính trị cần hết sức chăm lo, tạo điều kiện cho phụ nữ phấn đấu và cống hiến; chủ động quy hoạch, bồi dưỡng nguồn cán bộ nữ, nghiên cứu bố trí, sắp xếp công tác phù hợp với trình độ, năng lực, sở trường và hoàn cảnh gia đình của chị em, nhất là chị em công tác ở vùng sâu, vùng xa, hoàn cảnh khó khăn”.

Để công tác cán bộ nữ trong quân đội phát triển vững chắc, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, điều quan trọng là cấp ủy, chỉ huy các đơn vị cần làm tốt công tác tham mưu về công tác cán bộ, có chiến lược lâu dài trong quy hoạch, bồi dưỡng, đào tạo để tạo nguồn, góp phần nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ quân đội trong tình hình mới.

Theo qdnd.vn

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục gửi về banbientapcsb@gmail.com